Hội nghị “Về việc xây dựng, tôn tạo các Di tích lịch sử kháng chiến của Lực lượng TNXP Việt Nam”  thuộc 6 tỉnh khu vực Việt Bắc 

Đăng lúc: 02-10-2023 2:17 Chiều - Đã xem: 103 lượt xem In bài viết

Ngày 12/9/2023, tại thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam tổ chức hội nghị “Về việc xây dựng, tôn tạo các Di tích lịch sử kháng chiến của Lực lượng TNXP Việt Nam” thuộc 6 tỉnh khu vực Việt Bắc[1] dưới sự chủ trì của Chủ tịch Vũ Trọng Kim. Tham dự hội nghị có Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Tỉnh hội thuộc 6 tỉnh khu vực Việt Bắc, Thường trực Đoàn Chủ tịch, Văn phòng và các Ban.

Theo số liệu thống kê, hiện có 3/6 tỉnh có 12 di tích lịch sử TNXP là Thái Nguyên[2], Hà Giang[3] và Bắc Kạn[4]. Trong đó: xếp hạng cấp Quốc gia: 04; cấp tỉnh: 02; chưa xếp hạng: 08; chưa xây dựng: 02. Các tỉnh Tuyên Quang, Lạng Sơn và Cao Bằng, hiện chưa phát hiện có di tích lịch sử TNXP. Nhìn chung, thời gian qua, các di tích đều được chăm sóc, bảo quản, trùng tu và đã phát huy tốt việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, cựu TNXP nói riêng và nhân dân nói chung.

Tuy nhiên, từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan, hiện còn nhiều Di tích lịch sử của TNXP chưa được cấp có thẩm quyền công nhận, xếp hạng, chưa được đầu tư xây dựng, tôn tạo hoặc xuống cấp; chưa phát huy được tác dụng, chưa xứng tầm với sự đóng góp hy sinh của TNXP; do đó đã tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của các cựu TNXP và hạn chế đến việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim kết luận hội nghị. Ảnh Đồng Sỹ Tiến 

Sau khi nghe các đại biểu trao đổi, thảo luận và các ý kiến đề xuất, kiến nghị, Chủ tịch  Vũ Trọng Kim kết luận:

Trải qua hơn 70 năm xây dựng, cống hiến và trưởng thành, Lực lượng TNXP cả nước đã có những cống hiến to lớn, lập công xuất sắc. Tính đến nay, đã có 44 tập thể và 40 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng VTND, Anh hùng lao động; Lực lượng TNXP Việt Nam được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng VTND và nhiều Huân chương cao quý. Những chiến công vang dội đó đã tạo nên nhiều huyền tích gắn liền tên tuổi những anh hùng, liệt sĩ và những địa danh, di tích lịch sử; trong đó, đặc biệt phải kể đến những khu di tích đã được xây dựng lớn, thường xuyên tôn tạo, khai thác hiệu quả như: Nà Cù, Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Hang “Tám cô”, Di tích lịch sử Quốc gia Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái… được nhiều cấp lãnh đạo viếng thăm, nhiều cơ quan truyền thông chọn làm nơi tổ chức sự kiện… do đó, cần phải giữ gìn, tôn tạo và xây dựng nhằm góp phần tích cực và hiệu quả hơn trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và nhân dân cả nước.

Chủ tịch cũng cho ý kiến về hướng giải quyết đối với các trường hợp cụ thể theo kiến nghị, đề xuất của các địa phương; Trung ương Hội sẽ bố trí phiên làm việc với Trung ương Đoàn và các Bộ có liên quan để xem xét, giải quyết.

 

  Đức Hồng


[1] Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Thái Nguyên và Tuyên Quang

[2] Khu di tích lịch sử Thanh niên Việt Nam (nơi thành lập Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên); Di tích lịch sử đồi Thành Trúc (nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1954); di tích lịch sử đình làng Sòng (nơi thành lập Đội TNXP công tác tiếp quản Thủ đô); Khu di tích lịch sử Tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP C915, Đội 91, Bắc Thái (hy sinh tại ga Lưu Xá, năm 1972); Khu di tích lịch sử TNXP C913, Đội 91 Bắc Thái (nơi 13 TNXP hy sinh và bị thương khi đang làm nhiệm vụ, ngày 29/12/1972), chưa xây dựng.

[3] Cụm Tượng đài TNXP mở đường Hạnh Phúc; Nghĩa trang liệt sỹ TNXP Yên Minh; Bia đá Những số liệu lịch sử (làm đường Hạnh Phúc); Bia Di tích Điểm khởi công xây dựng đường Hạnh Phúc (chưa xây dựng).

[4] Khu di tích lịch sử Nà Tu; Đài Tưởng niệm 13 liệt sỹ TNXP đơn vị C933- N92; Nghĩa trang liệt sỹ TNXP Công trường 114