Giá trị lịch sử phong trào “năm xung phong”

Đăng lúc: 04-04-2021 5:15 Chiều - Đã xem: 189 lượt xem In bài viết

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ[i] được ký kết năm 1954 về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đế quốc Mỹ đã thay chân thực dân Pháp âm mưu xâm lược nước ta, chia cắt Việt Nam vĩnh viễn thành 2 nước.

Đứng trước tình hình đó, nhân dân miền Nam đã anh dũng đứng lên đấu tranh với chính quyền Ngô Đình Diệm. Từ phong trào Đồng khởi (1954-1960), đến các cuộc đấu tranh chống chiến tranh đặc biệt 1961-1965 và chiến tranh “Cục bộ” của Đế quốc Mỹ, đánh bại âm mưu tiến hành thực dân hóa kiểu mới của chúng. Với chiến trường miền Nam, Đảng ra Nghị quyết 15 tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang, thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân với 3 thứ quân để chống lại Đế quốc Mỹ. Ở miền Bắc tập trung xây dựng Chủ nghĩa xã hội và tăng cường chi viện cho miền Nam, trở thành hậu phương lớn phục vụ cho miền Nam đánh Mỹ.

Ngày 5/8/1964, Đế quốc Mỹ đã ngụy tạo ra “Sự kiện Vịnh Bắc bộ”, cho máy bay đánh phá miền Bắc, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất (1964-1968). Nghe theo tiếng gọi của Đảng, với khí thế sôi xục căm thù giặc, quân và dân miền Bắc quyết tâm đánh trả giặc Mỹ xâm lược. Phong trào cách mạng lên cao, Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam đã kêu gọi tất cả thanh niên dấy lên phong trào “Ba sẵn sàng”: Sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm; sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì Tổ quốc cần. Hưởng ứng phong trào, hàng vạn thanh niên đã lên đường nhập ngũ vào Nam đánh giặc hoặc gia nhập lực lượng TNXP tập trung để phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đất nước. Thực hiện khẩu hiệu “Miền Nam gọi, miền Bắc trả lời”, “Mỗi người làm việc bằng hai, tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Ở miền Nam, đáp lại phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên miền Bắc, Đoàn thanh niên Nhân dân cách mạng Việt Nam đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất ngày 26/3/1965. Phát động phong trào “Năm xung phong” chống Mỹ cứu nước. Đại hội đã được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, thay mặt Bộ Chính trị đến dự, chỉ đạo và giao nhiệm vụ. Đồng chí đã nhấn mạnh “Chúng ta đã thắng Mỹ trong chiến tranh đặc biệt nhưng Đế quốc Mỹ rất ngoan cố, trực tiếp đưa quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam tiến hành chiến tranh cục bộ, tình hình sắp tới sẽ khó khăn, ác liệt hơn … Dù tình khó khăn đến thế nào thì chúng ta cũng quyết tâm đánh thắng Mỹ …”. Đồng chí phân tích 5 nội dung mà thanh niên phải làm là:

– Xung phong diệt nhiều sinh lực địch;

– Xung phong tòng quân diệt giặc;

– Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến;

– Xung phong đấu tranh chính trị, chống bắt lính;

– Xung phong lao động sản xuất nông nghiệp trong nông hội.

Đại hội đã thống nhất chỉ đạo khẩn trương xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, tạo ra những quả đấm lớn trên chiến trường miền Nam. Nghị quyết lần thứ nhất Đại hội Đoàn thanh niên Nhân dân cách mạng Việt Nam nêu rõ việc tổ chức, phát triển lực lượng TTNXP giải phóng miền Nam “Để phục vụ đắc lực cho các hoạt động quân sự, các trận đánh lớn, để giáo dục đoàn viên thanh niên trong thực tế chiến đấu với giặc. Đoàn trực tiếp tổ chức các đội TNXP công tác phục vụ chiến trường, trước hết là ở xã và tổ chức các đội TNXP thoát ly có thời hạn và không thời hạn từ huyện trở lên theo yêu cầu của Hội đồng cung cấp tiền tuyến …”. Đầu tháng 4/1965, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn họp thông qua kế hoạch hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội; Chỉ thị, kế hoạch phát động phong trào “Năm xung phong”. Quyết định thành lập Tổng đội TNXP tập trung không thời hạn của Miền để đáp ứng phục vụ chiến trường trong tình hình mới.

