Đoàn cựu TNXP tỉnh Gia Lai tham quan một số địa chỉ đỏ

Đăng lúc: 24-04-2023 1:42 Chiều - Đã xem: 176 lượt xem In bài viết

          Từ ngày 17/4 đến 22/4/2023 đoàn cựu TNXP tiêu biểu của Tỉnh hội Gia Lai đã đi  thăm các địa chỉ đỏ: Thành cổ Quảng trị[1], Nghĩa Trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9[2], Hang Tám cô[3], mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tượng đài Mẹ Suốt[4], Ngã ba Đồng lộc, Truông Bồn, quê Bác, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn do Chủ tịch Tỉnh hội Trần Văn Bình dẫn đầu, gồm có 35 người, là cán bộ lãnh đạo Tỉnh hội, hội cấp huyện, một số cán bộ cấp phường và cá nhân tiêu biểu.

Đoàn đã thuê xe du lịch có hướng dẫn viên và một bác sỹ đi cùng. Tại mỗi địa chỉ đỏ đoàn đã dâng hương, hoa, thắp nhang viếng các anh hùng, liệt sĩ.

          Đoàn về quê ngoại của Bác Hồ (ảnh trên) ở làng Hoàng Trù hay còn gọi là làng Chùa, thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đây chính là quê hương của thân mẫu Bác Hồ – cụ Hoàng Thị Loan. Cũng tại làng Hoàng Trù này, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã được ông bà ngoại của Bác Hồ nhận nuôi dưỡng và giáo dục thành tài. Mặc dù chỉ sống tại quê ngoại một quãng thời gian ngắn, từ lúc lọt lòng (ngày 19 tháng 5 năm 1890) đến khi 5 tuổi nhưng những hình ảnh thân thương của quê ngoại vẫn luôn sâu đậm trong tâm trí của Người. Cả một đời bôn ba lo toan việc nước, Người đã đặt chân tới rất nhiều vùng đất trên thế giới, thế nhưng Người cũng chỉ có điều kiện về thăm lại quê ngoại một lần duy nhất vào ngày 9/12/1961.

          Đoàn vào viếng lăng Bác, rất nhiều đồng chí trong đoàn lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy thi hài của Bác trong Lăng. Bác như đang nằm ngủ một giấc dài ngàn thu!

          Cuối cùng đoàn đến thăm cơ quan Trung ương Hội. Tại đây đoàn đã được Lãnh đạo cùng toàn bộ cán bộ viên chức của Trung ương Hội tiếp đón nồng nhiệt. Tại buổi gặp mặt hai bên đã  trao đổi một số công việc liên quan đến hoạt động của các cấp hội ở địa phương.

         Chủ tịch Thành hội Pleiku Trương Minh Hải (ảnh trên) đề đạt một số ý kiến: thẻ cho hội viên nên được Trung ương Hội cấp, vì thẻ Tỉnh hội cấp chỉ có giá trị tại cấp tỉnh, khi chuyển về tỉnh khác phải cấp lại; đề nghị Trung ương Hội giúp đỡ để hai Tiểu đoàn 19/8 và 20/12 thành lập sau 1975 được công nhận phiên hiệu TNXP; Trung ương Hội nên có chủ trương cấp Kỷ niệm chương cho cán bộ, hội viên có số năm công tác và cống hiến từ khi thành lập hội đến nay; Đại hội nhiệm kỳ nên thống nhất vào năm nhất định trong cả nước từ cơ sở đến Trung ương để tiện cho việc thi đua khen thưởng; Khen thưởng với hình thức Cờ thi đua nên mở rộng đến cấp huyện.

          Phúc đáp những đề xuất của đại biểu Tỉnh hội, đồng chí Vũ Trọng Kim (ảnh trên) nói: Trung ương Hội rất quan tâm đến các các cấp hội cơ sở, sẽ cố gắng giúp đỡ các Tỉnh hội giải quyết những vướng mắc. Những ý kiến đề xuất của đồng chí Hải, Đoàn Chủ tịch  sẽ nghiên cứu xem xét, còn ý kiến đề xuất Đại hội thống nhất, Cở Thi đua mở rộng xuống cấp huyện thì khó thực hiện…

Chuyến đi thành công mỹ mãn, đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với các thành viên trong đoàn.

Một số hình ảnh khác:

Tại Thành cổ Quảng Trị

 

Tại Nghĩa trang Đường 9

 

Tại hang Tám cô

 

Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tại Ngã 3 Đồng Lộc

 

Tại tượng đài Mẹ Suốt

 

Tại Truông Bồn

 

Tại cơ quan Trung ương Hội

 

Nguyễn Thị Trà

Tỉnh hội Gia Lai


[1] Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt “Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972” được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng theo Quyết định số 2383QĐ-TTg ngày 09/12/2013, gồm 07 di tích thành phần: 1. Thành cổ Quảng Trị (Phường II, thị xã Quảng Trị); 2. Ngã ba và Nhà thờ Long Hưng (xã Hải Phú, Hải Lăng); 3. Nhà thờ Tri Bưu (Phường II, thị xã Quảng Trị); 4. Trường Bồ Đề (Phường III, thị xã Quảng Trị); 5. Bến sông Thạch Hãn (Bờ Nam (Phường II, thị xã Quảng Trị) có các công trình: Nhà tưởng niệm, Bến thả hoa, Quảng trường Giải Phóng, Tháp chuông Thành cổ; Bờ Bắc (Phường An Đôn, thị xã Quảng Trị) có các công trình: Đền tưởng niệm, Bến thả hoa, Tượng đài); 6. Chốt Long Quang (xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong); 7. Chốt Ngô Xá Tây (xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong)

[2] Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 nằm bên cạnh Quốc lộ 9, P. 4, cách trung tâm thành phố Đông Hà khoảng 6km về phía Tây; là nơi yên nghĩ của hơn 9.500 anh hùng, liệt sĩ thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong đó có 3.227 mộ liệt sỹ được xác định đầy đủ tên tuổi quê quán, được mai táng theo từng tỉnh thành, có 785 mộ xác định chưa đầy đủ, còn lại chưa rõ tên tuổi.

[3] Hang Tám Cô thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nằm trên con Đường 20 – Quyết Thắng nay là Đường tỉnh 562, là di tích lịch sử gắn liền với việc 8 chiến sỹ (4 nam, 4 nữ) TNXP của Đại đội TNXP 217 và 5 chiến sỹ pháo binh hy sinh trong hang đá sau khi không quân Mỹ ném bom ngày 14/7/1972. Tập thể 8 liệt sỹ TNXP đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2010.

[4] Tượng đài mẹ Suốt được nhà điêu khắc Phan Đình Tiến thiết kế với chiều cao 7 mét, bao gồm cả bệ, tập trung đặc tả hình ảnh người mẹ tay cầm chắc mái chèo, đầu hiên ngang ngẩng cao, vai khoác tấm vải dù bay phấp phới. Một bên dưới chân tượng khắc họa hình ảnh sóng gió bom đạn, một bên là hình ảnh bộ đội, thương binh, TNXP, dân công mà mẹ Suốt đã đưa sang sông. Mẹ Nguyễn Thị Suốt, sinh năm 1906 tại Bảo Ninh, Quảng Bình. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt, mẹ Suốt đã xung phong làm nhiệm vụ kết nối đường dây liên lạc giữa Đồng Hới với Bảo Ninh, chèo đò giúp bộ đội qua sông, vận chuyển đạn. Năm 1967 mẹ Suốt được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Mẹ Suốt hy sinh ngày13/10/1968.