Hội Truyền thống Trường Sơn phường Nam Lý tổ chức tham quan khu vườn lưu giữ chứng tích chiến tranh mang thông điệp hòa bình

Đăng lúc: 11-10-2022 8:50 Sáng - Đã xem: 119 lượt xem In bài viết

Một ngày tháng 9 năm 2022. Mưa. Những cơn mưa thoáng qua rồi tạnh. Có lúc trút xuống ào ào đang báo hiệu một mùa bão lụt sắp đến. Mưa, nhưng cũng không ngăn nổi lòng người. Mấy ngày hôm nay Hội Truyền thống Trường Sơn phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình đang háo hức cho cuộc tham quan theo kế hoạch thường niên. Ngồi trên xe, anh chị em cựu chiến binh của Hội trong quân phục người lính gọn gàng, huân huy chương lấp lánh trước ngực. Khuôn mặt ai nấy đầy rạng rỡ, tự hào. Những lời ca, tiếng hát về người lính Trường Sơn cất lên hòa quyện với tiếng rì rầm của xe như làm sống lại một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…”. Khi bài hát “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi” vừa kết thúc, ông Nguyễn Lương Hùng, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn phường Nam Lý vui vẻ cất tiếng: “Ngày chống Mỹ, tiếng hát át tiếng bom. Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi. Buổi tham quan hôm nay thì trời mưa cũng không ngăn nổi bước ta đi”.

Nơi đến tham quan của Hội Trường Sơn phường Nam Lý là khu vườn của ông Trần Văn Quận ở thôn Quyết Tiến, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Khu vườn này được mọi người biết đến thông qua phương tiện truyền thông của báo, đài, qua trang mạng xã hội và sự giới thiệu của Hội Trường Sơn tỉnh. Đó là khu vườn rộng gần 2000 m2 trong khuôn viên ngôi nhà của ông Trần Văn Quận được trưng bày hơn 70 vỏ quả bom có đủ kích cỡ to nhỏ các loại được xếp đặt, trưng bày các vị trí khác nhau. Những vỏ bom đã nhuốm màu thời gian được chủ nhân tạo thành bể nuôi cá cảnh, chậu trồng hoa, cây cảnh cân đối đẹp mắt. Nhiều vỏ bom được ông xếp thành hàng phía trước sân xen lẫn với cây cỏ tạo nên một không gian thoáng đãng nhưng đầy khí thế “hào hùng”. Ban đêm, những vỏ bom được chiếu sáng bằng hệ thống đèn led rất ấn tượng. Nhiều người gọi khu vườn này là tác phẩm nghệ thuật. Nhiều tờ báo đặt tên cho khu vườn với nhiều tiêu đề khác nhau. Theo VOV.VN, chuyên mục Văn hóa đã dặt tên cho khu vườn là: “Thông điệp hòa bình trong khu vườn kỷ vật chiến tranh”. Sở dĩ có tên như vậy vì theo ông Quận, việc làm của ông muốn tải thông điệp đến cho các thế hệ học sinh biết được quá khứ chiến tranh đau thương, mất mát, tàn khốc. Là những người thế hệ sau này có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, đừng để chiến tranh xảy ra. Thông điệp hòa bình chính là từ những điều đó.

Đoàn tham quan của Hội Trường Sơn Nam Lý gồm 27 hội viên tham gia do ông Cao Minh Trạch, Chủ tịch Hội đẫn đoàn. Đoàn còn mời thêm ông Nguyễn Quốc Trưởng, Thượng tá, Chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh và các Ủy viên Thường vụ của Hội cùng đi; ông Nguyễn Văn Tợi, nguyên Chủ tich Hội Trường Sơn tỉnh; ông Mai Chánh Song, Chủ tịch MTTQVN phường Nam Lý. Đón tiếp đoàn là bà Hà Thị Hiên vợ ông Trần Văn Quận niềm nở trong bộ áo dài truyền thống.

