Hội Cựu TNXP huyện Ân Thi làm tốt công tác Nghĩa tình đồng đội

Đăng lúc: 23-08-2018 8:54 Sáng - Đã xem: 215 lượt xem In bài viết

 

 Chúng tôi về Ân Thi (Hưng Yên) giữa mùa nhãn đang vào vụ thu hoạch. “Mật đồng bằng mùa nhãn ngọt môi em[i]” đang chào mời du khách về thăm Hưng Yên. Huyện Ân Thi nằm giữa cái nôi của đồng bằng Bắc Bộ, cư dân nơi đây có truyền thống văn minh lúa nước[ii], là quê hương của Phạm Ngũ Lão[iii], Nguyễn Trung Ngạn[iv]…, cũng là mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc “lương không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Đất nước hòa bình, nỗi mất mát trong hai cuộc chiến tranh còn đó, Ân Thi lại là điểm sáng làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, công tác “Nghĩa tình đồng đội”.

Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hữu Tiến (áo trắng) trao sổ tiết kiệm cho các cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Ân Thi

 Kế thừa và phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, trong nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, UBND huyện Ân Thi, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận tích cực tham gia của các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, công tác “Người có công”, “Nghĩa tình đồng đội” đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

 Hiện tại, Hội Cựu TNXP huyện Ân Thi có trên 1.300 hội viên qua các thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đang ở độ tuổi 60 trở lên, phần lớn đang sống vui, sống khỏe cùng con cháu. Tuy nhiên, nhiều hội viên còn phải bươn trải với cuộc sống khó khăn. Có người còn phải sống trong hoàn cảnh neo đơn, thiếu ăn, thiếu mặc, rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền và bàn tay ấm áp của “Nghĩa tình đồng đội”.

 Tiếp chúng tôi tại trụ sở làm việc của Hội Cựu TNXP huyện Ân Thi, chủ tịch Hội Lê Văn Đạo cho biết Hội vừa tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm hoạt động của Hội; kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Lực lượng TNXPvà 10 năm thành lập Hội Cựu TNXP huyện Ân Thi. Trong năm qua, lãnh đạo Hội thường xuyên trực tiếp đến với các đoàn thể, ban ngành trong huyện để tuyên truyền, vận động và tranh thủ sự ủng hộ vật chất, tinh thần cho Hội. Hiện nay, quỹ hội có 1.065.000.100 đ (một tỷ sáu mươi lăm triệu một trăm ngàn đồng). Số tiền đó được dùng để thăm hỏi các hội viên khi ốm đau, qua đời; hỗ trợ kịp thời hội viên khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

Huyện hội đã tặng hội viên 50 suất quà mỗi suất trị giá từ 300 – 500 ngàn đồng và 2 sổ tiết kiệm mỗi sổ trị giá nhiều triệu đồng. Hội cử người sang huyện bạn, tỉnh bạn học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi vườn – ao- chuồng và mời hội viên Hội bạn làm kinh tế giỏi về trao đổi kinh nghiệm.

Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Ân Thi Trần Thị Xuân cho biết thêm: Hội phối hợp Ban Công tác nữ thành lập đội văn nghệ. Nhiều thành viên tài năng trưởng thành từ Đội văn nghệ như các bà: Trần Thị Xuân, Phạm Thị Lan, Phạm Thị Sử, Trần Thị Mậu…. Đội văn nghệ của Hội thường xuyên giao lưu với Hội Cựu TNXP các huyện Văn Giang, Yên Mỹ, Khoái Châu, thành phố Hưng Yên…Hoạt động này thắt chặt thêm tình đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.

Năm 2018, nhà sư trụ trì chùa Quanq Thôn, thay mặt Hội Phật giáo huyện Ân Thi, cảm thông sâu sắc cuộc sống khó khăn vất vả của bà Nguyễn Thị Xuyến – Hội viên Hội Cựu TNXP – thôn Thọ Hội, xã Đặng Lễ huyện Ân Thi trao tặng bà Xuyến một ngôi nhà tình nghĩa trị giá 80 triệu đồng (ảnh trên).

Ân Thi, Tháng 8, năm 2018

 Nguyễn Quang Tiến

 Ban Kinh tế Hội Cựu TNXP tỉnh Hưng Yên

 


[i] Trích trong bài thơ “Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng” của Chế Lan Viên viết năm 1965

[ii] Văn minh lúa nước là một nền văn minh cổ đại xuất hiện từ cách đây khoảng 10.000 năm tại vùng Đông Nam Á. Nền văn minh này đã đạt đến trình độ đủ cao về các kỹ thuật canh tác lúa nước, thuỷ lợi, phát triển các công cụ và vật nuôi chuyên dụng; đảm bảo sự thặng dư thực phẩm phục vụ cho một xã hội dân cư đông đúc và thúc đẩy các yếu tố khác của một nền văn minh ra đời. Chính sự phát triển của nền văn minh lúa nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của những nền văn hoá đương thời như Văn hóa Hà Mỗ Độ, Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Hòa Bình.v.v. Cũng có những ý kiến cho rằng, chính nền văn minh lúa nước là chiếc nôi để hình thành cộng đồng cư dân có lối sống định cư định canh và các giá trị văn hoá phi vật thể kèm theo, đó chính là văn hóa làng xã.

[iii] Phạm Ngũ Lão (1255–1320) là danh tướng nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là người góp công rất lớn trong cả hai cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần thứ hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1288. Đương thời, danh tiếng của ông chỉ xếp sau Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – người được xem như vị tướng vĩ đại nhất lịch sử quân sự Việt Nam.

[iv] Nguyễn Trung Ngạn (1289–1370), tự là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là Ân Thi), tỉnh Hưng Yên. Ông là một nhà chính trị, một đại thần có tài, được xếp vào hàng “Người phò tá có công lao tài đức đời Trần”. Cùng với Nguyễn Trung Ngạn là Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Đoàn Nhữ Hài, Trần Thì Kiến, Phạm Tông Mại, Trần Nguyên Đán.