Kỷ niệm 60 năm Truyền thống TNXP tình nguyện tháng 8 Thủ đô quận Ba Đình

Đăng lúc: 24-07-2023 3:25 Chiều - Đã xem: 183 lượt xem In bài viết

Ngày 22/7/2023 Ban Liên lạc Cựu TNXP tháng 8 Thủ đô đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Truyền thống TNXP tình nguyện tháng 8 Thủ đô quận Ba Đình, Hà Nội với sự có mặt của hơn 100 cựu TNXP, đoàn viên thanh niên quận Ba Đình. Đến dự có các đồng chí: Phạm Thị Diễm, Quận ủy viên, Phó Chủ tịch UBND quận; Nguyễn Thị Thanh Phượng, Bí thư Quận đoàn; Nguyễn Anh Liên, nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam; Đỗ Quốc Phong, nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP; Đồng Sỹ Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu TNXP Việt Nam, Phó Trưởng ban Tổ chức – Kiểm tra và Tuyên truyền…

Theo báo cáo của Trưởng ban liên lạc Nguyễn Thị Giới (ảnh dưới), thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW 8 (khóa III) của Đảng, hưởng ứng phong trào thi đua tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất (1961 – 1965), theo chỉ đạo của Trung ương Đoàn và Thành ủy Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội đã phát động phong trào Vận động thanh niên Thủ đô xung phong tình nguyện đi xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa miền núi”. Hưởng ứng phong trào, gần một vạn thanh niên Hà Nội tình nguyện đến tham gia lao động sản xuất ở gần 100 cơ sở thuộc các ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Giao thông vận tải, Giáo dục v.v… từ Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc, vào đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Tại cuộc mít tinh tiễn đưa “Đội Thanh niên Tháng 8 Thủ Đô” tại Hội trường Bộ Công nghiệp nhẹ, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã ân cần căn dặn các đội viên và chuyển lời thăm hỏi của Bác Hồ: “Chúc các cháu lên đường mạnh khỏe, thu nhiều thắng lợi trong lao động và công tác”.

Sáng 15/8/1963 trong hàng nghìn thanh niên lên đường đi miền núi, quận Ba Đình có hơn 200 học sinh tốt nghiệp lớp 7, lớp 10 của các trường Chu Văn An, Nguyễn Trãi 3, Mạc Đĩnh Chi, Xuân Đỉnh, Phan Chu Trinh, Thụy Khuê, Vạn Phúc, Nguyễn Công Trứ, tuổi đời 16, đôi mươi. Họ không chọn một công việc an nhàn mà chọn một cuộc sống tự lập, có trách nhiệm với nhân dân, “không muốn là bông hoa trong phòng xanh mát rượi mà muốn là cây tùng, cây bách đứng trước gió hiên ngang”. Bằng bàn tay, khối óc, con tim, sức trẻ với một ước mơ giản dị: biến miền đất hoang sơ thành miền đát phì nhiêu, bốn mùa hoa trái, đêm có ánh điện sáng thay sao.

Họ đã đến các nông trường: Tô Hiệu (Sơn La) thành lập 1959, Sông Âm (Thanh Hóa) thành lập 1962, là những đơn vị quân đội chuyển sang, vừa làm kinh tế, vừa tiễu phỉ, chiến đấu bảo vệ biên cương. Vì thế cơ sở vật chất còn nghèo, các điều kiện canh tác, sinh hoạt, đi lại, ăn ở, học tập, vui chơi giải trí còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Sự có mặt của những thanh niên tình nguyện trẻ khỏe, có văn hóa, giác ngộ chính trị thật đúng lúc, kịp thời. Các thanh niên tình nguyện đã hòa đồng nhanh chóng. Với ý chí vượt khó vươn lên, khiêm tốn học hỏi, nhiều người đã có tay nghề cao, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Nông trường Tô Hiệu, bông là cây trồng chính, được  trang bị một nhà máy cán bông, một phân xưởng ép dầu từ hạt bông. Nông trường Sông Âm cam là cây trồng chính, sau cam là cây ga (lấy sợi phục vụ quốc phòng). Ngoài ra là cây lương thực ngắn ngày: lúa, khoai, sắn, lạc, vừng.v.v… Nhiều đội viên có sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong hái bông, chế biến gai, đưa năng suất tăng từ 10-20 lần so với làm thủ công, trở thành kiện tướng hái bông, chế biến gai, ghép cam, dũng sĩ diệt sâu bệnh…

Chăn nuôi cũng thành một ngành chính vì trâu, bò, lợn, vừa tạo sức kéo, vừa cung cấp thịt cho xã hội và chiến trường, chất thải làm phân bón. Các đội viên đảm nhận nhiệm vụ khó khăn này không ngại vất vả, khó khăn hôi hám, hàng ngày phải gánh nước từ suối lên vệ sinh chuồng trại, không để dịch bệnh, có lúc còn đỡ đẻ cho lợn.

Nhiều đội viên khai thác phân trap trong rừng nguyên sinh, tham gia đội công trình làm nhà, sửa đường cho nông trường, tham gia tổ thông tin liên lạc. Riêng công tác thống kê, kế toán 2 nông trường đã có gần 30 đội viên được đào tạo, đảm nhận công việc này. Tại đại hội những thanh niên xuất sắc trong phong trào TNXP Tình nguyện đi xây dựng kinh tế miền núi do Thành đoàn Hà Nội tổ chức (25/5 – 2/6/1964) đã có 10 đội viên nông trường Tô Hiệu, 6 đội viên nông trường Sông Âm tham dự. Trong đó anh Hoàng Quốc Sùng nông trường Tô Hiệu và anh Lê Trần Tùng, chị Hà Mai Thanh nông trường Sông Âm đã được báo cáo thành tích.

 

Trên mặt trận phát triển văn hóa, các đội viên tiên phong thanh toán nạn tái mù chữ, nâng cao trình độ cấp 1, phổ cập cấp 2 cho cán bộ công nhân viên nông trường. Họ là những giáo viên BTVH tình nguyện, không thù lao, hết lòng với học viên. Nhiều người  dạy 2, 3 lớp, toán lẫn văn, vật lý lẫn sinh, hóa,… Trình độ văn hóa nhiều học viên được nâng lên rõ rệt.

Các đội viên là nòng cốt trong phong trào bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, thể dục buổi sáng… ở hầu hết các đội sản xuất; tích cực viết báo tường, vẽ tranh, viết khẩu hiệu… phục vụ cho công tác chính trị, sáng tác thơ văn ca ngợi cuộc sống nông trường, viết tin, bài phải ánh các phong trào thi đua “Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”, đăng tải rải rác trên các báo Trung ương và địa phương. Riêng nông trường Tô Hiệu còn được Đài Tiếng nói Việt Nam đưa lên sóng nhiều tin, chuyện.

Từ ngày 5/8/1964 cả hai nông trường Tô Hiệu và Sông Âmchuvển sang chế độ làm việc thời chiến – ngày sản xuất, đêm đào hào giao thông, tập luyện quân sự… Mỗi nông trường là một tiểu đoàn tự vệ. Tất cả 100% đội viên tình nguyện tham gia tự vệ với khẩu hiệu “Vững tay cày, chắc tay súng”. Họ thực hiện nghiêm túc lệnh sơ tán của Ban giám đốc nông trường, cất giữ máy móc, tài liệu cơ mật, làm các lán trại làm việc mới, dưới tán rừng.

Vào một ngày nắng ráo, lệnh báo động của đơn vị tự vệ vang lên. Một phi công Mỹ nhảy dù rơi gần nông trường bộ. Các chiến sĩ tự vệ đã vây quanh tên Mỹ đang thu dọn dù để lẩn trồn. Chị Ngà, một nữ tự vệ, tay lăm lăm khẩu K44[1] tiếp cận tên phi công. Tên địch sợ hãi, giơ tay hàng. Chị liền dẫn tên phi công về nơi tạm giữ, canh gác nó luôn cho tới khi Ban chỉ huy tiểu đoàn đến khóa tay hắn, cho lên ô tô, đưa về huyện đội.

Trong một trận chiến đấu ác liệt trận địa pháo cao xạ ở Pha Văn, Cò Nòi (nông trường Tô Hiệu), bị trúng bom, cả khẩu đội hy sinh. Chị Hồ Thị Minh, cùng một số chiến sĩ tự vệ nông trường xông lên trận địa. Trước cảnh đau thương, không cầm nổi nước mắt, chị đã cùng đồng đội nhặt từng mảnh thi thể của chiến sĩ bộ đội để quy tập, mai táng suốt cả đêm. Chị đã được Đảng ủy nông trường kết nạp vào Đảng ngay trên trận địa anh hùng này.

Căm thù giặc Mỹ 45 anh chị em trong đội thanh niên tình nguyện, một lần nữa lại xung phong nhập ngũ, lên đường chiến đấu, có 8 liệt sĩ, 2 thương binh.

