Ảnh internet
Ngày 20 tháng 11 hằng năm đã trở thành tâm điểm của các bạn già chúng tôi. Chỉ một cái bật máy: “A lô…” thế là cả mấy đứa tụ tập. Tuy đã già nhưng cái tính trẻ con ngày nào lại ùa về với bao kí ức. Mấy đứa oang oang giành nhau, chuyện như ngô rang. Kể tên những đứa còn, đứa mất…rồi nhắc đến những thầy cô đã từng dạy. Mắt bỗng cay xè, ươn ướt… Trong số thầy cô tôi đã học, tôi không thể nào quên được hình ảnh thầy giáo dạy văn – chủ nhiệm lớp của tôi – thầy giáo Lim.
Thầy bước vào lớp với cái dáng cao, gầy. Cặp kính lão đeo sệ xuống hốc mũi. Thầy vẫy tay chào cả lớp, chúng tôi cùng đứng dậy lễ phép chào thầy. Thầy chủ nhiệm tôi là giáo viên dạy văn. Năm đó là năm 1974, khi tôi mới bắt đầu vào học lớp 5 (lớp đầu của cấp II – hệ 10 năm).
Đầu giờ học thầy gọi học sinh lên bảng để kiểm tra bài cũ. Những bạn nào trả lời chưa tốt thầy uốn nắn, nhắc nhở. Thầy lại đến bên tôi, nhẹ nhàng thầy hỏi: “Em đã học bài chưa?”. Hôm nào thuộc bài tôi đều dõng dạc, tự tin: “Dạ! Em thuộc bài, thầy cho em lên bảng ạ”. Hôm qua, mẹ ốm, tôi phải chăm mẹ, bài không được thuộc nên tôi ấp úng: “Dạ. Thầy tha lỗi cho em, mẹ em ốm ạ”. Tôi cứ tưởng thầy sẽ phê bình nhắc nhở, nhưng không, thầy chỉ nhìn tôi với ánh mắt thông cảm. Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống và cảm ơn thầy, tự hứa mình sẽ cố gắng hơn. Thầy rất vui vẻ với học sinh, coi chúng tôi như con của mình. Nhưng tính thầy nghiêm nghị. Những học sinh nào lười học, nghịch phá thầy đều nghĩ cách để rèn luyện. Tôi là đứa con gái rụt rè, nhút nhát nên khi thấy sự nghiêm túc của thầy đâm ra lo lắng, sợ thầy lắm. Nhưng một thời gian, nhờ tính tình vui vẻ của thầy mà tôi gần gũi, quí mến thầy hơn. Mọi sợ sệt tiêu tan, tôi tự tin hơn với những gì mình học được ở thầy. Khả năng học môn văn của tôi có khá hơn một số bạn, thầy nhận xét như vậy. Tôi cảm nhận được mình đang đỏ mặt, phổng mũi trước các bạn.
Năm tôi lên lớp 6, tôi tưởng thầy sẽ không chủ nhiệm nữa. Nhưng khi cái dáng cao, gầy bước vào lớp, chúng tôi nhận ra là thầy giáo chủ nhiệm cũ. Tôi không vui. Thầy ân cần đến bên tôi hỏi: “Sao gặp thầy em không vui?”. Tôi nhìn thầy không nói. Là vì tôi đang giận thầy. Ấy là chuyện của năm học trước. Khi đó tôi được nằm trong diện bồi dưỡng học sinh giỏi văn. Nhưng đến khi thi thử để tuyển chọn học sinh chính thức, tôi đạt điểm thấp hơn các bạn. Thầy buồn lắm: “Tôi cứ hi vọng vào năng lực học văn của em, thế mà lần này tôi thất vọng quá”. Vậy là tôi không có danh sách đi thi học sinh giỏi. Nhưng thầy có biết đâu trước khi đi thi tôi đã bị lên sởi, sốt mấy ngày. Sau này thầy biết được thì đã muộn.
Rồi năm học lớp 6 trôi qua êm đẹp, nhưng trầm lặng. Một năm học chứa đầy nỗi buồn, vui với kết quả học tập. Buồn vì năm đó Phòng Giáo dục không tổ chức thi học sinh giỏi cho học sinh khối 6, vì vậy tôi không được đi thi. Vui vì kết quả tổng kết môn văn của tôi đứng tốp đầu. Chắc chắn đạt danh hiệu học sinh giỏi là đúng quá đi rồi, vì tôi học đều các môn.
