Hội Cựu TNXP thị xã Hòa Thành tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ III

Đăng lúc: 30-07-2024 9:37 Sáng - Đã xem: 45 lượt xem In bài viết

Sáng ngày 26/7/2024, tại hội trường các đoàn thể thị xã,  Đại hội đại biểu Hội Cựu TNXP thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh lần thứ III, nhiệm kỳ 2024 – 2029 đã được long trọng tổ chức với sự tham dự của 135 đại biểu đại diện cho 274 hội viên trong thị xã.

Ban chấp hành nhiệm kỳ 2024 – 2029 ra mắt đại hội.

Đến dự có các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội: Chủ tịch Tỉnh hội Nguyễn văn Lợi; Đặng Phước Hùng; uỷ viên Ban chấp hành Tỉnh hội. Về phía thị xã có các đồng chí: Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy; đại diện các ban, ngành, đoàn thể thị xã.

 Thời gian qua, Thị hội Hòa Thành luôn đẩy mạnh các buổi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với các chuyên đề như: “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân”; “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh”; “Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng vươn lên phát triển nhanh và bền vững”; “Thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”…do Tỉnh hội, Thị ủy và Thị hội tổ chức, có 528 lượt cán bộ, hội viên tham dự. Tổ chức các đợt về nguồn thăm khu di tích chiến thắng Tua Hai[1], di tích lịch sử Giồng Nần, huyện Châu Thành, nơi thành lập Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Tây Ninh, khu di tích lịch sử văn hóa huyện Dương Minh Châu, Đền Bến Dược[2], đền tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu…có 338 lượt cán bộ, hội viên tham gia.

Phó Bí thư thường trực Thị ủy Hòa ThànhNguyễn Văn Phong (thứ 3 từ phải sang) tặng giấy khen của UBND thị xã cho tập thể, cá nhân tiêu biểu nhiệm kỳ qua

Xác định công tác nghĩa tình đồng đội là then chốt trong công tác Hội, nhiệm kỳ qua Thị hội Hòa Thành đã vận động các nhà hảo tâm và cựu TNXP thành đạt xây mới 4 căn nhà đồng đội, trị giá hơn 206 triệu đồng; sửa chữa 8 căn nhà, với số tiền trên 68 triệu đồng; thăm bệnh, viếng tang đồng đội và gia đình đồng đội, với số tiền hơn 117 triệu đồng. Trong những dịp lễ, tết, Thị hội tặng hàng trăm phần quà cho những gia đình hội viên khó khăn, với số tiền hơn 288 triệu đồng. Được sự giúp đỡ của UBND tỉnh Tây Ninh và Thị xã Hòa Thành, trong mỗi dịp Tết Nguyên đán, cựu TNXP kháng chiến và phục vụ biên giới Tây Nam, được tặng từ 500 ngàn đến 700 ngàn đồng/người, địa phương hỗ trợ thêm mỗi người một phần quà, trị giá từ 200 ngàn đến 300 ngàn đồng. Ngoài ra, để động viên cán bộ lãnh đạo cơ sở không có phụ cấp, Thị hội đã hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm y tế cho 12 cán bộ lãnh đạo Hội cơ sở, với số tiền 6 triệu đồng/năm.

Hội thường xuyên kết hợp với các ban, ngành đoàn thể tham gia các phong trào tại địa phương như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; tích cực tham gia công tác dân vận; tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội cử cán bộ, hội viên tham gia tốt ngày Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm.

Đồng chí Đặng Phước Hùng, Ủy viên ban chấp hành TW Hội (thứ 5 từ phải sang) tặng quà cho hội viên khó khăn.

Với những đóng góp cho công tác Hội và nghĩa tình đồng đội, nhiệm kỳ qua Thị hội Hòa Thành 2 lần nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh Tây Ninh tặng (2019, 2023); 3 lần nhận Bằng khen của UBND tỉnh tặng (2020, 2021, 2022), nhiều Bằng khen của TW Hội, giấy khen của Tỉnh hội và giấy khen của UBND Thị xã Hòa Thành. Hội Cựu TNXP Thị xã Hòa Thành là một trong ba đơn vị dẫn đầu công tác Hội và nghĩa tình đồng đội của Hội Cựu TNXP tỉnh Tây Ninh nhiều năm liền.

Đại hội đã hiệp thương bầu Ban chấp hành khóa mới, ban chấp hành có 15 thành viên, ban thường vụ 5 thành viên, đồng chí Phạm Thị Tuyết Hằng tái đắc cử chức vụ Chủ tịch Hội Cựu TNXP thị xã Hòa Thành, nhiệm kỳ 2024 – 2029.

Duy Đức


[1] Thuộc ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành. Tua Hai là một tháp canh đã tồn tại từ thời kháng chiến chống Pháp (tên gọi “tua” bắt nguồn từ “la tour” trong tiếng Pháp có nghĩa là tòa tháp). Năm 1956, được cải tạo thành căn cứ vũ khí quân sự chuyên dụng, đặt trường huấn luyện biệt kích, nơi đóng giữ của Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21 của chính quyền Việt Nam cộng hòa. Vào lức 0h30 ngày 26/01/1960 quân ta đồng loạt tấn công bốn hướng, tiêu diệt 76 tên lính, bắt giáo dục và thả tại chỗ hơn 400 quân; thu giữ khoảng 1.500 súng các loại, 25 máy thông tin và nhiều trang thiết bị quân sự hiện đại khác.

[2] Đền xây dựng ở Củ Chi để tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp và Mỹ. Tên liệt sĩ được khắc vào tấm bia đá hoa cương, chữ mạ vàng. Có 45.666 liệt sĩ được ghi tên trong đền, gồm có Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng, liệt sĩ, trong đó có 14.077 liệt sĩ là con em của 40 tỉnh, thành phố khác và 800 liệt sĩ không rõ quê quán.