Ký ức cứu tàu oanh liệt ga Núi Gôi

Đăng lúc: 10-08-2024 8:03 Sáng - Đã xem: 218 lượt xem In bài viết

Bình yên ga xép

Mỗi dịp 20/8 hàng năm, đồng đội, con cháu của những thanh niên xung phong ngã xuống khi bảo vệ hàng hóa tại ga Núi Gôi trong mưa bom, bão đạn của địch lại tề tựu về nơi này để thắp nén hương, tưởng nhớ vong linh những người đã khuất.

Nằm ven Quốc lộ 10 qua địa bàn xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, ga Núi Gôi mang đặc trưng của ga xép vắng người trên tuyến đường sắt Bắc – Nam. Những đoàn tàu chạy qua đây đa phần chỉ hú còi rồi sầm sập lao qua, vì vâỵ sân ga, phòng chờ tàu thường xuyên vắng lặng. Ga Gôi thường trực chỉ có vài nhân viên chia ca, làm nhiệm vụ phất cờ thông tuyến cho tàu qua…

Mỗi dịp 20/8 hàng năm, đồng đội, con cháu của những thanh niên xung phong ngã xuống khi bảo vệ hàng hóa tại ga Núi Gôi trong mưa bom, bão đạn của địch lại tề tựu về nơi này để thắp nén hương, tưởng nhớ vong linh những người đã khuất.

Đã từng có thời kỳ, ga xép Núi Gôi được coi là đầu mối tập trung hàng hóa dân sự, quân sự để chi viện cho các chiến trường, là một trong những trọng điểm oanh tạc của máy bay Mỹ.

Ông Vũ Đình Biên – Trưởng ga Núi Gôi – cho biết, hiện nay mật độ chạy tàu rất cao, từ 30 đến 36 chuyến tàu qua ga một ngày đêm.

Tuy nhiên, khách lên xuống ở ga Gôi rất ít nên 9 cán bộ, công nhân viên của đơn vị chia ca chủ yếu làm nhiệm vụ đón; gửi các đoàn tàu thông qua; tránh, vượt nhau.

“Ngoài việc đảm bảo cho các đoàn tàu thông tuyến an toàn, cán bộ, nhân viên thường xuyên dọn dẹp, chăm lo Bia ghi công khang trang sạch đẹp”, ông Biên chia sẻ.

Đúng là khác với các ga khác, tại ga Gôi có một Bia ghi công nằm ở phía bên kia đường ray, mặt hướng ra quốc lộ, lưng tựa vào dãy núi Gôi xa xa. Đây là nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong ga Gôi được xây dựng nhằm tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh của thanh niên xung phong và cán bộ, công nhân viên đường sắt, nhân dân nơi đây trong khi bảo vệ cung đường sắt và các vùng lân cận từ ga Gôi đến ga Cát Đằng.

“Những ngày này, thường có nhiều cán bộ, chiến sỹ Đại đội 895 hoặc con em họ về đây thắp hương, tưởng nhớ những người đã hy sinh. Bởi nơi đây, 56 năm trước, vào ngày 20/8/1966, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 895 thanh niên xung phong cùng cán bộ, công nhân viên đường sắt khu vực ga Gôi và nhân dân địa phương đã dũng cảm cứu chữa đoàn tàu hàng bị cháy trong trận ném bom của máy bay Mỹ. Trong trận chiến này có 23 chiến sĩ hy sinh, 256 người bị thương, bị nhiễm độc…”, ông Biên thông tin.

Thanh xuân ở lại

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 895 thanh niên xung phong về thăm ga Núi Gôi

Như mọi năm, những ngày này, điện thoại của ông Đinh Nhật Lệ – Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Hưng Hà, nguyên Đại đội phó, Trưởng ban liên lạc Đại đội 895 – reo chuông liên hồi. Ông Lệ cùng đồng đội đang bàn bạc, thống nhất chương trình về lại chiến trường xưa – ga Núi Gôi – nhân kỷ niệm ngày giỗ trận 20/8.

Năm nay, dịp 20/8 vào đúng cuối tuần, anh em đã thống nhất sẽ lại bắt xe khách từ Thái Bình về ga Núi Gôi thăm lại đồng đội đã nằm xuống, ôn lại ký ức xưa hào hùng mà bi tráng khi cùng nhau quyết liệt bảo vệ ga, đường ray, những chuyến tàu hàng…

Dù tuổi đã cao, nhưng ông Lệ vẫn còn nhớ minh mẫn, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, do là đầu mối tập trung hàng hóa dân sự, quân sự để chi viện cho các chiến trường, nên ga Núi Gôi là một trong các trọng điểm oanh tạc thường xuyên của máy bay Mỹ.

Để đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu vận chuyển hàng hóa vào Nam, cuối năm 1965, Đội TNXP Thái Bình được thành lập với trên 1.200 đội viên gồm 6 đại đội, trong đó Đại đội TNXP 895 (C895) được giao làm nhiệm vụ trên tuyến đường sắt và khu vực lân cận từ ga Gôi đến ga Cát Đằng.

