Hợp tác xã Nấm Nghĩa Minh – một mô hình phát triển kinh tế hiệu quả

Đăng lúc: 10-03-2021 9:05 Sáng - Đã xem: 224 lượt xem In bài viết

Trong phong trào “Gia đình cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế xóa đói giảm nghèo vì nghĩa tình đồng đội” do Hội Cựu TNXP Hà Nội phát động có nhiều mô hình làm kinh tế như VAC (gồm cây trồng – chăn nuôi), cơ khí, lâm nghiệp, mộc dân dụng, xây dựng, dịch vụ… Hợp tác xã (HTX) Nấm Nghĩa Minh là một mô hình đáng chú ý. Được thành lập tháng 12/2015, HTX có diện tích trụ sở và đất canh tác 7.890m2 tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội, với số vốn cố định ban đầu là 3 tỷ đồng, gồm 07 thành viên tham gia góp vốn; trong đó có 04 thành viên góp với tỷ lệ 20%, 01 thành viên 10% và 02 thành viên 05%.

Ông Trần Sỹ Mỹ (ngoài cùng bên trái) giới thiệu cho khách tham quan

Với lĩnh vực hoạt động là nuôi trồng nấm ăn và các loại nấm dược liệu; nhờ áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, nên kết quả sản xuất kinh doanh có lãi ngay từ năm 2016. Nếu năm 2015, khi còn là cơ sở kinh doanh (chưa lên HTX) thì lỗ 74 triệu đồng, nhưng sang năm 2016 lãi 42 triệu, năm 2017- 2018 lãi bình quân gần 100 triệu, năm 2019 lãi 140 triệu và năm 2020 lãi 320 triệu đồng.

Ngoài việc đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất, HTX đã không ngừng chú trọng đầu tư mở rộng và nâng cao quy trình sản xuất. Năm 2015, vốn cố định của HTX chỉ có 3 tỷ đồng, thì đến năm 2019, vốn cố định đã tăng lên 7,5 tỷ đồng để chuyển quy trình sản xuất thủ công sang quy trình sản xuất bán công nghiệp. Năm 2020, vốn cố định tăng lên 9.200 triệu đồng, chuyển quy trình sản xuất nấm hương sang quy trình sản xuất công nghiệp. Theo đó vốn lưu động hàng tháng cũng tăng lên từ 50 triệu đồng (năm 2015) lên 240 triệu đồng. Năm 2020, có các sản phẩm chính là nấm sò, nấm hương, mộc nhĩ, nấm linh chi và cả nấm vân chi[i], được các cơ quan chức năng công nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất theo Viet-GAP[ii], được cung cấp vào các siêu thị và các cơ sở chế biến dược phẩm. Nấm sò xuất cho siêu thị 01 tạ/ngày, vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.

Về nhân lực và tiền lương, ngoài nhân sự là Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành thì số lao động trực tiếp làm việc tại hợp tác xã là 18 người (trong đó có 10 lao động là con cháu gia đình chính sách, cựu TNXP), với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Cùng với việc quan tâm chăm lo giải quyết lao động cho gia đình chính sách, cựu TNXP, HTX còn quan tâm đến việc đền ơn, đáp nghĩa; hàng năm HTX đã tự nguyện đóng góp các loại quỹ, như: Vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, chăm sóc người cao tuổi, phòng chống thiên tai… bình quân 20 triệu đồng/năm; từ năm 2018- 2020 là 25 triệu đồng; phấn đấu năm 2021 lên 30 triệu đồng.

Dự kiến năm 2021, HTX sẽ tăng vốn cố định thêm 1,8 tỷ đồng để hoàn thiện quy trình sản xuất công nghiệp, nhiều công đoạn được tự động hóa. Theo đó vốn lưu động hàng tháng cũng tăng lên 300 triệu đồng, lãi 450 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 20 lao động, với mức thu nhập bình quân trên 7,5 triệu đồng/người/tháng; đồng thời phấn đấu có sản phẩm được xuất khẩu.

Được biết, HTX nấm Nghĩa Minh được thành lập trên cơ sở hộ kinh doanh trồng nấm Nghĩa Minh do ông Trần Sỹ Mỹ, sinh năm 1944 là cựu TNXP chống Mỹ làm chủ. Ông tham gia Đội TNXP Thủ đô N43[iii], sau khi hoàn thành nhiệm vụ được chuyển ngành công tác tại Ban Tổ chức Trung ương Đảng, là cán bộ cấp vụ. Khi nghỉ hưu, ông tham gia công tác hội, là Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội). Trong nhiệm kỳ 2015- 2020, ông đã cùng BCH Phường tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đề ra; đặc biệt là việc tổ chức triển khai phong trào “Gia đình Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế” do Hội Cựu TNXP Hà Nội. Hiện nay, ngoài thời gian công tác hội ông đang dành tâm sức, nhiệt huyết cùng Hội đồng quản trị chăm lo phát triển HTX nấm Nghĩa Minh.

Một số hình ảnh

                                          Tin: Đức Hồng

Ảnh: Sỹ Tiến


[i] Đây là loại nấm dược liệu quý đã được sử dụng tại Trung Quốc từ cách đây trên 2000 năm và hiện nay đã có thể nuôi trồng thành công với kỹ thuật đơn giản tại Việt Nam.

[ii] VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) gồm tiêu chuẩn/quy phạm quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) ở Việt Nam; bao gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

[iii] Khi thành lập năm 1965, 7 đại đội của Hà Nội cùng 10 đại đội của Hải Phòng gộp lại thành Đội N41 Hà Nội – Hải Phòng. Sau tách riêng các đại đội của Hà Nội để thành lập Đội TNXP Thủ đô, N43 trực thuộc Cục công trình I Bộ Giao thông vận tải tiền thân của tập đoàn Cienco 4 ngày nay. Địa bàn hoạt động của Đội là 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, nhiệm vụ chủ yếu là mở đường, san lấp hố bom, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống.