Dưới mưa bom bão đạn của giặc Mỹ, cầu phao Ghép vẫn được thông suốt cho xe và hàng hóa chi viện chiến trường. Ảnh internet
55 năm ta cùng nhau ôn lại
Tình anh em, tình đồng đội mến thân
Tuổi 78 mái tóc đã phong trần
Gặp các bạn thấy mình như trẻ lại
Bao kỷ niệm suy tư còn nhớ mãi
Đến hôm nay mới được hàn huyên
Chuyện gia đình, xã hội, chuyện riêng
Còn chuyện mở đường như mới hôm qua
Trên đường hành quân xe anh đã đến phà
Cờ hiệu em phất như là văn công
Thế rồi phà lại sang sông
Vững vàng tay lái, anh chuyến hàng vào Nam
Đến điểm hẹn anh giao hàng tập kết
Xe anh về chuyến tiếp chuyến hàng sau
Vượt Hà Tĩnh, qua Nghệ An
Về đến phà Ghép[1] biết em không còn[2]
Em ơi! Cuộc đời vì nước vì non
Em hy sinh tuổi mới tròn hai mươi
Trong lòng đất mẹ em cười
Em ra đi để cho đời hôm nay
Hòa bình rợp bóng cờ bay
Nước nhà thống nhất xum vầy Bắc Nam
Không còn cái cảnh lầm than
Là điều mơ ước ngàn lần em mong
Em ơi! Dưới suối vàng ngàn thu em yên giấc
Tuổi thanh xuân: Em sống mãi muôn đời.
Hoàng Văn Sơ
Cựu TNXP CT112, Bộ Giao thông vận tải
[1] Bến Phà Ghép là một vị trí trên tuyến giao thông huyết mạch Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương (bên phía bờ Bắc) và xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia – nay là thị xã Nghi Sơn (bên phía bờ Nam), nơi cuối nguồn của con sông Yên chảy ra biển. Phà Ghép là một trọng điểm đánh phá vô cùng ác liệt trong 02 cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ.
[2] Là lái xe trong những năm kháng chiến chống Mỹ, tháng 9/1967 được một cô gái TNXP hướng dẫn xe xuống phà Ghép bên phía Bắc. Lúc quay trở lại thì biết tin cô gái ấy đã hy sinh.