Kỷ niệm 55 năm ngày cưới của đôi vợ chồng hội viên Trường Sơn

Đăng lúc: 16-06-2025 9:21 Sáng - Đã xem: 468 lượt xem In bài viết

Lần đầu tôi gặp ông Võ Khắc Mai (sinh năm 1937), khi thực hiện bài viết Thăm “làng 559” tại Đà Nẵng, chủ yếu để tìm hiểu về thời oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ và TNXP Ban Xây dựng 67 anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ. Khi ấy, tôi chưa có dịp tìm hiểu sâu về cuộc sống đời thường của ông.

Năm nay, vợ chồng ông tổ chức kỷ niệm 55 năm ngày cưới (ảnh trên) đúng vào mùng 5 Tết Đoan Ngọ (31/5/2025). Ông thân mật mời tôi đến dự. Đó cũng là ngày ông xem là sinh nhật của mình, theo lời dặn của thân mẫu: “Thằng Mai sinh đúng Đoan Ngọ, cứ lấy đó làm ngày sinh cho dễ nhớ”.

Ông bà đón nhận bằng “VŨ TỘC TINH HOA” và bằng chúc thọ .

Không khí buổi lễ thật đầm ấm, chan chứa nghĩa tình. Con cháu ba miền hội tụ đông đủ chúc mừng ông bà. Dịp này, ông vinh dự đón nhận “Bằng Vũ tộc tinh hoa” do Hội đồng dòng họ Vũ – Võ Việt Nam trao tặng vì những cống hiến làm rạng danh dòng họ. Bà Bùi Thị Lũy – phu nhân ông – cũng được chúc thọ 80 tuổi. Bà là cựu TNXP Đại đội 737, đội 75, từng tham gia trận cứu hộ bi tráng ở bờ Nam sông Gianh để bảo vệ đoàn tên lửa SAM. Sau chiến tranh, bà được đi học và trở thành y tá. Buổi lễ cũng là dịp mừng sinh nhật lần thứ 88 của ông Mai – người kỹ sư từng góp công lớn trên các tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

Là kỹ sư cầu đường, ông đã đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo giao thông trên các tuyến huyết mạch như 10, 12A, 15, 16, 18, 20 – đặc biệt trong vai trò chủ chốt của Phòng Kỹ thuật Ban Xây dựng 67. Có lần, dù đang sốt rét nặng, ông vẫn nhận nhiệm vụ cấp bách: tìm đường tránh đèo Mụ Giạ, giúp bảo toàn lực lượng qua tuyến đường hiểm yếu. Ông đã cùng hai tiểu đội công binh và y sĩ tìm ra đường Phou-túc-vu chỉ cách đèo Mụ Giạ 1 km. Trong những ngày giáp Tết giá rét trên đỉnh Trường Sơn, giữa hai cơn sốt, người kỹ sư 32 tuổi vẫn dâng trào cảm xúc:

Có phải nơi đây gọi Cổng Trời 

Sáng đầy sương núi tựa trùng khơi…

Giăng Màn một dải in tranh vẽ

Đất nước ta sao đẹp tuyệt vời…”

Một ngày xuân đầu năm 1970, khi Quảng Bình tạm vắng tiếng bom, ông về chữa chân tại Bệnh viện 24 – Ban Xây dựng 67, và… gặp bà. Từ đó nên duyên vợ chồng, thắm thoát đã 55 năm nghĩa tình bền chặt.

Sau chiến tranh, ông về công tác tại Khu Quản lý đường bộ V. Trong vai trò kỹ sư trưởng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kỹ thuật, ông đã chỉ đạo nhiều công trình có giá trị. Tiêu biểu là sáng kiến “Đường cứu nạn” tại các đèo miền Trung – Tây Nguyên, giúp cứu sống nhiều người và phương tiện. Ông được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng “Lao động sáng tạo” và Huân chương Lao động hạng Ba. Nếu có danh hiệu “Kỹ sư Nhân dân”, ông là một trong những người xứng đáng được vinh danh.

Gia đình con cháu quây quần.

Gia đình ông bà là một gia đình văn hóa tiêu biểu ở khu dân cư Thanh Tân, phường Thanh Khê Đông, TP. Đà Nẵng. Ba người con đều thành đạt: hai thạc sĩ, một kỹ sư; các cháu nội ngoan hiền, học giỏi. Lời dặn của người cha năm xưa – “Sống sao cho trên mến dưới yêu, không luồn cúi cấp trên, không chèn ép cấp dưới, việc lớn nhỏ gì cũng phải vì dân, vì nước, Nhà nước giao cho công việc gì dù lớn, dù nhỏ, cũng là để làm việc cho dân cho nước, đừng lấy đó làm cửa quyền” – đã trở thành kim chỉ nam trong suốt cuộc đời ông.

Về hưu, ông vẫn nhiệt tình với công tác xã hội. Là đảng viên xuất sắc 10 năm liền, ông từng là Chi hội trưởng Khuyến học của khu dân cư, xây dựng quỹ khuyến học trên 100 triệu đồng – cao nhất phường. Ông cũng được trao nhiều bằng khen, kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết và khuyến học: bằng khen của Thành ủy Đà Nẵng (là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 10 năm liền); nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng; “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc”; bằng khen và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khuyến học Việt Nam” của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; nhiều giấy khen của Quận ủy Thanh Khê và Đảng ủy phường Thanh Khê Đông. Năm 2015, ông là một trong những đại biểu của thành phố Đà Nẵng đi dự Hội nghị toàn quốc biểu dương “Gia đình Văn hóa tiêu biểu” 5 năm liền. Năm 2015, gia đình ông được chọn là Gia đình văn hóa tiêu biểu toàn quốc.

Ông bà Võ Khắc Mai – Bùi Thị Lũy còn là những hội viên nòng cốt của Hội Trường Sơn và Hội Cựu TNXP từ cấp phường đến thành phố. Đối với khu dân cư, ông bà luôn có tình cảm chân tình, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ những gia đình, những cháu nhỏ gặp khó khăn, được bà con quý mến. Trong tộc họ, ông bà tích cực đóng góp, đặc biệt là xây dựng Quỹ khuyến học của họ Võ tại quê nhà An Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình.

Gia đình ông là minh chứng sống động cho truyền thống tốt đẹp của 75 năm lực lượng TNXP Việt Nam – xứng đáng với 18 chữ vàng của Trung ương Đảng tặng người cao tuổi: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, tôi xin kính cẩn gọi ông là “Cây Mai tứ quý” – bởi những cống hiến của ông và gia đình luôn tỏa hương bốn mùa. 

Kính chúc ông bà An khang, Trường thọ!

Đà Nẵng, tháng 6/2025

 Lê Đỗ Hồng Quân

Bài viết có sử dụng một số tư liệu của đồng nghiệp