Đội TNXP chống Mỹ cứu nước Nghệ An đầu tiên trên đường Trường Sơn và Đại đội 168 anh hùng

Đăng lúc: 19-05-2022 9:24 Sáng - Đã xem: 134 lượt xem In bài viết

Vác hàng vượt đèo cao dốc ngược

Ngày 18/08/1965 tại xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyện, đội TNXP tập trung của Nghệ An, biệt phái tại Đoàn 559, phục vụ chiến trường B, C được thành lập. Đội TNXP này do Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban chỉ huy Tổng đội TNXP Nghệ An đã tuyển chọn 593 cán bộ đội viên trong số 40 đại đội TNXP của Tổng đội nhập ngũ từ tháng 5/1965. Đội biên chế thành 3 đại đội (C164, C166, C168) gồm 601 đồng chí, do đồng chí Dương Hiện Đại, sĩ quan quân đội chuyển ngành, làm Đội trưởng, đồng chí Chu Văn Hồng[i] – Ủy viên BCH Tỉnh đoàn, làm Chính trị viên.

Tác giả bài viết

Sau khi ổn định tổ chức, luyện tập quân sự, học tập chính trị, bồi dưỡng sức khỏe, tối ngày 24/8/1965, đơn vị vượt sông Lam lên đường làm nhiệm vụ. Tối 15/9/1965, đơn vị vượt sông Xê Băng Hiêng (đầu nguồn sông Bến Hải). Ở đây Đội được tăng cường 15% cán bộ chiến sĩ quân đội. Bộ tư lệnh 559 điều đại úy Trần Anh Don, quê Vĩnh Linh làm Binh trạm trưởng, đại úy Nguyễn Việt Hiên quê Hà Nội làm Chính trị viên trưởng Binh trạm, Nguyễn Quốc Đức, cán bộ ngành giao thông (em trai anh hùng Nguyễn Quốc Trị) làm Binh trạm phó, Chu Văn Hồng làm Chính trị viên phó. Binh trạm 8 TNXP Nghệ An được thành lập trực thuộc tuyến 2 Đoàn 559. Đơn vị triển khai theo từng trung đội từ trạm 2 đến trạm 6 tiến vào đường 9 – Nam Lào vận chuyển hàng quân sự, bằng vác bộ, xe đạp thồ, chuyển lên phía trước và từ bờ Bắc sang bờ Nam sông Xê Băng Hiêng…

– Đại đội 168 do đồng chí Nguyễn Sĩ Hùng quê Đô Lương, làm đại đội trưởng, đồng chí Nguyễn Xuân Dương, Thường vụ đảng ủy xã Nghi Hương làm Chính trị viên. Công việc mới lại thực hiện trong mùa mưa Trường Sơn, đường dốc, đá tai mèo… Địch luôn dùng máy bay bắn thăm dò vào địa bàn hoạt động của đơn vị, nhưng đại đội 168 đã phát huy sáng kiến vận chuyển tiếp sức, vượt chỉ tiêu gùi hàng bình quân 40-45 kg. Nhiều cán bộ đội viên thi đua nâng bình quân gùi lên 65-75 kg. Đặc biệt có đồng chí Nguyễn Duy Khương, quê Nghi Công, Nghị Lộc nâng bình quân cho mình từ 75-85 kg, có cung đường nâng lên 105kg. Đồng chí Khương được cử đi báo cáo tại Đại hội thi đua Toàn quốc cuối năm 1966 tại Hà Nội và được Nhà nước thưởng Huân chương chiến công hạng Ba. Đợt chuyển hàng từ 20/9 – 30/12/1965 đơn vị được Bộ tư lệnh 59 gửi điện biểu dương khen ngợi.

Mở đường, thông xe, Cà Roòng[1] “cửa từ!”, TNXP anh hùng

– Tháng 12/1965, Đội TNXP Nghệ An bổ sung cho quân đội 126 cán bộ đội viên. Đơn vị còn lại 311 đồng chí, bỏ phiên hiệu 164 còn lại 2 đại đội 166 và 168, chuyển sang làm đường. Ngày 16/12/1965 đơn vị hành quân đến Công trường 20 (tức là đường Quyết Thắng, một cung đường ngang nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn của đường mòn Hồ Chí Minh). Nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị là cùng với các đơn vị công binh, công nhân ngành giao thông vận tải vừa mở đường, vừa đảm bảo giao thông, chi viện lên phía trước và làm kho tạm, bốc vác hàng vào kho, bảo vệ kho, bảo vệ phà Xuân Sơn. Trong thời gian này, đơn vị cùng với quân nhân địa phương bắt sống được một phi công Mỹ khi máy bay bị bắn cháy; Đại đội 168 được Bộ tư lệnh 559 thưởng một đài bán dẫn Orionton.

Từ 4/1966, Tiểu đoàn 3, tức Đội 3 TNXP Nghệ An được phân công đảm bảo giao thông và mở đường từ Km 52 đến Km 62 Đường 20, trong đó có 2 trọng điểm Cà Roòng và Km 59. TNXP Nghệ An không những phải đảm nhiệm tốt phần đường mình được giao, nhất là chốt các trọng điểm, mà còn được điều đi ứng cứu cho đơn vị bạn.

