Ký ức Trường Sơn Tây

Đăng lúc: 31-05-2019 9:53 Chiều - Đã xem: 168 lượt xem In bài viết

Ảnh intenet

 

Sau bao năm dài lo toan với cuộc sống đời thường, vậy mà đã hơn ba mươi lăm năm trôi qua kể từ khi xuất ngũ. Hôm nay trời mưa, những cơn mưa kéo dài dầm dề không ngớt làm cho tôi nhớ lại những cơn mưa trên đất bạn Lào. Mưa ở Lào cũng dầm dề suốt ngày mới tạnh. Những năm quân ngũ trên đất bạn Lào là những năm tháng để lại nhiều kỉ niệm đẹp của một thời được mang trên mình áo xanh màu lính và là những tháng ngày lăn lộn để xây dựng Đường 9 trở thành con đường nối liền tình hữu nghị Việt – Lào.

 Tuổi 19, sau những ngày trên ghế nhà trường, tôi đã tình nguyện viết đơn nhập ngũ quân đội. Trong thời gian này, đất nước ta đang bước vào năm tháng thăng trầm với những khó khăn kinh tế, rồi giặc ngoại xâm đang đánh chiếm phía Bắc và Tây Nam của Tổ quốc. Đến tháng 4 năm 1980, tôi mới được đứng vào hàng ngũ quân đội, trở thành cô tân binh mặc trên mình chiếc áo màu xanh mà tôi hằng mong ước. Sau 3 tháng huấn luyện đầy vất vả, dưới cái nắng “chang chang” trên đất lửa Quảng Bình, đơn vị tôi được điều động sang đất bạn Lào, hoàn thành tiếp những con đường mà các anh cha ta đã mở.

Xe đưa chúng tôi vượt qua bao đồi núi, đường vòng vèo khi lên đỉnh cao, khi chạy xuống khe suối làm cho ai nấy nôn nao. Sau một ngày đêm xe cũng đưa chúng tôi đến đơn vị nhận quân, đó là Sư đoàn 384, đóng quân trên đất bạn Lào. Rồi chúng tôi bịn rịn chia tay nhau, mỗi đứa được phân công về từng đơn vị khác nhau. Tôi được biên chế về C11 trực thuộc Trung đoàn 509. Lúc bấy giờ đơn vị nằm sâu trong núi vì có nhiệm vụ khai thác đá để phục vụ các đơn vị đổ cầu, đổ mặt đường. Tuy vất vả nhưng tôi cũng thấy rất tự hào vì chúng tôi là lính Binh đoàn Trường Sơn, nối nhịp cầu cho đôi bờ thương nhớ.

Tôi ở đơn vị C11 được mấy tháng thì đơn vị cử đi học chuyên môn ở trung đoàn bộ. Sau khi kết thúc khóa học, tôi được phân về công tác tại tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 38 thuộc Trung đoàn 509. Công việc của tôi là thống kê, nắm bắt tình hình thi công của các đơn vị, tổng hợp rồi báo cáo cho trung đoàn.

Đơn vị chúng tôi đóng quân bên dòng sông Sê Pôn, nước chảy hiền hòa trong xanh. Chỉ mỗi khi cơn mưa về nước đục ngầu đất đá, nhưng chỉ hơn ngày sau nước lại trong vắt như chưa có gì xảy ra. Ở tiểu đoàn bộ, chỉ có hai chị em là nữ, còn lại toàn là các nam giớii. Tôi được các anh làm cho một chiếc cầu tre nhỏ khuất sau lùm cây le để chúng tôi tắm giặt cho tiện. Sợ sệt và buồn cười, mỗi lần đi tắm phải đi cả hai đứa, phần vì sợ “ma”, phần thì bị các anh con trai trêu chọc. Nào là, không biết bơi để anh các anh theo dạy cho, nào là tắm xong về ngày không thì bị “ma bản” nó bắt đi mất, các anh tìm không thấy…. Những lúc như thế tôi vừa thấy xấu hổ, nhưng cũng thấy vui vui vì đó là các anh ấy đùa thôi.

Rồi tết đến, hoa ban nở trắng rừng lòng nao nao nhớ mẹ, chắc mẹ đang cắm cúi với mấy sào ruộng khoán để kịp lo tết, nhớ mấy đứa em xúng xính áo hoa, nhớ nồi bánh chưng to đùng bố nấu ăn đến rằm mới hết. Tết ở đơn vị cũng có đầy đủ bánh chưng, thịt lợn…nhưng một số anh em về tết, còn lại chỉ vài chục người nên không khí cũng có phần trầm lắng hơn. Các anh thì bày ra nhiều trò để chơi như đánh bài quẹt nhọ nồi, đá bóng…chỉ có hai chị em nữ thôi nên cũng buồn. Đôi lúc cũng xin các anh cho đánh bài. Các anh đánh bài toàn ăn gian nên hai chị em tôi bị quẹt nhọ nồi đầy mặt như mọc râu vậy. Giờ nghĩ lại thấy hay hay.

