Đường 10,  con đường máu lửa

Đăng lúc: 21-04-2020 9:11 Sáng - Đã xem: 316 lượt xem In bài viết

Đường 10, con đường “sinh sau, đẻ muộn” thuộc hệ thống đường Trường Sơn trên đất Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ đã trở thành con đường ác liệt, gian khổ… bậc nhất, thấm biết bao mồ hôi, máu và nước mắt của lực lượng TNXP, dân công hỏa tuyến, công binh và công nhân viên ngành giao thông vận tải.

Từ Km số 0 thuộc địa phận thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh), Đường 10 tách Đường Hồ Chí Minh “đâm” lên phía Tây hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, vượt muôn trùng núi non hiểm trở, suối sâu, đèo cao, dốc đứng để tới Đường 9, phía tây Quảng Trị. Đường 10 có chiều dài 72 km, khởi công tháng 4- 1967, hoàn thành vào năm 1968. Để có được Đường 10, Bộ Giao thông Vận tải và Trung ương Đoàn đã huy động hơn 6.000 thanh niên xung phong (TNXP) của các tỉnh phía bắc tham gia làm đường. Đã có 200 người hy sinh, 700 người khác mang thương tật vĩnh viễn cho Đường 10 được thông suốt. Như vậy mỗi km có hơn 10 người bị thương và hy sinh.

Km 33 Đường 10, nơi giao nhau với đường Hồ Chí Minh

  Lịch sử Đường 10 ghi lại rằng: Đường xuyên dưới tán rừng Trường Sơn, làm đến đâu, ngụy trang đến đó, cố gắng bảo đảm bí mật tuyệt đối. Tuy được giấu kín nhưng kẻ địch vẫn nghi ngờ, những phương tiện do thám của chúng ghi nhận dường như hai bờ Bắc – Nam vĩ tuyến 17 đang có điều gì đó chuyển động lấn sâu vào Quảng Trị. Cho đến giữa tháng 4 – 1968, đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa phát hiện ra Đường 10. Từ đây, bom phá, bom bi, rốc két, pháo hạm, bom nổ chậm, thám báo, biệt kích… tập trung phong tỏa đường 10.

  Lúc này, Đường 10 không còn là con đường kín, càng tiến sâu vào phía Nam cường độ bắn phá càng ác liệt. Lực lượng TNXP bám đường phần lớn là phụ nữ, tuổi đời mười tám đôi mươi. Rừng thiêng nước độc, tiến thêm một ki- lô- mét, dốc thêm cao, nước thêm độc. Có trung đội chị em bị đau bụng hàng loạt không rõ lý do. Trong những ngày mưa Trường Sơn kéo dài, các chị chỉ duy nhất một bộ áo quần dầm mưa bám đường, lâu ngày cơ thể sinh ra lở loét, thuốc đỏ là thứ thuốc duy nhất các chị có để chữa bệnh cho mình và đồng đội.

  Ông Nguyễn Văn Đệ, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn khóa III, nguyên Trưởng ban TNXP thời kỳ chống Mỹ, nhân dịp cả nước kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Trường Sơn (19- 5- 1959- 19- 5- 2009) nhớ lại: “Cuộc chiến tại Đường 10 vô cùng ác liệt, ngoài mưa bom, bão đạn thì khẩu phần ăn mỗi người giảm dần, từ 24kg gạo/tháng xuống còn 10kg, 5kg và cuối cùng thì hết gạo, phải dùng rau rừng cầm hơi. Lãnh đạo Cục Công trình I (Bộ Giao thông Vận tải) huy động tất cả xăng dầu sót lại đổ đầy xăng cho 5 chiếc xe tải mở đường máu về hậu cứ xin gạo, lương thực tiếp tế. Xe chất đầy gạo trở lại Đường 10, mọi người nín thở chờ đợi. Khi đoàn xe tới ngầm Âm Phủ[i], máy bay địch phát hiện cắt bom, chiến sỹ lái xe hy sinh, lương thực bị cháy hoàn toàn

  Đường 10 sau khi hoàn thành thì Đội 44 TNXP, Ban Xây dựng 67 đảm nhiệm, thời kỳ này quân số TNXP đội 44 chủ yếu là Thái Bình. Đến năm 1971 lực lượng TNXP Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ thì lực lượng TNXP Thanh Hóa vào tiếp quản. Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, Đường 10 cũng như các con đường 20, 12, 16… vượt Trường Sơn, đã chịu biết bao tấn bom đạn dội xuống. Mặc dù mưa bom, bão đạn nhưng con đường vẫn thông suốt và đón đưa hàng ngàn tấn hàng hóa, vũ khí đạn dược cung cấp cho chiến trường miền Nam.

Km 72 Đường 10 năm 2013

  Sau khi hiệp định Pari về kết thúc chiến tranh ở Việt Nam được ký kết (tháng 1/1973), Đường 10 hầu như bị quên lãng, cây cối, cỏ mọc um tùm, mưa lũ, đất sụt làm mất đường….Thời kỳ này Đường 10 chỉ còn là lối mòn đi lại của bà con dân tộc Vân Kiều ở các xã Ngân Thủy, Lâm Thủy thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đến năm 2007 Đường 10 được khôi phục trở lại đển thuận tiện cho phát triển kinh tế của các xã vùng núi miền Tây Quảng Bình. Từ Km số 0 thuộc thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, đến Km 33 thuộc xã Lâm Thủy, huyện Lệ thủy được mở rộng đổ nhựa. Vị trí tiếp giáp Đường 10 với Đường Hồ chí Minh được nhà nước công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Tại di tích này là Km số 0 Đường 18 và đường ống xăng dầu cung cấp cho chiến trường miền Nam đi qua, cũng là nơi đặt đại bản doanh của Bộ Tư lệnh Trường Sơn thời kỳ (1971-1972).

  Tuy nhiên Đường 10 mới được khôi phục được 33km. Còn lại từ Km 34 đến Km 72 thì chỉ còn lại trong ký ức của những người đã từng sống, chiến đấu trên con đường ấy mà thôi. Còn vài chục km nữa bây giờ là đường mòn dân sinh của một số bản đồng bào dân tộc Vân kiều. Được biết từ Km 57 là giáp gianh giữa hai huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) và Hướng Lập (Quảng Trị) và dấu chân của các bộ đội biên phòng tuần tra biên giới.

Ngầm Dân Chủ (Km 71) trên Đường 10

  Hơn bốn mươi năm trở lại nơi này, thời gian đã làm thay đổi nhiều, song không gian và khoảng cách vẫn còn đó, những di tích, chứng tích của một thời chiến tranh ác liệt không thể xóa nhòa. Giá như những con đường ấy bây giờ dù không rải nhựa, hay đổ bê tông thênh thang, nhưng nó được gìn gữi để du khách thập phương có dịp qua đây, có thể phần nào cảm nhận được sự ác liệt thời chiến tranh, của hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh Trường Sơn, hiểu được thế hệ cha anh đã một thời “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa Ai chưa đến đó như chưa rõ mình[ii]” ./.

 

Bùi Văn Hoằng

 


[i] “Ngầm Âm phủ” là một cái tên được gọi bởi mức độ bom đạn ác liệt. Đấy chính là ngầm Dân chủ tại Km 71 Đường 10.

[ii] Tố Hữu (1977), Nước non ngàn dặm