Giôn Xơn mày thua tao rồi

Đăng lúc: 15-01-2019 1:29 Chiều - Đã xem: 298 lượt xem In bài viết

Giữa tháng mười một chín sáu tám (1968)

Đỉnh Trạ Ang[i] khốc liệt đêm ngày

          Chiến công vang dội nơi đây

Của Tiểu đội nữ, “chị Hai” Thái Bình.

Trạ Ang đường “Hai mươi Quyết Thắng”

Mười hai cô C 932

          Thay nhau đứng chốt đếm bom

Chờ công binh phá giữ đường luôn thông.

 

Lên chốt đầu tiên: Phạm Thị Nga

Trúng tên lửa! Không tìm thấy xác

          Nén đau! Chị Công thay chốt

Vẫn kiên cường đếm từng đợt bom rơi.

 

Hai nhăm (25) trận mỗi ngày bom dội

Đá Trạ Ang đỏ rực thành vôi

          Khói bom chưa tan trận trước

Khói trận sau lại phủ tiếp bầu trời.

Suối Trạ Ang nhuộm đỏ máu tươi

Lính xăng dầu kéo phuy ngược suối

          Ba mươi (30) phuy được kéo qua

Hai chín (29) đồng đội chúng ta về trời

 

Bom chồng lên bom, chẳng nghỉ ngơi

Có ngày bẩy (7) lượt B52 đến dội

          Chị Công bom nổ trúng người

Chị Lơ cháu ruột ắt thời lên thay.

 

Cứ như thế! Hơn mười ngày chốt

6 hy sinh, 5 chị bị thương

 

          Chị Quyết người chốt cuối cùng

5 ngày bám trụ coi thường hiểm nguy.

Trận bom cuối đêm ngày 31[ii]

Chị lả đi khi Mĩ hết bom

          Giôn Sơn[ii]: “Tuyên bố đầu hàng”

Xin “ngừng bắn” phá Trạ Ang “từ ngày:

Mồng 1 tháng 11 năm nay[iii]

 

Chị Quyết vùng dậy hai tay phất cờ

          Khản cổ Quyết vẫn hô to

Giôn Sơn – Tổng thống mày thua tao rồi.

Thơ: Hà Đỗ Tú

Ảnh: Đồng Sỹ Tiến


[i] Trạ Ang là đoạn đường từ Km12 đến Km14 của đường 20 – Quyết Thắng. Đó là đoạn đường giao thông độc đạo nằm chênh vênh trên núi cao 400 – 600m, dưới là vực Trạ Ang sâu hút. Cung đường “cuống họng” này từ năm 1964 đến 1972 là túi bom vô tận của máy bay Mỹ. Chúng bắn phá khu vực này cả ngày lẫn đêm. Có đợt, chúng bắn phá liên tục 87 ngày đêm, có ngày chúng dùng 27 lần máy bay B52 và 30 lần máy bay khác đến ném bom toạ độ. Chúng ném xuống khu vực này đủ thứ bom: bom tấn, bom tạ, bom phát quang, bom từ trường, bom bi, mìn lá, mìn tai lồng…Đặc biệt, chúng còn thả xuống Trạ Ang những loài cây nhiệt đới có chức năng thu phát các tiếng động như tiếng xe ô tô, tiếng bước chân hành quân của bộ đội, để báo về trung tâm điều khiển máy bay. Ngầm Trạ Ang sâu hút là nơi vang mãi huyền thoại “Máu và xăng”. Ngày 25/9/1968, trước tình hình khan hiếm xăng của chiến trường miền Nam, Binh trạm 14 tổ chức bốn đội chuyển tải kéo xăng ngược suối. Địch phát hiện và ném bom. Để đưa được 30 phuy xăng vượt dòng suối Trạ Ang, 29 chiến sĩ vận tải của Đội 81 TNXP Thái Bình chốt giữ trọng điểm này đã không trở về nữa, máu và xăng hòa trộn nhuộm đỏ cả dòng Trạ Ang. Để biết thêm xin mời xem phim “Trên đỉnh Trạ Ang” của đạo diễn Bùi Ngọc Hà tại http://cuutnxpvietnam.org.vn/1334-2/

[ii] 31/10/1968 Tổng thống Mỹ Giônxơn (27/8/1908 – 22/01/1973), là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 36, tại vị trong giai đoạn 1963–1969, tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, cử người đàm phán với Chính phủ Việt Nam tại Pari

[iii]  Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (theo cách gọi ở Bắc Việt Nam) là chiến dịch ném bom trong Chiến tranh Việt Nam do Sư đoàn 2 Không quân (sau là Seventh Air Force), Hải quân Mỹ và Không lực Việt Nam Cộng hòa chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chiến dịch này kéo dài từ ngày 2 tháng 3 năm 1965 đến 1 tháng 11 năm 1968.