Hội Cựu TNXP tỉnh Vĩnh Phúc kỷ niệm 15 năm ngày Thành lập

Đăng lúc: 27-08-2022 10:48 Sáng - Đã xem: 124 lượt xem In bài viết

Sáng 25/8/2022, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Hội Cựu TNXP tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm ngày Thành lập (29/8/2007 – 29/8/2022) với sự tham dự của 370 đại biểu, trong đó gần 300 cựu TNXP các thời kỳ. Đến dự lễ có các đồng chí: Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam; Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc…

Theo báo cáo cáo của Chủ tịch Tỉnh hội Nguyễn Hồng Quang (ảnh dưới): ngày 03/7/2007, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định số 1877/QĐ-CT về việc thành lập Hội Cựu TNXP tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 29/8/2007, Đại hội Hội cựu TNXP tỉnh Vĩnh Phúc được tổ chức tại trung tâm hội nghị tỉnh với 183 đại biểu tiêu biểu đại diện cho 9 ban liên lạc cựu TNXP cấp huyện, 132 ban liên lạc cựu TNXP xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đại hội đã biểu quyết thông qua điều lệ, phương hướng nhiệm vụ và bầu ra ban chấp hành gồm 17 đồng chí. Ban chấp hành đã bầu đồng chí Lê Đình Bảy làm Chủ tịch Tỉnh hội.

Năm 2008, 9 hội cựu TNXP cấp huyện, thị xã, thành phố lần lượt được thành lập. Năm 2010, 132 hội cựu TNXP cấp xã ra đời. Kết thúc nhiệm kỳ I năm 2012, Tỉnh hội có 4.532 hội viên (2.632 nam, 1.900 nữ).

Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2012 – 2017 được tổ chức ngày 17-18/12/2012 h với 250 đại biểu. Đại hội bầu ban chấp hành gồm 15 đồng chí. Ban chấp hành đã bầu đồng chí Nguyễn Ngọc Mỹ làm Chủ tịch Tỉnh hội. Kết thúc nhiệm kỳ II, năm 2017, toàn tỉnh có 6.192 hội viên (3.290 nam, 2.907 nữ).

Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2018-2023, được tổ chức trọng thể ngày 18-19/2018 với 350 đại biểu. Đại hội bầu ban chấp hành gồm 13 đồng chí. Ban chấp hành bầu đồng chí Nguyễn Hồng Quang làm Chủ tịch Tỉnh hội. Hiện nay, có 7.108 hội viên (3.849 nam, 3.259 nữ) đang sinh hoạt ở các cấp hội trong tỉnh.

Từ năm 2018 đến tháng 5/2022, cán bộ chủ chốt các cấp hội từ tỉnh đến huyện, xã không có thù lao; hội cấp huyện chưa được cấp kinh phí hoạt động. Mặc dù vậy tập thể lãnh đạo đặc biệt là vai trò người đứng đầu đã có tâm, trí, sáng suốt kiên trì tổ chức thực hiện 5 chương trình công tác: cùng cố và xây dựng tổ chức hội; thực hiện vai trò nhân chứng lịch sử giúp Đảng, Nhà nước giải quyết chế độ, chính sách đối với cựu TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ; tổ chức hoạt động nghĩa tình đồng đội; giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống TNXP cho thế hệ trẻ; phát huy truyền thống TNXP góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Lực lượng TNXP Vĩnh Phúc tự hào được: Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho TNXP Nguyễn Thị Lượng (1958), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đội TNXP 253 (năm 2010); Chủ tịch nước CHDCND Lào tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đội 253, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba (năm 2020) cho 341 cá nhân Đội 253; Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tặng bức trướng mang dòng chữ: “Phát huy truyền thống TNXP, vượt khó vươn lên, trọn nghĩa tình đồng đội”; Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam, UBND tỉnh tặng nhiều cờ thi đua cho tập thể, bằng khen cho tập thể, cá nhân cựu TNXP…c. Trong đó có 3 năm liền 2019, 2020, 2021 được Trung ương Hội tặng cờ thi đua Đơn vị xuất sắc.

Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim tặng hoa chúc mừng

Một vinh dự đặc biệt là vào khoảng 8h tối ngày 28/3/1951, bác Hồ đã đến thăm Liên phân đội TNXP 312 (có quân số gần 300 thì 278 người Vĩnh Phúc) c đang làm nhiệm vụ tại cầu Na Cù, thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.. Tại đây bác Hồ đã tặng cho TNXP 312 bốn câu thơ đã đi vào lịch sử “ Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.

Từ tháng 10/1959 đến tháng 6/1963, trên 1.000 TNXP đã vượt khó khăn, gian khổ với 1.156 ngày đêm lao động, đào đất, nổ mìn, phá đá, khai thác cát sỏi, đổ bê tông, xây kè, xây cống, hệ thống dẫn nước… biến vùng đất quanh năm khô cằn sỏi đá, đồng lầy bỏ hoang tạo thành hồ Đại Lải có diện tích rộng trên 600ha có sức chứa trên 45triệu m³ nước, đủ cung cấp nước sản xuất hai vụ lúa/năm cho hơn 5.000 ha đất của 4 huyện: Kim Anh, Đa Phúc, Yên Lãng, Bình Xuyên lúc bấy giờ, đưa sản lượng thu hoạch lúa tăng thêm trên 10.000 tấn/năm. Ngày nay, không những phục vụ nông nghiệp mà Đại Lải đã trở thành một trong những trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh, là khu vui chơi, nghỉ dưỡng lý tưởng, có hệ thống sân golf, khu nghỉ dưỡng Resort Flamingo (Top 10 resort đẹp nhất hành tinh).

Tháng 2/1979 xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc, hơn 6.000 thanh niên Vĩnh Phúc lại xung phong lên đường làm nhiệm vụ với phiên hiệu Đoàn TNXP 147. Trong đó, có gần 4.000 người lao động t tại các huyện nằm trong hệ thống tuyến phòng thủ biên giới phía Bắc thuộc tỉnh Hà Tuyên đã được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định 62. Hàng nghìn người đã được kết nạp vào hội. Hiện Tỉnh hội đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị 5 trường hợp TNXP hy sinh khi tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc được công nhận là liệt sĩ.

15 năm qua, hội đã cùng các cơ quan chức năng xác minh, hoàn thiện hồ sơ giải quyết 6.351 hội viên được hưởng trợ cấp một lần, 458 hội viên được hưởng chế độ thương binh, 57 hội viên là liệt sĩ, 125 hội viên nhiễm chất độc da cam, 202 hội viên có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp hàng tháng, 6.639 hội viên có hưởng bảo hiểm y tế, 1.269 hội viên được hưởng mai táng phí, 5.686 hội viên được tặng kỷ niệm chương.

Các cấp hội đã vận động và tranh thủ các nguồn tài trợ xây dựng được 131 ngôi nhà tình nghĩa trị giá 6.065.000.000đ; sửa chữa được 11 nhà trị giá 178.000.000đ; tặng 422 sổ tiết kiệm trị giá 1.387.000.000đ, tặng 15.977 suất quà với giá trị hơn 5 tỷ đồng, cùng với Tỉnh đoàn tổ chức khám bệnh phát thuốc miễn phí (trị giá 673.750.000đ) cho 3.171 hội viên. Xây dựng quỹ nghĩa tình đồng đội đạt 7.469.800.000 đồng, bình quân 1.050.000đ/hội viên. Trong đó: thành phố Vĩnh Yên 2.490.000đ/hội viên; Yên Lạc 1.500.000đ/hội viên; Tam Đảo 1.444.000đ/hội viên; Bình Xuyên 1.350.000đ/hội viên… Đây là nguồn tài chính cho hội viên vay phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo và tạo nguồn kinh phí thường xuyên thăm hỏi hội viên ốm đau, mừng thọ, tổ chức phúng viếng khi hội viên qua đời.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống lực lượng TNXP Tỉnh hội cùng các cấp hội tổ chức được hơn 3.000 hội viên đi tham quan miễn phí các di tích lịch sử: Truông Bồn; ngã ba Đồng Lộc; K9; chùa Mẫu (Hải Dương); khu sản xuất các loại cây giống, các loại nấm ở Lạng Sơn…; vận động công ty Lucky tặng 1.032 bộ ấm chén; 566 bộ cốc thủy tinh., 11.562 khẩu trang y tế trị giá 236 triệu đồng cho hội viên, 05 xe đạp cho nữ cựu TNXP cô đơn.

