Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), 75 năm ngày Truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam (15/7/1950 – 15/7/2025), ngày 15/4/2025, Hội Cựu TNXP quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng tổ chức cho 32 cán bộ, hội viên thăm lại chiến trường xưa. Tham gia đoàn có Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban công tác nữ Thành hội Trần Thị Liên.
Đoàn đã đến thăm Khu di tích Khu uỷ Khu 5[1] (thời chống Mỹ cứu nước) ở xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam; thăm Khu căn cứ cách mạng K.20 Đà Nẵng[2], dâng hương tại Di tích Lịch sử Văn hóa cấp thành phố – Nhà thờ Tộc Thái[3], có bia chiến tích Nghi An và lăng mộ Thái Thị Bôi ở phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ. Cán bộ, nhân viên Ban quản lý tiếp đón niềm nở, giới thiệu tỉ mỉ với đoàn về quá trình chiến đấu gan dạ, mưu trí của bao lớp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta ở khu căn cứ cách mạng, góp phần to lớn cùng quân và dân cả nước lập nên Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại khu di tích Khu ủy 5
Chuyến về nguồn, thăm lại chiến trường xưa của Hội Cựu TNXP quận Hải Châu thành công tốt đẹp, thể hiện sự quyết tâm và nhiệt tình của Ban Chấp hành Quận hội, là một trong những điểm nhấn về hoạt động giáo dục truyền thống cho hội viên. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng và Đại hội lần thứ V, Hội Cựu TNXP Việt Nam.
Một số hình ảnh khác
Nhà bia Liệt sĩ tại Khu căn cứ cách mạng K.20.
Hình ảnh tái tạo Khu căn cứ cách mạng K.20 tại Bảo tàng Đà Nẵng
Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp thành phố – Nhà thờ Tộc Thái, bia chiến tích Nghi An và lăng mộ Thái Thị Bôi.
Nhà bia tại Khu di tích Khu uỷ 5.
Căn hầm trú ẩn của đồng chí Võ Chí Công tại Khu di tích Khu uỷ 5.
Nguyễn Viết Xuân
Phó Chủ tịch Quận hội Hải Châu
[1] Di tích Khu ủy Khu 5 là một căn cứ bí mật của quân Giải phóng trên địa bàn Khu 5. Tháng 6-1973, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu 5 quyết định dời căn cứ từ Trà Tân (Trà My) về Phước Trà (nay là xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam). Từ đây, khu căn cứ tại Phước Trà trở thành đại bản doanh của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu 5 trong giai đoạn cuối của cuộc chiến. Căn cứ nằm dưới những tán cây rừng rập rạp và được bố trí nhiều khu vực như nhà làm việc, khu tăng gia sản xuất, hội trường, hầm ở và làm việc của Bí thư Khu ủy, ao cá, ao rau muống… Nơi đây cũng từng diễn ra nhiều sự kiện như Đại hội lần thứ III (12/1973) của Ban Chấp hành Đảng bộ Khu 5, Hội nghị bàn về chiến lược quân sự đối phó với liên quân Mỹ-Việt Nam Cộng hòa nhằm mở rộng vùng kiểm soát… Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng “Di tích Lịch sử Văn hóa” cấp Quốc gia năm 1993, được Chính phủ đầu tư tôn tạo các hạng mục di tích…
[2] Khu căn cứ cách mạng K20 được coi là biểu tượng của tinh thần cách mạng kiên cường và bất khuất của người dân Đà Nẵng nói chung và của quận Ngũ Hành Sơn nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu quốc. Tên gọi K20 – là mật danh – để chỉ khu căn cứ cách mạng Đa Mặn, nơi cơ quan Quận uỷ Quận III và Thành uỷ Đà Nẵng trú đóng để lãnh đạo phong trào cách mạng.
[3] Thuộc làng Nghi An, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, cách Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng khoảng 8km về phía tây. Đây là nơi thờ phụng các vị tổ tiên của dòng tộc Thái làng Nghi An, đặc biệt trong đó có 02 nhà yêu nước nổi tiếng đầu thế kỷ 20 – Thái Phiên (1882 – 1916) và Thái Thị Bôi (1911 – 1938).