KÝ ỨC 50 NĂM KHU KINH TẾ THANH NIÊN – MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

Đăng lúc: 23-03-2021 10:32 Sáng - Đã xem: 50 lượt xem In bài viết

 

…”Tôi rất muốn góp phần của tôi vào cuộc đấu tranh này của các đồng chí, vậy các đồng chí xem tôi có thể làm gì để ủng hộ và giúp đỡ các đồng chí, nhưng tôi phải nhắc lại các đồng chí rằng, ở đây cũng như ở bất cứ lĩnh vực nào, nhân tố quyết định thành công là lực lượng của các đồng chí, sức lao động của các đồng chí cùng với năng lực quản lí của các đồng chí”.

Trích thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi khu Kinh tế thanh niên ngày 29/10/1972

 

  1. Ra đời một công trình thanh niên “độc nhất vô nhị“.

Từ đầu những năm 1970 của thế kỷ trước, xuất phát từ nhiệm vụ chiến lược cách mạng do Đảng lãnh đạo, từ vai trò, vị trí của thế hệ trẻ Việt Nam; Từ chức năng, nhiệm vụ của Đoàn thanh niên và từ kinh nghiệm thực tiễn phong trào đã được tổng kết, với sự năng động, nhậy cảm và sáng tạo cách mạng, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNLĐHCM thời kỳ đó đã nghiên cứu và quyết định chủ trương “Xây dựng thí điểm khu kinh tế mới” nhằm động viên thanh niên các tỉnh miền xuôi xung phong tình nguyện đi xây dựng các vùng kinh tế mới ở vùng đồi núi, góp phần phân bổ lao động, dân cư phát triển kinh tế vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa giáo dục, rèn luyện, đào tạo thanh niên trở thành lực lượng lao động mới để xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện chủ trương xây dựng thí điểm vùng kinh tế mới, để có cơ sở báo cáo với Trung ương Đảng, Chính phủ, Trung ương Đoàn đã tổ chức một đoàn công tác đi khảo sát địa bàn thuộc huyện Đà Bắc (Hòa Bình), huyện Thanh Sơn, và Yên Lập (Vĩnh Phú)… Đoàn gồm các cán bộ chuyên viên kinh tế, quân sự của Trung ương Đoàn của Văn phòng Chính phủ và một số bộ, ngành… do đồng chí Vũ Quang – Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn – dẫn đầu. Sau gần 2 tháng vượt qua khó khăn, trèo đèo, lội suối, gian nan vất vả đoàn đã điều tra, khảo sát, thu được những kết quả rất tốt, đã giải đáp được việc sử dụng diện tích đất rừng, cơ sở hạ tầng, mật độ dân cư, tập quán canh tác, đời sống của đồng bào các dân tộc ở địa phương. Đoàn công tác đã dừng lại khảo sát, điều tra kỹ ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Vĩnh Phú (nay thuộc tỉnh Phú Thọ). Trung ương Đoàn nhận thấy huyện Thanh Sơn là vùng đồi núi thấp, chủ yếu là đồi rừng, có diện tích 1.309km2 – chiếm hơn 1/3 tỉnh Phú Thọ – tương đương một tỉnh trung bình ở Đồng Bằng Bắc Bộ, đất đai màu mỡ, chưa được khai thác hết, có những nơi còn hoang dã, mật độ dân số thấp (trên 130 người/km2), đa số là người Mường, chất phác, giàu lòng yêu nước, tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, Chính phủ, nhiệt tình ủng hộ chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới của Nhà nước. Đoàn cũng nhận thấy nhược điểm rõ nhất là cơ sở hạ tầng còn rất khó khăn. Thanh Sơn cách Hà Nội trên 120km nhưng Quốc lộ 32 nhỏ hẹp, chưa có cầu vượt sông Đà. Từ phố Vàng – thị trấn huyện – đi vào xã Minh Đài (sau này là trung tâm của khu kinh tế thanh niên (KTTN) dài trên 30km, đường cấp phối dùng cho lâm nghiệp là chính, phải qua “9 suối, 3 đèo” chưa có cầu cống, thoát nước kém…