Được sự giúp đỡ của Trung ương hội, Tỉnh hội đã vận động Công ty cổ phần dược phẩm Tâm Việt An trao tặng quà bằng thuốc bổ cho hội viên trị giá 270 triệu đồng, tổ chức tham quan miễn phí di tích lịch sử tại Lạng Sơn, Ninh Bình, … cho 2.578 cán bộ, hội viên. Công ty Đại Nam tặng quà cho 1.000 hội viên trị giá 150.000.000 đ; tặng thuốc bổ cho 170 cán bộ hội trị giá 85.000.000đ.

Tỉnh hội và Tỉnh đoàn ký kết chương trình phối hợp giáo dục truyền thống, xây dựng kế hoạch từng năm, từng thời kỳ. Kết quả đã tổ chức tuyên truyền cho 93.750 lượt học sinh, 288 lượt giáo viên các trường trung học và 2.460 lượt cán bộ, hội viên.

Tỉnh hội đã xuất bản 5 cuốn sách: Gương sáng cựu thanh niên xung phong Vĩnh Phúc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (2010); Những chủ tịch hội cựu TNXP cơ sở tâm huyết, năng động (2012); Lịch sử TNXP Vĩnh Phúc 1950- 2015. (2015); Những cựu TNXP điển hình tiên tiến vì nghĩa tình đồng đội (2020); Những dấu ấn đậm nét có sức lan tỏa của Hội Cựu TNXP giai đoạn 2007 – 2022 (2022). 91 kỷ vật về TNXP trong các thời kỳ kháng chiến đã được Tỉnh hội gửi vào Bảo tàng Vĩnh Phúc và Bảo tàng ngã ba Đồng Lộc.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới hội viên đã đóng góp 5.243 ngày công, 239.323.000đ, hiến 10.614m2 đất làm đường dân sinh. Hội viên toàn tỉnh ủng hộ: đồng bào miền Trung bị lũ lụt 35.195.000đ, 18.100 bộ quần áo, 100kg gạo; cán bộ, chiến sĩ đảo Bạch Long Vĩ 54.566.000đ; đồng bào bị thiên tai xâm nhập mặn 46.056.000đ; quỹ “Vì người nghèo” 65.675.000đ; xây dựng Trường Sa 35.000.000đ; quỹ vắcxin phòng chống covid 179.127.000đ và 500kg gạo.

Câu lạc bộ làm kinh tế vì nghĩa tình đồng đội có 56 hội viên và 108 gia đình. Tiêu biểu là hội viên các huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Sông Lô, thành phố Vĩnh Yên. Đến nay, tuy tuổi đời bình quân trên 70 nhưng hầu hết cựu TNXP trong tỉnh vẫn hăng hái nhiệt tình: 317 hội viên tham gia công tác chi bộ, tổ dân phố, mặt trận tổ quốc, hội người cao tuổi… góp phần xây dựng quê hương như mong muốn của Bác Hồ khi về thăm Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc ngày 02/3/1963: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Vũ Trọng Kim ghi nhận và biểu dương kết quả của các cấp Hội Cựu TNXP tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng chí nói thêm về quá trình hơn 10 năm đề nghị Nhà nước tặng Huy Chương TNXP vẻ vang, những việc cần làm để tổ chức trao tặng Huy chương vào năm 2024; đề nghị các cấp Hội tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục làm tốt công tác xây dựng củng cố tổ chức hội, làm tốt hơn nữa các hoạt động vì nghĩa tình đồng đội; tích cực vận động hội viên cựu TNXP làm kinh tế giỏi; tiếp tục quan tâm đến các cựu TNXP đơn thân, các gia đình TNXP là liệt sỹ, thương binh và các hội viên có hoàn cảnh khó khăn khác để Hội Cựu TNXP tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng vững mạnh.

Nhân dịp này Trung ương Hội đã tặng Bằng khen cho 8 tập thể, 20 cá nhân; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 3 tập thể, 5 cá nhân; Công ty Cổ phần Ong Tam đảo tặng 60 phần quà bằng hiện vật là sản phẩm Công ty trị giá 33.300.000đ; Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thân Hà tặng 50 phần quà, mỗi phần 500.000đ. Công ty photo Lucky tặng 135 chiếc đồng hồ trị giá 16.200.000đ; Báo Vĩnh Phúc tặng 400 tờ báo trị giá 1.200.000đ

Một số hình ảnh khác 

Hoa chúc mừng

Một số tiết mục văn nghệ

Các đại biểu phát biểu

Các đại biểu dự lễ

Trao bằng khen, huy hiệu, quà

Đồng Sỹ Tiến