Tuyến đường đã 2 lần bị rải chất độc hóa học. Chỉ tính ở trọng điểm Cà Roòng địch đã tập trung đánh phá liên tục, có ngày địch đánh từ 0h đến 20h, như ngày 23/6/1966, có 19 trận, tính ra 1giờ 16 phút làm một trận. Cao điểm Cà Roòng ngày hôm ấy phải hứng chịu 54 quả bom lớn, 9 loại rocket 36 quả, 1 bom bi mẹ, và một số bom bươm bướm. Có lúc duy nhất chỉ còn một cách là dùng xe ủi, ủi đường thành 1 vệt, xe theo đó mà vượi trọng điểm. Ở đây có trận đã hy sinh 3 đồng chí, trong đó có đồng chí Trần Văn Thanh (quê Nghi Lộc) là thợ lái máy ủi và 8 đồng chí khác bị thương.

Địch càng đánh phá khốc liệt thì nhiệm vụ đảm bảo giao thông đưa hàng lên phía trước càng khẩn trương quyết liệt. Đồng chí Nguyễn Văn Khoái, Trung đội trưởng, thuộc Đại đội 168 có sáng kiến: mỗi tiểu đội chọn 1 đơn vị đào 4 hầm, ém quân thay nhau trực chiến 24/24 bên cạnh đường để tranh thủ giữa 2 trận đánh của máy bay Mỹ mà san lấp hố bom, hoặc dẫn đường cho xe ủi dọn tuyến thông xe. Sáng kiến của đồng chí Khoái được áp dụng có hiệu quả. Đồng chí Khoái được 3 lần mời về Bộ tư lệnh 559 báo cáo kinh nghiệm điển hình đảm bảo giao thông và được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Trong chiến đấu ác liệt, nhiều tấm gương sáng, dũng cảm, ngoan cường, xuất hiện ở Đại đội 168. Tiểu đội trưởng Đinh Bạt Tuyên, quê Nghi Công, Nghi Lộc, ngồi cạnh đồng chí lái máy ủi, dẫn đường cho máy làm việc. Máy bay địch đánh, đồng chí lái máy ủi bị thương không điều khiển được, Tuyên nhảy sang lái thay, mặc dù chưa học nghề vẫn quyết tâm cho máy nổ, ủi thành một vệt đường để đoàn xe theo đó vượt qua trọng điểm. Lúc lái máy Tuyên bị thương ở vai, đầu gối rồi ngất xỉu, đồng đội đưa về trạm xá rồi Tuyên mới biết mình phải khâu 3 mũi. Trong đợt giải phóng đoàn xe này Đinh Bạt Tuyên được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai và Nguyễn Văn Chương được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Tháng 6/1966, Trung đoàn công binh 4 (E4)phụ trách từ Km 62 – Km 71 đường 20 gặp nhiều khó khăn, Đại đội 168 đã cử một trung đội do Hồ Bá Thâm làm Trung đội trưởng chỉ huy chi viện cho E4. Trung đội chốt giữ ngầm A Ky suốt mùa mưa, vượt qua bom đạn và mưa lũ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đơn vị tiếp tục gương dũng cảm và anh hùng trên mặt trận GTVT Trường Sơn ở Cua chữ A

– Năm 1967 – 1969 địch đánh phá ác liệt hơn. Đơn vị lúc này (cuối 1968)[ii] cũng đã có nhiều thay đổi: đồng chí Nguyễn Văn Khoái được đề bạt đại đội trưởng, đồng chí Trần Văn Thân lên phụ trách công tác đoàn Đội 23, đồng chí Long lên quyền chính trị viên. Từ cuối năm 1966 đồng chí Hồ Bá Thâm đã được Ban chỉ huy đội 23 (tức đội 3 cũ) tăng cường làm đại đội phó, trạm trưởng barie và sau này là chính trị viên trưởng Đại đội 1, TNXP Hà Tĩnh, chốt giữ ở ngầm Ca Roòng.

Thực hiện lệnh điều động chi viện của cấp trên, đồng chí Nguyễn Văn Khoái đưa một số trung đội lên Km 68 đường 20 ứng cứu cho đại đội 5 thuộc Đội TNXP 25 anh hùng, chốt giữa Cua chữ A. Trong đợt ứng cứu này, ngày 15/2/1969 máy bay B52 đánh vào đơn vị, các đồng chí Khoái, Võ Văn Tiến (trung đội trưởng, quê xã Nghi Công), Hồ Trung Tú (quê xã Nghi Hưng, Nghi Lộc, có giấy gọi về Hà Nội đi học vẫn xung phong đi ứng cứu) và 5 đồng chí khác nữa đã anh dũng hy sinh Sau khi đồng chí Khoái hy sinh, đồng chí Lê Văn Long được đề bạt làm đại đội trưởng đến năm 1975 mới ra quân. Đồng chí Long công tác liên tục cả 3 nhiệm kỳ TNXP chống Mỹ cứu nước.

Với thành tích xuất sắc, Đại đội 168 đã được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Hai về thành tích chốt giữ trọng điểm và đảm bảo phần đường được phân công luôn luôn thông tuyến đón đưa xe ra vào chiến trường an toàn; được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND theo QĐ 623/QĐ-CTN ngày 26/4/2018.

 CHU VĂN HỒNG

 


[i] Đã mất khi ngoài 80 tuổi vì bệnh tim

[ii] Theo sách Hội Cựu TNXP Nghệ An, Hồ Bá Thâm- Mai Ất -Trần Văn Thân đồng chủ biên, Nxb Tổng  hợp TPHCM, 2018