Từ năm 1963 đến 1968, 2 đội Sông Âm – Tô Hiệu đã có 23 đội viên được kết nạp Đảng; hơn 10 đội viên được cử đi học tại các trường đại học trong và ngoài nước, trở thành cán bộ giảng dạy đại học, cán bộ nghiên cứu…

Nhìn lại phong trào Thanh niên Tình nguyện Tháng 8 quận Ba Đình đã đạt được những kết quả đáng kích lệ:

  1. Hình thành được một lớp thanh niên mới, sống không vị kỷ, dám xa ánh đèn Hà Nội dấn thân vào khó khăn, dám sống vì mọi người cống hiến tuổi thanh xuân cho lý tướng cách mạng của Đảng, của Đoàn.
  2. Bổ sung kịp thời cho các vùng kinh tế Tây bắc Sơn La và miền Tây Thanh Hóa những nam nữ thanh niên trẻ khỏe, có văn hóa, nhiệt tình với nhiệm vụ được giao, họ là hạt giống đỏ, vững vàng trên quê hương mới này.
  3. Công tác tuyên truyền, giáo dục của khu đoàn Ba Đình rất sâu rộng kịp thời. Hình thức tổ chức hấp dẫn, trang trọng, chu đáo, trẻ trung, nên thu hút nhanh chóng học sinh các trường cấp II, cấp III tham gia.
  4. Phong trào Thanh niên Tình nguyện Tháng 8 Thủ đô nói chung, quận Ba Đình nói riêng là nền tảng cho các phong trào kế tiếp như “Ba sẵn sàng”, “5 xung phong” thời kỳ chống Mỹ cứu nước, tiền thân của phong trào lập thân, lập nghiệp.

Hôm nay có gần 70 đội viên về dự gặp mặt, đều tự hào về một thời tuổi trẻ đã không hề do dự, tính toán thiệt hơn, tình nguyện đi theo tiếng gọi của Đảng, của Tổ quốc đến với miền rừng núi hoang vu, nhiều khó khăn nhất của Sơn La – Tây Bắc hay miền Tây Thanh Hóa. Nay đã ở tuổi 70 – 80, chúng tôi không hề ân hận về con đường đã chọn, chỉ mong sao các bạn trẻ, con cháu chúng ta hãy tiếp tục dựng xây, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam huy hoàng giàu đẹp hơn.

Đến bây giờ nhiều người vẫn còn nhớ những câu thơ thiết tha, cháy bỏng đã cuốn hút chúng ta ra đi của Bùi Minh Quốc

“Cái tuổi hai mươỉ khi hướng đời đã thấy

Thì xa xôi gấp mấy cũng lên đường

Sống ở Thủ đô mà dạ để mười phương

Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn”

Cái thời ấy họ đã sống rất lý tưởng, đẹp đẽ và thật trong sáng!

Giờ đây hàng ngũ hơn 200 đội viên TNXP tình nguyện Tháng 8 quận Ba Đình không còn đầy đủ như ngày lên đường. Đời đời biết ơn 8 liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc; nhớ thương hơn 30 đồng đội đã mất vì tuổi cao, sức yếu và bệnh tật. Nhiều người còn lại đang sống bình yên bên con cháu, nhưng vẫn còn một số đồng đội không có lương hưu, ốm đau bệnh tật hiểm nghèo, đang rất cần sự quan tâm giúp đỡ, thăm hỏi, sẻ chia như ngày nào.

Các đại biểu đã chăm chú lắng nghe những hồi ức cảm động của các cựu TNXP Đặng Văn Ngọc (cán bộ Thành đoàn năm 1964 – 1965), Lê Trần Tùng (Nông trường Sông Âm), Nguyễn Thị Thanh (lái xe Trường Sơn) trong chương trình giao lưu (ảnh trên).

 

Nhân dịp này Phó Chủ tịch UBND Quận Ba Đình Phạm Thị Diễm (ảnh trên), Bí thư Quận đoàn Ba Đình Nguyễn Thị Thanh Phượng (ảnh dưới) đã trao quà cho các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn.

Thay mặt Ban liên lạc TNXP tình nguyện quận Ba Đình, bà Đinh Thị Giới đã bày tỏ sự cám ơn chân thành đến Hội Cựu TNXP Việt Nam, Hội Cựu TNXP Hà Nội, Ban liên lạc TNXP Tình nguyện Tháng 8 Thủ đô thành phố Hà Nội, Quận ủy, HĐND, UBND, Quận đoàn, Quận hội Ba Đình đã quan tâm hỗ trợ ban liên lạc tổ chức buổi kỷ niệm đầy tình nghĩa này.

Một số hình ảnh khác 

Văn nghệ

Đồng Sỹ Tiến


[1] Súng trường Mosin lên đạn từng phát một bằng khóa nòng, dụng đạn 7.62×54mm. K44 là cái tên thông dụng nhất của khẩu súng này ở Việt Nam và Trung Quốc.