Thực hiện chương trình công tác năm 2023 từ ngày 30/3-02/4/2023, Thành hội Hải Phòng tổ chức về nguồn cho 45 cán bộ Ban chấp hành và hội viên tiêu biểu. Đoàn do Chủ tịch Thành hội Trần Hoàn làm Trưởng đoàn đã dâng hương, hoa tại một số địa danh lịch sử vùng Tây Bắc: Khu Di tích tưởng niệm liệt sỹ TNXP tại Ngã ba Cò Nòi[1], khu Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến[2] ; Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La[3]; Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ[4]….
Tượng đài TNXP tại Cò Nòi
Tại di tích nhà tù Sơn La, đoàn được nghe giới thiệu và nhìn thấy các phương tiện, dụng cụ tra tấn tàn ác dã man. Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu là 500m2, chủ yếu để giam cầm tù thường phạm. Năm 1930, trước phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của cách mạng Việt Nam ngày càng dâng cao, thực dân Pháp đã mở rộng Nhà tù Sơn La thêm 1.500m2 và bắt đầu giam chính trị phạm. Qua 3 lần xây dựng và mở rộng, Nhà tù Sơn La có tổng diện tích là 2.170m2. Trong quá trình mở rộng nhà tù, một dãy xà lim ngầm nằm sâu dưới lòng đất 3m, được xây dựng dưới khu nhà bếp ở trên. Hệ thống xà lim ngầm gồm 5 phòng giam cá nhân và 2 phòng giam tập thể, trong đó có 1 xả lim tối. Từ năm 1930 đến năm 1945, thực dân Pháp đã đày lên Nhà tù Sơn La 14 đoàn tù chính trị với tổng số 1.013 lượt tù nhân, có rất nhiều đồng chí là Ủy viên Trung ương, Xứ ủy, Thành ủy và nhiều cán bộ cốt cán của Đảng. Trong đó có đồng chí Tô Hiệu, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, phụ trách các tỉnh miền duyên hải, Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Ngày 7/3/1944, Tô Hiệu hy sinh tại nhà tù Sơn La lúc 33 tuổi. Cây đào ở nhà tù Sơn La được mang tên Tô Hiệu vào năm 1945 khi cách mạng đã thành công để tượng trưng cho tinh thần đấu tranh cách mạng của một chiến sỹ kiên cường. Ở Hải Phòng có đường Tô Hiệu ở trung tâm thành phố, Trường Chính trị Tô Hiệu.
Đoàn đã đến thăm Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ[5], Bảo tàng Điện Biên, Đồi A1, viếng Nghĩa trang liệt sỹ A1[6], Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1, hầm Đờ Cát (ảnh trên).
Cán bộ, hội viên trong đoàn vô cùng xúc động, tưởng nhớ, tri ân và tự hào về một “Điện Biên lừng lẫy Năm châu, chấn động địa cầu” cách đây gần 70 năm.
Chuyến về nguồn để lại cho Đoàn bao cảm xúc trân trọng, xúc động thiêng liêng và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại mỗi thăm viếng, Đoàn đã gửi tặng những phần quà tới Ban quản lý Khu di tích; động viên cán bộ, công nhân viên chức được giao nhiệm vụ chăm lo Khu di tích.
Một số hình ảnh khác
Nhà văn bia tưởng niệm tại địa điểm lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến
Đào Thị Loan
Văn phòng Thành hội Hải Phòng
[1] Năm 2004 Di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Ngày 14/7/2021, tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ khánh thành Khu tưởng niệm tâm linh thuộc giai đoạn 1, Dự án tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi.
[2] Khu di tích được xây dựng tại đồi Nà Bó, thị trấn Mộc Châu, Sơn La năm 2006 và được trùng tu, tôn tạo vào tháng 3/2015, được xếp hạng cấp Quốc gia ngày 26 tháng 10 năm 2017. Khu di tích được thiết kế dựa theo ý tưởng của bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng, thể hiện bức tranh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và hình ảnh người lính Tây Tiến hào hùng.
[3] Di tích ở đồi Khau Cả thuộc địa phận tổ 9, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La. Nhà tù Sơn La được xếp hạng quốc gia năm 1962 và Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt vào ngày 31-12-2014
[4] Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2009. Hiện nay, Di tích bao gồm 45 điểm di tích thành phần nằm trải rộng ở khu vực lòng chảo thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và huyện Tuần Giáo. Trong đó, một số điểm di tích được đưa vào phục vụ khách tham quan như Di tích Ðồi A1, Đồi D1, Hầm De Castries, Cầu Mường Thanh, Sở Chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ…
[5] Khu chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã đóng trên đất Mường Phăng trong vòng 105 ngày từ 31/1/1954 đến 15/5/1954. Với cách bố trí hầm, lán trại thành hệ thống liên hoàn, ẩn mình trong rừng già dưới chân núi Pú Đồn, cơ quan đầu não quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ được đảm bảo an toàn tuyệt đối…
[6] Nghĩa trang liệt sĩ A1 là một trong 3 nghĩa trang cấp Quốc Gia của tỉnh Điện Biên, được tu bổ và nâng cấp ngày 2/9/1993 thành công trình lịch sử văn hoá – một nghĩa trang công viên có diện tích hơn 32.000 m2. Nơi đây có 644 ngôi mộ hầu hết vô danh, của những cán bộ, chiến sỹ quân đội đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ,