Giữa biển trời huyện đảo Lý Sơn cựu tù yêu nước đọc nhật ký liệt sỹ Đặng Thùy Trâm

Đăng lúc: 23-07-2019 2:08 Chiều - Đã xem: 131 lượt xem In bài viết

 

Nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên đã khiến cho tôi có thêm ấn tượng vô cùng sâu đậm về nữ anh hùng, liệt sỹ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm[i]. Quê tôi tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Nhà tôi ở quê gần sát bên cạnh Bệnh xá Thùy Trâm, còn nhà ở Hà Nội cũng gần sát bên cạnh Trường Trung học Chu Văn An, nơi cô nữ sinh Thùy Trâm đã học.

Ảnh: Internet

Từ năm 1965 đến năm 1975 tôi công tác, chiến đấu tại Chiến trường khu 5 và những năm 1969 – 1971 đã trực tiếp chỉ đạo Đội TNXP vũ trang khu 5 hoạt động tại Mặt trận Ba Tơ – Đức Phổ. Cùng thời kỳ này, ông anh cả tôi làm Bí thư Huyện ủy kiêm Chính trị viên Huyện đội Đức Phổ, và chú em tôi làm Bí thư Chi bộ nằm vùng tại thôn Thủy Thạch, nơi bác sĩ Đặng Thùy Trâm cống hiến, chiến đấu và hy sinh. Nên khi đọc cuốn nhật ký và câu chuyện về cuốn nhật ký tôi vô cùng xúc động. Những tình cảm tưởng như lắng đọng từ những tháng ngày cam go ác liệt nhất của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giải phóng quê hương lại bùng lên làm rung động trái tim như thời tuổi trẻ. Nhật ký Đặng Thùy Trâm[ii] được viết bằng những dòng chữ lửa tại chiến trường Đức Phổ quê hương tôi cách đây 50 năm, hôm nay vẫn tiếp tục thắp sáng, thôi thúc, nhen lên trong mỗi người chúng ta khát vọng vươn tới những điều tốt đẹp, cao cả thiêng liêng.

Một sự trùng hợp nữa vô cùng thú vị, mới vừa xảy ra, cuối tháng 5 lịch sử này. Mặc dù tuổi đã quá cao, sức khỏe hạn chế, nhưng con cháu chúng tôi hoàn toàn tin tưởng tổ chức cho hai vợ chồng già chúng tôi một chuyến về thăm quê và ra đảo Lý Sơn để được ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay giữa biển trời. Trong chuyến về thăm quê này, được nghe ông anh cả, chú em và một số đồng chí kể chuyện về các cựu tù yêu nước ra thăm đảo Lý Sơn đã mang theo một số sách viết về những tấm gương anh hùng trong các cuộc kháng chiến cứu nước và bảo vệ biển đảo biên cương, trong đó có cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được nhiều người trên đảo đón đọc, bàn luận say sưa.

Không ai không xúc động trước những dòng Nhật ký tâm huyết của Liệt sỹ Đặng Thùy Trâm đã tái hiện chân thực và sinh động tội ác dã man của bọn xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai; khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc và ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất không ngại gian khổ hy sinh của quân và dân ta trong những năm kháng chiến, cứu nước vô cùng khó khăn, khốc liệt. Trên cái nền vô cùng khốc liệt của chiến tranh, ở một vùng khắc nghiệt là xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ và vào cái thời điểm cực kỳ khó khăn, một mất một còn năm 1970 ấy, đã hiện lên sừng sững chân dung của người nữ Anh hùng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm. Chị là một công dân yêu nước, một đảng viên cộng sản trung kiên sẵn sàng xả thân vì lý tưởng của Đảng; một trí thức có lương tâm, tận tụy, có đức hy sinh; một người con gái Thủ đô trẻ trung, hồn hậu yêu đời, khát khao được yêu thương, chia sẻ nhưng luôn có ý thức rất cao về phẩm giá và lòng tự trọng. Chị là một người con yêu thương, gắn bó với gia đình nhưng vẫn sẵn sàng hy sinh tình nhà để đền nợ nước. Ở chị vừa có vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, vừa có vẻ đẹp của những người anh hùng trong “Thép đã tôi thế đấy”[iii] trong “Viết dưới giá treo cổ”[iv]

