Chiều 15/02/2025, tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, Chi hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Trường Sơn Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương Việt Nam – Chi nhánh Quảng Nam – Đà Nẵng và Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng tổ chức giới thiệu tác phẩm “RỪNG THIÊNG CHIẾN KHU”, Nhà xuất bản Văn học ấn hành tháng 12 năm 2024, của Thạc sĩ Bùi Công Định (ảnh dưới), sinh năm 1938, hội viên Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng.
![]() |
![]() |
Tác phẩm và tác giả.
Tham dự có nhà nghiên Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng; nhà thơ, dịch giả Bùi Xuân – Chủ tịch Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng; nhà thơ Mai Hữu Phước – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng; Đại tá, nhà báo, nhà thơ Lê Anh Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương Việt Nam, Giám đốc Chi nhánh Quảng Nam – Đà Nẵng; Đại tá, Phó GSTS Đỗ Ngọc Thứ – Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Đà Nẵng, Chủ tịch Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng; nhà thơ Hồ Văn Chi – Phó Chủ tịch Hội thơ Đường luật Việt Nam, Chủ tịch Chi hội thơ Đường luật Đà Nẵng; Giám đốc, Phó Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng Lê Thị Bích Phượng và Vũ Thị Ân; Chủ tịch Hội Khoa học – Kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng Bùi Tô Hoài; Giám đốc Ban quản lý Dự án Đường bộ 5 Vũ Mạnh Hà cùng đông đảo các nhà văn, nhà thơ; hội viên Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng; gia đình và bạn bè thân thích của tác giả Bùi Công Định.
![]() |
![]() |
Mở đầu là chương trình văn nghệ gồm những ca khúc viết về Trường Sơn một thời oanh liệt do hội viên Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng biểu diễn (ảnh trên) .
Tác giả Bùi Công Định rất xúc động đón nhận những lẵng hoa tươi thắm chúc mừng của Hội Trường Sơn Đà Nẵng; Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng; Ban liên lạc cựu cán bộ, công nhân Ban Giao thông Vận tải Khu V tại Đà Nẵng; Ban Quản lý Dự án Đường bộ 5; Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng và một số đơn vị, cá nhân.
Đại tá, Phó GSTS Đỗ Ngọc Thứ đã chúc mừng tác giả và giới thiệu khái quát tập ký “RỪNG THIÊNG CHIẾN KHU”. Tác giả tập ký dày gần 400 trang là một trong 44 kỹ sư, cán bộ kỹ thuật được Ban Thống nhất Trung ương điều vào Khu 5 năm 1971. Đó là Thạc sĩ kỹ sư Bùi Công Định làm việc tại Ban Giao thông Vận tải Khu 5[1] với cương vị Phó Trưởng phòng Kế hoạch đã cùng các kỹ sư tham mưu phác thảo trục đường chiến lược Khu 5, chỉ đạo xây dựng công trình, làm thư ký cho các đồng chí lãnh đạo của Ban Giao vận Khu và Khu ủy khu 5. Là người trực tiếp sống, công tác, chiến đấu, trực tiếp tham gia thiết kế, thi công những tuyến đường trên những cánh rừng Trường Sơn thuộc địa bàn Khu V tác giả Bùi Công Định đã tái hiện lại một giai đoạn lịch sử, một giai đoạn đầy khó khăn, đầy chông gai của cuộc chiến tranh giải phóng ở “khúc ruột miền Trung[2]”. Tập ký viết về những con người, những năm tháng chiến đấu cực kỳ gian khó nhưng cũng vô cùng vinh quang của thế hệ cha ông năm mươi năm trước trên vùng đất thiêng. Nơi ấy, những ngọn núi, những dòng sông nuôi chí lớn các vị lãnh đạo kiên cường của Đảng bộ Khu 5. Nơi ấy, những kỹ sư, cán bộ kỹ thuật trẻ ngành Giao thông vận tải, lực lượng công binh, TNXP, dân công và nhân dân các thôn, bản dưới bom đạn quân thù, dưới mưa dầm, gió rét, cả nghìn ngày xây dựng nên mạng đường chiến lược giữa rừng già cho ô tô tải, xe tăng, pháo binh đến những trận đánh lớn giải phóng Đà Nẵng, Chu Lai và toàn bộ miền Trung, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
![]() |
![]() |
Quang cảnh buổi giới thiệu tác phẩm.