Với tinh thần đó ngày 20/4/1965, Đội TNXP giải phóng đầu tiên C100 làm lễ xuất quân tại Bảy Bầu với 108 đồng chí rút từ cơ quan Trung ương cục. Tiếp đến là các tỉnh miền Đông Nam bộ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu long; sau đó là sự ra đời của các Đội “Hoàng Lê Kha” Tây Ninh, “Phú Lợi căm thù” của Bình Dương, “Bình Gĩa chiến thắng” của Biên Hòa, đội “Nguyễn Văn Tư” của Bến tre, “Ấp Bắc 1” của Mỹ Tho, “Nguyễn Việt Khái” của Cà Mau, “Tây Đô quyết thắng” của Cần Thơ, “Đông xuân quyết thắng” của Trà Vinh và “Ấp Bắc 2” của Mỹ Tho. Những năm 1966-1968 do quy mô và tính chất của chiến tranh ngày càng ác liệt, các Sư đoàn chủ lực đã được thành lập. Tổng đội TNXP giải phóng Miền Nam đã thành lập 3 Liên đội (tương đương tiểu đoàn) trực tiếp phục vụ các sư đoàn. Phiên hiệu các Liên đội lấy theo phiên hiệu các sư đoàn phối thuộc. Liên đoàn 9 phối hợp Đoàn 82, đảm trách đường Tây Ninh- Dầu Tiếng; Liên đoàn 7 phối hợp Đoàn 70, 83 đảm trách địa bàn tam giác sắt (Dầu Tiếng- Chơn Thành- Bến Cát) Bình Dương, tiếp cận ven đô Sài Gòn- Củ Chi; Liên đoàn 5 phối hợp Đoàn 84, nối với Campuchia. Chỉ trong 2 năm 1966-1967 Nam bộ đã có 35.000 TNXP trong đội ngũ và hơn 350.000 người tham gia chiến đấu với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Miền Tây Nam bộ, xa sự chỉ đạo, chi viện của Trung ương nhưng phong trào TNXP vẫn rất mạnh, trong thời gian ngắn đã xây dựng được 4 Đội TNXP đưa lên Miền (R) để hoạt động. Các Đội 239 “Nguyễn Việt Khái” (Cà Mau), Đội “Hòn Đất 1” (Kiên Giang), Đội 32 “Tây Đô” (Cần Thơ); Đội 1167 (Trà Vinh) hoạt động rất mạnh trong tam giác Cà Mau- Bạc Liêu- Kiên Giang. Khu 9 thành lập Liên đội 1 quân số 500 đội viên, làm nhiệm vụ hành lang Campuchia về Cà Mau từ năm 1967 đã trở thành phiên hiệu 1C lừng lẫy. Trong cuộc Tổng tấn công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Khu 9 thành lập Liên đội II, nòng cốt là Đội Tây Đô (Cần Thơ) và các Chi đội của Trà Vinh, Vĩnh long, cùng các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu tổ chức 36 Chi đội, quân số gần 500 đội viên. Liên đội II phục vụ bộ đội chủ lực tiến công vào đầu não của địch tại vùng 4 chiến thuật sau đó làm nhiệm vụ tại tuyến đường 1C cho đến thắng lợi mùa xuân 1975.

