Em gái thanh niên xung phong

Đăng lúc: 17-06-2019 9:26 Sáng - Đã xem: 35 lượt xem In bài viết

Đội bóng chuyền nữ TNXP xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng (baogialai.com.vn)

Em đã quen mái phố hàng me

Đại lộ chạy như dòng sông rực rỡ

Áo dài trắng ngây thơ màu thiếu nữ

Tiếng nhạc vui nổi sóng phố hè

Cơn mưa chiều va động pha lê

 

Bóng cờ đỏ lâu đài cao ốc

Cửa biệt thự dây trường xuân mọc

Những sắc hình choáng ngợp mê li

Những thanh âm sôi động diệu kì

Ru ngây ngất cuộc đời thành phố

 

Em đã quen màu bông giấy đỏ

Opera casino ánh điện sáng trưng

Ki ốt hoa tươi và nhận thâu băng

Cốc bia lạnh trong hotel lộng lẫy

Thành phố này em yêu lắm đấy

 

Nhưng cuộc sống cần em dám lên đường

Tuổi trẻ bao khao khát tiền phương

Thiên nhiên lớn đợi chờ em tiếp nhận

Của em hết miền bao la bất tận

Một sắc vàng no ấm cả trời

 

Em giã từ những tháng năm thả trôi

Móng tay chuốt màu son phù phiếm

Bàn tay biết dầm trong đất ấm

Những hạt mầm ủ dưới làn da

 

Em đã quen mái lá ngôi nhà

Tiếng chim đan buông mành cửa trúc

Hương lúa mới đã thành cảm xúc

Đống lửa hồng đêm văn nghệ thanh niên

Vầng trăng quê tỏa ánh giao duyên

Những lứa đôi trên miền đất mới

 

Em đã quen tháng năm đồng đội

Nhịp đồng ca hành khúc âm vang

Cuộc sống này rộng lớn mênh mang

 

Em đến đây bây giờ mới biết

Khi đã hiểu em không còn nuối tiếc

Em đã yêu hương đất mùa cày

Bướm đồng trắng tinh như tuổi thơ ngây

Máy cày đỏ két dầu sôi trưa nắng

Sao Thần Nông đêm khuya ngồi ngắm

Sắc mạ non gợi hứng làm tranh

Những ngôi sao là hạt giống lung linh

 

Em muốn vẽ một người gieo hạt

Nhưng giọt sương là mồ hôi của đất

Chiếc gàu ca dao vực nước dòng mương

Em quên rồi sàn nhảy vũ trường

Trên đất vỡ múa bài vui sản xuất

Cuộc sống đã cho em cái gì đẹp nhất

 

Em đã quen hơn ngày xưa đã quen

Em đã yêu hơn ngày xưa đã yêu.

Nguyễn Phan Hách[i]

Lời bình của Phạm Thuận Thành:

          Đây là bài thơ do nhà thơ Nguyễn Phan Hách viết sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lúc bấy giờ ông đang là biên tập viên báo Văn Nghệ. Đất nước vừa trải qua chiến tranh, đang bước vào giai đoạn khôi phục, cần nhiều sức người sức của và cũng không kém phần gian khổ. Lực lượng Thanh niên xung phong đã bảo đảm những tuyến đường giao thông huyết mạch ra tiền tuyến, bây giờ lại nhận nhiệm vụ mới hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển đất nước. Và họ luôn chiếm trọn cảm hứng của các văn nghệ sĩ để sáng tác nên tác phẩm của mình. Nhà thơ của “Làng Quan họ” Nguyễn Phan Hách công tác ở Thủ đô Hà Nội cũng dành rất nhiều cảm tình, rất nhiều cảm xúc cho lực lượng TNXP qua áng thơ “Em gái thanh niên xung phong” này.

          Em gái TNXP trong tác phẩm đã được tác giả đặt trong những đối cực điển hình. Đó là người con gái thành phố với cuộc sống nhiều tiện nghi đến mức “quen” thành máu thịt: mái phố hàng me, đại lộ rực rỡ, biệt thự mát dây trường xuân, opera, hoa tươi, bia lạnh. Màu sắc choáng ngợp, thanh âm sôi động “Ru ngất ngây cuộc đời thành phố”. Khuôn hình em nổi bật trên nền thành phố ấy bằng “Áo dài trắng ngây thơ màu thiếu nữ”. “Màu thiếu nữ” là câu chữ tài hoa, nó có sức khái quát hình tượng cái đẹp, cái non tơ, cái mơn mởn thanh xuân. Em gái ấy đã sẵn sàng cho việc lập gia đình mới, một gia đình yên ấm, hạnh phúc nơi phố thị. Và em gái ấy cũng “Thành phố này em yêu lắm đấy”. Không thể hình dung nổi việc em gái ấy có thể rời xa thành phố.