Trung ương Đoàn đã xây dựng kế hoạch, lập luận chứng kinh tế, kỹ thuật trình lên Trung ương Đảng và Chính phủ vào đầu tháng 11/1970. Sau khi được Trung ương Đảng chuẩn y, được Chính phủ ra quyết định số 268/TTg ngày 23/12/1970 do Phó Thủ tướng Đỗ Mười ký cho phép Đoàn TNLĐ Hồ Chí Minh xây dựng khu KTTN tại 7 xã Tân Phú, Mỹ Thuận, Minh Đài, Văn Luông, Long Cốc, Tam Thanh và Văn Miếu thuộc huyện Thanh Sơn (Năm 1997 theo Nghị định 61-CP của Chính phủ trừ xã Văn Miếu vẫn thuộc huyện Thanh Sơn còn 6 xã thuộc huyện Tân Sơn mới được thành lập thuộc tỉnh Phú Thọ). Trong chiến tranh khu KTTN mang bí số 70-40 KKT-TN tỉnh Vĩnh Phú.

  1. Khu KTTN- Một mô hình mới, đặc thù của Đoàn ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại ác liệt

Sau kháng chiến chống Pháp và thời kỳ khôi phục vết thương chiến tranh đến giai đoạn phát triển kinh tế, các công trình xây dựng hạ tầng như giao thông, thủy lợi, công nghiệp điện lực… được nhà nước giao, với chức năng xung kích, Đoàn thanh niên huy động lực lượng, phát động phong trào thi đua yêu nước, tăng năng suất lao động, đảm nhận các khâu yếu, khâu khó khăn nhất của các công trình. Còn việc quản lí toàn diện vẫn thuộc bộ máy cơ quan nhà nước. Nhưng đối với khu KTTN (đến thời kỳ đó) hầu như là “độc nhất vi nhị” với tính chất là một Doanh nghiệp đầu tiên trong ngành Nông nghiệp và hoàn toàn do Đoàn chịu trách nhiệm quản lí toàn diện. Nhiệm vụ chủ yếu của khu KTTN khai khoang, xây dựng đồi ruộng, trồng trọt và chăn nuôi. Chính phủ giao cho Trung ương Đoàn cùng Ủy ban nông nghiệp TW, Ủy ban hành chính tỉnh Vĩnh Phú và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ thiết kế khu KTTN trình thủ tướng Chính phủ xét duyệt.

– Về lao động và bộ máy quản lí, gần như 100% cán bộ ĐVTN đang hoạt động công tác Đoàn. 500 lao động trẻ được huy động ở các tỉnh Nam Hà, Thái Bình, Hải Hưng mỗi tỉnh 150, tỉnh Vĩnh Phú 50.

Chỉ trong những tháng cuối năm 1970, các Tỉnh đoàn đã huy động vượt xa chỉ tiêu Trung ương Đoàn giao, bảo đảm tập kết đúng thời hạn với khí thế phấn khởi tự hào được tham gia xây dựng công trình của Đoàn. Đại đa số ĐVTN đi khu kinh tế đợt đầu là lao động trẻ khỏe, có trình độ văn hoá, trong đó nữ trên 50%. Bộ máy quản lí trên 100 chuyên viên cán bộ chuyên môn của các Bộ, ngành các Trường Đại học trung cấp tình nguyện đi lên khu KTTN (có gần 100 kỹ sư, cán bộ Đại học, Trung cấp tham gia ngay từ những ngày đầu). Đặc biệt có nhiều anh chị em là cán bộ, học sinh miền Nam tập kết, nhiều đồng chí đang công tác ở Hà Nội cũng xung phong đi khu KTTN. Riêng cán bộ của Trung ương Đoàn có trên 20 đồng chí ở văn phòng các Ban, Trường đoàn, Nhà in được điều động đi khu kinh tế TN. Ban Bí thư Trung ương Đoàn có Quyết định bổ nhiệm bộ máy lãnh đạo chủ yếu là cán bộ của Đoàn. Đồng chí Hoàng Ước – Trung ương Đoàn cử đi “B”, là ủy viên BTV, Trưởng ban tuyên huấn Đoàn TNND cách mạng miền Nam vừa ra Bắc – được bổ nhiệm là giám đốc. Đồng chí Nguyễn Văn Quỳ một cán bộ Đoàn kỳ cựu từ kháng chiến chống Pháp ở Hà Đông, đang là Trưởng ban TNXP của Trung ương Đoàn làm Bí thư Đảng ủy. Đồng chí Nguyễn Công Tạn (sau là Phó thủ tướng Chính phủ) – UVBTV Trung ương Đoàn, đang là Phó ty Nông nghiệp Hòa Bình, về làm Phó Giám đốc phụ trách sản xuất – kỹ thuật. Đồng chí Lê Văn Lý, Phó Ban nông nghiệp Trung ương Đoàn làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy.

