GIÀU LÊN NHỜ ƯƠM CÂY KEO

Đăng lúc: 14-08-2023 1:59 Chiều - Đã xem: 188 lượt xem In bài viết

Đã 20 năm nay, vườn ươm keo giống của vợ chồng ông Dương Văn Hồng và bà Nguyễn Thị Sương ở thôn Nam Kim Sen, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều hộ trồng rừng trong và ngoài huyện. Nhờ dám nghĩ, dám làm, cần cù, chịu khó và tạo việc làm cho nhiều lao động mà gia đình ông, bà từ nghèo đói đã giàu lên, kinh tế gia đình ngày càng ổn định.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ TNXP chống Mỹ cứu nước, trở về với đời thường, tháng 10 năm 1975, ông bà lập gia đình. Những năm tháng về với nhau trong một nhà, vợ chồng ông cũng như nhiều người dân khác ở miền sơn cước, nơi thượng nguồn sông Long Đại[1] khó khăn bộn bề, con nhỏ dại, nhà cửa tạm bợ, lại phải chạy gạo lo cho từng bữa ăn. Nghèo đói vẫn luôn đeo bám quanh năm. Tiếp chúng tôi, ông Dương Văn Hồng và bà Nguyễn Thị Sương cười nói “Nhờ những năm tháng cùng đồng đội mở đường Trường Sơn và vận chuyển lương thực, vũ khí ra chiến trường, cáng tải thương bệnh binh, sống chung với bom đạn Mỹ và những năm lăn lộn trên công trường Nam sông Thạch Hãn đã hun đúc thêm ý chí, nghị lực vượt khó để vợ chồng tôi tìm hướng thoát nghèo. Cách đây trên 20 năm, vợ chồng tôi quyết định chuyển đổi 2,10 sào đất gò đồi thuộc diện 64[2] đã được cấp sổ đỏ ở vùng Cây Thuộc sang làm đất để gieo, ươm cây keo giống. Buổi đầu, khó khăn nhất là kỹ thuật làm đất, lên luống, chọn giống, cách thức gieo ươm cây. Thế là, tôi (ông Hồng) lặn lội đi tìm hiểu, mua sách viết về kỹ thuật làm đất, chọn giống và ươm cây keo. Có sách, những ngày đầu tôi nghiền ngẫm cuốn sách để nắm bắt quy trình kỹ thuật. Sau khi trong đầu định hình được mọi quy trình, kỹ thuật về làm đất, chọn giống, gieo ươm… vợ chồng tôi đi thuê 10 lao động ở địa phương và hợp đồng lao động, tiền lương với họ. Các lao động cùng vợ chồng bắt tay phạt và đốt cỏ, làm đất, lên luống, che lưới chống nắng, lắp đặt hệ thống tưới tiêu nước. Cũng trong thời gian này, tôi bắt xe vào tỉnh Đồng Nai hỏi, hợp đồng đặt mua giống cây keo. Theo hợp đồng, đến kỳ hạn, tôi sang Quốc lộ 1 tại điểm Dinh Mười nhận cây và chở về để gieo”.

Vườn ươm cây keo giống của ông Dương Văn Hồng ở xã Trường Xuân

Có cây giống và dựa vào kỹ thuật ươm cây keo như trong sách, giai đoạn đầu, ông Dương Văn Hồng mày mò hướng dẫn các lao động tỉ mỉ từng chi tiết, kỹ thuật cắt hom cây là phải chọn phần non, đủ mắt lá rồi giâm hom kiểu như giâm ươm rau khoai, rau muống. Giâm cây keo xong, ông lại hướng dẫn người phụ trách phun tưới nước bằng hệ thống phun, tưới cho cây đủ mát, đất đủ thấm. Mặt khác, trong quá trình ươm cây, tưới nước các lao động luôn chú ý, theo dõi vườn cây để phòng trừ sâu bệnh cho cây.