Buổi giao lưu giữa đoàn và gia đình ông Quận diễn ra nồng ấm trong cơn mưa chưa dứt. Thay mặt đoàn ông Nguyễn Quốc Trưởng tặng cho chủ nhà bó hoa tươi thắm thể hiện tình cảm buổi đầu gặp mặt. Tranh thủ những lúc tạnh, bà Hà Thị Hiên (vợ ông Quận) dẫn đoàn đi tham quan khu vườn. Khu vườn gia đình ông Quận cũng như bao gia đình khác được quy hoạch từng luống trồng rau, cây cảnh, cây ăn quả. Nhưng điều đặc biệt ở chỗ khu vườn được trưng bày vỏ bom, đạn các loại nhằm làm nơi lưu giữ kỷ vật chiến tranh. Mỗi quả bom được ông Quận lắp trên một chốt sắt gắn với trụ bê tông được chôn sâu xuống đất nên dù cao khoảng 1,5m đến 2m nhưng khi dùng tay đẩy vào quả bom vẫn có thể xoay nghiêng một góc 45 độ mà vẫn đứng vững chãi. Các vỏ bom có thể quay được nhiều hướng khác nhau rất linh động. Từ những vỏ bom, đạn… được ông sáng tạo, chế thành các vật dụng đựng đồ, bồn trồng hoa, cây cảnh làm nên “sự sống hồi sinh trong lòng kẻ hủy diệt”. Ở khu vườn này, mỗi không gian, mỗi hiện vật đều tái hiện những câu chuyện lịch sử của nó trong chiến tranh chống Mỹ. Trong bố cục trưng bày, ông Quận cho dựng những quả bom cắm xuống mặt đất, tạo độ nghiêng, tái tạo lại khung cảnh người dân sản xuất dưới làn mưa bom bão đạn. Bà Hà Thị Hiên tâm sự: “Qua việc sưu tầm trưng bày kỷ vật chiến tranh, chúng tôi muốn chuyển tải thông điệp tri ân anh hùng liệt sĩ, cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến tranh giành độc lập tự do của dân tộc, để ôn lại những kí ức về những năm tháng ác liệt của chiến tranh, khơi dậy truyền thống yêu nước, căm thù giăc. Tôi muốn mọi người đến đây là có thể hình dung, trải nghiệm và sống lại một thời “hoa lửa” của dân tộc”

Chỉ vào vỏ quả bom, Thượng tá Nguyễn Văn Tợi cho biết: “Đây là vỏ bom MK-84, là loại bom nổ phá lớn nhất trong loạt bom ký hiệu MK 80 của Mỹ. Nặng gần 1 tấn. Khi bom nổ tạo thành hố sâu chừng 11 m, rộng hơn 15 m, bán kính sát thương dày đặc của nó khoảng 366 m. Như vậy một quả bom có thể sát thương cả 1 đại đội, thật kinh khủng”. Vừa dứt lời, một chị trong đoàn nhanh nhảu: “ Vậy mà TNXP chúng em trên Đường 20 Quyết Thắng đã phá nổ mấy quả, có khi đi vào bãi bom cắm biển báo. Có khi lăn kềnh xuống suối cho chúng nổ. Khi đó chẳng biết sợ chết là gì. Thật là “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Mấy chị khác chen vào: “ Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi mà. Thế mới chiến thắng được giặc Mỹ.”

Ông Cao Minh Trạch (ảnh trên) đã có bài phát biểu cảm tưởng với nội dung: “Việc tổ chức tham quan Khu vườn lưu giữ kỷ vật chiến tranh nhằm để ôn lại một thời các đồng đội chúng ta đã chứng kiến cảnh đạn bom ác liệt trên đất nước mình mà bọn giặc Mỹ đã điên cuồng bắn phá. Đồng thời để chúng ta tự hào rằng dân tộc Việt Nam không khuất phục trước bom đạn; những người có mặt hôm nay tự hào đã một thời góp công xây dựng những tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30 tháng 4 năm 1975. Có được cuộc sống hôm nay chúng ta mãi mãi biết ơn những người đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, biết ơn những bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Thay mặt đoàn ông đã bày tỏ lòng cảm ơn sự giúp đỡ của gia đình đã tạo điều kiện cho buổi tham quan thành công. Ông cho biết ông cùng với Hội sẽ kết nối những thông điệp trên mọi phương tiện để quảng bá rộng rãi việc làm của gia đình ông Quận, để ông không đơn độc trong việc làm đầy ý nghĩa này. Trong thời gian tới động viên hội viên đóng góp các kỷ vật chiến tranh mà gia đình có được, cùng góp công sức với gia đình ông Quận để gia đình tạo dựng nơi này thành khu trưng bày về kỷ vật chiến tranh, hồi sinh sự sống hôm nay trên đau thương mất mát của hôm qua; để khu vườn trở thành một biểu tượng cao đẹp về sự kết nối quá khứ với hiện tại, hướng đến tương lai, tỏa sáng thông điệp hòa bình; là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các thế hệ.

Một số hình ảnh khác 

Nguyễn Đại Duẫn

CTV Trang Bản tin Hội Trường Sơn tại Quảng Bình