Tập ký ghi lại 4 mật khu của Đảng bộ Khu 5.
- Mật khu suối Ca Da đỉnh Hòn Bà[3] thâm u đại ngàn, sát nách quân thù.
- Thủ phủ xanh Nước Oa[4] hừng hực không khí chiến đấu.
- Vùng tây Tiên Phước (Quảng Nam) phải bỏ vì chiến trường thay đổi.
- Căn cứ Nam cầu Bà Huỳnh, nay là xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, hội tụ tinh hoa trí tuệ Đại hội lần thứ III đảng bộ Khu 5, đề ra các quyết sách cho những trận chiến lớn.
Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng tặng sách cho Thư viện.
Tập ký ghi lại những trận đánh quan trọng trong mùa hè đỏ lửa 1972, mùa mưa lũ giải phóng thị trấn chiến lược Ba Tơ, mở đường lớn vào Bình Định; những chiến công của các chiến sĩ làm đường chiến lược, những chiến sĩ lái xe đi giữa mưa bom vào chiến trường và những con người lái thuyền vượt thác sông Tranh, sông Thu Bồn chở đạn chở gạo cho mặt trận miền tây Quảng Đà. Và những nhà lãnh đạo kiên cường, tmưu lược như thần, hàng chục năm xây dựng lực lượng đánh giặc trong Rừng Thiêng.
Bạn đọc sẽ thấy đồng chí Võ Chí Công[5] cảm động đọc diễn văn tiễn các đoàn xe chở gỗ quý của miền Trung ra Bắc xây dựng lăng Bác Hồ; sẽ gặp một vị tướng tài ba Chu Huy Mân[6] cầm tay chiến sĩ – kỹ sư nhắn nhủ giữ sức khỏe để chuẩn bị tốt cho chiến trường; sẽ thấy nhà lãnh đạo Trần Kiên[7] đầu trần đứng dưới mưa bão, chỉ huy đại quân vượt sông Liên đánh Đá Bàn hoàn thành việc giai phóng Ba Tơ; sẽ biết đến nhà lãnh đạo tài ba Bùi San[8] điềm tĩnh trong bộ bà ba đen chỉ đạo làm đường đưa tên lửa lên đỉnh núi bắn xuống sân bay Chu Lai[9], sẽ gặp người Trưởng ban trầm tư, anh hùng Nguyễn Chí Quyết bàn việc lớn mở đường chiến lược Khu 5; sẽ gặp một cán bộ lãnh đạo Ban Giao Vận Khu 5 như Trương Đình Công cà răng, căng tai, tập sống với đồng bào dân tộc để giành núi, giành sông, giành từng tấc đất với giặc xây vùng giải phóng trong những năm gian khó nhất; đó là nhân dân các dân tộc một lòng theo Đảng bảo vệ vùng đất thiêng cho những đoàn quân mở đường và chiến đấu suốt hai mươi năm chiến tranh.
Và ở đây bạn đọc sẽ biết con cá niên ngược nước, con cá chình trong hang, con heo lai heo rừng dắt theo như con chó…nuôi sống bộ đội, củ sâm quý gọi là củ dấu của núi rừng nam Trà My, đỉnh Ngọc Linh cứu giúp thương binh…
Đại tá Đỗ Ngọc Thứ (ảnh trên) đánh giá: Bằng những áng văn có trách nhiệm với quá khứ, có trách nhiệm với lịch sử, mà trước hết là sự tri ân với những người đã cống hiến máu xương cho Tổ quốc, tác giả Bùi Công Định đã cố gắng ghi lại những sự việc con người anh hùng, đã dự những sự kiện lịch sử giai đoạn từ 1971 đến 1975 ở Rừng Thiêng chuẩn bị cho trận chiến lớn thắng lợi cuối cùng Chiến dịch Hồ Chí Minh, đại thắng Mùa Xuân 1975.
