Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện thành công khát vọng phát triển đất nước hùng cường của Bác

Đăng lúc: 31-12-2021 10:43 Sáng - Đã xem: 107 lượt xem In bài viết

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 15 (Khóa II) và Nghị quyết của Tổng Quân ủy Trung ương Bác Hồ, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở tuyến đường chiến lược vận tải quân sự từ miền Bắc xuyên qua dãy núi Trường Sơn trùng điệp và hùng vĩ để chi viện binh lực cho cách mạng miền Nam. Ngày 5/5/1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam thừa lệnh Bộ Chính trị giao cho Thượng tá Võ Bẩm tổ chức “đoàn công tác đặc biệt” – Đoàn 559- làm nhiệm vụ mở đường, tìm lối để vận chuyển tài liệu, cán bộ, bộ đội và vũ khí, khí tài vào miền Nam. Mùa hạ năm 1959, từ Khe Hó, phía Tây Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, Đoàn 301 – đơn vị đầu tiên của Bộ đội Trường Sơn – xuất quân mở tuyến giao liên bằng gùi, thồ “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Bằng các phương thức mang vác, gùi thồ, bằng xe đạp, kể cả thồ bằng ngựa, bằng voi, chỉ trong 4 năm kể từ ngày thành lập, Đoàn 559 đã đưa được 4.400 tấn vũ khí, đạn dược và hơn 31.000 cán bộ chiến sỹ vào chiến trường, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 trinh sát vạch tuyến mở đường Trường Sơn, năm 1960. Ảnh tư liệu

Bị thất bại ở miền Nam, ngày 5/8/1964, Đế quốc Mỹ đã gây ra sự kiện vịnh Bắc Bộ để mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng “Dồn sức cho miền Nam, chuẩn bị phát triển phương thức vận tải cơ giới”, ngày 17/6/1964, Trung đoàn 98 công binh, thuộc Đoàn 559 nhận lá cờ mang 4 chữ: “Mở đường thống nhất” hành quân đi mở đường cơ giới ở Trường Sơn. Ngày 30/4/1965 Quân uỷ Trung ương cử Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiêm Tư lệnh Đoàn 559.

Từ 1962 đến 1965, Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT thành lập các Ban xây dựng, trong đó có Ban XD 64, Ban Miền Tây và Cục đảm bảo giao thông tiền phương. Điều động các Công ty đường 8, Công ty đường sắt 2 vào đảm bảo giao thông đường 15C; Công trường 4 vào mở đường 21, 22A, 22B. Sau này Bộ GTVT thành lập thêm Ban XD67 để cùng với Đoàn 559 thực hiện nhiệm vụ mở đường Trường sơn, tổ chức công tác vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ngày 21/6/1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 71/CT-TTg giao cho Trung ương Đoàn TNLĐ Việt Nam tổ chức thành lập các Tổng đội, Đội TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung phục vụ cho ngành GTVT và Đoàn 559. Chỉ trong đợt đầu tiên, chúng ta đã tuyển được 52.000 người tại 12 tỉnh, thành phố cung cấp cho Tổng cục Đường sắt, Cục công trình I, Công trình II, Đoàn 559 và các Ty GTVT từ Thanh Hóa vào đến Quảng Bình.

Giữa năm 1965, các Quốc lộ 15A, 1A bị địch đánh phá ác liệt, cắt đứt Đèo Ngang với các tuyến phía Tây. Để tăng cường cho Cục I, Bộ đã điều động từ Ban miền Tây các Công trường 111, 113, 115,116,117, 120 sân bay Vĩnh Phú và 31C, 12C của Ban 64; ngoài ra, còn 20.000 TNXP bố trí ở tuyến 21 là N35, N53; tuyến 22A có N37, N41, N43; tuyến 22B có N39. Tổng số TNXP và các lực lượng bố trí cho Cục I đã lên tới 35.000 người.

Ngày 3/4/1965, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết tăng cường nhiệm vụ và tổ chức của Đoàn 559; theo đó, nhiệm vụ chủ yếu của Đoàn 559 là: Mở đường và tổ chức vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam và Hạ Lào; đồng thời có nhiệm vụ đảm bảo vật chất và an toàn cho các lực lượng hành quân, bảo vệ hành lang chống địch tập kích bằng đường bộ và đường không, phối hợp giúp các địa phương củng cố vùng giải phóng dọc hành lang. Bộ Tư lệnh Đoàn 559 có 3 lực lượng chính là: Lực lượng mở đường mới, giữ gìn và sửa chữa đường cũ (Công binh và TNXP); lực lượng vận chuyển và giữ kho và lực lượng bảo vệ. Ngoài ra, còn các lượng khác như Thông tin, Quân y, sửa chữa.v.v.. điều động gần 20.000 TNXP phục vụ cho Đoàn 559. Về tổ chức, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh của Đoàn tương đương cấp quân khu trực thuộc Quân ủy Trung ương.

Bộ đội và TNXP mở đường Trường Sơn phục vụ vận tải bằng cơ giới. Ảnh tư liệu 

Năm 1966, mở Đường 10 nối Quốc lộ 15A từ Lệ Ninh, Quảng Bình đến Đường 9; giao cho Cục Công trình I huy động 6.000 người, gồm các đơn vị GT và các Đội TNXP, 40 máy ủi các loại C100, T100, DT54 mở rộng đường mòn thành đường ô tô; giao cho 5 Công trường là 7A,7B, 7C, 7E, 7G và 2 Đội cơ giới thi công thông toàn tuyến đến Sê Băng Hiên.

Cùng lúc ấy, Trung ương chỉ đạo Bộ GTVT và Bộ Tư lệnh Đoàn 559 khảo sát, thiết kế mở Đường 20 Quyết Thắng để phá thế độc tuyến. Tuyến đường đi từ Phong Nha qua Aki, Ta Lê, đèo Pu La Nhíc dài 115km trong đó có 41km đi qua vùng đá tai mèo. Chính tuyến này đã thành con đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của lứa tuổi 20. Ngày 30 Tết năm Bính Ngọ, tức ngày 27/1/1966, vào lúc 17 giờ 30 phút, Thứ trưởng Nguyễn Tường Lân – Phó Tư lệnh Đoàn 559 – đã phát lệnh toàn tuyến nổ bộc phá, mở màn chiến dịch thi công với 48.000 cán bộ, chiến sỹ Đội TNXP 25 Nam Hà, Đội TNXP số 3 Nghệ An, Đội TNXP 23 Hà Tĩnh, Đội TNXP 33, Đội 6, C7 Quảng Bình…; Trung đoàn 12 Công binh, Trung đoàn 4 và 5 Bộ binh tham gia. Chỉ trong 77 ngày (rút ngắn được 28 ngày so với 105 ngày mà Quân ủy Trung ương giao) đã mở thông toàn tuyến từ Phong Nha qua Aki. Đây là một kỳ tích chưa từng có trong chiến tranh mà TNXP cùng với Công binh và các lực lượng khác đã thực hiện.

Đầu năm 1967, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được Bộ Quốc phòng điều động vào làm Tư lệnh Đoàn 559, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương. Với những quyết định sáng tạo nhằm đổi mới phương châm, phương thức hoạt động, xây dựng vững chắc thế trận Trường Sơn; bắt đầu mùa khô 1966-1967, đường giao liên tách khỏi đường ô tô, hệ thống cầu đường được đổi mới một cách cơ bản trong thế trận hiệp đồng chiến đấu giữa các quân binh chủng trên toàn tuyến. Nhờ đó mà công tác chi viện cho cho chiến trường miền Nam tăng 25 lần, cho bạn Lào tăng 12 lần so với năm 1966, đưa bộ đội vào chiến trường tăng 2,5 lần.

Với quyết tâm đánh bại chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ; trên mặt trận GTVT, lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước đã phát huy được chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm của thanh niên; nhiều tập thể và cá nhân đã lập thành tích cao, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LĐ, Anh hùng LLVTND, Chiến sỹ ti đua, Chiến sỹ quyết thắng, lao động giỏi, lao động tiên tiến; nhiều đội viên đã dũng cảm hy sinh.

