Hòng tiêu diệt đường Trường Sơn, chặn chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam, Mĩ đã dùng mọi thủ đoạn, phương tiện, vũ khí hiện đại nhất ném xuống Trường Sơn. Trong mưa bom bão đạn, những đoàn xe quân sự vẫn lầm lũi bò trong đêm. Những con đường màu đỏ được dệt lên trong khói bom, lửa đạn từ những bàn tay máu tứa của bộ đội và TNXP Trường Sơn…
Tiếng chuông ngân gọi hồn đồng đội về tụ họp
Trải qua 16 năm (19/5/1959 – 30/4/1975) chiến đấu anh dũng quật cường, gan dạ, mưu trí của người chiến sĩ Trường Sơn trên tuyến đường mang tên Bác. Kỷ niệm 60 năm (19/5/1959 – 19/5/2019) ngày mở đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, trong mỗi chúng ta ai ai cũng rất tự hào về những thành tích, chiến công của chiến sĩ Trường Sơn (nói chung) và càng xúc động thương đau tưởng nhớ bao người con ngã xuống nơi núi ngàn suối thẳm, nơi những cung đường xuyên dọc Trường Sơn. Có thể nói rằng, bộ đội Trường Sơn, TNXP , dân công hỏa tuyến, các văn nghệ sĩ, nhà làm phim và nhân dân ở Trường Sơn như là một lực lượng hợp thành, thể hiện lòng yêu nước cao cả, ý chí quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược – tinh thần đoàn kết gắn bó mới làm nên con đường Trường Sơn lịch sử vẻ vang của dân tộc trong công cuộc đấu tranh giữ nước.
Nhằm thực hiện cuộc chiến tranh ngăn chặn tuyến đường vận chuyển chiến lược của ta. Mĩ đã huy động nhiều lực lượng, phương tiện chiến tranh hiện đại, sử dụng nhiều thủ đoạn thâm độc, chúng đã không ngần ngại khi sử dụng một lực lượng không quân khổng lồ, trong đó có “thần sấm con ma” F4H, F111, F105 và cả “pháo đài bay B52”…Đêm đến chúng dùng máy bay do thám lùng sục tìm kiếm các bãi đậu xe, xe đang vận chuyển, nơi cất giấu vũ khí đạn dược, hàng hóa, trạm kỹ thuật, sở chỉ huy của các đơn vị ta, để chỉ điểm máy bay chúng đến ném bom, đánh phá hủy diệt. Mĩ đã biến Trường Sơn thành chiến trường thử nghiệm hàng loạt các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại; thực hiện trên 730 ngàn trận đánh phá bằng không quân, sử dụng hàng vạn lần chiếc máy bay B52; trút xuống Trường Sơn trên 4 triệu tấn bom đạn các loại và hàng chục vạn lít chất độc hóa học hủy diệt cây cỏ và sự sống con người. Sự khốc liệt, chịu đựng, hy sinh của bộ đội, TNXP , dân công hỏa tuyến và nhân dân ở Trường Sơn là vô cùng lớn không kể hết.
Bộ đội Trường Sơn và TNXP , dân công hỏa tuyến đã chiến đấu kiên cường, giành giật từng thước đất với lời thề “Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”, “Còn người còn xe, còn hàng”, “Tận tình với đồng chí, tận nghĩa với chiến trường”. Bộ đội Trường Sơn và TNXP , dân công hỏa tuyến đã đào đắp khoảng 21 triệu m3 đất đá để làm đường; lấp hố bom bằng cả sức người và cả cơ giới; làm gần 14 ngàn mét cầu, hơn 100 ngàn cống, với gần 10 triệu ngày công; làm nên hệ thống giao thông huyền thoại gồm 5 trục đường dọc, 21 trục ngang với hơn 17.000 km đường cơ giới; vận chuyển hơn 1,8 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm chi viện cho các hướng chiến trường. Đặc biệt, từ năm 1973 đến đầu năm 1975, các đơn vị vận tải bộ đội Trường Sơn đã chở bằng cơ giới 40 vạn quân và tổ chức hành quân 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường, cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt sư đoàn của 3 quân đoàn chủ lực tham gia chiến dịch mà đỉnh cao là phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Đoàn Cựu TNXP huyện Đồng Phú (Bình Phước) đang dâng hương, hoa Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn
Sự đóng góp to lớn của lực lượng TNXP trên con đường mang tên Bác
Sát cánh cùng Bộ đội Trường Sơn là lực lượng TNXP phục vụ bộ đội chiến đấu, chuyển hàng, chuyển tải vũ khí đạn dược, đưa đón thương bệnh binh, mở đường và bảo đảm thông tuyến giao thông vận tải. Ngay những ngày, tháng, năm đầu Mĩ leo thang đánh phá miền Bắc, Ban bí thư Trung ương Đoàn Lao động Việt Nam đã phát động trong đoàn viên, thanh niên phong trào tình nguyện gia nhập Đội TNXP chống Mĩ, cứu nước. Đầu tiên, với không khí hừng hực tuổi thanh xuân mong muốn gia nhập TNXP chống Mĩ cứu nước đã có thanh niên của 12 tỉnh, thành tham gia với số quân lên đến trên 50 ngàn người (trong đó tỉnh Thanh Hóa nhiều nhất 14.500 người, sau đến Hà Tĩnh 6.600 người). Sau khi được thành lập, các đội TNXP được bàn giao cho Đoàn 559 để thực hiện nhiệm vụ. Tính từ năm 1965-1975 đã có hơn 40 ngàn chiến sĩ TNXP của 15 tỉnh, thành tham gia mở đường Trường Sơn và phục vụ trên địa bàn tuyến lửa Quảng Bình.
Trong những năm tháng phục vụ trên đường Trường Sơn chống Mĩ, lực lượng TNXP đã vượt qua đạn bom, chất độc hóa học, đèo núi, thác ghềnh hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, đói cơm thiếu muối, chịu đựng vắt, muỗi và căn bệnh sốt rét, sốt ác tính thường đeo bám…, cùng bộ đội lập nên những binh trạm luân chuyển từng kilôgam hàng ra phía trước và khiêng cáng thương binh về phía sau; chốt giữ những trọng điểm địch đánh phá ác liệt, san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, tháo gỡ bom mìn, mở những con đường mới và tham gia chiến đấu đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống.
Ở Trường Sơn còn có một trung đội nữ lái xe quân sự. Có thể nói các chị là bộ đội và cũng là TNXP … Những cô gái xinh đẹp, mảnh mai là những chiến sĩ cảm tử, tài trí, khôn khéo để đánh lừa máy bay địch. Cầm vô lăng những chiếc xe tải hàng chục tấn chạy trong mưa bom không phải là những chàng trai mặc áo lính mà là những cô gái trẻ. Chiến trường, đạn bom, mưa nguồn thác lũ…, sự sống và cái chết luôn mong manh, thấp thỏm ẩn hiện. Thế nhưng, niềm tự hào tự tôn dân tộc, niềm tin thắng lợi phía trước luôn náo nức, thúc dục trong mỗi chiến sĩ trên đường Trường Sơn của những năm tháng chiến tranh chống Mĩ quá khốc liệt.
Các cựu TNXP thắp hương mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn – chứng tích nỗi đau chiến tranh còn mãi
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sĩ trong cả nước, mà phần lớn là các anh hùng liệt sĩ của Bộ đội Trường Sơn – Đoàn 559 và TNXP Trường Sơn…
Dẫu được nghe kể về Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn nhưng đến đây chúng tôi mới thấy nghĩa trang rộng lớn quá. Khi đứng trước hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm cạnh nhau, ai nấy đều xúc động nghẹn ngào. Chúng tôi đi giữa hàng hàng bia mộ, những người lính có tên và không tên trải dài như hình hài đất nước. Đất nước máu và nước mắt, từ nỗi đau dệt nên những trang sử anh hùng.
Thật tình lần đầu tiên tôi mới có điều kiện được đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Tôi không biết nói gì hơn chỉ lặng lẽ ghi lại những bức hình hết sức xúc động của các cựu chiến binh, cựu TNXP và nhân dân đến thắp hương cho đồng đội, cho liệt sĩ nằm ở Nghĩa trang Trường Sơn. Ánh mắt nhiều người rưng rưng nhòa trong làn khói hương cắm lên mộ liệt sĩ. Tôi lắng lại hơi thở mình ngồi xuống cắm cây hương lên mộ của một nữ liệt sĩ TNXP quê Quảng Bình. Chị hy sinh năm 1972 khi vừa tròn 18 tuổi trên đường Trường Sơn. Ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có rất nhiều bộ đội, TNXP , dân công hỏa tuyến hy sinh khi tuổi đời vừa mười tám, đôi mươi.
Hơn 10 ngàn người con trai, con gái từ khắp miền quê Việt Nam, sau chiến tranh lại tụ họp ở đây. Cây bồ đề cạnh tượng đài liệt sĩ phủ bóng xuống hàng hàng ngôi mộ. Hơn 2 vạn chiến sĩ ngã xuống Trường Sơn. Còn đâu đó nẻo khuất Trường Sơn những người lính vẫn chưa về, dẫu chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ. Những cựu chiến binh, cựu TNXP vẫn ngày đêm tìm về chiến trường xưa, nơi một thời bom đạn ác liệt để tìm kiếm hài cốt đồng đội mình. Trong tôi chợt nhớ lại mấy câu thơ cuối trong bài thơ “Khát vọng Trường Sơn” in trong tập thơ và trường ca “Những hồi chuông màu đỏ” viết về liệt sĩ, thương binh của Đại tá Nhà thơ Nguyễn Hữu Qúy: … Mười nghìn tấm bia, còn mười nghìn nữa/Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn/Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương/Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng/Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng…/… Mười nghìn khát vọng được về bên nhau!
. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn – tiếng chuông ngân không bao giờ tắt!
DUY HIẾN