Một sự trùng lặp ngẫu nhiên nhưng đầy ý nghĩa: ngày đoàn chúng tôi chính thức nhận nhiệm vụ cũng là kỷ niệm ngày sinh lần thứ 69 của Bác Hồ. Với tất cả lòng kính yêu Bác và bằng sự nhạy cảm đặc biệt, chúng tôi thống nhất đề nghị được lấy ngày 19-5-1959 làm ngày truyền thống của đoàn và đoàn công tác quân sự đặc biệt được lấy tên là Đoàn 559.
Và rồi như một sự thống nhất biện chứng – con đường Trường Sơn được Đoàn 559 khai phá sau này cũng được chiến sĩ và đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế gọi là đường Hồ Chí Minh.
Thế rồi công việc cuốn chúng tôi đi. Một kế hoạch tổng thể về tuyển quân, tổ chức các lực lượng vận tải, mở đường; nguồn vũ khí, trang bị khai thác ở đâu… nhanh chóng được chúng tôi thống nhất trình Bộ Chính trị. Toàn bộ kế hoạch trên được phê duyệt ngay. Đồng thời, anh Nguyễn Văn Vịnh cũng thông báo là Bộ Chính trị đã chỉ thị Tổng Quân ủy – Bộ Quốc phòng phân công một số cán bộ chủ trì các cơ quan: quân lực, quân giới, tài vụ, … trực tiếp giúp chúng tôi trong việc tuyển quân, chuẩn bị vũ khí, trang bị, tài chính.
Những ngày cuối tháng 5-1959, tôi một mình đi xe commăngca đến các công trường, nông trường có bộ đội miền Nam tập kết; Tập đoàn sản xuất miền Nam, Sư đoàn 305, Sư đoàn 324, … tuyển người mở đường và vận chuyển để thành lập Đoàn 301, chủ yếu lấy từ Sư đoàn 305 – bộ đội Liên khu 5 tập kết.
Lúc bấy giờ, Sư đoàn 305 đóng quân ở Thậm Thình – Phong Châu – Phú Thọ, gần đền thờ các vua Hùng. Địa danh Thậm Thình gợi trong tôi truyền thống về một đạo binh của Vua Hùng từng đóng quân ở đây, và cũng từ nơi đây đêm đêm vang lên tiếng giã gạo nuôi quân.
Đoàn 301 được biên chế thành 11 đội, 9 đội có nhiệm vụ vừa mở đường, làm giao liên và vận chuyển, 1 đội trinh sát, bảo vệ và 1 đội xây dựng hậu cứ. Mỗi đội tổ chức 1 chi bộ đảng. Cơ quan của đoàn có các bộ phận: tham mưu, chính trị, hậu cần.
Đoàn trưởng là Đại úy Chu Đăng Chữ; Đại úy Nguyễn Danh (tức Minh Chính) là Chính ủy và Đại úy Ngô Văn Diệm là Đoàn phó – Tham mưu trưởng. Anh Chu Đăng Chữ quê Nghệ An, là bộ đội Nam tiến, hoạt động ở Liên khu 5 suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Anh lấy vợ người Quảng Ngãi. Trước khi về đoàn, anh Chữ là Chủ nhiệm công binh Sư đoàn 324. Anh Nguyễn Danh người Phổ Thuận – Đức Phổ – Quảng Ngãi, nguyên là cán bộ Trung đoàn 108 – Liên khu 5. Anh Ngô Văn Diệm quê Triệu Phong – Quảng Trị – nguyên là cán bộ Sư đoàn 325.
Ổn định xong biên chế bước đầu, toàn đoàn bước vào huấn luyện. Tôi đặc biệt lưu ý Ban chỉ huy Đoàn 301 cần tập trung quán triệt tình hình nhiệm vụ, khơi gợi lòng tự hào, tinh thần hy sinh của anh em. Đồng thời cũng nói rõ để mọi người xác định sắp tới họ không chỉ phải đối mặt với kẻ thù bằng xương bằng thịt, mà trước tiên là với sự khắc nghiệt của địa hình, khí hậu núi rừng Trường Sơn.
