Hội Cựu thanh niên xung phong thị xã Dĩ An tổ chức “Hành trình về nguồn”

Đăng lúc: 14-08-2018 9:10 Sáng - Đã xem: 130 lượt xem In bài viết

Lớp cha trước, lớp con sau
        Đã thành đồng chí chung câu quân hành…”

Thăm di tích Mả 35 phường Tân Bình

Tiếp nối truyền thống anh hùng, bất khuất trong kháng chiến chống quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, ngày nay Lực lượng Cựu TNXP thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương vẫn không ngừng phát huy tinh thần cách mạng, có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước bằng nhiều phần việc hữu ích.

Thăm khu di tích kháng chiến Hố Lang phường Tân Bình

 Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP, Hội Cựu TNXP thị xã Dĩ An đã tổ chức chuyến tham quan về nguồn tại các địa điểm như: Mả 35[i], di tích suối Mạch Máng[ii], di tích Hố Lang[iii], tượng đài đề pô xe lửa Dĩ An.., qua chuyến đi các cô chú hội viên được tham quan những di tích lịch sử cũng như ôn lại những truyền thống hào hùng của lịch sử chiến đấu của quân và dân ta thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Thăm tượng đài đề pô xe lửa Dĩ An

Chuyến tham quan đã để lại nhiều dấu ấn khó quên trong lòng các cô chú hội viên cựu TNXP qua những di tích với những chiến thắng vang dội, nơi đã sinh ra những người con anh dũng. Nhằm ghi nhớ và tri ân những cống hiến của các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu giành lại độc lập tự do cho dân tộc, các cô chú cựu TNXP hôm nay luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống nghĩa tình đồng đội, vượt qua mọi khó khăn, ra sức thi đua giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, xây dựng quê hương Dĩ An ngày càng giàu đẹp và văn minh.

Như Ý

 


[i] Mả 35” vẫn còn đó như nhắc nhở thế hệ con cháu Tân Bình về tội ác dã man của giặc Pháp. Tháng 3-1947, lính Pháp và Cao Đài mở cuộc hành quân càn quét khu vực lò đường An Phú thì lọt vào ổ phục kích của ta. Trên đường tháo chạy ngang qua ấp Tân Phước, hễ gặp đàn ông là chúng bắt theo về đồn. Đến 12 giờ trưa ngày 14-3-1947, chúng đưa 30 người bị bắt ra bắn, rồi bắt thêm 5 người khác đào huyệt và hành quyết, vùi tất cả 35 người chung một hố chôn tập thể.

[ii] Đến thời kỳ chống Mỹ, cuộc chạm trán giữa quân ta và 2 tiểu đoàn lính Mỹ diễn ra ác liệt. Quân địch huy động 30 xe tăng càn vào nhưng không chiếm được trận địa. Bộ đội, du kích của ta kiên cường bám trụ, chiến đấu đến cùng. Tân Phước chìm trong lửa đạn, quân địch và quân ta đều tổn thất nặng nề. Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh. Máu loang đỏ cả dòng suối, sau này người dân nơi đây gọi là suối Mạch Máng (suối Sọ).

[iii] Hố Lang là một khu rừng tự nhiên, địa hình đồi gò, bao bọc xung quanh là con suối, với những hố rãnh tự có như một giao thông hào. Địa điểm của khu căn cứ này như một cù lao nổi lên giữa biển lúa, xóm làng, tại đây có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn. Bên cạnh đó, Hố Lang lại giáp với TP Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai và quận Thủ Đức của thành phố Hồ Chí Minh, nơi có nhiều căn cứ quân sự, cơ quan đầu não của thực dân Pháp và Mỹ Ngụy. Chính vì vậy, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, căn cứ Hố Lang đã trở thành nơi bám trụ hoạt động của các đồng chí lãnh đạo địa phương. Đồng thời đây còn là nơi tập kết lực lượng, trang thiết bị để mở những cuộc tấn công của địch ở Biên Hòa và Thủ Đức. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Mỹ và VNCH đã mở nhiều cuộc càn quét nhằm xóa sổ căn cứ Hố Lang. Song với sự đùm bọc che chở của nhân dân, sự chiến đấu anh dũng và ngoan cường của đội quân du kích, căn cứ Hố Lang tiếp tục được giữ vững và trở thành một nhân tố để góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhât đất nước.