Gặp lại đồng đội cũ

Đăng lúc: 05-09-2022 11:01 Sáng - Đã xem: 32 lượt xem In bài viết

Bùi Thị Hường cùng nhập ngũ với tôi tháng 9 năm 1968 vào đơn vị TNXP C442. Tháng 11 năm 1969 chúng tôi hành quân vào Đường 10 Trường Sơn trực thuộc Binh trạm 16 Đoàn 559.

 Cuối năm 1972 do ở Trường Sơn giặc Mĩ đánh phá ác liệt, thương vong nhiều đơn vị không đủ sức bám trụ nên toàn bộ đơn vị được cấp trên cho chuyển ra Bắc điều dưỡng và giải quyết chế độ chính sách. Tôi và Hường cùng được về Trại an dưỡng T30 đóng tại Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội. Sau 3 tháng chúng tôi được phân bổ về các trường học nghề hoặc cơ quan tùy theo năng lực của từng người. Ai không đủ sức khoẻ, không đủ điều kiện công tác thì được chuyển về địa phương.

 Trong thời gian an dưỡng, Hường đã tìm được gia đình bố mẹ của Phan Đức Hiển ở Hà Nội. Hiển nguyên là chiến sĩ E591 pháo phòng không, vì hai người đã gặp gỡ biết về nhau khi ở Trường Sơn. Sau năm 1975 Hiển cũng phục viên rồi về Thái Bình tìm Hường, từ đó họ nên vợ nên chồng.

 Từ năm 2000 đến nay hàng năm tôi thường tổ chức gặp mặt truyền thống đơn vị nhưng Hường vẫn chưa có điều kiện về gặp mặt. Năm nay nhân dịp về dự Đại hội Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn tôi lên Hà Nội sớm hơn, tìm vào nhà Hường ở Ngõ 172, đường Âu Cơ, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ. Đó là một quán nhỏ, Hường đang ngồi bán trà đá ngay sảnh của gia đình. Nhìn Hường thật tội nghiệp vì hai chân đã bị cưa đến sát háng từ năm 2002 do bị suy giãn tĩnh mạch dẫn đến hoại tử. Hường phải lê bằng hai tay, mỗi tay một chiếc ghế nhựa nhỏ. Qua trao đổi, biết Hường là thương binh hạng 4/4 (31%); hai chục năm nay do không đi lại được, chồng Hường mở quán nước tại nhà để Hường phục vụ khách vãng lai, thêm thắt phần nào cho cuộc sống.

 Nhìn đồng đội tàn tật mà tôi không thể cầm lòng. Cô gái tên Hường ở Trường Sơn ngày xưa nhanh lẹn tháo vát là thế, bây giờ là đây sao?

 Ngày mới vào Trường Sơn tôi là một trong những A trưởng, cứ một tuần thì mỗi A trưởng có một ngày trực ban đơn vị, nắm toàn bộ hoạt động của cán bộ chiến sĩ trong ngày. Từ quy định mật khẩu phân công ca gác, tổng hợp quân số lao động trên tuyến, quân số hậu cần, ốm đau, nằm viện, theo dõi thu chi lương thực, thực phẩm trong ngày, thống kê số lượng năng suất công việc của các Tiểu đội để đến tối giao ban cho A trưởng khác.

 Tôi còn nhớ như in khi mới vào Đường 10 lúc đó còn là đường đất. Mặt đường xẻ rãnh dọc theo hai vệt bánh xe tạo lên hai con mương chạy dài lên dốc. Các tiểu đội TNXP làm nhiệm vụ chuyển vợi đất nhô cao như con chạnh ở giữa đường đi để khỏi sệt cầu gầm xe; đan những phên lót xuống những “ổ voi” để chống lầy. Hồi đó Đường 10 chưa có tuyến ống xăng dầu, xe téc chở xăng vào chiến trường phải quấn xích bánh xe cầu sau để leo dốc. Chiều hôm ấy có mấy xe téc đang vượt dốc k32 + 500, do đường trơn trượt lại nhiều ổ voi ổ gà nên một chiếc xe téc bị sa lầy. Mấy lần xe lùi xuống lấy đà để vọt lên mà không thoát khỏi vũng lầy. Xăng trên xe sóng sánh rỉ ra khỏi nắp téc chảy tràn ra ngoài rỏ xuống mặt bùn loang lổ. Bánh xe quay tít ma sát với mặt đường tạo thành làn khói đen bắn về phía sau. Bỗng một tia lửa phát ra bén vào váng xăng bùng lên thành ngọn lửa. Một đầu lửa cháy leo lên thùng xe, một đầu cháy theo vệt xăng loang chạy dọc trên đường lao xuống dốc. Lửa chạy nhanh lắm, lửa leo lên khoá vòi xả xăng, cháy lan lên cả mặt ngoài téc xăng rồi lên nắp téc. Tôi vội lấy súng K44 bắn 3 phát đạn. Lúc đó Tiểu đội 3 của Hường do A trưởng Hoàng Thị My đang chống lầy gần đó nghe tiếng súng liền lao đến. Nhìn thấy vết lửa đuổi theo dọc đường thì hiểu ngay. Không ai bảo ai nhào tới bốc bùn đáp vào nơi có lửa đang cháy trên xe téc. Một lúc lâu không dập tắt được lửa đang cháy trên nắp của thùng téc thì thấy Hường cởi áo quân phục nhào vào vũng nước cho thấm đầy bùn đất, rồi nhảy lên xe và chụp chiếc áo lên nắp téc xăng đang cháy. Hành động lanh lẹ, dũng cảm của Hường đã dập được ngọn lửa cứu được xe xăng. Nếu chậm lửa cháy lâu sẽ nổ cả téc thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

 Cứu xe an toàn, các nữ đồng chí còn chặt cành cây ngụy trang che chắn cẩn thận cho chiếc xe téc trước khi nó chuyển bánh. Đồng chí lái xe hôm ấy không ngớt vẫy tay cảm ơn các o TNXP rồi lao xe về phía tiền phương.

 Tối hôm đó trong buổi giao ban tôi báo cáo Ban Chỉ huy về sự việc hồi chiều và đề nghị BCH lập báo cáo gửi Ban Hậu cần Binh trạm 16 xin cấp bổ sung quân trang cho đồng chí Hường, đề nghị Ban Chỉ huy biểu dương tinh thần dũng cảm của tập thể các đồng chí trong Tiểu đội 3.

 Tháng 9 năm 2022 này là kỷ niệm 54 năm truyền thống đơn vị, Hường vẫn không thể về gặp mặt vì việc đi lại rất khó khăn. Tôi chia tay vợ chồng Hiển – Hường với tâm trạng bâng khuâng khó tả.

Tháng 8/2022

Ghi chép của Hà Đỗ Tú