Đảng bộ khu KKT-TN giai đoạn đầu trực thuộc Đảng ủy Thanh vận Trung ương. Sau hơn một năm Đảng bộ đã có 92 đảng viên, nhiều đảng viên người dân tộc, đảng viên miền Nam tập kết, đảng viên ở các nông, lâm trường chuyển về và ở nông thôn đi. Một số đoàn viên trực tiếp lao động sản xuất, đoàn viên người dân tộc đã được kết nạp Đảng trong đợt đầu.

Đảng ủy, giám đốc khu KTTN ngay từ đầu đã xác định, đội ngũ cán bộ đảng viên nguồn từ các nơi tập hợp về là vốn quý, là lực lượng cực kỳ quan trọng của doanh nghiệp. Công tác xây dựng Đảng luôn được chăm lo, quan tâm.

  1. Lao động học tập, luyện tập quân sự, góp phần xây dựng cơ sở vật chất của doanh nghiệp.

Ngay từ ban đầu xây dựng khu KTTN, đã thực hiện kế hoạch sử dụng lao động để phát huy tốt khả năng, nhiệt tình lao động, quan tâm, chăm lo, đời sống vật chất, tinh thần của ĐVTN – công nhân viên. Ở khu KTTN lúc bấy giờ ăn không đủ no (thêm sắn khoai, măng rừng) nhưng lao động quên mình, không biết mệt mỏi, khai thác tre nứa, vận chuyển từ trên rừng về để xây dựng hơn 400m2 lán trại, nhà ở, nhanh chóng không ở nhờ nhà dân… ; khai hoang, xây dựng đồi ruộng được 500 ha, trồng 100 ha chuối đồi[i]. Lao động của ĐVTN thực hiện theo công thức 8 + 2 + 2 tức là 8 giờ lao động, 2 giờ học tập văn hoá, chính trị, 2 giờ luyện tập quân sự. Lao động học tập, rèn luyện, hoạt động văn hoá, TDTT với tinh thần lao động cộng sản, khí thế sôi nổi, nhiệt tình trước đây chưa hề có. Đặc biệt những chiến dịch, đợt thi đua, đốt đuốc đào hồ núi Quyền liên tục nhiều đêm để sớm tích nước phục vụ cho sản xuất, cây trồng.

Với 1.000.000 đồng được nhà nước cấp ban đầu, Chính phủ và TW Đoàn đầu tư rất lớn nhiều xe máy chuyên dùng cho khai hoang, xây dựng đồng ruộng, thiết bị đồng bộ của một nông trường có quy môn lớn do Liên Xô viện trợ. Đoàn thanh niên cộng sản Lê nin Liên Xô và Đoàn thanh niên Cu Ba ngoài ủng hộ dụng cụ cho học tập, TDTT còn có cả các thiết bị cho sản xuất, lao động.v…

Nhờ tất cả các yếu tố trên, mặc dù còn trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng trong ngành nông nghiệp lúc bấy giờ khu KTTN là doanh nghiệp rất lý tưởng, là điểm sáng về đầu tư cho sản xuất và các hoạt động của công nhân viên và TNXP… Tất cả mọi hoạt động sản xuất, đời sống, văn hoá, TDTT và phòng không sơ tán đều đi dần vào nề nếp. Ban Bí thư Trung ương Đoàn đánh giá cao kết quả bước đầu của khu KTTN.

  1. Biến đau thương thành hành động cách mạng, tiếc thương đồng đội vô cùng, căm thù giặc Mỹ vô hạn

Từ tháng 4/1972, giặc Mỹ đánh phá trở lại miền Bắc ngày càng ác liệt, nhất là thủ đô Hà Nội và cảng Hải Phòng. Âm mưu của địch mà ta nắm được: Cho rằng cơ sở khu KTTN là trường đào tạo của Đảng, của Đoàn để chi viện cán bộ cho miền Nam… , cần xóa sạch mục tiêu này.

