“Dú” rầu!

Đăng lúc: 05-05-2019 4:19 Chiều - Đã xem: 38 lượt xem In bài viết

Ảnh có tính minh họa

      “Chu choa mèn đét ơi, sao đông dữ hè, anh Tư nè, anh Tâm nè, chị Nhung nè …”, chỉ cần nghe cái giọng miền Trung lảnh lót, tôi không cần quay lại cũng biết em là ai. Cái giọng đặc sệt ấy tôi không thể nào quên được cộng với 2 cái bím ngang vai, cứ mỗi lần họp mặt, dù cô ấy đã tròm trèm U60 tôi vẫn nhận ra ngay, Lan nẫu.

       Nhớ năm ấy, đơn vị TNXP chúng tôi nhận thêm quân bổ sung từ thành phố, nữ trong số đó chỉ có mười mấy người, nhưng ấn tượng nhất trong tôi là 1 cô bé có 2 cái bính ngang vai, nhỏ con thơ ngây lí lắc không ai bằng. Đêm lửa trại cuối tuần đầu tiên, cô bé lại giơ tay lên tham gia ngâm thơ, 1 giọng ngâm ngọt như mía lùi. Nhưng cái mà gây ra sự chú ý của mọi người không phải là ở dáng vóc dễ thương mà còn ở cách phát âm kiểu miền Trung không thể lẫn với ai. Ai đời bài thơ của Tố Hữu hay như vậy mà khi cô ấy ngâm lại khác xa lắc, thí dụ như 2 câu đầu: Em là ai? Cô gái hay nàng tiên, Em có tuổi hay không có tuổi…, cô ấy lại ngâm thành: Im lòa ai? Cô gứa hay noàng tiên, im có tủ hay không có tủ …Lúc đầu anh em trong đơn vị nghe thì lại phá lên cười, tự nhiên cô ấy đứng khóc ngon lành làm Đại đội trưởng dỗ muốn đứt hơi. Riết rồi quen, anh em lại vổ tay rần rần mỗi khi cô ấy lên ngâm thơ kiểu giọng miền Trung, và có người đã nói đây quả là đặc sản quí của đơn vị. Anh em rất mến cô ấy, tuần nào cô ấy không lên ngâm thơ giúp vui là mọi người nhớ mọi người trông.

       Nếu mà đơn giản như vậy thì không có chuyện gì nói, ý tôi muốn kể cho các bạn nghe một kỷ niệm vui không thể nào quên được. Số là hồi đó không có sách nhiều như bây giờ, chỉ duy có quyển THÉP ĐÃ TÔI THẾ ĐẤY của nhà văn Liên xô Nikolai A. Ostrovsky, anh em chuyền qua chuyền lại đọc muốn thuộc lòng. Số anh em mới lên cũng háo hức mượn đọc, mà cả đơn vị chỉ có vài quyển. Tôi lúc đó nói thiệt là con tim của thằng con trai mới lớn đã rung động chút chút trước cô gái miền Trung ấy nên khi tới phiên tôi đọc, tôi đã đem cho cô ấy mượn. Không biết cô ấy đọc kiểu gì mà 3 ngày chưa trả, tôi bị anh em trong tiểu đội cự quá trời, tôi bèn qua hỏi thì cô ấy trả lời gọn bân: ưa đó “DÚ” rầu ! Tôi chưa kịp hiểu nên đã nạt cô ấy “ê không nói bậy nghe, cái gì mà “DÚ DÚ “ ở đây, sách đâu trả đây lẹ lên”. Thế là nước mắt trào ra “ý tui nói lòa sách bị ưa “DÚ” rầu, “DÚ” lòa đem đi chổ khoác không tìm được, chứ tui có nấu bậy gì đâu hè”. Thì ra, cuốn sách tôi cho mượn đã bị ai đó trong tiểu đội nữ lấy xem rồi dấu mất tiêu. Sau đó tôi có xin lỗi, nhưng cuốn sách thì yêu cầu cô ấy phải tìm cho ra. Ngày hôm sau, cô ấy đem sách qua trả mà mặt lạnh tanh “tui thấy rầu, troả nè, cái mẹt thấy ghét, mai mốt chưa hiểu thì không loa người toa như vậy nghe“.

       Ấn tượng là thế, nhưng sau mấy năm công tác chung, tôi và cô ấy vẫn không thể chung đường, chắc có lẽ là không có duyên. Sau này khi xuất ngũ rồi gặp lại trong những lần họp mặt, ai cũng đã có gia đình mà chồng cô ấy lại là đồng đội của tôi, cô ấy rất vui và cũng không còn giận hoặc khóc mỗi khi tôi nhắc lại chuyện sách tôi cho mượn bị “DÚ” năm ấy, mà còn coi đó là một kỷ niệm vui trong cuộc đời TNXP.

(Xin các bạn người Trung bỏ qua, truyện tôi kể lại là kỷ niệm chứ không bôi bác hay pha tiếng gì cả)

TRẦN VIỆT SƠN