“Cuộc đời có ba việc lớn: Lý tưởng, sự nghiệp và tình yêu”,  chị đã xác định cho mình như vậy và đã chọn chiến trường miền Nam – Khu 5, nơi đối đầu ác liệt nhất giữa ta và địch – để khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của mình. Cả cuộc đời 27 tuổi xuân, chị đã sống làm việc như một người anh hùng chân chính. Chị đã hy sinh anh dũng khi một mình với cây súng trường kiên cường chiến đấu với 120 lính Mỹ, để đồng đội đưa thương binh ở Bệnh xá Đức Phổ sơ tán an toàn. Chị ra đi nhưng để lại cho cuộc đời này, cho thế giới này – vẫn còn lòng tham, chiến tranh và bạo lực này – những bài học vô cùng sâu sắc. Không chỉ có nhân dân Việt Nam mà cả thế giới cần phải biết về chị, bởi chị là hiện thân sinh động của khát vọng hòa bình, lên án chiến tranh xâm lược.

Đọc nhật ký Đặng Thùy Trâm sẽ giúp cho những ai còn chưa hiểu hết về cuộc chiến tranh Việt Nam sẽ hiểu hơn ý nghĩa sự hy sinh cao cả của dân tộc Việt Nam, của các anh hùng, liệt sỹ trong sự nghiệp bảo vệ độc lập tự do, thống nhất đất nước. Đồng thời sẽ góp phần làm cầu nối trong việc thắt chặt và tăng cường quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Mỹ. Chính vì thế, mà sau 35 năm lưu lạc, xa đất mẹ nửa vòng trái đất, hai cuốn nhật ký của liệt sỹ Đặng Thùy Trâm vẫn bền bỉ “chiến đấu”, lặng lẽ tỏa hương, chinh phục, thức tỉnh lương tâm của một cựu quân nhân Mỹ (Frederic Whitehurst, Tiến sĩ Luật, Tiến sĩ khoa học, Họa sĩ, cựu chuyên gia cao cấp về chất nổ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ) và gia đình, bạn bè của họ để bảo toàn đưa về với gia đình, bạn bè và Tổ quốc đúng vào dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm 60 năm cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/2005.

Đặc biệt, đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm giữa biển trời Tổ quốc, lần này các cựu tù yêu nước còn khâm phục một tiên đoán của đảng viên trẻ Đặng Thùy Trâm cảnh báo phải có dũng khí đấu tranh chống bọn “giặc nội xâm” để bảo vệ Đảng, bảo vệ lý tưởng cách mạng ngay trong những ngày kháng chiến còn cực kỳ cam go khốc liệt. Và đặc biệt hơn nữa là tinh thần tự phê bình nghiêm khắc đối với bản thân trên cương vị một thầy thuốc mà không thể cứu được những thương binh theo tinh thần “còn nước còn tát”.

17-5-1968. Chiến tranh còn tiếp diễn, chết chóc vẫn diễn ra hàng ngày, từng giờ từng phút. Mới tối qua Thìn và anh Sơn cùng bọn mình trò chuyện. Thìn còn dặn Lệ mua vải may áo, đêm nay hai người chỉ còn là hai cái xác nằm dưới nắm đất của đất Đức Phổ mà lần đầu họ đặt chân đến ấy rồi. Liên nói vậy mà đúng: Hãy sống với nhau bằng tình thương chân thành đi, kẻo rồi hối hận khi bạn mình đã chết, mới nghĩ rằng hồi còn sống mình đã không thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

25-5-68. Những ngày u uất của tâm hồn. Có gì đè nặng trên trái tim ta? Đâu chỉ có nỗi buồn, vết thương rỉ máu của con tim đó đâu? Mà còn có gì nữa kia? Những sự thiếu công bằng vẫn còn trong xã hội, vẫn diễn ra hàng ngày; vẫn có những con sâu, con mọt đang gặm dần danh dự của Đảng, những con sâu mọt ấy nếu không bị diệt đi nó sẽ đục khoét lòng tin yêu với Đảng. Rất buồn mình chưa được đứng trong hàng ngũ của Đảng để đấu tranh cho đến cùng. Có lẽ vì thế mà những người đó vẫn chần chừ không dám kết nạp mình mặc dù tất cả đảng viên trong chi bộ và nhiều người có trách nhiệm trong huyện, trong tỉnh này đã đôn đốc, thúc giục việc giải quyết quyền lợi chính trị cho mình…