Mùa mưa, chúng tôi thay nhau đi hái rau tàu bay, đào măng le về làm thực phẩm. Ở đơn vị thực phẩm mùa mưa khan hiếm vì vận chuyển bên nước ta sang Lào đường đi khó khăn. Le ở đây mọc thành rừng, đi mõi chân không hết. Măng ở đây nhiều lắm, sau một đêm mưa nhú lên như cắm chông. Chỉ sợ muối và vắt cắn. Muỗi thì không sao, chúng tôi mặc áo dài tay, mặt che kín là được. Còn vắt, eo ôi sợ lắm. Có lần bị vắt cắn vào chân chảy máu, sợ quá không dám bắt, nhờ mấy anh bắt hộ. Có anh bắt xong còn khen, chân “cẳng” lính cầu đường gì mà trắng thế! Ngượng ơi là ngượng! Bấy giờ tôi mới sang tuổi 20 đang bồng bột trẻ con nên cứ hay xấu hổ, bẽn lẽn, làm việc gì cũng e ngại, được thể, các anh cứ trêu nhiều hơn. Vui nhất là những đêm sinh hoạt đơn vị. Những lời ca tiếng hát của các anh ngân vang trong đêm dội vào vách núi nghe như có người nhại lại. Rồi những câu chuyện tếu được các anh thêu dệt kể râm ran. Những câu trêu đùa vui vẻ xua tan không khí thanh vắng nơi núi rừng. Đêm về, ở núi rừng yên tĩnh, bóng đêm tràn ngập không có ánh điện, ánh đèn như bên nước mình, thĩnh thoảng có tiếng cú mèo ăn đêm kêu lên thảng thốt nghe hãi hùng. Những lúc như thế hai chị em chúng tôi phải sang nằm chung giường, đêm không ngủ kể cho nhau nghe chuyện quê nhà. Quê tôi ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa có đồng ruộng phì nhiêu, màu mở. Tôi ước sau này về sẽ trở thành cô nông dân đảm đang trên cánh đồng năm tấn, làm thật nhiều thóc kẻo quê tôi mấy năm mất mùa đói kém. Thự, bạn cùng phòng quê ở Thiệu Hóa, nó bảo tôi: “Sao mày không ước đi làm kỹ sư, bác sĩ cho cao sang luôn”. Còn nó, nó bảo chẳng cần gì cả, chỉ cần lấy tấm chồng về đấm lưng cho nó kẻo nó có cái tật đau lưng. Rồi hai đứa ôm nhau cười rúc rích, cho giấc ngủ được sâu hơn.

Tôi làm nhân viên thống kê, mọi con số báo cáo của các đại đội được tổng hợp thông qua anh Trưởng bộ phận tham mưu duyệt rồi báo cáo cho Trung đoàn về các thông số vật liệu, nhân công, máy móc sử dụng trong ngày. Có đợt, do bản đốt rẫy, dây thông tin bị cháy mất liên lạc, phải đi bộ hàng chục cây số lên trung đoàn bộ để báo cáo. Con đường lên Trung đoàn bộ gập ghềnh. Đường đang mùa thi công nên đất bụi mù mịt. Nhìn các anh em đồng đội tay cuốc, tay xẻng, mồ hôi nhễ nhại mà thương. Tuy là lính gián tiếp, nhưng những đợt cao điểm mùa thi công chúng tôi cũng được điều động ra công trường. Dù sao là nữ nên các anh nhường cho công việc nhẹ nhất là xúc cát. Có hôm thử vác mấy hòn đá để xây móng cầu, nặng quá thả bịch, hòn đá lăn vào chân chảy máu, đau mất mấy ngày, bị các anh mắng cho: “Yếu mà còn đòi ra nắng”.

Giờ ngẫm lại, thấy cuộc đời lính thật vất vả, thiếu thốn trăm bề. Các anh con trai còn đỡ chứ phụ nữ chúng tôi thật phức tạp về sinh hoạt, biết bao thứ cần ước ao, cần thiết cho người phụ nữ mà ở đây không thể đáp ứng được. Nhưng bù lại, trong lòng mỗi người lính chúng tôi luôn tự hào vì đã đem tuổi thanh xuân của mình hiến dâng cho con đường Trường Sơn một thời huyền thoại. Là cô gái năm xưa đi mở đường đã có một tình yêu Trường Sơn mãnh liệt. Và càng thấy tự hào hơn về những thế hệ cha anh đi mở đường Trường Sơn trong chiến tranh mới hào hùng biết bao.

Tháng 3 năm 1984, đơn vị chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, bàn giao tuyến đường cho nước bạn Lào. Chúng tôi lại bồi hồi, lưu luyến chia tay, người thì chuyển đi đơn vị khác, người xuất ngũ và tôi cũng xuất ngũ về với quê hương, nơi có mẹ đang ngày đêm mong ngóng đứa con mấy năm biền biệt xa nhà.

Sau khi rời quân ngũ, chúng tôi lại trở về cuộc sống đời thường. Người thì thi vào các trường đại học trở thành kĩ sư, bác sĩ, người làm công nhân…còn tôi, tôi trở về miền quê yêu dấu, về với ruộng đồng như đã hằng mong ước. Cuộc sống quê nhà lăn lộn đồng áng vất vả càng làm cho tôi thấu hiểu Trường Sơn là nơi đã tôi luyện mình thành con người vững vàng trong cuộc sống, trong lao động. Trường Sơn đã để lại cho tôi dấu yêu trong cuộc đời, để lại tình cảm đồng chí, động đội thiêng liêng nhất. Cảm ơn tất cả các anh đã giúp đỡ và dìu dắt tôi trong cuộc sống để giờ đây thêm trưởng thành. Hình ảnh những người đồng chí, đồng đội năm xưa, hình ảnh những tuyến đường Trường Sơn Tây mãi mãi in đậm trong kí ức của tôi – người lính Trường Sơn,/. 

Lê Thị Tâm

Hội viên Hội CCB, Thôn 2 Trịnh Nga, xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa