Gặp lại em năm xưa trên cùng trọng điểm

Đăng lúc: 04-01-2018 1:54 Chiều - Đã xem: 141 lượt xem In bài viết

   

Khó diễn đạt hết được tình cảm của hai người khi gặp lại nhau trên miền quê mới. Năm xưa, họ là cô TNXP xinh xắn và anh bộ đội lái xe đẹp trai vui tính.

Mối tình tinh khôi thủa đầu của anh chị, đã cùng cả nước Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai, như là một bản tình ca đẹp nhất của những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Tình yêu ấy – mộc mạc, nhân ái, thủy chung và thiết tha như là sự sẻ chia đồng cảm cùng chung dưới làn bom lửa đạn. Tình yêu ấy còn được vun đắp lên trong máu, mồ hôi và nước mắt; trải qua bao cơn sốt rét, sốt ác tính vắt kiệt sức sống con người. Xe anh từ miền Bắc vào Nam như mang theo hơi thở đồng quê ngoài đó. Và những rủi ro trong suốt cuộc hành trình, em lo cho anh trên đường vận chuyển hàng; anh lo cho em phá đá mở đường, phá bom nổ chậm, san lấp hố bom. Máy bay Mỹ nhào đến bỏ bom bất kể lúc nào… Nhớ lắm, nhớ mãi những kỷ niệm trên con đường 14. Xe anh qua ngầm Vạc, em cùng đồng đội đứng hai bên làm cộc tiêu đường. Anh nhìn em, nở nụ cười thân thương, bên tay lái vẫn phảng phất hình dáng người con gái và làn tóc mai dính bết mồ hôi trong sương gió đại ngàn. Xe anh qua rồi em vẫn còn đứng lặng, ở nơi xa vọng lại tiếng bom rền. Anh đưa hàng vào Nam, quay ra mua cho em tấm khăn voan choàng cổ và cuốn Album lồng ảnh làm kỷ niệm, cũng vừa lúc hay tin em bị thương trong loạt bom địch dội xuống con đường.

Ký ức chợt ùa về trong tâm trí của cựu TNXP Nguyễn Thị Minh và cựu chiến binh Nguyễn Xuân Bảo (ảnh trên). Hai người đều thường trú xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Bước qua tuổi 65, 66 mái tóc họ đã ngã màu nhiều. Nhưng trong ánh mắt, nụ cười chân tình tha thiết của hai người vẫn còn lấp lánh tuổi 19, 20. Ông Bảo ngày đó là bộ đội lái xe quân sự chuyển hàng vào Nam. Bà Minh là TNXP mở đường, san lấp hố bom. Kỷ niệm của hai người tròn vạnh như mặt trăng rằm sáng trong bom đạn, mưa lũ thác nguồn. Hồi đó, giữa Trường Sơn heo hút, tình cảm gắn kết của những chiến sỹ lái xe và nữ TNXP trên các tuyến đường như cá nước. Với họ là một, chung trọng điểm, chung bom đạn hủy diệt của quân thù, chung khí hậu thời tiết khắc nghiệt và bị ảnh hưởng trực tiếp chất độc hóa học dioxin máy bay Mỹ rải xuống Trường Sơn hàng chục, hàng trăm tấn.

 Nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của các chị là luôn đảm bảo thông đường. Chỉ nghe tiếng xe rì rì từ xa đã biết đoàn xe quân sự 130 của anh ấy đang vào. Và chiến sỹ lái xe Nguyễn Xuân Bảo đẹp trai hay cười đã khắc sâu vào trái tim của người con gái quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Nỗi thương nhớ quê nhà, xót xa cảnh bom pháo băm nát từng làng quê, xóm mạc cũng thổn thức trông đợi mỗi chuyến các anh vào như mang theo hơi thở của quê hương xứ xở mình. Từ sâu thẳm của hai người, của mọi người, trong bom đạn, trong bệnh tật đói rét, gian khổ để cùng nhau vượt lên chấp nhận hy sinh, hiến dâng tuổi xuân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

   Ông Bảo, bà Minh trở về đời thường đều nạn nhân chất độc da cam/dioxin và các con họ sinh ra đều bị nhiễm (bà Minh còn bị thương ở chân trái). Nhưng ông bà còn may mắn hơn là được sống trở về. Còn nhiều đồng đội (bộ đội lái xe và TNXP nói riêng) đã nằm lại trên các con đường, nẻo khuất giữa đại ngàn Trường Sơn. Có người nay vẫn chưa tìm ra hài cốt.