29-5-68. Ngày từng ngày vẫn trôi qua nặng nề. Công việc bận rộn làm mình quên đi những việc bực bội, nhưng rồi nó vẫn lại đâm nhói vào suy nghĩ những cây gai nhức nhối. Tại sao vậy hỡi tất cả mọi người? Tại sao trong tay ta đã có vũ khí phê và tự phê mà không sử dụng để cho những ung nhọt của những tư tưởng cổ hủ cứ mọc dần trong một số cái đầu óc? Tại sao khi ta là kẻ đúng, khi ta là số đông mà không đấu tranh được với một số nhỏ để số người đó gây khó khăn, trở ngại cho tập thể? Đành rằng ở đâu cũng có kẻ xấu người tốt, đành rằng sự mâu thuẫn là quy luật tất nhiên, nhưng không phải vì thế mà ta đầu hàng. Nhiệm vụ của ta là phải đấu tranh cho lẽ phải. Mà đã đấu tranh thì phải bỏ sức lực, phải suy nghĩ và phải hy sinh quyền lợi cá nhân, có khi là cả cuộc đời mình, cho lẽ phải chiến thắng. Vậy đó Thùy ơi! Khi đã giác ngộ quyền lợi giai cấp của Đảng thì suốt đời Thùy sẽ gắn bó với sự nghiệp ấy! Thùy sẽ đau xót khi sự nghiệp ấy bị tổn thương. Thùy sẽ sướng vui khi sự nghiệp ấy lớn mạnh. Có gì hơn nữa hở Thùy?

13-3-69. Một đồng chí bộ đội nữa hy sinh. Anh bị thương một vết thương thấu bụng. Sau cuộc mổ tình trạng không tốt mà xấu dần, có lẽ vì một sự chảy máu bên trong, do miếng mảnh không tìm thấy cọ xát làm đứt một mạch máu nào đó. Sau hội chẩn, ý kiến chung không đồng ý mổ lại. Riêng mình vẫn băn khoăn, lưỡng lự. Cuối cùng anh đã chết – cái chết của anh làm mình suy nghĩ đến đau đầu. Anh chết vì sao? Vì sự thiếu kiên quyết của mình chăng? Rất có thể là như vậy. Nếu mình kiên quyết, ít ra 100% thì hy vọng sống của anh cũng có thể có 10%. Mình đã theo đuôi quần chúng, bỏ qua một việc nên làm.

27-9-69. Kết nạp Đảng. Cảm giác rõ nét nhất của ngày hôm nay là: Phải phấn đấu để sống xứng đáng với cái tên “Một người Cộng sản”. Còn niềm vui, sao nhỏ quá so với ý nghĩa của ngày vui. Vì sao vậy hãy Thùy? Phải chăng như hôm nào Thùy đã nói: Như một đứa con khát sữa mẹ khóc đã mệt rồi, miếng sữa nuốt vào không còn nguyên hương vị thơm ngon và cái thú vị của nó nữa. Và, còn trong giờ mặc niệm những người đã hy sinh vì sự nghiệp của Đảng, mình đau xót nhớ thương những người thân yêu trên đất Đức Phổ đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh sinh tử này!…

Một buổi sáng như sáng nay, rừng cây xanh tươi sau một trận mưa rào. Không gian trong lành càng làm cho lòng mình ngập tràn thương nhớ, nhớ miền Bắc vô vàn. Nhớ từ những hàng cây bên đường phố, những cây bàng, cây sấu lá xanh bóng sau những cơn mưa và con đường nhựa sạch sẽ vào những buổi sáng. Nhớ mẹ, nhớ ba và tất cả những người thân yêu ngoài ấy. Bao giờ tiếng súng chiến tranh chấm dứt để ta về miền Bắc yêu thương. Liệu còn có được những ngày đoàn tụ ấy không? Chiến tranh là mất mát. Trên mảnh đất miền Nam nóng bỏng lửa khói này, hầu như 100% gia đình đều có tang tóc. Chết chóc đau thương đè nặng lên đầu mỗi người dân. Nhưng càng đau xót, họ càng căm thù, càng thêm sức chiến đấu. Cuộc đời và hoàn cảnh mỗi người ở đây là một bài học quý giá đối với mình. Đó chẳng phải là niềm vinh dự mà mình được hưởng hay sao?