Lúc 12.08 ngày 20/9/1972 chúng cho nhiều tốp máy bay đánh phá  hủy diệt khu KTTN ở khu Trung tâm và cả các nơi sơ tán. Trong gần 30 phút, chúng trút 128 quả bom tấn, bắn nhiều tên lửa, zốc két và đạn 12 ly 7… (tài liệu của Tỉnh đội Vĩnh Phú). Mặc dù trang bị còn hạn chế (300 súng trường, một vài khẩu 12 ly 7, 14 ly 5) nhưng đại đội trực chiến của Tiểu đoàn tự vệ (do đ/c Nguyễn Khang nguyên cán bộ quân sự của Trung ương Đoàn là Tiểu đoàn trưởng) cùng với lực lượng vũ trang của địa phương chiến đấu bắn trả máy bay địch. Có những gương rất anh dũng như đồng chí Nguyễn Văn Cải hy sinh trong tư thế giương súng bắn may bay giặc. Trận bom hủy diệt của máy bay Mỹ đã làm cho 45 đồng chí, phần lớn ở đại đội trực chiến, hy sinh (trong đó có đ/c Nguyễn Khang), 26 đồng chí bị thương.

Trong số các đồng chí hy sinh có các đồng chí Lê Văn Lý, Nguyễn Khang, có 24 nữ, 3 đồng chí là cán bộ miền Nam, nhiều đồng chí là trưởng phó phòng, cán bộ đại học, cán bộ Đoàn. Số lượng hy sinh tháng 9/1972 ở khu KTTN là rất lớn trong kháng chiến đối với TNXP. Được sự giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân Thanh Sơn nhất là xã Minh Đài là hết sức nghĩa tình, đã giúp đỡ lo hậu sự cho số hy sinh, lương thực, thực phẩm, chỗ ăn ở cho anh chị em nơi ở, vì lán trại bị tàn phá.

Toàn bộ cơ sở vật chất với trên 30 nóc nhà với gần 4000m2, dụng cụ trang thiết bị phục vụ sản xuất cuộc sống, tư trang của hàng trăm đồng chí bị thiêu hủy.

Ngay sau trận máy bay địch đánh phá, ngày 26/9/1972 Đảng ủy khu đã có Nghị quyết số 57 “Về nhận định tình hình máy bay địch đánh phá và nhiệm vụ cấp bách, khẩn trương trước mắt của Đảng bộ“. Trong đó nhấn mạnh ra sức khắc phục hậu quả của chiến tranh, nhanh chóng ổn định tình hình tư tưởng và đời sống của cán bộ, TNXP, công nhân viên; Nâng cao cảnh giác cách mạng, tăng cường công tác phòng không sơ tán, bảo vệ đén mức cao nhất tính mạng và cơ sở vật chất, tài sản của doanh nghiệp; Nâng cao lòng căm thù giặc Mỹ, biến đau thương thành hành động cách mạng, giữ vững và tăng cường nề nếp quản lí, bảo đảm hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước năm 1972, chuẩn bị cho kế hoạch năm 1973.

Ban Bí thư Trung ương Đoàn thường xuyên nghe báo cáo và trực tiếp về kiểm tra cho ý kiến chỉ đạo. Đặc biệt sau khi nghe Ban Bí thư Trung ương Đoàn báo cáo, ngày 30/9/1972, Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã có thư gửi khu KTTN, thăm hỏi, chia buồn với cán bộ ĐVTN, thân nhân các gia đình anh chị em hy sinh và anh chị em bị thương. Thay mặt Chính phủ Phó Thủ tướng đã chỉ đạo cho Đảng ủy, giám đốc, Khu KTTN khắc phục hậu quả, sớm ổn định tình hình, lao động có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất cao và sáng tạo, bù vào chỗ những anh em đã hy sinh để bảo đảm rằng đơn vị hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1972. Lãnh đạo khu KTTN đã hứa với Trung ương Đảng, Chính phủ, Trung ương Đoàn là bất kỳ tình huống nào cũng xây dựng thành công khu KTTN, cũng xây dựng doanh nghiệp từng bước tiến lên vững chắc.