          Vậy mà em đã xa thành phố. Bởi “cuộc sống cần em dám lên đường”, và nền giáo dục cách mạng em tiếp nhận cũng thôi thúc em “khao khát tiền phương”, đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên. Em đã “giã từ những năm tháng thả trôi”. Câu chữ tài hoa lại một lần nữa gợi tăng đối cực. Em đang từ người con gái được cuộc sống sắp đặt bây giờ trở thành người làm chủ cuộc đời, làm chủ thời gian của mình. Đó là thời thanh niên sôi nổi phục vụ Tổ quốc. Bàn tay chuốt son bây giờ biết dầm đất, gieo hạt làm nên mùa màng. “Em đã quen mái lá ngôi nhà” và “Hương lúa mới đã thành cảm xúc”. Tất cả tâm sức đều dành cho vụ mùa thắng lợi. Hạt mầm được em nâng niu trìu mến đến mức “Những hạt mầm ủ dưới làn da”. Từ “quen” mái phố hàng me, nay em đã “quen” tháng năm đồng đội thật là một cuộc cách mạng trong mỗi con người. Đối cực “áo dài trắng” khi còn ở thành phố với “bướm đồng trắng tinh” ở nông trường là hỉnh ảnh mới mẻ của em gái thành phố nay là em gái thanh niên xung phong. Nhưng chất thành phố vẫn còn đó, em vẽ tranh bằng màu sắc mùa màng, em nhảy múa bằng chính thao tác lao động sản xuất.

          Xuyên suốt bài thơ ta luôn cảm nhận được âm vang tráng ca của Đại thắng Mùa Xuân khiến mạch thơ giàu cảm xúc và trải dài sự lạc quan chiến thắng. Và quả thật con người mới đã chiến thắng chính mình, chiến thắng khó khăn gian khổ, chiến thắng thiên nhiên để dệt nên mùa vàng, để nhận lấy những gì tốt đẹp nhất của cuộc sống. Kết thúc mạch cảm xúc là những điệp từ “quen” để khẳng định hình tượng con người mới “Em gái thanh niên xung phong”:

Em đã quen hơn ngày xưa đã quen

Em đã yêu hơn ngày xưa đã yêu.

Phạm Thuận Thành

Thường Vũ – An Bình – Thuận Thành – Bắc Ninh

 

 

 


[i] Nhà thơ Nguyễn Phan Hách, qua đời  ngày 21/4/2019 vì căn bệnh ung thư. Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách sinh ngày 13/1/1944 tại Thuận Thành, Bắc Ninh. Sau khi tốt nghiệp sư phạm, ông đi dạy học một thời gian rồi về Ty Văn hóa Hà Bắc làm cán bộ sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian. Sau đó, ông về làm biên tập viên tuần báo Văn nghệ. Tiếp đó ông chuyển sang NXB Hội Nhà văn làm biên tập viên rồi làm giám đốc. Từ năm 2008, ông làm Tổng biên tập NXB Dân trí. Nguyễn Phan Hách có năng khiếu văn chương từ nhỏ. Năm 1958, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã sáng tác và có truyện ngắn đăng báo Văn nghệ. Ông từng nhận giải thưởng do tuần báo Văn nghệ tổ chức thi các năm 1969 và 1974; giải thưởng truyện rất ngắn của tạp chí Thế giới mới năm 1994. Ông cũng rất thành công với văn xuôi. Các tác phẩm chính đã xuất bản của ông, gồm các truyện ngắn, truyện vừa: “Tổ chim sẻ” (1978); “Cây vĩ cầm cảm lạnh” (1984); “Sau những cách xa” (1984); “Quà tặng của thiên nhiên” (1985); “Khớp ngựa ô” (1987); “Vị đắng trên môi” (1988); “Cô gái đầm sen” (2004). Tiểu thuyết: “Tan mây” (1983); “Mê cung” (1990); “Người đàn bà buồn” (1994); “Cuồng phong” (2008). Các tập thơ: “Người quen của em” (1982); “Hoa sữa” (2000); “Vô tình” (2007).  Ông cũng là tác giả của những bài thơ nổi tiếng như “Hoa sữa” (được nhạc sĩ Thế Duy phổ thành ca khúc Tình đầu), “Làng quan họ” (được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ thành bài hát Làng quan họ quê tôi nổi tiếng).