Cùng với học tập chính trị, bộ đội được rèn luyện thể lực, tập mang vác nặng, hành quân xa, vượt đồi, leo dốc trong đêm tối. Vào hè, trưa nắng như đổ lửa, chiều và tối đã sầm sập mưa rào. Mặc nắng hay mưa, ngày hay đêm, cả đoàn quân vẫn lầm lũi hành quân. Trên vai từng người mang không dưới 30 cân, leo đồi, vượt dốc từ 4 đến 5 giờ… Gian lao vất vả của những ngày luyện rèn ngắn ngủi ở Phong Châu đã giúp người lính tăng thêm sức lực chịu đựng, làm quen dần với những gì đang đến với họ.
Sau khi ổn định việc học tập, huấn luyện của Đoàn 301, Ban Cán sự 559 xúc tiến việc hiệp đồng với Khu 5 và Trị – Thiên chuẩn bị mở tuyến…
… Vào một trưa tháng 5-1962, chừng 1 giờ kém, đang chuẩn bị tới cơ quan, tôi nghe chuông điện thoại đổ dồn. Đồng chí trực ban ở cơ quan Bộ Quốc phòng báo tôi vào ngay cơ quan Quân ủy Trung ương có việc cần.
Bước vào phòng làm việc của Quân ủy, tôi sững sờ khi thấy Bác Hồ đang nói chuyện vui vẻ với anh Văn Tiến Dũng, lúc đó là Thượng tướng – Tổng Tham mưu trưởng.
Sau một thoáng bình tâm lại, tôi đứng nghiêm chào Bác theo đúng điều lệnh. Bác đứng dậy, lại gần tôi và tươi cười nói:
– Chú Bẩm đã vào đấy à? Nghe nói chú vào Nam ra Bắc như con thoi.
– Thưa Bác, vâng ạ! Tôi xúc động đáp.
Bác nắm chặt tay tôi, kéo lại ngồi cạnh chiếc bàn gần cửa và hỏi:
– Thế chú ở trong tuyến ra khi nào? Có được khỏe không? Ta vừa uống nước vừa nói chuyện.
Tôi chợt nhớ lại lời dặn của anh Tô năm xưa khi gặp Bác, bình tĩnh trả lời từng câu hỏi của Bác. Sau đó, Bác hỏi tiếp về công việc của Đoàn 559 đã làm được đến đâu? Anh em cán bộ – chiến sĩ trong đó sinh hoạt ra sao? Đồng bào các dân tộc trên Trường Sơn có đủ cơm ăn, áo mặc không? Quan hệ giữa anh em ta với bạn Lào như thế nào?
Tôi báo cáo Bác tình hình sinh hoạt, sức khỏe của cán bộ – chiến sĩ Đoàn 559; mặc dù phải hoạt động cực nhọc, khó khăn, nguy hiểm, nhưng không một ai thoái thác nhiệm vụ; hết lòng hết sức vì miền Nam. Tuy vậy những việc chúng tôi đã làm cũng chưa được là bao đối với yêu cầu của đồng bào, chiến sĩ ta trong đó.
Để Bác nắm được cụ thể công tác mở đường của đoàn, tôi phải sử dụng bản đồ quân sự. Tại phòng làm việc của Quân ủy có mấy tấm bản đồ cỡ lớn treo trên tường, khi cuộn vào hay giở ra phải dùng trục quay.
Nếu tôi dùng bản đồ tường, Bác sẽ phải đứng. Tôi bèn mở cặp, lấy tấm bản đồ cỡ nhỏ mang theo, trải lên bàn rồi báo cáo chi tiết tình hình phát triển của tuyến cả Đông và Tây Trường Sơn, từng cung đường giao liên, những trục dùng cho xe đạp thồ và dự kiến dùng cho cơ giới; kết quả vận chuyển và bảo đảm giao liên hành quân; những thuận lợi lớn kể từ khi chuyển hướng sang Tây Trường Sơn.