Ngày 29/10/1972 sau khi nghe Ban Bí thư Trung ương Đoàn báo cáo tình hình khu KTTN, nhất là khắc phục hậu quả trận máy bay địch đánh phá khu KTTN, tình hình sản xuất và đời sống, kết quả bước đầu về xuất khẩu 150 tấn chuối quả qua cảng Hải Phòng xuất sang Liên Xô… Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết thư tay gửi khu KTTN qua đồng chí Vũ Quang.

Khu KTTN là một trong những công trình, doanh nghiệp đầu tiên, lực lượng xung kích của Đoàn thực hiện Nghị quyết lần thứ 19/ khóa II của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng những vùng kinh tế mới ở miền núi, được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Phó Thủ tướng  Đỗ Mười 3 lần lên thăm, các đồng chí Phó Chủ tịch, Quốc hội Trần Đăng Khoa, Nghiêm Xuân Yêm; đồng chí Lê Thành ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban kinh tế TW… về thăm..

Ngày 31/10/1972 Đảng ủy đã có Nghị quyết số 62 về “Đợt thi đua làm theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ lập thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm lần thứ 2 ngày thành lập khu KTTN (23/2/1971- 23/02/1973)“. Để thực hiện Nghị quyết trên Đảng ủy có Chỉ thị “Học tập thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi khu KTTN“. Chỉ thị đã đặt ra yêu cầu, phương châm, nội dung và kế hoạch tiến hành trong tháng 12/1972. Học tập thư của Thủ tướng gắn liền với xây dựng chương trình hành động, đẩy mạnh sản xuất, chăm lo đời sống và làm tốt triệt để nhiệm vụ phòng không sơ tán.

  1. Những cảm nhận, suy nghĩ về một thời khu KTTN

Khu KTTN do Đoàn ta trực tiếp xây dựng quản lí, tổng cộng thời gian từ đầu 1971 đến tháng 7/1975 – 4 năm 7 tháng thì bàn giao về Ủy ban nông nghiệp Trung ương. Riêng Đảng bộ tháng 7/1977 mới bàn giao từ cơ quan Trung ương Đoàn về Tỉnh ủy Vĩnh Phú. Nhìn tổng quát khu KTTN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Trung ương đoàn giao đó là:

– Thứ nhất: Phải chứng minh cho bằng được chủ trương đưa dân miền xuôi lên miền núi mà thanh niên phải là lực lượng xung phong đi trước là một chủ trương đúng đắn;

Hai là: Sản xuất kinh doanh phải thành công có sản phẩm xuất khẩu, có sản phẩm cung cấp cho nhu cầu trong nước, sau khi định hình sản xuất, kinh doanh phải có lãi. Sản phẩm xuất khẩu chuối trong chiến tranh sang Liên Xô tuy sản lượng không lớn nhưng rất có ý nghĩa. Sau khi định hình cho tới nay 3 nhà máy của xí nghiệp Chè Tân Phú, Thanh Niên, Phú Long thuộc Tổng Công ty chè Phú Đa có diện tích 1.300 ha, g mỗi năm sản xuất 16.000 tấn chè búp tươi, xuất khẩu có năm đạt cao nhất từ 4000-5000 tấn. Tổng cộng với gần 3.000 lao động của 600 hộ, cùng với nhiều gia đình trụ vững trên mảnh đất Thanh Sơn, gắn liền với phát triển kinh tế, trở thành vùng chè trọng điểm của tỉnh Phú Thọ.

