“Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” – nỗi niềm của cựu thanh niên xung phong

Đăng lúc: 19-10-2021 7:07 Chiều - Đã xem: 137 lượt xem In bài viết

Thể theo nguyện vọng của cựu TNXP và đề nghị của Hội Cựu TNXP Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đồng ý chủ trương tặng thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho TNXP hoàn thành nhiệm vụ các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (văn bản số 3257- CV/VPTW ngày 07/02/2017 của Văn phòng Trung ương Đảng). Từ đó đến nay, đã hơn 4 năm, cựu TNXP cả nước vừa phấn khởi, mừng vui, vừa thấp thỏm chờ đợi.

Đại biểu dự Đại hội thi đua Đoàn XP
đón nhận Cờ thi đua luân lưu của Bác Hồ (1954). Ảnh tư liệu 

 Ngày 22/7/2021, Chính phủ đã có Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), trong đó bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Tuy nhiên, khi đưa ra các cơ quan thẩm tra dự án Luật có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất: Tán thành với Tờ trình của Chính phủ, bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” vào dự án Luật; nhằm thể hiện sự ghi nhận, tri ân đối với lực lượng TNXP đã có nhiều hy sinh, đóng góp trong sự nghiệp kháng chiến của dân tộc; đồng thời cụ thể hóa chủ trương của Ban Bí thư về tặng thưởng Huy chương cho TNXP. Loại ý kiến thứ hai: Có ý kiến chưa tán thành đưa hình thức khen thưởng này vào án Luật, vì hiện đã có các hình thức khen thưởng chung đối với người tham gia kháng chiến như Bằng khen, Huy chương Kháng chiến, Huân chương Kháng chiến… các đối tượng tham gia kháng chiến, trong đó có TNXP đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của từng hình thức khen thưởng trên, thì sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật…

          Nếu theo loại ý kiến thứ hai thì rất thiệt thòi và không công bằng cho TNXP, không những về vật chất mà cả tinh thần, trong đó tinh thần là quan trọng nhất. Bời vì tiêu chuẩn nổi bật, điều kiện đặc biệt để khen thưởng là: TNXP là những người tự nguyện, xung phong ra mặt trận, phục vụ chiến đấu và chiến đấu, không sợ hy sinh, gian khổ, trong điều kiện có chiến tranh. Còn các hình thức là Huy chương khác khen thưởng cả trong điều kiện hòa bình, hoàn thành nhiệm vụ từ một năm trở lên ở biên giới, hải đảo, vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được áp dụng hiện hành.

Đó là vấn đề của lịch sử. Không riêng gì cựu TNXP, mà cả những người thân, người có cảm tình, hiểu biết sâu sắc về điều kiện hoạt động của TNXP, nhất là lịch sử kháng chiến thì ai cũng rất ủng hộ và cho đây là phần thưởng xứng đáng của Đảng, Nhà nước dành cho TNXP. Bên cạnh đó là quan điểm ứng xử với một tổ chức đặc thù được Bác Hồ chỉ đạo thành lập, trước hết là sát cánh cùng với các lực lượng vũ trang, luôn xung kích đi đầu ở vị trí tiền tiêu và trọng điểm. Thực sự đây là “Trường học lớn Thanh niên xung phong”.

Là Lực lượng được thành lập để phục vụ ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp; đây là một loại hình tổ chức đặc thù về tổ chức, hoạt động và điều kiện sinh hoạt. Sinh thời, Bác Hồ thường xuyên quan tâm, giáo dục, chăm lo đối với TNXP; Người đã viết trong Di chúc căn dặn Đảng, Nhà nước quan tâm đối với TNXP.

Trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp; xây dựng CNXH, kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ biên giới (Tây Nam và phía Bắc), giúp bạn Lào và Campuchia; khắc phục hậu quả chiến tranh xây dựng kinh tế sau năm 1975; TNXP đã phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu dũng cảm, lao động sáng tạo, lập công xuất sắc; điển hình như trong chiến dịch Điện Biên Phủ có 18.200 TNXP tham gia, khi chiến sự ác liệt thì 8.000 TNXP chuyển sang bổ sung cho Quân đội; Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những bài viết về TNXP; Đại tướng khằng định: “Nếu ở Điện Biên Phủ không có TNXP thì bộ đội cũng gặp khó khăn…Tôi luôn coi TNXP như bộ đội, vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ”.

