Hiệu quả từ nghề nuôi ong lấy mật ở xã Trường Xuân

Đăng lúc: 06-06-2023 10:07 Sáng - Đã xem: 196 lượt xem In bài viết

Trường Xuân là xã miền núi của huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) có diện tích rừng tự nhiên 12.380 ha, rừng trồng trên 2.000 ha. Đây là nguồn cung cấp các loài hoa quanh năm cho ong lấy mật. Nhờ đó nghề nuôi ong làm mật mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cho nông dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Xã Trường Xuân được thành lập năm 1981 với 5 thôn người Kinh và 4 bản người dân tộc Vân Kiều. Những năm mới thành lập, người dân rất đói nghèo, chủ yếu đốt rừng làm nương rẫy, săn bắt thú rừng, nghèo đói vẫn đeo bám quanh năm nên hàng năm có nhiều gia đình di cư nay đây mai đó… Sau ngày thành lập xã, UBND xã định hướng phát triển kinh tế, một số hộ gia đình người Kinh biết lợi thế nguồn hoa rừng nên nghĩ ra cách nuôi ong lấy mật nhưng theo kiểu “mạnh ai nấy được”, nuôi nhỏ lẻ. Năm 1998, cán bộ dự án Phân cấp giảm nghèo nông thôn tỉnh Quảng Bình về tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi ong lấy mật cho những hộ gia đình đó. Đến đầu năm 2000, được sự trợ giúp của các cấp, đã có 6 chủ hộ “cơm đùm gạo bới” ra tận Hà Nội, đến Trung tâm Nghiên cứu và phát triển ong Việt Nam tham quan, tập huấn kỹ thuật làm tổ ong, chăm sóc đàn ong, tách đàn tạo chúa, lấy mật.

Các đồng chí lãnh đạo Huyện hội  Quảng Ninh tham quan cơ sở nuôi ong của cựu TNXP Nguyễn Ngọc Lãnh

Cựu TNXP Nguyễn Ngọc Lãnh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) nuôi ong lấy mật xã Trường Xuân – tâm sự “Sau khi tập huấn về, được chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp tư vấn, giúp đỡ, chúng tôi đứng ra thành lập CLB nuôi ong lấy mật của xã. Mới đầu, CLB có 7 thành viên, trong đó có 6 thành viên đã được tập huấn bài bản về kỹ thuật nuôi ong. Mấy năm đầu thành lập CLB, nhiều hộ gia đình ở địa phương thấy nghề nuôi ong công việc nhẹ nhàng, vốn đầu tư ít mà thu nhập cao, một nghề “làm chơi, ăn thật” nên đã tích cực tham gia. Năm 2006, số thành viên đã tăng lên 40 và hiện nay có 60 thành viên nuôi trên 710 tổ ong, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 120 lao động. Để bồi dưỡng them kỹ thuật trong các năm 2002, 2006 Trung tâm Nghiên cứu, và phát triển ong Việt Nam cử người vào tập huấn cho bà con nông dân”.

Tận dụng lợi thế vùng đồi núi với nhiều loại hoa rừng và đất vườn rộng nên các hộ nuôi ong có thể nuôi hàng chục đàn ong ngay trong vườn nhà. Tiêu biểu là các hộ: ông Nguyễn Ngọc Lãnh nuôi 72 tổ ong, bà Võ Thị Hòe nuôi 70 tổ, ông Trần Văn Thuận nuôi trên 40 tổ…Với nghề nuôi ong, người nuôi chỉ làm tổ cho đàn ong một lần với chi phí ít, công sức không nhiều nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉn chu trong từng công đoạn. Hàng ngày, người nuôi cần đi kiểm tra, chăm sóc các đàn ong bởi con ong có khỏe, cho thu mật ong cao hay không chủ yếu do người nuôi có áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đúng hay không. Nếu không được chăm sóc chu đáo, đàn ong có thể bỏ nơi ở bay tìm nơi khác. Hàng năm, từ tháng 2, tháng 3 dương lịch đàn ong bắt đầu bay vào rừng và các vườn hoa để tìm các loài hoa lấy mật cho đến tháng 7, tháng 8. Thời gian này đàn ong cho chất lượng mật ngọt, thơm ngon. Mỗi chu kỳ khai thác mật ong thường kéo dài từ 18 đến 22 ngày. Khi các cầu quay đầy mật, các hộ nuôi dùng thùng quay ly tâm để lấy mật.

Ông Trần Văn Thuận – thành viên CLB – chia sẻ: “Bình quân, mỗi vụ mỗi tổ ong cho thu từ 4 đến 5 lít mật ong, mỗi lít bán ra 450.000 đồng, cả CLB thu được 1 tỷ 575 triệu đồng. Các hộ nuôi nhiều như ông Nguyễn Ngọc Lãnh, bà Võ Thị Hòe bình quân mỗi năm thu từ 160 triệu đồng trở lên, trừ mọi chi phí, lãi ròng 150 triệu. Đây là chỉ tính riêng nguồn thu từ mật ong, còn tại Trường Xuân có các nguồn thu khác nữa”.

Các thành viên của CLB chủ yếu là những người nuôi ong từ nhiều năm nên có nhiều kinh nghiệm, lại được các lớp tập huấn của dự án Phân cấp giảm nghèo nông thôn, Trung tâm nghiên cứu, phát triển ong Việt Nam, dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo, chuyển giao kỹ thuật nuôi ong lấy mật.

Nghề nuôi ong lấy mật đã góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, từ nghề này, nhiều gia đình giàu lên, con cái học hành đến nơi đến chốn… đã và đang được nhân rộng không chỉ riêng trong xã Trường Xuân mà còn lan tỏa sang các xã Xuân Ninh, Hiền Ninh, An Ninh, Vạn Ninh, Vĩnh Ninh, nhiều người đến đây tham quan, học hỏi.

Ông Nguyễn Văn Đồng – Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Quảng Ninh – cho biết “CLB nuôi ong lấy mật xã Trường Xuân có 60 thành viên, trong đó có trên 10 thành viên là hội viên cựu TNXP. Chủ nhiệm CLB lại là một cựu TNXP mẫu mực. Chúng tôi rất phấn khởi bởi cựu TNXP ở đây đã biết học hỏi để tìm ra hướng làm ăn phù hợp tuổi cao sức yếu nhưng nguồn thu lại cao để thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Trách nhiệm của Huyện hội là sẽ bằng mọi hình thức, tổ chức tuyên truyền mô hình nuôi ong lấy mật ở Trường Xuân lan tỏa ra các địa bàn khác, tổ chức cho cựu TNXP các xã đến tham quan, học hỏi để về làm”.

Thông qua chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP)”, năm 2019, mật ong Trường Xuân hoàn thành việc đăng ký nhãn mác và chất lượng sản phẩm với huyện Quảng Ninh. Việc xây dựng thương hiệu mật ong Trường Xuân trở thành chuỗi sản phẩm sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đã và đang được các hộ nuôi thực hiện nghiêm ngặt các quy trình sản xuất mật ong. Mật ong Trường Xuân có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, nước tự nhiên trong mật chỉ 22%, mật thơm, ngọt, màu vàng cánh gián đặc quánh, khi nhấm có vị ngọt đậm, mang hương vị nhẹ nhàng của các loài hoa núi rừng tự nhiên. Thưởng thức mật ong Trường Xuân, sức khỏe được nồi bổ thêm, tăng tuổi thọ, hỗ trợ chữa nhiều bệnh, không bị dị ứng mà giá thành lại rẻ. Mật ong Trường Xuân đã đến với các gian hàng nông sản địa phương tại lễ hội chùa Kim Phong[1] và các gian hàng ở hội chợ do Hội Nông dân huyện Quảng Ninh, Sở Công thương Quảng Bình tổ chức, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

  THÁI TOẢN


[1] Chùa Kim Phong hay còn gọi là chùa Non, tọa lạc ở độ cao trên 300m gần trên đỉnh núi Thần Đinh, bên dòng sông Long Đại thơ mộng, tọa lạc tại Thôn Rào Đá, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cách trung tâm thành phố Đồng Hới 25km về phía Tây Nam. Hàng năm, vào dịp đầu xuân, hàng ngàn người từ khắp nơi hội tụ đến với chùa Kim Phong – núi Thần Đinh để cầu cho mưa thuận gió hòa, gia đình ấm no, hạnh phúc, bình an và gặp nhiều may mắn trong năm mới.