Gương sáng cựu thanh niên xung phong Đại đội 915 giữa đời thường

Đăng lúc: 05-12-2020 4:04 Chiều - Đã xem: 54 lượt xem In bài viết

Ông Nguyễn Ngọc Vĩnh (ảnh dưới), sinh năm 1948 ở thôn Thanh Quang, phường Đồng Tiến thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Ngày 15 tháng 6 năm 1972 ông tình nguyện gia nhập TNXP thuộc C912. Tháng 9 năm 1972 ông chuyển sang C914. Tháng 12 năm 1972 ông chuyển sang C915-N91 Bắc Thái, làm nhiệm vụ mở đường san lấp hố bom, trung chuyển quân lương phục vụ chiến đấu, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt.

Ông Vĩnh bồi hồi nhớ lại: Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, ga Lưu Xá và ga Quán Triều bị bom B52 của Mỹ đánh phá liên tục, khiến tồn đọng gần 2 vạn tấn hàng hóa, lương thực thực phẩm. Nhu cầu giải tỏa hàng hóa tại đây trở lên hết sức cấp bách. Với tinh thần “Sống bám cầu đường, chết kiên cường bất khuất”, các cán bộ chiến sỹ C915 dũng cảm bám trụ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 3 giờ sáng ngày 18 tháng 12 năm 1972, B52 rải thảm Thái Nguyên, ông Vĩnh và ông Hoàng Văn Đoàn (Võ Nhai) bị vùi lấp, đến 5h được Đội trưởng TNXP N91 Nghiêm Văn Đạo và cán bộ vật tư Trịnh Xuân Nga cứu.

Chập tối 24/12, số lương thực, hàng hoá quốc phòng tồn đọng ở ga Lưu Xá cơ bản đã được giải toả, cả đơn vị còn chưa kịp ăn cơm thì còi báo động đã rú lên,  66 cán bộ và đội viên Đại đội 915 cùng đồng chí Đội phó Đội 91 Nguyễn Thế Cường và 2 thủ kho lương thực đã vào hết 2 hầm trú ẩn ở Khu tập thể Bệnh viện Gang thép tại xóm Xuân Quang, xã Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên (1 hầm tập thể hình chữ U xây bằng gạch, nắp đậy bằng bê tông vững chắc; 1 hầm kèo chữ A làm bằng tre, gỗ). Sáu tốp máy bay ném bom chiến lược B52 và các máy bay chiến thuật của giặc Mỹ với hàng trăm chiếc đánh phá vào các khu vực trọng điểm thuộc vùng công nghiệp phía Nam thành phố Thái Nguyên (nơi có “cảng cạn” ga Lưu Xá và nhà máy Gang thép).  Bom rơi trúng hầm, 62 người đang làm nhiệm vụ, gồm đồng chí Đội phó Đội 91 Nguyễn Thế Cường, 59 cán bộ, đội viên Đại đội 915; 2 cán bộ thủ kho của Ty Lương thực hy sinh; 7 cán bộ, đội viên Đại đội 915 bị thương.

Sau khi còi báo yên, các lực lượng của địa phương, đơn vị ở gần đó (nhân dân địa phương, ga Lưu Xá, tự vệ và cán bộ, công nhân thuộc Công ty Gang thép, các đơn vị vận tải…) đã tập trung đào bới, tìm cứu những người bị vùi lấp do sập hầm. Những thi thể còn nguyên vẹn nhưng mềm nhũn do sức bom ép quá lớn…  . Thi thể của những người hy sinh được chuyển về một cánh đồng gần Nghĩa trang Dốc Lim. Ở đó có hơn ba chục cán bộ chiến sĩ của các đại đội thuộc Đội 91 được điều tới đào huyệt, chôn cất. Không ai cầm được nước mắt, vừa xót thương, vừa miệt mài làm nhiệm vụ, cẩn trọng từng li từng tí như gửi nỗi niềm xót thương, nhớ nhung của mình với những người đồng đội. Thi thể của các chị, các anh được đồng đội dùng cồn lau rửa, khâm liệm chu đáo và được thay quần áo TNXP mới. Những thi thể không còn nguyên vẹn được đưa vào túi ni lông, xếp thành hàng, đặt vào đó một bộ quần áo TNXP mới. Từng ngôi mộ được đánh số, vẽ sơ đồ cẩn thận. Ông Vĩnh vẫn nhớ như in những lời vĩnh biệt đồng đội năm nào: “Trong giờ phút biệt li về âm giới xa xăm chúng tôi trên dương trần luôn tưởng nhớ các anh đã hy sinh cho nền Độc lập Tự do của Tổ quốc. Các anh đã hy sinh tuổi xuân cho độc lập tự do, sống tận tụy, mọi người yêu quý, chết thủy chung mọi người tiếc thương ôi thôi thôi! Vĩnh biệt các anh các chị. Cầu vong linh cõi tiên cảnh nhàn du, yên thân xác đất nơi tĩnh thổ. Âm dương cách biệt biết đâu bây giờ, về theo tiên đế liền tổ liền tông. Cầu mong vĩnh biệt linh hồn thoát siêu”

Hàng năm đến ngày giỗ của 60 liệt sỹ TNXP anh hùng, ông Vĩnh lại về dâng hương tưởng nhớ đồng đội. Mỗi lần như thế ông lại tự nhủ mình phải sống tốt hơn sống cả phần những đồng đội đã hy sinh năm xưa.

Do di chứng của viết thương khi bị bom vùi lấp, sức khỏe ông Vĩnh suy giảm nhiều. Ông là thương binh hạng 3/4 “thương tật 53%”, thị lực kém “5/10”, 2 tai phải đeo tai nghe, nhưng ông và vợ – bà Nguyễn Thị Đào – đã xây dựng kinh tế gia đình khá giả, nuôi dạy 4 đứa con trưởng thành. Ông là Chi hội trưởng Chi hội Cựu TNXP miền Đại Kim và Thanh Quang, Ủy viên BCH Hội Cựu TNXP phường Đồng Tiến. Gia đình ông đã hiến gần 40 m2 đất cho địa phương. Không có phụ cấp, không kinh phí hoạt động nhưng ông Vĩnh vẫn luôn hăng hái, cùng các hội viên trong chi hội có nhiều hoạt động thiết thực. Ông đã cùng BCH Hội Cựu TXNP phương Đồng Tiến đã vận động các nhà hảo tâm, hội viên xây dựng “quỹ nghĩa tình đồng đội”, cho những hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế tăng gia sản xuất, sửa chữa nhà, tổ chức thăm hỏi tặng quà cho các hội viên thương bệnh binh gia đình, liệt sỹ, cao tuổi, ốm đau hộ nghèo.… Trong những năm qua đã có hàng trăm lượt hội viên được tặng quà với tổng số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Cuộc sống của nhiều hội viên xưa rất khó khăn nay đã đổi thay rõ rệt…

 Ghi nhận những thành tích đã đạt được, năm 2016, ông Vĩnh được UBND thị xã trao tặng giấy khen, năm 2017 ông được tặng giấy khen của Hội Cựu TNXP thị xã Phổ Yên và Kỷ niệm chương cựu TNXP của TW Đoàn./.

Nguyễn Văn Hanh

Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Đồng Tiến