Đội TNXP 36, với 2.500 cán bộ, chiến sỹ do đồng chí Tạ Quang Chiến (người tham gia bảo vệ Bác Hồ) là Đội trưởng đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ: Tham gia bảo vệ, đào hầm hào, bảo đảm giao thông, làm nhà ở, hậu cần phục vụ Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ ở An toàn khu (ATK) Việt Bắc từ năm 1950- 1954 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Một số đơn vị TNXP chống Pháp đã cùng bộ đội về tiếp quản, giải phóng Thủ đô (1954). Ở Khu 5 và Nam Bộ, TNXP đã phục vụ chiến đấu, cùng với bộ đội chiến đấu dũng cảm, như trong trận Đắk Pơ (bộ đội hy sinh 100 người, TNXP hy sinh 50 người)…

Ngã ba Đồng Lộc: điểm gặp nhau giữa Quốc lộ 15 với Tỉnh lộ 2 ở xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, là trọng điểm giao thông quan trọng, mục tiêu đánh phá có tính chất hủy diệt của không quân Mỹ. Tại đây, trong 7 tháng (1968) máy bay Mỹ đã ném 42.900 quả bom các loại. Lực lương bảo đảm giao thông đã giữ vũng giao thông thông suốt. nhiều đơn vị và cá nhân được tuyên dương anh hùng. Ngã ba Đồng Lộc trở thành địa danh lịch sử nổi tiếng với tấm gương của tập thể tiểu đội “10 cô gái Đồng Lộc” (Đại đội 552), do Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng (ảnh chụp tháng 8/1970). Ảnh tư liệu 

          Tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có 288.000 TNXP từ Bắc đến Nam hăng hái nhập ngũ theo phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”. Có 46.000 TNXP cùng gần 100.000 bộ đội mở hàng ngàn km đường Trường Sơn; bám cầu, bám đường, thông xe ra tiền tuyến (Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Hang 8 cô, cầu Hàm Rồng, phà Xuân Sơn, Long Đại, Đường 10, Đường 20 Quyết Thắng… là những địa chỉ đỏ). Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng: “Đây là một kỳ tích, kỳ quan mà bộ đội và TNXP đã làm nên”. TNXP đã phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu cùng với bộ đội ở Liên khu 5, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Đường 1C … Từ 1965 – 1975, TNXP đã mở 2.165 km đường chiến lược; chốt giữ bảo đảm giao thông ở 2.526 trọng điểm địch đánh phá ác liệt; phá gỡ, thu gom 100.000 quả bom các loại; phục vụ chiến đấu 16 chiến dịch lớn, với 641 trận đánh; cáng, tải 9.026 thương binh về tuyến sau; tiêu diệt và bắt sống 1.119 tên địch, phá hủy 10 xe tăng và bắn rơi 05 máy bay địch; 15.772 TNXP được điều động sang Quân đội… Sau giải phóng miền Nam, có trên 5.000 TNXP làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc, giúp bạn Lào và Campuchia; trên 200.000 TNXP làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh (tháo gỡ bom, mìn, giữ đất vùng mới giải phóng, truy quét Fulro…).

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát – Phó Chủ tịch UBTW Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam – tặng cờ truyền thống cho Lực lượng TNXP Giải phóng miền Nam

          TNXP các thời kỳ, phần lớn là tập trung vào các thời điểm có chiến sự ác liệt tại các địa bàn trọng điểm, rất khó khăn, gian khổ, đã có 46.000 TNXP bị thương; trên 10.000 TNXP hy sinh; 13.000 TNXP và 4.600 con đẻ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin…

          Lực lượng TNXP do Bác Hồ chỉ đạo thành lập, là một chủ trương sáng tạo, độc đáo, có một không hai trên thế giới. Họ tự nguyện và xung phong, xung kích, sáng tạo, sẵn sàng làm bất cứ nhiệm vụ gì khi tổ chức giao; không quản ngại hy sinh, gian khổ, xứng đáng được nhận phần thưởng của Nhà nước trao cho đội viên TNXP. Anh, chị em đều mong muốn được như các lực lượng vũ trang đã được Nhà nước tặng Huy chương các loại.