Mặt trận miền Trung: Khu V, tháng 3/1965 Khu ủy V quyết định thành lập Hội đồng cung cấp tiền phương. Hội đồng có nhiệm vụ lãnh đạo, huy động, vận chuyển, cung cấp nhân tài, vật lực cho kháng chiến giải phóng dân tộc. Thực hiện nhiệm vụ chiến lược là đảm bảo mạch máu giao thông, đáp ứng phục vụ yêu cầu chiến đấu, sản xuất tự túc, tạo điều kiện cho phong trào quần chúng được giữ vững và phát triển trong bất kỳ tình huống nào. Kêu gọi hàng ngàn thanh niên, nam, nữ ở vùng giải phóng và vùng địch tạm chiếm hăng hái lên đường gia nhập TNXP, đi bộ đội, tham gia du kích với khẩu hiệu “Không tiền tuyến, không hậu phương, đâu Đảng cần thanh niên có mặt, đâu có giặc thanh niên xuất quân”. Các Tổng đội TNXP Quảng Nam, Quảng Đà được thành lập với các phiên hiệu: Võ Văn Hưng, Nguyễn Văn Trỗi, Đồng Phước Huyến, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Bé, Quảng Đà, Đoàn Nam Sơn, Trung Sơn, Đông Sơn …Ở Quảng Ngãi có Tổng đội Hắc Hải và các đơn vị thuộc Ban giao vận tỉnh quản lý gồm Bắc Hải, Nam Hải, C34, C14, Đội vận tải Sao Mai, Đội thanh niên Quyết thắng, Đội Trường Sơn, Đội đóng thuyền Sông Hồng … , ở Bình Định có các đơn vị: Bắc Sơn, Nam Sơn, Trung Sơn, Nguyễn Kim, Ngô Mây …Phú Yên có Tổng đội Tuy Hòa I, Tuy Hòa II, …Sau này do yêu cầu của chiến trường, Khu ủy V quyết định giải thể Hội đồng cung cấp tiền phương và đổi tên thành Ban giao vận (tháng 8/1968), chuyển một số nam TNXP bổ sung cho lực lượng vũ trang. Lực lượng TNXP do Ban giao vận quản lý và chỉ đạo. Anh chị em TNXP không sợ gian khổ, hy sinh, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm mở đường, bám sát các trọng điểm, bảo vệ cầu phà, vừa vận chuyển vũ khí, vừa tiếp tế lương thực, thực phẩm, tải thương, đảm bảo mạch máu giao thông từ hậu phương ra tiền tuyến, tổ chức các hành lang đường bộ, đường thủy, ngược xuôi các dòng sông, nối liền đồng bằng, ven biển với miền núi xa xôi. Lực lượng TNXP đã khôn khéo hoạt động dưới nhiều hình thức hợp pháp, bất hợp pháp, công khai, bí mật, bằng cả mồ hôi, công sức, trí tuệ và xương máu, bằng cả tâm huyết và nghị lực, đạp lên muôn vàn khó khăn gian khổ, ác liệt, hy sinh. Đã vận chuyển hàng chục ngàn tấn hàng phục vụ cho chiến trường, tiếp tế cho quân khu V và chuẩn bị cho Tổng tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. TNXP  Khu V có lúc đã lên đến 15.000 người đảm bảo cho công tác phục vụ chiến đấu và chiến đấu, đã có 500 đội viên bổ sung cho quân đội.

Các tỉnh Quảng Đà, Thừa Thiên-Huế, Quảng trị cũng có những đơn vị TNXP khét tiếng như Tiểu đoàn 232 của Anh hùng LLVTND Phạm Thị Thao, địch nghe thấy tên đã khiếp sợ.

Các tỉnh Nam Trung bộ như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận cũng có nhiều đơn vị TNXP. Điển hình là đơn vị TNXP H50, Anh hùng LLVTND. Các lực lượng TNXP tập trung, phối thuộc, TNXP địa phương, TNXP cơ sở đều đã hoàn thành nhiệm vụ.

Lực lượng TNXP miền Nam đã phục vụ 641 trận đánh, trực tiếp chiến đấu 40 trận, bắt sống 856 tên địch, trong đó có 266 lính Mỹ, bắn rơi 5 máy bay Mỹ, phá hỏng 20 xe tăng, làm và sửa 29 km đường ô tô, 185 km đường xe thồ, 125 m cầu, đào 1135 m hầm hào, xây dựng 8 bệnh viện dã chiến và 272 kho quân dụng, vận chuyển 23.117 tấn hàng, 9.538 thương binh; đưa 18.000 lượt bộ đội qua sông; chăm sóc, nuôi dưỡng 2.077 thương binh, …; cung cấp cho lực lượng vũ trang 550 cán bộ, chiến sỹ và 160 người của cơ quan Trung ương cục.