Tiếp đến, Đại tá, nhà báo, nhà thơ Lê Anh Dũng (ảnh trên); nhà thơ, dịch giả Bùi Xuân và nhà thơ Hồ Văn Chi (người cùng gắn bó với tác giả Bùi Công Định thời kỳ 1971-1975) đã phát biểu chúc mừng tác giả Bùi Công Định. Các ý kiến đều đánh giá cao công sức của tác giả. “Rừng thiêng chiến khu” phản ánh mặt sử liệu rất giá trị. Rất cảm ơn tác giả diễn tả được khí thế hào hùng của quân và dân ta, tác phẩm có tác dụng giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau. Đánh giá cao về mặt văn học của tác phẩm, mong muốn được đọc các tác phẩm tiếp theo của tác giả.
Riêng nhà thơ Hồ Văn Chi (ảnh trên) còn tặng tác giả Bùi Công Định bài thơ sâu nặng nghĩa tình như sau:
TẶNG TÁC GIẢ “RỪNG THIÊNG CHIẾN KHU”
Tập ký ra đời thoả ước mong
Bao nhiêu tâm huyết lắm đêm ròng
Từng chương tả lại thời hoa lửa
Mỗi chuyện ghi về những chiến công
Lãnh đạo bàn mưu ngời chí cả
Quân dân mở tuyến ngút tâm đồng
Rừng thiêng trở giấc hoà trang sử
Gửi lại cho đời thoả ước mong.
Tác giả tặng sách cho đại biểu.
Nhân dịp này, Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng đã trao tặng Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng một số đầu sách của Hội Trường Sơn Việt Nam và một số tác giả là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn Việt Nam.
Chụp ảnh lưu niệm.
Buổi giới thiệu tác phẩm mới đã thành công mỹ mãn, góp phần làm phong phú thêm “Ngày hội văn hóa đọc Đà Nẵng 2025” lần 1, đánh dấu những hoạt động đầy ý nghĩa mở đầu cho năm Ất Tỵ 2025 của Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng và chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2025./.
Lê Văn Huấn
Phó Chủ tịch Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng
[1] Khu 5, hoặc Chiến khu 5, là một đơn vị hành chính – quân sự cũ ở vùng Trung Trung Bộ Việt Nam gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,Kon Tum, Gia Lai.
[2] “Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung” – trích Ta đi tới của Tố Hữu.
[3] Đỉnh Hòn Bà thuộc địa phận 2 xã: Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh và Suối Cát, huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa). Cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 50km về phía tây nam.
[4] Nước Oa nguyên là tên của một con sông nằm trong rừng già thuộc xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Khu căn cứ Nước Oa là nơi đứng chân của Khu ủy V và Bộ Tư lệnh Quân khu V.
[5] Võ Chí Công (tên khai sinh là Võ Toàn; 7 tháng 8 năm 1912 – 8 tháng 9 năm 2011), bí danh Năm Công, là một nhà cách mạng, nhà chính trị và lý luận chính trị người Việt Nam. Từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước như Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 1987–1992, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng gian đoạn 1986–1987, Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 1982–1986. Trước đó ông từng là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp (1977–1979), Bộ trưởng Bộ Hải sản (1976–1977). Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, ông là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1961–1975), Phó Chủ tịch Thường trực Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1962–1976), Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, phụ trách Bí thư Khu ủy Khu V, Chính ủy Quân khu V (1964 – 1975)…
[6] Chu Huy Mân (17 tháng 3 năm 1913 – 1 tháng 7 năm 2006) là một chính khách và tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, hàm Đại tướng. Ông từng giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.[2] Ông nổi tiếng với vai trò Tư lệnh Quân khu Tây Bắc và được bổ nhiệm làm chính ủy cho chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế – Đà Nẵng trong Chiến tranh Việt Nam
[7] Trần Kiên (1920-2004) đã đảm nhiệm các chức vụ: Phó Bí thư Khu ủy Quân khu 5; Bí thư tỉnh ủy các tỉnh Kon Tum, Đắc Lắc, Nghĩa Bình, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam
[8] Bùi San (1914 – 2003) hay Đặng Trần Thi, nguyên Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ trước Cách mạng tháng Tám, Trưởng Tiểu ban Dân tộc Trung ương (nay là Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Việt Nam), Trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam ở Campuchia, Phó Chủ tịch Liên hiệp công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa 4 và Khóa 5.
[9] Sân bay Chu Lai có diện tích lớn nhất trong các sân bay Việt Nam, với 3.000ha. Đường băng dài 3050m.