          Tuy thành tích là vậy, nhưng TNXP được Nhà nước khen thưởng kháng chiến là rất ít; vì Huy chương Kháng chiến hạng Hai có tiêu chuẩn phải hoàn thành nhiệm vụ, thời gian quy đổi từ 5 đến dưới 7 năm. TNXP ít có người đạt mức thời gian đó, số đông tham gia lực lượng từ 2 đến dưới 7 năm.

          Nhiều đồng chí tâm niệm rằng Bác Hồ dành muôn vàn tình thương yêu cho TNXP, đã 21 lần Bác đến thăm và viết thư động viên TNXP. Lời kêu gọi của Bác: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên” làm lay động bao trái tim nam, nữ thanh niên. TNXP đã chịu đựng biết bao khó khăn ác liệt của các cuộc chiến tranh. Phần đông sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì trở về nông thôn đã quá tuổi thanh niên, ít học hành, khó phát triển, quyền lợi vật chất không có gì đáng kể; đặc biệt, trong đó có hơn 5.600 chị em khi xuất ngũ không lập được gia đình, sống cô đơn, không nơi nương tựa. Giờ đây, phần lớn tuổi đã cao, muốn được Nhà nước công nhận họ có đóng góp và coi đây là sự động viên to lớn, niềm an ủi cuối cuộc đời. Sự động viên cổ vũ thích đáng là rất quan trọng, vì không những cho lớp thanh niên đi trước mà còn là tấm gương, tác động tích cực với thanh niên lớp sau, nhất là khi đất nước lâm nguy.

Bác Hồ với các đại biểu tại Đại hội thi đua
các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước (12/1/1967)

        Mong muốn của các cựu TNXP chỉ là tấm Huy chương (hạng thấp nhất về hình thức Huân, Huy chương), không mong muốn gì hơn. Nhà nước không phải chi thêm ngân sách trong lúc dịch bệnh covid-19, kinh tế chưa thể khôi phục nhanh chóng. Việc thực hiện sẽ chia ra các giai đoạn, có tiến độ thực hiện thì tính khả thi sẽ rất cao.

          Đối tượng thụ hưởng đã được xác nhận, Hội Cựu TNXP và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã nắm danh sách đầy đủ. Quá trình triển khai, Hội Cựu TNXP và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện trao khen thưởng đúng người, đúng đối tượng theo tiêu chuẩn, theo quy định tại Nghị định Chính phủ.

          Ước nguyện cuối đời của nhiều cựu TNXP là có tấm Huy chương của Nhà nước trao tặng, để con cháu, dòng họ tự hào có cống hiến, có tham gia trong đội ngũ những người “xung phong” trên tuyến đầu. Dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, ngọn cờ Mặt trận đã đoàn kết mọi lực lượng tham gia đóng góp cho kháng chiến, họ đều rất xứng đáng được Nhà nước tôn vinh; trong đó lực lượng TNXP là mô hình tập hợp lớp trẻ, quy mô lớn, được tổ chức chặt chẽ xứng đáng được quan tâm, như Bác Hồ kính yêu đã để lại lời dặn dò trong Di chúc thiêng liêng trước lúc đi xa.        

          Có lẽ, đây là cơ hội cuối cùng của cựu TNXP, vì thế hệ tham gia chống Pháp đều đã trên 90 tuổi, chống Mỹ trên 70 tuổi, tham gia sau năm 1975, bảo vệ biên giới cũng đã trên 65 tuổi. Mong muốn cuối cùng của cựu TNXP là niềm vinh dự lớn lao, được Nhà nước ghi nhận. Quãng đời đẹp nhất của tuổi trẻ là trên mặt trận chống quân thù.

“Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ

Đất anh hùng của thế kỷ 20…”

                                                                                                                                                                                      Tố Hữu

            Dù khiêm tốn đến mấy, Cựu TNXP Việt Nam vẫn phải kiến nghị Đảng, Nhà nước xem xét trao tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Chúng ta tin tưởng rằng Quốc hội sẽ ủng hộ hoàn toàn. Tôi có niềm tin chắc chắn!

                                                                      Vũ Trọng Kim

                                                     Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam