Hơn 300 người là lãnh đạo Lực lựợng TNXP qua các thời kỳ, lãnh đạo Hội Cựu TNXP Thành phố và các đoàn đại biểu Hội cựu TNXP các quận, huyện, các đơn vị của Lực lựợng TNXP và gia đình thân nhân, bạn bè của các liệt sĩ đã có mặt từ sáng sớm, lên xe đợi sẵn và chạy hướng Tây Ninh giáp biên giới Việt Nam – Campuchia về nơi chốn anh nằm – Khu Tưởng niệm Liệt sĩ TNXP Thành phố Hồ Chí Minh tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh
Cũng như hàng năm, ngày 22/3/2019 Lực lượng TNXP Thành phố tổ chức chuyến đi đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu tình cảm của các thế hệ đối với những liệt sĩ đã hy sinh. Chuyến đi, đầy cảm xúc như chia đều cho mỗi con người trong cuộc, dâng hương, dâng hoa nhớ ngày các anh đã mất và những lời cầu nguyện bình an cho những người đã khuất.
Nhớ lại năm rồi, 6 chiếc xe khách không còn chỗ chen chân, một màu xanh TNXP đã bạc màu phủ kín chỗ ngồi. Một không khí náo nhiệt, cười vui, lâu lâu trên xe im lặng để nghe thông tin về một sự kiện vừa xảy ra. Rồi họ tiếp tục kể những câu chuyện xưa và nay, kể về cuộc đời và tuổi trẻ TNXP và ai cũng nhận ra mình là người may mắn và hạnh phúc. Như chuyện kể của chị Nguyễn Thị Huệ, nguyên Phó Trưởng ban Chính sách Thành hội về sự hy sinh của đồng đội chị – những người TNXP Thành phố nhân kỷ niệm 68 năm ngày thành lập TNXP Việt Nam (15/7) – một câu chuyện đầy cảm động và nước mắt với sự man rợ và tội ác diệt chủng của bè lũ Pôn-pốt.
Lần này, nhiều cựu TNXP xúc động, tiếp tục kể những câu chuyện kể về chiến tranh biên giới Tây Nam, những thân nhân gia đình liệt sĩ TNXP kể về con cái của các liệt sĩ đã trưởng thành; có những hội viên mang cả băng video chứa đựng những mẩu chuyện về chiến tranh biên giới Tây Nam và TNXP Thành phố. Trong những hoài niệm ấy, tựu trung kể về cuộc chiến tranh đã qua, những chỉ huy bộ đội và nhiều sĩ quan quân đội tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam không khỏi bùi ngùi xúc động khi kể về hình ảnh dũng cảm, gan dạ, anh hùng rất đổi thân thương của TNXP Thành phố. Thật lắng đọng và cảm kích, những người lính đồng hành trong cuộc chiến đấu một mất, một còn, một thời khói lửa và giờ đây, từ tấm lòng của anh bộ đội Cụ Hồ họ mong muốn hãy “nâng cấp” công trình Khu tưởng niệm liệt sĩ Thành phố trở thành Di ích Nghĩa trang Liệt sĩ TNXP Thành phố Hồ Chí Minh cấp quốc gia. Mỗi nơi có ý nghĩa lịch sử của từng thời điểm cụ thể như Những Cô gái Ngã Ba Đồng lộc; Truông Bồn … di tích đã đi vào huyền thoại. Nay viết tiếp lịch sử TNXP của phía Nam với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.
“Ai cũng nợ đời và nặng lòng với những con người làm nên lịch sử vẻ vang” – Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội cựu TNXP quận 4, một cựu TNXP sống sót trong đợt tập kích của quân PônPốt – vừa nói anh cầm từng cây nhang cắm xuống đất và đi về hướng Tây (biên giới) cho đến giới hạn của khuôn viên Khu tưởng niệm. Anh chỉ tay và nói để mọi người cùng nghe thấy: “nhang vừa cắm trên con đường không lối mòn ấy là đường đi của hương hồn các liệt sĩ từ Campuchia về với mãnh đất này. 24 liệt sĩ TNXP thành phố hy sinh trong đợt đó cách đây nhiều cây số, bên đất CamPuchia, rồi bộ đội, lực lượng TNXP đưa xác đồng đội về bên này đất Mẹ chôn cất, đó chính là nơi này”. Anh nói trong niềm xúc động, như đang tưởng nhớ đến cán bộ, đội viên TNXP Thành phố đã anh dũng hy sinh hoặc hiến dâng một phần thân thể trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam tổ quốc và trong công cuộc lao động hào hùng và đầy gian khổ.
Năm sau và những năm sau nữa số người đi viếng hôm nay sẽ không đầy đủ và thiếu vắng vì tuổi tác, đi lại khó khăn. Họ mong Khu tưởng niệm ở trên đất Thành phố và được tôn thờ như di tích cấp quốc gia. Dù Khu tưởng niệm có đi đâu, về đâu, Lực lượng TNXP và Hội Cựu TNXP Thành phố vẫn nhớ ngày 22/3, già trẻ TNXP vẫn đến nơi các anh, các chị nằm để đốt nén hương dâng lên các anh hùng liệt sĩ TNXP như một lời cảm tạ, ghi ơn những người đã ngã xuống vì thống nhất đất nước, vì sự bình yên của nhân dân Việt Nam và của nước bạn.
Những người TNXP chúng tôi luôn luôn nhớ và sẽ mãi mãi về với các anh, các chị!
Nguyễn Thành Chinh
Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Thành phố Hồ Chí Minh