Ngày 28-12, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961/10-8-2021) và Đại hội điển hình tiên tiến vì nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) lần thứ IV, giai đoạn 2016-2021.
Tham dự có các đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương và gần 200 đại biểu thay mặt cho đội ngũ cán bộ tiêu biểu của Hội, người có công chăm sóc nạn nhân và NNCĐDC vượt khó vươn lên trong cả nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.
Cách đây 60 năm, ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ bắt đầu chiến dịch rải chất độc da cam xuống miền Nam Việt Nam, khởi đầu cho thảm họa mang tên da cam mà hàng triệu người Việt Nam phải gánh chịu, mở đầu cuộc chiến tranh hóa học dài ngày nhất, có quy mô lớn nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Với khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học (CĐHH), 61% trong đó là chất da cam, chứa 366kg dioxin (Dioxin là chất độc nhất trong các chất độc mà loài người biết đến). CĐHH do Mỹ rải xuống Việt Nam đã gây hậu quả vô cùng nặng nề đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Theo thống kê, ¼ diện tích miền Nam Việt Nam bị phun rải, trong đó 86% bị phun rải 2 lần; 11% diện tích bị phun rải trên 10 lần; 86% hóa chất độc rải xuống rừng núi, đầu nguồn 28 con sông chính, 14% rải xuống đồng ruộng. Hầu hết các hệ sinh thái rừng của Nam Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ đã bị tàn phá; hơn 3 triệu ha rừng nguyên sinh bị hủy hoại; môi trường trên toàn miền Nam bị ô nhiễm nặng, các hệ sinh thái bị đảo lộn, một số loài động, thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng… 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin và trên 3 triệu người là nạn nhân và di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4; nhiều gia đình nạn nhân có nguy cơ không duy trì được nòi giống. Rất nhiều trẻ em mới sinh ra đã chết, hàng vạn trẻ bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật. Nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ; nhiều người đang chết dần, chết mòn, quằn quại, vật vã vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam/dioxin. Thảm họa da cam Việt Nam không chỉ là nỗi đau của nạn nhân da cam/dioxin, mà là nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau của nhân loại tiến bộ trên thế giới.
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Thượng Tướng Nguyễn Văn Rinh ((ảnh trên) khẳng định, đây là dịp để nhìn lại thảm họa da cam do chất độc hóa học của Mỹ gây ra ở Việt Nam, đồng thời để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chung tay chia xẻ nỗi đau này, cũng như khắc phục hậu quả đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Những năm qua, công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam luôn được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. Phong trào “Hành động Vì NNCĐDC” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động đã lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam. Đó chính là nguồn động viên, cổ vũ to lớn để các nạn nhân vượt qua khó khăn, mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống và hoà nhập cộng đồng. Chủ tịch Hội mong muốn các tầng lớp nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè khắp năm châu hãy tiếp tục chung tay xoa dịu nỗi đau da cam; ủng hộ và đồng hành cùng nạn nhân đấu tranh đòi công lý.
Phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam”, do Trung ương Hội phát động đã được các cấp Hội và đông đảo cán bộ, hội viên hưởng ứng và tích cực triển khai sâu rộng đạt hiệu quả thiết thực. Đại hội lần này khẳng định dấu mốc quan trọng của phong trào thi đua giai đoạn 2016-2021, đồng thời biểu dương thành tích, cổ vũ tinh thần vượt khó vươn lên; cũng như trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay và tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Phó Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội NNCDDC/dioxin Việt Nam
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân biểu dương cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp trong việc chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC; ghi nhận và đánh giá cao Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã nỗ lực, đoàn kết phấn đấu làm tròn nhiệm vụ được giao; biểu dương những cán bộ, hội viên, người chăm sóc nạn nhân và các nạn nhân vượt khó vươn lên trong cuộc sống.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch nước đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động, quyên góp, chăm sóc và giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Nhân dịp này, Ban Dân vận Trung ương đã tặng Bằng khen cho 14 tập thể, 15 cá nhân; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen cho 15 tập thể, cá nhân; Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam tặng Bằng khen cho 23 tập thể, 159 cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua vì NNCĐDC, giai đoạn 2016-2021.
Nguyễn Đức Hồng