Đoàn 559 tổ chức vận chuyển bằng xe cơ giới chi viện cho chiến trường miền Nam, 1964-1965. Ảnh tư liệu

Để động viên, khích lệ tinh thần thi đua yêu nước và rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức; Trung ương Đoàn, Đoàn Thanh niên GTVG Trung ương cùng ngành GTVT đã tổ chức “Đại hội thi đua các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước” vào ngày 12/1/1967. Đại hội vinh dự đã được Bác Hồ đến thăm và nói chuyện, Người nói: “Nhờ có Đảng giáo dục, có Đoàn giúp đỡ, có nhân dân bồi dưỡng nên chúng ta mới có anh hùng. Anh hùng ấy không phải anh hùng của một cá nhân, vì dân tộc ta anh hùng, nước ta anh hùng, nhân dân ta anh hùng. Đảng ta anh hùng cho nên mới nảy sinh nhiều đơn vị anh hùng và nhiều người anh hùng. Vì vậy, những đơn vị và người được tặng danh hiệu trước đây đã cố gắng, nay lại phải khiêm tốn học tập và cố gắng hơn. Các cháu đã là anh hùng thì phải cố gắng tiến lên nữa, các cháu nào chưa anh hùng thì cố gắng phấn đấu để trở thành anh hùng”.

Thành công lớn nhất của Đại hội lần này là tinh thần của TNXP được nâng cao, củng cố thêm ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong cuộc chiến kéo dài 10 năm (1965-1975) Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước đã trở thành một lực lượng đặc biệt và ngày càng phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích cách mạng, không quản ngại hy sinh, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề ở hầu hết những địa bàn nóng bỏng và ác liệt nhất. 3 nhiệm kỳ TNXP thành lập 3 Tổng đội, 170 Đội và 50 Đại đội độc lập, với 75 lần tuyển quân tại 24 tỉnh, thành phố, huy động 143.391 cán bộ, chiến sỹ trên các mặt trận để hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, các ngành và các địa phương còn huy động thêm 271.000 người. TNXP đã phục vụ trên 1.461 tuyến đường từ Bắc vào Nam và đường Trường Sơn với gần 3.000 trọng điểm ác liệt, với hàng triệu tấn bom đạn địch ném xuống. Chỉ tính riêng trọng điểm ATP trên đường 20 quyết thắng, trong 350 ngày đêm đã có 969 trận B52 rải thảm; 2.000 đợt ném bom cường kích, với gần 300.000 quả bom các loại, nhưng TNXP vẫn anh dũng vượt qua.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu thi đua “Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước” toàn miền Bắc, tháng 1/1967. Ảnh: Thế Trung/TTXVN

Với những thành tích, chiến công xuất sắc Lực lượng TNXP Việt Nam đã có 44 tập thể và 40 cá nhân được phong tặng Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động; 52 Dũng sỹ diệt Mỹ và 1.342 Dũng sỹ Quyết thắng.

Kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với “Đại hội thi đua các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước”, mỗi cựu TNXP và đoàn viên thanh niên chúng ta rất đỗi tự hào về những năm tháng hào hùng đã cống hiến, hy sinh cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Càng nhớ lời Bác dạy, mỗi tổ chức Đoàn, tổ chức Hội, mỗi đoàn viên, hội viên đều phải phấn đấu tốt hơn. Chúng ta nguyện đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn, nguyện “Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện thành công khát vọng giải phóng dân tộc và phát triển đất nước hùng cường của Bác. Mỗi đoàn viên thanh niên phải cố gắng phấn đấu vươn lên nắm vững khoa học, công nghệ để lập thân, lập nghiệp, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của Bác Hồ kính yêu.

Kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ tới thăm và nói chuyện tại đại hội thi đua các đội TNXP chống Mỹ cứu nước (12/1/1967 – 12/1/2022)

NGÔ TUYẾN