Nghe tôi báo cáo tới đó, Bác nhắc luôn:
– Các chú phải tận dụng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển đường Tây Trường Sơn, sắp tới phải đưa ôtô vào. Nhưng cũng phải chủ động phát triển đường Đông Trường Sơn, có đường chính, đường dự bị và phòng khi tình hình ở Lào không thuận cho ta.
Tiếp đó tôi báo cáo tình hình đồng bào các dân tộc vùng núi Tây Trị – Thiên, dọc những trục đường chúng tôi vừa mở, đời sống của nhân dân vô cùng cơ cực nhưng tấm lòng của nhân dân với cách mạng, với bộ đội Cụ Hồ thì trọn nghĩa vẹn tình. Có bản làng người Vân Kiều ở miền Tây Quảng Trị, nơi trục giao liên vận tải của Đoàn 559 chạy qua, từ cụ già đến cháu nhỏ đều tham gia cảnh giới, bảo vệ đường; thanh niên trai tráng vác hàng giúp bộ đội.
Gặp lúc bộ đội thiếu đói, bà con gom góp thóc gạo, khoai sắn đem cho. Bộ đội không dám nhận, đồng bào nói: “Tao đói còn đi đào được củ rừng để ăn. Tụi mày làm cách mạng còn phải đi làm mãi. Củ, lúa chúng tao dành cho chúng mày ăn…”
Nghe tôi kể tới đó, Bác quay mặt nhìn ra ngoài cửa sổ, như muốn giấu đi những giọt nước mắt không kìm giữ nổi. Cả hai Bác cháu lặng đi trong giây lát. Sau đó Bác bảo tôi:
– Các chú mở đường vận chuyển hàng vào miền Nam được như vậy là rất tốt. Quân và dân miền Nam rồi sẽ phải đánh lớn, cần nhiều người, nhiều vũ khí. Các chú cần phát huy kết quả làm được và phải khôn khéo hơn; nhanh chóng mở đường vào sâu tới Tây Nguyên, tới Nam bộ. Sau đây, việc đầu tiên là chú về làm danh sách những anh em hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc để Quân ủy Trung ương và Bác khen thưởng. Đồng thời, chú tổ chức chuyển ngay cho đồng bào những nơi tuyến vận tải đi qua 30 tấn muối, 10 tấn vải.
Những ngày sau đó, tôi trực tiếp bàn bạc với các anh em ở Ủy ban Thống nhất Trung ương quyết thực hiện sớm lời Bác dặn. Xong việc tôi vào ngay Quảng Bình. Nhân đang vào cao điểm mùa mưa, trừ lực lượng giữ chốt các cung trạm, phần đông anh em lùi về tuyến sau, tôi triệu tập ngay hội nghị cán bộ toàn tuyến.
Bộ đội vô cùng xúc động khi nghe tôi kể lại những điều căn dặn của Bác Hồ, tình cảm mà Bác dành cho cán bộ – chiến sĩ Trường Sơn cũng như đồng bào Pa Kô, Vân Kiều… Tại hội nghị này, tôi cũng phổ biến nhiệm vụ của đoàn trong mùa khô tới, gợi ý một số vấn đề để anh em bàn bạc tìm giải pháp tối ưu, hạ quyết tâm thực hiện thắng lợi.
Lúc này Ủy ban Thống nhất Trung ương cũng đã chuyển vào cho chúng tôi số lượng muối, vải mà Bác Hồ dặn. Dù đang là mùa mưa, chúng tôi vẫn quyết tâm cho bộ đội chuyển ngay số hàng này vào để chính quyền các địa phương phân phát cho đồng bào….
Võ Bẩm
Trích hồi ức “Những nẻo đường kháng chiến”
Theo tuoitre.vn