Góp ý kiến về: SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA HIẾN PHÁP 2013[*]
Kính thưa Quốc hội!
Nghiên cứu Tờ trình và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, tôi xin phát biểu mấy ý kiến:
Về Điều 9 Điều 10:
Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tài tình và sáng suốt: Thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam nhằm vận động các tầng lớp Nhân dân đứng lên đánh đỗ chế độ thực dân, đế quốc, giành chính quyền về tay Nhân dân. Qua các thời kỳ lịch sử, tổ chức Mặt trận có thay đổi tên gọi và nhiệm vụ, nhưng điều cơ bản là đường lối chiến lược của Đảng về Đại đoàn kết toàn dân tộc là kiên định, nhất quán và xuyên suốt cho đến ngày nay. Đây là khoa học, là nghệ thuật lãnh đạo về tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng của Đảng ta. Tôi nhận thấy, rất có thể đây là một hình mẫu của thế giới văn minh.
Từ ngày khai sinh đến nay Tôn chỉ mục đích, địa vị pháp lý của Mặt trận Tổ quốc được xác lập trong Hiến pháp rất rõ ràng. Ở đây, tôi nhận thức tính chất “Liên minh chính trị”; “Liên hiệp tự nguyện” là tính chất rất ưu việt, riêng có của Mặt trận Tổ quốc; Mặt trận lấy điểm tương đồng làm mục tiêu đoàn kết, tập hợp lực lượng; khi có điểm gì khác biệt thì chờ đợi, nhẹ nhàng trao đổi, uyển chuyển vận động, hiệp thương dân chủ. Mặt trận tôn trọng ý kiến khác nhau, mọi người được trình bày chính kiến; không ai áp đặt hay mệnh lệnh; không ai phân biệt cấp trên, cấp dưới; Và, trong Mặt trận thì phương thức phổ biến là vận động, là thuyết phục để cùng nhau phối hợp thống nhất hành động. Đó chính là điểm đặc thù và là sức mạnh nội sinh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (Ở đây dự thảo có câu “dưới sự chủ trì của Mặt trận”, xin được viết lại là “do Mặt trận chủ trì” cho phù hợp với mối quan hệ).
Như vậy, qua tiến trình lịch sử, Mặt trận chưa bao giờ đứng một mình đơn lập, Mặt trận không có hội viên, không tự mình thành Mặt trận – cho nên khi nói tới chủ thể tổ chức Mặt trận là nói tới một tập hợp các tổ chức thành viên và các cá nhân tiêu biểu làm thành viên. Không có thành viên thì bất thành Mặt trận. Hiện nay Mặt trận có hơn 40 thành viên tổ chức, bao gồm tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp…
Dự thảo tại Điều 9 Hiến pháp đã nêu rõ: Tổ chức Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam “được tổ chức và hoạt động trong Mặt trận”- như vậy tôi thấy đầy đủ lắm rồi, không cần nói thêm là các tổ chức đó “trực thuộc” Mặt trận Tổ quốc. Và, tôi cũng xin đề nghị quy định thêm vào Hiến pháp: 5 tổ chức đoàn thể này là các “thành viên nòng cốt”, bởi vì địa vị pháp lý, nhiệm vụ, vai trò của các đoàn thể này có những điều đặc biệt, còn có hệ thống tổ chức và hoạt động theo Điều lệ. Còn cơ quan chuyên trách của các đoàn thể có thể là trực thuộc cơ quan Mặt trận, sau khi được sắp xếp lại tổ chức bộ máy; tôi hiểu điều này có tính chất quan hệ hành chính sẽ được quy định trong Quy chế về tổ chức và hoạt động của cơ quan Mặt trận Tổ quốc.
Về tính chất “độc lập của các đoàn thể chính trị – xã hội” quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tại khoản 3, Điều 4) và có nêu trong Bản Thuyết minh của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Đây là cơ sở, là tiền đề để đoàn thể phát huy mạnh mẽ tính chủ động, sáng tạo của tổ chức và của đông đảo hội viên, đoàn viên. Tôi tin tưởng rằng, khi phát huy đầy đủ tính độc lập của các đoàn thể kết hợp với phương thức phối hợp thống nhất hành động sẽ đem lại những hiệu quả tích cực trong mọi công việc. Bởi vì, khi đoàn thể tổ chức Đại hội, thống nhất thông qua Điều lệ của tổ chức mình thì tính tự nguyện, tự quyết, tự chịu trách nhiệm sẽ được phát huy. Trong tác phẩm “Dân vận”, năm 1949 Bác Hồ viết: “Nước ta là nước dân chủ… Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân, Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nên; Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân…”
Tôi xin báo cáo thêm: Tại Trung ương Mặt trận, hôm trước có mấy đồng chí cùng đi họp với tôi có cách nói hình ảnh: Anh chìa tay ra bảo chúng tôi liên minh; liên hiệp; hiệp thương; phối hợp thống nhất hành động với nhau, nhưng rồi anh lại bảo chúng tôi “Trực thuộc” vào anh hết. Thế thì hành chánh quá, chẳng phải liên minh, liên hiệp… Vậy hãy cho chúng tôi suy nghĩ thêm.
Về Điều 84:
Các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1992, 2013 có quy định các cơ quan, cá nhân có quyền trình dự án luật, pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo quá trình phát triển ngày càng mở rộng dân chủ. Cụ thể: Hiến pháp 1992 quy định không chỉ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 4 tổ chức Công đoàn Việt Nam, Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, mà còn mở rộng ra các tổ chức thành viên của Mặt trận cũng có quyền trình dự án luật.
Hiến pháp năm 2013 tiếp tục ghi nhận: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong điều kiện mới hiện nay, tổ chức bộ máy được sắp xếp lại, không vì thế mà đơn giản hóa, bỏ đi một trong những quyền mà chúng ta đã phải phấn đấu trong suốt 80 năm mới có được. Trong thực tế cuộc sống, chỉ có đi sâu từng giới, từng lứa tuổi mới nắm chắc được đặc điểm tâm sinh lý, tâm tư tình cảm, đề đạt nguyện vọng chính đáng. Như vậy, không chỉ có Mặt trận Tổ quốc mà các tổ chức quần chúng cũng được quyền trình dự án luật.
Tôi tin rằng, thế giới rất ngưỡng mộ vì thấy một Việt Nam ta ngày càng mở rộng dân chủ, thực sự độc lập, tự do, hạnh phúc, thực sự phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa tinh thần nhân văn: Cha truyền con nối.
Vậy tôi xin đề nghị giữ nguyên Điều 84 – Điều tuyệt vời của bản Hiến pháp năm 2013.
Trân trọng cảm ơn Quốc hội!
Hà Nội, ngày 14/5/2025
[*] LS Vũ Trọng Kim, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định