Hội Cựu TNXP xã Phú nhuận: Tư tưởng thông làm việc gì chẳng được

Đăng lúc: 08-01-2019 2:27 Chiều - Đã xem: 118 lượt xem In bài viết

Phú Nhuận một xã miền núi của huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, có rừng, có núi, có đường, trải rộng trên diện tích 2.181,68 ha, 2.047 hộ, 7. 975 nhân khẩu. Hầu hết là bà con miền xuôi lên định cư từ những năm 1960, các dân tộc ít người gồm: Thái, Mường chỉ chiếm tỷ lệ 20%; là một xã có truyền thống cách mạng, nhiều bộ đội, TNXP hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Hội Cựu TNXP xã Phú Nhuận có 87 hội viên. Những năm đầu có Ban đại diện, sau này là Hội Cựu TNXP, việc tập hợp hội viên còn khó khăn, vì hội viên đi làm ăn xa, nhiều hội viên nghèo, nhiều TNXP cho rằng Hội chỉ là Hội đặc thù tự nguyện, tự túc kinh phí, chẳng có ưu đãi như các tổ chức chính trị xã hội khác. Quá trình hoạt động, đặc biệt là cuộc vận động xây dựng quỹ Nghĩa tình TNXP được khai thông trong Hội, quỹ tăng mọi hoạt động của Hội có nhiều chuyển biến khá tốt.

Đến Phú Nhuận hôm nay ai cũng thấy vui mừng phấn khởi bởi cảnh quan đẹp: Đường rộng phẳng lỳ, đường ngõ bê tông sạch sẽ, những hàng cây thẳng tắp, cam, bưởi trĩu cành đua ra khỏi vườn mà không ai hái, hoa lá xanh tươi, nhà nhà sạch đẹp, tiếng chào hỏi nhau rộn ràng thân thiết. Lúc mới gặp Chủ tịch xã tôi hỏi: Nông thôn mới ở đây xem ra thì đạt chuẩn rồi, nhưng ra đường các cháu có chào bác, chào ông không? Có ngay câu trả lời ngắn gọn: Chuyện bình thường! Thậm chí các ông các bà vẫn còn nhớ cháu vừa chào mình là con cháu nhà ai? Ở đâu? Ngõ nào?

Khi hỏi về quỹ Nghĩa tình TNXP Chủ tịch Hội xã cho biết: Có gần 90 hội viên thì quỹ đã lên 150 triệu đồng. Ngoài ra còn quỹ của Ban công tác nữ cựu TNXP xã 15 triệu đồng, quỹ của các 5 nhóm cựu TNXP nam cũng thường là 5-7 triệu đồng. Các quỹ này không phải để liên hoan “đánh chén” mà cho nhau vay khi khó khăn, không lấy lãi và người được vay không được sử dụng sai mục đích, anh em tin nhau, thông cảm cho nhau theo tình làng nghĩa xóm, tình đồng đội, lấy vui vẻ là chính.

Dẫn chúng tôi đến nhà cựu TNXP Lê Thanh Ngọc -TNXP Trường Sơn – nay tuổi già, hai ông bà nuôi 200 đôi chim bồ câu, “chim sạch” nên trong làng xã ai có cháu nhỏ, có người ốm muốn nấu cháo đều đến mua “chim ông Ngọc”. Nhà ông còn kinh doanh đủ các mặt hàng tiêu dùng kể cả “ cá kho Quảng Xương” làm. Hỏi kỹ ông Ngọc cho biết “thức ăn cho chim bồ câu là ngô, lúa, uống nước pha muối, chuồng trại được vệ sinh chặt chẽ,chim chẳng ốm đau gì cả, con nào con ấy béo lũn”.

Sang ngôi nhà khang trang của chị Bùi Thị Kiên người dân tộc Thái – thanh niên tình nguyện – mới vào Hội 2 năm nay, tôi được biết, chị vay 15 triệu đồng của Ban công tác nữ: nuôi lợn rừng, hiện đàn lợn có 40 con chạy long nhong, lông lưng dựng đứng, mõm dài, chân cao, nhiều con dầm mình đầy bùn. Chị cùng chồng là Nguyễn Hải, nuôi đàn lợn dưới cây rừng trên diện tích gần 2 ha cây keo và 2 sào ao vừa nuôi cá vừa để cho lợn đầm nước. Anh chị nói: “Vay tiền của Hội để kinh doanh, gặp may lợn nhanh đẻ từ 4 con nay có tất thẩy 50-60 con phải san đàn gửi lên nhà ông ngoại vài chục con”.

Ông Chủ tịch Nguyễn Văn Long nói “Quỹ Nghĩa tình TNXP của Phú Nhuận đạt gần 2 triệu đồng bình quân, chưa tính tiền quỹ Hội quy thành Quỹ Nghĩa tình, có 3 Chi hội đạt trên 2 triệu đồng. Có được như ngày hôm nay là cả một quá trình đấu tranh tư tưởng trong nội bộ Hội. Một số hội viên nghe người khác rèm pha “đùa cợt”, có cán bộ Chi hội cho rằng cứ hoạt động khắc Đảng ủy, UBND xã sẽ cấp tiền vì Hội ta là hội đặc thù. Bây giờ già rồi tiền đâu mà xây dựng quỹ để làm gì? Hoặc thấy Hội có quỹ xã sẽ không cho tiền hoạt động nữa.vv.”

Hội đã hoạt độn theo tư tưởng Bác Hồ “lấy của dân xây hạnh phúc cho dân” và tinh thần thư của Chủ tịch Tỉnh hội: “Ta tự xây dưng quỹ cho ta cho Hội, phải tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”. Với quan điểm phát huy nội lực, TNXP tự lực tự cường để thực hiện phương châm “ốm thăm, khó giúp, chết viếng, thọ mừng”. Có quỹ rồi phải thực hiện quy chế, quản lý chặt chẽ, cho vay đúng đối tượng, theo nguyên tắc ký kết hợp đồng kế thừa 1, kế thừa 2…Khi tư tưởng đã thông, có sự nhất trí đồng lòng, trên cơ sở tình đồng chí, đồng đội, thương nhau thì không có gì trở ngại, việc gì chẳng hoàn thành, góp cho Hội tức là cho chính mình.

Ra về, chúng tôi rất tiếc vì không còn thời gian đi xem trận đấu “bóng chuyền hơi” của liên gia cựu TNXP tham gia thi đấu do Hội Người cao tuổi xã tổ chức ở khu văn hóa xã.

Trên đường về huyện, nhìn khung cảnh nhà cửa ruộng đồng, làng xóm ở một xã vùng núi của huyện Như Thanh, tôi nhớ mãi câu nói của lãnh đạo xã “Dân Phú Nhuận chúng tôi và các cựu TNXP cũng thế, khi tư tưởng đã thông thì làm việc gì chẳng được, tôi tin các cựu TNXP xã sẽ góp phần tích cực để xây dựng Phú Nhuận có nhiều thôn kiểu mẫu, nhiều Chi hội TNXP kiểu mãu góp phần làm nên một Phú Nhuận thành kiểu mẫu nay mai như lời Bác đã dạy”.

                                                                                         Trung Sơn

Hội Cựu TNXP tỉnh Thanh Hóa