Không cam chịu đói nghèo một nữ cựu TNXP Quảng Trị làm kinh tế giỏi

Đăng lúc: 11-09-2019 3:28 Chiều - Đã xem: 54 lượt xem In bài viết

         Ai có dịp đi qua thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, không khỏi tấm tắc khen ngợi gia đình chị Phan Thị Xiêm, một cựu TNXP làm kinh tế giỏi. Năm nay đã 65 tuổi, trước đây chị là một chiến sỹ TNXP giải phóng Quảng Trị, hoạt động tại chiến trường Gio Linh với nhiệm vụ tải đạn tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Chị đã cống hiến những ngày tháng đẹp đẽ nhất của tuổi thanh xuân cho đất nước. Hôm nay, trở về cuộc sống đời thường, người TNXP ấy lại tiếp tục nỗ lực xây dựng cuộc sống mới, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

          Bước ra khỏi chiến tranh, năm 1975, chị Xiêm trở về quê và lập gia đình. Ngày ấy, làng biển nơi chị sinh ra và lớn lên có cuộc sống rất khó khăn. Chị cùng gia đình chật vật mưu sinh bằng nghề buôn bán hải sản. Nhận thấy nhiều ngư dân không có vốn mua sắm ngư lưới cụ ra khơi, bằng những đồng vốn ít ỏi tích lũy được, chị Xiêm đã đầu tư mua sắm ngư lưới cụ rồi cho các ngư dân ra khơi sau đó mua lại hải sản do chính những ngư dân đó đánh bắt được. Bằng cách làm quay vòng như thế, chị đã tạo việc làm cho nhiều ngư dân nghèo trên địa bàn đồng thời đã tạo cho mình nguồn cung cấp hải sản thường xuyên.

Thấy nguồn hải sản trên địa bàn rất dồi dào, có sẵn nghề làm nước mắm được mẹ truyền từ nhỏ, năm 2008, chị chuyển sang nghề chế biến nước mắm. Chị Xiêm cho biết: “Gắn bó với nghề buôn bán hải sản từ những năm tuổi 20, tôi đã đưa hải sản Cửa Từng đi khắp nơi, được người tiêu dùng ưa chuộng, hiện nay, tôi đã giao lại nghề buôn bán cho con gái, còn mình chuyển sang nghề làm nước mắm và làm ruốc chua truyền thống…”.

Ban đầu chuyển sang nghề nước mắm, chị Xiêm đầu tư 700 triệu đồng xây dựng hệ thống sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn. Lợi thế của gia đình nằm ngay bên cảng cá nên xây dựng cơ sở chế biến nước mắm rất thuận tiện, thoáng đãng. Các bể chứa mắm nằm trong nhà nhưng đều đảm bảo có ánh nắng mặt trời thì mắm mau ngấu, nước mắm mới ngon. Nguyên liệu chế biến nước mắm là cá cơm và cá nục. Theo chị Xiêm, hai loại cá này khi thành nước mắm có vị thơm ngon, tạo ra đặc trưng của nước mắm truyền thống ở đây. Dẫn chúng tôi đi tham quan cơ sở chế biến nước mắm, chị Xiêm chia sẻ: “Bí quyết làm được nước mắm ngon là cá phải tươi khi nguyên liệu được nắng, tiếp theo là giai đoạn ủ nguyên liệu, sau đó cho vào bể chứa”. Vừa làm, chị Xiêm vừa nói chuyện cởi mở. Nghề làm nước mắm thủ công truyền thống cũng dầu dãi, gian khổ như người làm nông nghiệp vậy. Trong khi mọi người tránh nắng thì những người làm nghề nước mắm phải phơi mình dưới trời nóng nực để có sản phẩm ngon. Qua lời chị, tôi hiểu rằng sản phẩm nước mắm không thể bán hết từng năm mà bán theo kiểu gối vụ. Nước mắm năm trước gối sang năm sau, càng để lâu càng có mùi thơm đặc biệt. Mỗi năm, cơ sở nước mắm của chị chỉ mua và chế biến trên 50 tấn cá nguyên liệu.

Trong suy nghĩ, chị chỉ làm theo khả năng của mình, cái chính là đảm bảo chất lượng, vừa lòng bạn hàng đã gắn bó. Năm nào nhu cầu đặt hàng của khách tăng lên là chị tăng nguồn nguyên liệu để đáp ứng đủ. Cơ sở chế biến thường xuyên có 2 người làm công tác kĩ thuật. Khi vào vụ cá, gia đình hợp đồng 7- 8 lao động là chị em phụ nữ thạo nghề ở tại địa bàn, trả lương theo thỏa thuận từng thời điểm. Cứ mỗi năm, chị bỏ ra khoảng từ 400 – 500 triệu đồng để thu mua và chế biến. Sau khi trừ các khoản chi phí, trả tiền công người làm, còn lại mỗi năm chị thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Đó là chưa kể có thêm nguồn thu từ ruốc chua được làm theo bí quyết riêng của gia đình. Khách quen các xã trong huyện Vĩnh Linh đến mua sỉ nước mắm rất đông, chủ yếu mua từng can 5 lít, 10 lít đem về bán lại cho những gia đình xung quanh. Lâu nay khách quen trong huyện mua nước mắm chị Xiêm theo hình thức đó nên ít người biết thương hiệu đăng kí nhãn mác sản xuất theo phương pháp truyền thống. Ngoài lượng người mua trong huyện, bạn hàng xa của chị Xiêm rất nhiều, chủ yếu ở một số tỉnh và Hà Nội, Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh. Rất nhiều người biết đến thương hiệu “Nước mắm bà Xiêm” ở Cửa Tùng.

Với mô hình sản xuất lãi 300 triệu đồng/ năm đã giúp chị vượt qua nghèo khó vươn lên làm giàu chính đáng. Chị có 5 người con và cháu học hành đỗ đạt, có công ăn việc làm ổn định. Chị đã xây xựng ngôi nhà 2 tầng khang trang, mua sắm đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt trong gia đình.

Chị không chỉ giỏi làm kinh tế mà còn chăm lo góp phần xây dựng tổ chức Hội cơ sở. Chị luôn gương mẫu trong mọi hoạt động của Hội Cựu TNXP tại địa phương và mẫu mực trong lối sống sinh hoạt làm gương sáng cho con cháu noi theo. Là một hội viên nhiệt tình giúp đỡ các cựu TNXP khác, chị đã tham gia câu lạc bộ cựu TNXP làm kinh tế giỏi của Hội Cựu TNXP huyện Vĩnh Linh để có điều kiện trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế vùng biển cho hội viên khác. Đối với các hoạt động từ thiện, xã hội tại địa phương, chị luôn nhiệt tình tham gia và ủng hộ khoảng hơn 20 triệu đồng/năm, qua đó tạo điều kiện cho những người có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Với kết quả hoạt động của mình chị đã được chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện và Hội Cựu TNXP tặng bằng khen giấy khen. Chia sẻ về ước mơ của mình, chị Xiêm cho biết: “Để tiếp tục phát triển nghề truyền thống, tôi đang định hướng, hỗ trợ 2 con tiếp tục nối nghiệp mẹ, mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ để đưa những đặc sản và nước mắn ngon của vùng biển Cửa Tùng đến khắp mọi miền đất nước”.

                                                    Hồng Loan