Lực lượng TNXP đã được Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tặng cờ truyền thống thêu 12 chữ vàng: “Phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công vẻ vang”. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng: 1 Huân chương thành đồng hạng Nhất, 3 Huân chương Thành đồng hạng Ba; 154 Huân chương Quân công, Huân chương Giải phóng các loại; 359 Huy chương Giải phóng các loại; 54 danh hiệu Dũng sỹ; có 8 tập thể và 15 cá nhân được hong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Với sự thành công của phong trào “Năm xung phong” trong chiến tranh cách mạng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ta có thể đánh giá và rút ra một số giá trị của phong trào như sau:

Giá trị khoa học và thực tiễn:

– Phong trào có giá trị với Đường lối cách mạng Việt Nam: Nó phù hợp với Đường lối chiến tranh cách mạng miền Nam khi Đảng ta thực hiện Nghị quyết 15. Đấu tranh vũ trang, kết hợp 3 thứ quân chính quy, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang;

– Phong trào là động lực cho thanh niên miền Nam lúc bấy giờ: Phải đánh Mỹ, đánh ngụy để giải phóng dân tộc, tìm lại độc lập, tự do cho nhân dân. Không có con đường nào khác;

– Nó phù hợp với đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta: Toàn dân, toàn diện, phát huy sức mạnh của các tổ chức quần chúng. Tổ chức thanh niên là một lực lượng cách mạng;

– Đào tạo được lớp cán bộ cách mạng trong thanh niên: Có bản lĩnh chính trị, rèn luyện cách mạng qua chiến tranh, không lùi bước trong khó khăn, gian khổ, biết hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc; trở thành lực lượng cốt cán xây dựng xã hội mới sau hòa bình.

Giá trị về bài học kinh nghiệm:

– Bài học về công tác Thanh vận trong mọi giai đoạn của cách mạng. Thành công của nó trong chiến tranh, để nghĩ đến các phong trào Thanh niên trong các giai đoạn cách mạng khác nhau;

– Bài học về huy động nguồn lực, sức mạnh, sức trẻ của thanh niên khi cách mạng cần;

– Bài học về sức sáng tạo và rèn luyện của thanh niên trong chiến tranh cách mạng cũng như trong thời bình lúc nào cũng cần thiết;

– Bài học về công tác đào tạo cán bộ: Lớp người mới vừa hồng, vừa chuyên.

Giá trị lịch sử của phong trào:

– Trong lịch sử dân tộc, nó như một nốt son chói lọi. Trong lịch sử 90 năm của Đoàn Thanh niên nó ghi một dấu ấn về một giai đoạn lịch sử trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, giác ngộ cho thanh niên, biến lòng yêu nước của thanh niên thành hành động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tạo thành sức mạnh to lớn để đánh thắng kẻ thù. Là một dấu ấn không phai mờ trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Là những trang vàng trong lịch sử Đoàn Thanh niên và thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh;

– Nó lan tỏa ra cả thế giới, trở thành bài học cho thanh niên nhiều nước còn đang nằm trong sự kìm kẹp của thực dân, đế quốc, đấu tranh để giành lấy quyền sống, quyền hạnh phúc của mình. Là bài học cho thanh niên nhiều nước tìm ra con đường độc lập cho dân tộc mình, đấu tranh giải phóng, xây dựng và phát triển. Đây là bài học lịch sử có tính thời đại, để cho thanh niên thế giới khâm phục thanh niên Việt Nam và tôn trọng độc lập, tự do của dân tộc ta;

– Cùng với phong trào “Ba sẵn sàng” ở miền Bắc, phong trào “Năm xung phong” của thanh niên miền Nam trở thành bài học đắt giá nhất của lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Nó còn có ích cho tất cả các thời kỳ cách mạng và phát triển của đất nước ta trong thời đại mới./.

 NGÔ VĂN TUYẾN

 Trưởng ban TCKT&TT, Hội Cựu TNXP Việt Nam


[i] Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 là hiệp định đình chiến được ký kết tại thành phố Genève, Thụy Sĩ nhằm khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Hiệp định dẫn đến chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp trên bán đảo Đông Dương và chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.