Trên diện tích 2,10 sào đất, mỗi năm ươm 3 lứa cây, mỗi lứa ươm 60 vạn cây giống trong thời gian từ 1,5 tháng đến 2 tháng là xuất bán. Nhờ ở địa hình miền núi nên ở xã Trường Xuân có rất nhiều hộ dân các thôn, bản trồng rừng. Trước đây, họ mua cây keo từ những địa phương khác về trồng, từ ngày gia đình ông Dương Văn Hồng có vườn ươm keo, các hộ trồng rừng trên địa bàn xã không đi mua xa nữa mà trực tiếp đến mua keo giống tại vườn ươm của ông. Không những thế, họ còn tuyên truyền rộng ra để các hộ trồng rừng ở các xã trong huyện như Vạn Ninh, An Ninh, Xuân Ninh và lan rộng ra khu vực Đồng Hới, huyện huyện Minh Hóa cũng tìm đến mua. Với ông Dương Văn Hồng, những người mua keo giống của ông, nếu ai có hoàn cảnh khó khăn không trực tiếp đến lấy cây thì ông cho phương tiện vận chuyển về tận nơi.

Bình quân, mỗi cây keo giống có giá 80 đồng, mỗi năm ông bà thu về khoảng 480 triệu đồng, trừ việc trả lương cho người lao động và các chi phí khác, gia đình lãi ròng 250 triệu đồng/năm.

Ông Dương Văn Hồng chia sẻ “Cùng với bán cây keo giống, vợ chồng tôi chuyển đổi 24 ha rừng trên vùng Bãi Cơm mà gia đình đã được cấp thành rừng trồng. Tôi thuê thêm lao động để nhổ cây keo giống tại vườn ươm ở Cây Thuộc lên trồng trên diện tích 24 ha đó. Từ nhà, thuyền máy chạy ngược dòng Long Đại trên 20 phút là cập bến Bãi Cơm; nơi đây, là chiến khu của Việt Minh ta thời kháng chiến chống Pháp. Từ khi trồng đến 5 năm sau là cho thu hoạch keo. Mỗi lứa trồng keo thu về 450 triệu đồng, trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình lãi ròng 60 triệu đồng. Do vợ chồng tuổi ngày càng cao, sức càng xuống nên những năm gần đây đã nhượng lại cho 3 con trai 9 ha rừng trồng, còn lại 15 ha ông bà vẫn chăm sóc, thu hoạch. Ngoài ươm cây, trồng rừng, gia đình còn nuôi bò, lợn, gà, ngan… đưa tổng số tiền lãi ròng của gia đình lên trên 330 triệu đồng/năm”. Biết ông Hồng là người chất phác, thật thà, rất khiêm tốn trong tính toán, làm ăn nên chúng tôi cùng ngồi cười vui, tán đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Lãnh, người cùng thôn, cùng một thời trai trẻ là đồng đội của nhau tham gia Thanh niên xung phong hăng hái mở đường Trường Sơn đi cứu nước bộc bạch “Vợ chồng ông Hồng luôn xứng đáng “Lúc trẻ xông pha, về già mẫu mực”, nhờ có chí làm ăn nên kinh tế gia đình ông bà ngày càng vững vàng, nhà cửa cao ráo, bề thế, khang trang, tiện nghi đầy đủ. Trong cuộc sống, ông bà không những làm gương cho con cháu noi theo mà làng xóm luôn tôn trọng, nể phục”.

  THÁI TOẢN


[1] Sông Long Đại dài 77 km, thuộc huyện Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn và chảy theo hướng đông bắc, gặp sông Kiến Giang tạo thành sông Nhật Lệ. Sông Nhật Lệ chảy theo hướng đông bắc trước khi đỗ ra Biển Đông tại Đồng Hới.

[2] Đất 64 (Nghị định 64-CP, ngày 27 tháng 9 năm 1993) là đất được giao cho các cá nhân, hộ gia đình sử dụng với mục đích sản xuất nông nghiệp gồm có: đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, các loại đất này gồm có cả đất làm kinh tế gia đình, đất xâm canh, đất vườn, đất trồng, đồi núi trọc, đất hoang hóa được xác định để sản xuất nông nghiệp.