Các cựu tù chính trị yêu nước đầm đìa nước mắt rồi tiếng khóc xen lẫn tiếng cười. Khóc vì xúc động, cười vì vui mừng cảm nhận sự trưởng thành của Đảng ngày nay – như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định – bắt nguồn từ những lớp đảng viên trẻ như Đặng Thùy Trâm./.

Bài viết: Nguyễn Anh Liên

Ảnh: Đồng Sỹ Tiến

 


[i] Đặng Thùy Trâm (sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942 tại Huế; hy sinh ngày 22 tháng 6 năm 1970 tại Quảng Ngãi) là một nữ bác sĩ, liệt sĩ trong Chiến tranh Việt Nam, được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2006

[ii] Nhật ký Đặng Thùy Trâm là quyển sách do nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập dựa trên hai tập nhật ký của bác sĩ – liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Hai tập nhật ký được viết từ ngày 8 tháng 4 năm 1968, khi tác giả phụ trách bệnh xá Đức Phổ, cho đến ngày 20 tháng 6 năm 1970, 2 ngày trước khi hy sinh. Nội dung quyển sách là những suy nghĩ, cảm xúc của tác giả về gia đình, xã hội và cuộc chiến, khi trực diện với sự sống, cái chết đang diễn ra. Hai tập nhật ký do Frederic Whitehurst, cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ, lưu giữ cho đến ngày được trả lại cho gia đình tác giả vào cuối tháng 4, 2005. Ông này đã giữ lại quyển nhật ký mà không đốt đi, vì theo lời của thông dịch viên, thượng sĩ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Trung Hiếu, trong cùng đơn vị: “Fred, đừng đốt cuốn sổ này, bản thân trong nó đã có lửa.”

[iii] Thép đã tôi thế đấy! là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nga, Nikolai A.Ostrovsky. Pavel Korchagin là nhân vật chính của tác phẩm. Ostrovsky đã xây dựng thành công nhân vật này (chính là hóa thân của tác giả), khiến cho nhiều độc giả yêu quý nhân vật Pavel và phương châm sống của Pavel cũng đã trở thành phương châm sống của nhiều thanh niên thế hệ Pavel: Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…. Ngày nay, khi đọc tác phẩm theo quan điểm rộng hơn, nhiều người cho rằng, cuộc đấu tranh giải phóng nhân loại còn là cuộc đấu tranh với bóc lột, đói nghèo và bệnh tật, với dốt nát và vô chính phủ, với áp bức và bất công, với chiến tranh và xung đột… Cuốn tiểu thuyết đã được dịch ra hơn 70 thứ tiếng và in ra ở hơn 80 nước

[iv] Tác phẩm cuối cùng và cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Tiệp Khắc G. Phuxich được viết vào mùa Xuân năm 1943. Tháng 4.1942, Phuxich bị cảnh sát phát xít Đức bắt và từ đó, sau nhiều trận tra tấn dã man, chúng đã đem giam Phuxich tại nhà ngục Pancrat, Praha. Biết mình không có hy vọng thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù, Phuxich tha thiết muốn ghi lại cho các thế hệ mai sau những suy nghĩ của mình trong những ngày chờ đợi cái chết sẽ đến. Trong số những người coi ngục tại nhà lao Pancrat, có một người Tiệp Khắc tên là Côlinxky. Thông cảm với nguyện vọng thiết tha của người tù, Côlinxky đã lén lút cung cấp cho Phuxich những mẩu giấy và bút chì, và viết được đến đâu, người coi ngục Côlinxky lại tìm cách chuyển ra khỏi nhà lao và trao cho bạn bè của Phuxich. Thời gian trôi qua, tác giả viết xong trang cuối cùng thì bị đưa đi hành hình, những mẩu giấy kia đã chuyền qua tay nhiều người, phân tán ở nhiều địa điểm khác nhau. Sau ngày Tiệp Khắc được giải phóng (1945), trong số những người tù sống sót và được trở về quê hương, có Guxta Phuxicôva – người vợ và người đồng chí của Phuxich. Được biết trong thời gian bị giam giữ, chồng bà có viết, bà bắt đầu đi tìm kiếm bút tích của người chồng đã hy sinh. Cuối cùng, bà đã thu thập được toàn bộ bản thảo phóng sự Viết dưới giá treo cổ và cho xuất bản lần đầu tiên vào mùa Thu năm 1945.