– Nhiệm vụ thứ ba là: Đào tạo một lớp công nhân trẻ xã hội chủ nghĩa lao động hăng hái, có kỹ thuật, có sức khỏe, có văn hoá, sống lành mạnh vui tươi, bồi dưỡng được một lớp cán bộ quản lí kỹ thuật trẻ tuổi. Mở trường BTVH cấp 2 và cấp 3, lớp lý luận chính trị sơ trung cấp 45 người, 3 khóa học quản lí kinh tế 120 người, học lái xe và kỹ thuật cơ khí 60 người, 52 người đi học đại học, trên 100 học trung cấp chăn nuôi, trồng trọt, kế toán, 80 đồng chí đi học ở nước ngoài. Khi miền Nam giải phóng đã cử 3 đoàn vào Kiên Giang, Tiền Giang. Một số tổ nhóm vào Phú Quốc, Kon Tum, Tây Ninh, Nha Trang, Bình Định, thành phố Hồ Chí Minh.v.v… 92 đồng chí đi bộ đội vào chiến trường. Điều động cho miền Nam tổng cộng 260 người, quá trình rèn luyện nhiều đồng chí trở thành giám đốc, phó giám đốc nông trường. Có đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, cán bộ cao cấp trong quân đội…

Nguyện vọng của đa số cán bộ, cựu TNXP khu KTTN dù đang cư trú, sinh sống ở mọi miền đất nước nhất là Ban liên lạc truyền thống khu KTTN tại Phú Thọ[ii] rất mong Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Hội Cựu TNXP Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền cần và nên tổng kết, toàn diện một mô hình rất độc đáo, là hoạt động xung kích của Đoàn trong thời kỳ chiến tranh. Những kinh nghiệm, bài học của khu KTTN chắc chắn sẽ rất bổ ích trong hoạt động của Đoàn ta đã bước sang tuổi 90 đầy vẻ vang và những trải nghiệm đậm nét của thế hệ trẻ Việt Nam anh hùng. Cán bộ TNXP, công nhân viên chức khu KTTN vô cùng tự hào được đóng góp trí tuệ, mồ hôi và cả xương máu vào truyền thống cách mạng vẻ vang của Đoàn ta.

– Với đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa“, “Uống nước nhớ nguồn” và nghĩa tình đồng đội, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ, nghĩa trang liệt sĩ TNXP khu KTTN đã được xây dựng, Nhà tưởng niệm khá khang trang để thờ cúng các lãnh tụ và anh chị em đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, vì truyền thống cách mạng vẻ vang của Đoàn thanh niên. Di tích này đã được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận[iii]. Chúng tôi thấy khu KTTN hội đủ những điều kiện trở thành di tích tầm cỡ quốc gia và được đầu tư thỏa đáng, là “địa chỉ đỏ” trên quê hương đất Tổ, nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống của cha ông.

– Điều mong muốn của các TNXP khu KTTN một thời, hiện nay tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhất là các đồng chí thương binh, nhiều cựu TNXP ốm đau, bệnh tật, trước khi về với tổ tiên mong được các cấp có thẩm quyền quan tâm đề nghị Nhà nước xét phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng VTND cho khu KTTN (việc này đã tiến hành, đã hoàn tất các thủ tục nhưng không biết tại sao còn nhiều khó khăn, vướng mắc đến nay chưa có kết quả).

Phạm Văn Am

 Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Hải Dương, nguyên CVP Đảng ủy khu KTTN


[i]  Sau 2 năm 1971 – 1972 khai phá được 1.670ha; 14km đường trục và 30km đường ra đồi ruộng, đào đắp trên 150.000 khối đất đá,  28 hồ chứa nước trên 1.800.000m2, xây dựng cơ bản 350 ha, trên 20.000m2 nhà ở, hội trường, nhà trẻ mẫu giáo, bệnh xá – thu hoạch 500 tấn chuối, trên 1.000 tấn dứa, trồng hằng trăm ha cỏ cho gia súc, nuôi 200 con bò, 1 trại lợn 200 nái sinh sản.v.v.. xuất khẩu sang Liên Xô đợt đầu 150 tấn chuối quả…).

[ii] Ban liên lạc truyền thống khu KTTN tại Phú Thọ hiện nay do đồng chí bác sĩ Nguyễn Tuyên Huấn nguyên Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban. Thành viên còn có các đồng chí Bùi Duy Nghĩa, Đặng Ngọc Phú, Nguyễn Đình Hiền là các đ/c giám đốc Bí thư Đảng ủy sau này và nhiều đồng chí khác.

[iii] Ngày 20/9/2012 UBND huyện Tân Sơn tổ chức đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh  cho Khu kinh tế Thanh niên Minh Đài.

Chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày Thành lập đoàn Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2021)