Từ đầu năm 1966 đến tháng 8/1966, địa bàn này đã phải chịu hàng chục trận bom Mỹ. Mặc dù vậy, C895 vẫn luôn sẵn sàng chiến đấu và phục vụ với khẩu hiệu “Sống bám đường, chết kiên cường, dũng cảm. Địch đánh, ta sửa, ta đi”.

Các TNXP ở C895 lấy hầm trực chiến ven đường làm nơi ăn nghỉ bất chấp địch đánh ngày đêm, kịp thời có mặt trên các điểm nóng cứu chữa, bảo vệ hàng hóa, san lấp hố bom, cùng công nhân sửa chữa, nâng cấp bảo dưỡng đường sắt, khắc phục hậu quả sau mỗi trận đánh phá của địch.

Khoảng 17h30 ngày 20/8/1966, khi một tàu quân sự vừa tập kết xong mấy trăm tấn hàng chủ yếu là vũ khí, đạn dược, lương thực, hóa chất… chuẩn bị vượt cầu Ninh Bình vào Thanh Hóa – Vinh chi viện cho chiến trường thì bất ngờ máy bay Mỹ ập tới bắn tên lửa, thả hàng chục quả bom vào ga và đường sắt. Cả trăm cán bộ, chiến sỹ C895 nhất loạt lao lên cùng công nhân, dân quân ứng cứu hàng hóa trong làn bom đạn của địch…

“Tàu bị trúng bom. Một số toa bốc cháy, hàng hóa vỡ tung tóe. Chúng tôi nhanh chóng tập trung lực lượng cứu tàu, cứu hàng, bốc dỡ hết hàng ra khỏi các toa tàu, dập lửa. Sau một giờ, phần lớn hàng hóa đã được chuyển ra khu vực an toàn…

Đến toa cuối cùng gần đầu máy, những thùng hóa chất phát nổ, bốc lửa, khói mù mịt. Số người bị nhiễm độc và gục ngã tăng nhanh. Anh chị em nằm la liệt ở sân đình thôn Phú Thứ. Bệnh viện của huyện và tỉnh chật cứng bệnh nhân…”, ông Lệ nghẹn giọng.

Bà Nguyễn Thị Kiều, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hưng Hà cũng rung rung xúc động khi nhớ về ngày 20/8 năm ấy, khi cũng như đồng đội đã bất chấp hiểm nguy lao vào cứu hàng và bị ngất ngay tại trận địa.

Khi ấy chẳng ai nghĩ gì cả, đều lao vào cứu hàng, cứu tàu. Người thì lấy nước dập lửa, người thì bốc, vác hàng từ trong toa ra.

Huyện còn huy động cả xe cứu hỏa để lấy nước từ khắp mọi nơi để hỗ trợ. Gần một giờ sau, đám cháy được dập tắt, hàng hóa cơ bản được cứu an toàn. Lúc này, khói và mùi thuốc độc phả ra làm ô nhiễm một vùng khá rộng.

“Các nữ TNXP bị ngạt lả, gục ngã và hy sinh tại chỗ. Chị Phạm Thị Nhớn, đội viên Đại đội 895 là người bị sùi bọt mép và ngã xuống ngất xỉu đầu tiên. Tôi cũng ngã xuống nhưng được tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Hồng Mùi hà hơi, tiếp sức và cõng ra khỏi khu vực nguy hiểm. Chị Mùi đã trực tiếp hô hấp, cứu sống được 20 người, trong đó có tôi. Và bản thân chị cũng kiệt sức và hy sinh”, bà Kiều nghẹn lời.

Theo lời bà Kiều, nhiều TNXP của Đại đội 895 may mắn còn sống, nhưng nhiều người bị nhiễm độc, nhiều người qua đời khi tuổi còn trẻ, 46 chị em phải chịu cảnh cô đơn không chồng, không con; trong đó có chị đi tu, nhiều chị sống độc thân không nơi nương tựa, ốm đau quanh năm, cuộc sống rất khó khăn.

“Số anh chị em xây dựng gia đình nhiều người hạnh phúc không trọn vẹn, hoặc bị vô sinh hoặc con bị dị tật”, bà Kiều buồn bã chia sẻ.

Trong trận chiến cứu hàng ấy, 23 người gồm TNXP, công nhân đường sắt và dân quân địa phương đã hy sinh, 256 người khác bị nhiễm độc nặng phải cấp cứu.

Với tinh thần chiến đấu quả cảm, hy sinh anh dũng, cán bộ chiến sỹ C895 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Ban Bí thư Trung ương Đoàn tặng bằng khen.

Tuổi trẻ ngành đường sắt đã phát động học tập gương hy sinh cao cả của Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Hồng Mùi với khẩu hiệu “Sống bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”.

Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ TNXP, công nhân và dân quân tại ga Núi Gôi – Nam Định.

Theo baogiaothong.vn