    Vừa 18 tuổi, cô gái Minh đã gia nhập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước và chị đã có mặt tháng đầu của năm 1972 trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Sau ba tháng huấn luyện, chị được điều về đơn vị C3, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 531, Sư đoàn 473, Đoàn 559. Bà Minh nhớ lại: “Trên con đường 14, tôi gặp anh Bảo là bộ đội lái xe đường Trường Sơn. Nhớ lại ngày ấy gian nan, khốc liệt quá anh Bảo hỉ, sống chết không biết khi mô. Đại đội em phá đá mở đường, dốc đá gập ghềnh, chênh vênh, chúng em san bớt để xe các anh qua. Gặp các anh, chúng em mừng khôn xiết như gặp người thân của mình. Chuyến đó, anh vào quay ra còn mua cho em cái khăn voan, cuốn Album và còn cho tiểu đội em mấy quả dưa gang cùng mấy bánh lương khô. Anh nói khăn voan và cuốn Album, 2 thứ này các cô gái Vân Kiều mua từ Lào đưa qua bán, còn dưa gang đồng bào dân tộc thiểu số trồng chung với lúa đồi biếu các em. Hỏi lương khô…? Anh chỉ mỉm cười. Em biết. Sợ chúng em đói, nên chuyến đi nào anh cũng để dành gói tặng mấy bánh lương khô chứ gì!”. Ông Bảo nhìn bà Minh cười. Khuôn mặt bà chợt ửng lên màu hồng.

    Là người lính lái xe cảm tử, ông Bảo làm sao quên được những tháng ngày gian nan ác liệt đã cùng chung trọng điểm với những cô gái TNXP kiên cường tuổi vừa 18, 20. Ông gặp bà Minh lần đầu tiên bị tắc đường trước khi vượt ngầm Vạc. Cả Đoàn xe 555 chở hàng vào chiến trường miền Nam buộc phải dừng lại. Bộ đội cùng TNXP cấp tốc giải phóng mặt đường. Có khi đoàn xe của ông phải nghỉ lại một đêm vì máy bay thả bom xới tung cả khúc đường trước mặt. Lại cho xe vào rừng ẩn nấp ngụy trang. Mùa mưa đường đứt lở, lầy nhầy bùn nhão của đất đỏ lẫn sỏi đá. Xe một cầu D.130 dễ mắc lầy, thế là dô ta… dô huầy… các nữ TNXP và bộ đội lái xe gò lưng đẩy, đó là vào đầu năm 1972. Ông còn nhớ cái chất giọng Hà Tĩnh trọ trẹ, mặn mà và nụ cười xinh xắn, tinh nghịch của bà ngày ấy, khi xe ông bắt đầu chuyển bánh: “Anh ơi! nhớ mang quà từ Nam ra cho chúng em với nhé…”. Ông hiểu, với người lính Trường Sơn thời đó, nhất là giới nữ phải chịu đựng thiếu thốn nhiều. Một đêm nghỉ lại rừng bên lán đại đội nữ TNXP. Hai người ngồi bên nhau tâm sự. Tiếng chim chóp bóp phía bên suối vọng lại. Họ nhìn nhau đắm đuối. Nụ hôn đầu đời tinh khiết của chàng trai trẻ tuổi 20…

   Quê ông Bảo ở tỉnh Hải Dương. Tháng 4 năm 1970, ông Bảo học lái xe trường 255 – Bộ quốc phòng. Tháng 5 năm 1971, ông chuyển về C7, Tiểu đoàn 105, Trung đoàn 27, Sư đoàn 473, Đoàn 559. Hành trình của đoàn suốt từ Tà Cơn, Khe Sanh, Lao Bảo, đường 22, đường 14, ASầu, Alưới. Tháng 12 năm 1972, ông về C7, Tiểu đoàn 964, Trung đoàn 512, Sư đoàn 571, Đoàn 559. Cho đến tháng 12 năm 1980, ông được Bộ quốc phòng điều vào tỉnh Sông Bé làm kinh tế thuộc Trung đoàn 647, Đoàn 23, Quân khu 7. Đến năm 1983, ông chuyển ngành về lái xe cho Công ty cao su Phú Riềng. Tháng 6 năm 1996, ông Bảo về địa phương xây dựng kinh tế gia đình. Rời quân đội ông Bảo cấp bậc Trung úy chuyên nghiệp – lái xe bậc 3/3.

   Ông Bảo, bà Minh giờ sinh hoạt chung Hội cựu chiến binh, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Hội Người cao tuổi xã Phú Riềng. Cả hai người (2 gia đình) đều gương mẫu đi đầu đóng góp xây dựng Nông thôn mới và trên các mặt đóng góp khác. Mặc dầu hoàn cảnh kinh tế của họ vẫn đang khó khăn, bản thân và các con đều bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Những người lính Trường Sơn năm ấy giờ vẫn sát cánh bên nhau vượt qua mọi khó khăn giúp nhau làm kinh tế…

                                                        DUY HIẾN