Từ 52 trạm giao liên ban đầu, đến năm 1966 lên tới 67 trạm, 76 trạm vào năm 1970 và 15 trạm cơ giới năm 1972. Từ năm 1973 đến 1975, Bộ đội Trường Sơn bỏ hẳn giao liên bộ, thay thế bằng các trung đoàn giao liên cơ giới.
Hệ thống đường giao liên
Từ 52 trạm giao liên ban đầu, đến năm 1966 lên tới 67 trạm, 76 trạm vào năm 1970 và 15 trạm cơ giới năm 1972. Từ năm 1973 đến 1975, Bộ đội Trường Sơn bỏ hẳn giao liên bộ, thay thế bằng các trung đoàn giao liên cơ giới.
Hệ thống đường ô tô vận tải
Bộ đội Trường Sơn đã mở được mạng đường đa tuyến liên hoàn có tổng chiều dài gần 20.000km, với 5 trục dọc, 21 trục ngang:
– Từ năm 1961 đến 1964, mở Đường 129 từ ngã ba Lằng Khằng tới Mường Phìn (Lào).
– Từ năm 1965 đến 1972, mở tiếp Đường 128 tới Bạc rồi tới Phi Hà (Lào), mở thêm 3 trục vượt khẩu: Đường 20, Đường 18, Đường 16 và Đường C4 ở Campuchia.
– Từ năm 1973 đến 1975, hình thành 3 trục song song xuống phía Nam để cơ động các quân đoàn chủ lực:
* Trục Đông Trường Sơn (Đường 14, 15): Từ Tân Kỳ (Nghệ An) đến Chơn Thành (Bình Phước) dài 1.200km.
* Trục Tây Trường Sơn: Từ Đường 16 (phía Nam Lào) tới Bù Gia Mập (Bình Phước).
* Trục duyên hải Quốc lộ 1: Từ sông Bến Hải (Quảng Trị) đến bờ sông Sài Gòn.
– Trục ngang: Là các trục liên kết giữa các trục dọc với nhau, từ hậu phương đến các trục dọc, từ trục dọc đến các chiến trường, chiến dịch. Hướng chủ đạo là đông-tây-đông. Tuy nhiên, nhiều đường theo hướng bắc-nam vẫn gọi là đường ngang như: Đường 12, Đường 20 (hai tuyến vượt khẩu), Đường 15N phục vụ Chiến dịch Quảng Trị… Từ các trục dọc có 21 trục ngang tạo thành mạng đường liên hoàn.
Đường ống xăng dầu
Từ năm 1968, Bộ đội Trường Sơn bắt đầu xây dựng đường ống xăng dầu từ Nam Đàn (Nghệ An). Đến năm 1973, dòng xăng đã bơm tới Bù Gia Mập (Bình Phước). Hệ thống đường ống xăng dầu với khoảng 1.400km đường ống (tính từ điểm xuất phát của cả hai nhánh Đông và Tây Trường Sơn tại Bến Quang-Quảng Bình vào tới Bù Gia Mập), 114 trạm bơm đẩy, hơn 100 kho xăng dầu có sức chứa trên 300.000m3 đã đưa dòng xăng từ miền Bắc đến các chiến trường chỉ cách Sài Gòn hơn 100km.
Đường ngụy trang kín
Từ mùa khô 1971-1972, để đối phó với máy bay AC-130 được trang bị hồng ngoại, có khả năng phát hiện mục tiêu ban đêm, Bộ đội Trường Sơn đã mở con đường ở những cánh rừng lớn có cây che phủ. Ở những nơi không đủ cây che phủ, bộ đội ta chặt cành cây hoặc làm giàn phong lan ngụy trang kín đường cho xe chạy ban ngày, nâng tốc độ vận chuyển lên gấp 2-3 lần so với tốc độ đi trong đêm tối. Con đường đặc biệt này dài tới gần 3.000km.
Hệ thống thông tin
Để bảo đảm sự chỉ huy thông suốt trên toàn địa bàn, Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được hệ thống thông tin tải ba dọc theo đường Đông-Tây Trường Sơn, kéo dài tới Lộc Ninh, phối hợp với mạng thông tin tiếp sức được triển khai trên toàn tuyến. Ngoài ra, còn có mạng vô tuyến điện báo và hệ thống thông tin dây bọc ở tất cả các đơn vị. Mạng lưới thông tin này đã bảo đảm sự chỉ huy thống nhất trực tiếp từ Tổng hành dinh Bộ Quốc phòng tới Bộ tư lệnh Trường Sơn và các đơn vị trên toàn mặt trận, bảo đảm thông suốt, bí mật, kịp thời, bất chấp bom đạn của kẻ thù đánh phá ác liệt.
Theo sknc.qdnd.vn