Tôi lên lớp bảy, thầy giáo dạy văn vẫn là thầy giáo chủ nhiệm cũ. Năm đó tôi được thầy chọn đi thi học sinh giỏi môn văn của huyện. Được thầy giúp đỡ, các bạn động viên nên tôi lao vào ôn tập suốt ngày đêm. Nhiều khi quên ăn, mặt tái mét đi vì thiếu chất. Mà nói thật ra, hồi đó ăn cho no khoai, sắn chứ đâu có cá thịt mà có chất. Nhiều khi thèm một bữa thịt, cứ tưởng tượng ra như đang là tết để rồi nuốt nước bọt cái ực cho đã. Tôi thường xuyên đến trường để thầy dạy thêm. Thầy đưa các bài văn mẫu cho tôi đọc. Rồi thầy giảng giải những cái hay, cái cần ghi nhớ trong các bài văn tôi được học thêm. Giọng thầy đã già nhiều, nghe thều thào nhưng sao tôi thấy ấm áp lạ thường. Bên tai tôi luôn văng vẳng lời dặn của thầy trước khi đi thi: “Hãy bình tĩnh nghe, và tiết kiệm thời gian. Cố lên! Thầy tin tưởng ở em”. Lời dặn dò ân cần của thầy đã theo tôi đi vào phòng thi, vào từng câu từng chữ trong bài làm. Thật phấn khởi và tự hào, năm đó tôi đạt giải học sinh giỏi môn văn cấp huyện. Kết quả đó không chỉ đem lại niềm vui cho tôi mà đó còn là niềm vui của cha me, bạn bè và của thầy. Không những thế, tôi còn được tuyển thẳng vào cấp III. Thầy nhìn tôi bằng ánh mắt tin tưởng, trìu mến và lấy tôi làm gương cho các bạn học tập. Lúc đó, tôi thấy xấu hổ, mặt cứ đỏ lựng lên. Thấy vậy, thầy sờ tay lên trán tôi và hỏi: “Em bị ốm à”. Tôi nhìn thầy rất lâu như nói lời cảm ơn, mà tự nhiên miệng tôi không phát ra được. Bàn tay thầy sao thấy êm êm, mát mẻ như có ngọn gió thổi làm cho tâm hồn tôi lâng lâng đến lạ. Đã lâu, bây giờ tôi mới có thời gian để ngắm nhìn thầy. Chắc lúc trẻ, thầy đẹp trai lắm. Vẫn cái mũi thẳng, cái cằm chẻ tạo nên một khuôn mặt tài hoa, dễ mến. Cái dáng cao, gầy gầy nhưng cứng cáp như thân cây lim, hợp với cái tên của thầy.
Năm học này cũng là năm học cuối cấp, năm có nhiều thi cử, vừa thi tốt nghiệp, vừa thi chuyến cấp nên việc học hành cũng nghiêm túc lắm. Thầy dạy chúng tôi chu đáo và nhiệt tâm. Cả lớp ra chơi, tôi cứ cắm cúi bên quyển truyện, dù sao tôi chỉ cần tốt nghiệp là tuyển thẳng cấp III (THPT) nên tôi có chút lơ là. Thầy đến bên tôi nhẹ nhàng: “Thầy cảm ơn em về kết quả thi học sinh giỏi. Em đã phấn đấu tốt không phụ lòng của thầy”. Tôi đáp lí nhí: “Dạ”. Rồi thầy nhìn thấy quyển sách của tôi đang giấu dưới bàn. Đó là một quyển sách nói về tâm lý lứa tuổi và tình yêu. Thầy nhìn tôi mặt như đanh lại: “Em chưa nên đọc sách này. Đang còn nhỏ, hãy chú tâm vào học tập, lớn lên chút nữa, đọc chưa muộn. Thầy yêu cầu em không được mang đến lớp, làm ảnh hưởng đến học tập của các bạn”. Nói xong thầy lẳng lặng bỏ đi. Lúc đó tôi bỗng bật khóc. Tôi thấy như mình có lỗi với thầy. Giờ nghĩ lại thấy lúc đó sao cái khóc đến hồn nhiên; bồng bột mà sâu thẳm với những gì sắp bước qua tuổi vươn lên làm người lớn.
Ngày hè cũng đến, lớp chúng tôi tổ chức liên hoan để chia tay ra trường. Gọi là liên hoan cho vui, bởi có mâm cỗ gì đâu, chỉ là những chiếc kẹo cau làm bằng đường đen ngào bột, ổi, mía, khế ngọt… Vậy mà, không khí chia tay sao cứ vui nhộn đến thế. Nhưng vui chưa xong thì nỗi buồn trong lòng cứ tuôn trào trên đôi mắt của mọi người. Ai cũng bồi hồi cảm xúc, vì ngày mai, ngày mai thôi chúng tôi sẽ chia tay nhau. Thầy cũng không cầm được nước mắt, khóe mắt thầy nhòe đi. Buổi chia tay lớp hôm nay cũng là buổi chia tay thầy về nghỉ hưu. Thầy nghẹn ngào nói: “Thầy rất quí mến các em. Rồi đây, xa các em thầy nhớ lắm. Thầy chúc các em không ngừng học tập phấn đấu để trở thành người tốt…” Thầy dừng lại nhìn từng đứa, như khắc sâu trong lòng những hình ảnh thân thương. Chúng tôi cũng lặng đi giây lát nhìn thầy. Rồi đây mỗi đứa mỗi phương. Đứa thi đỗ vào học cấp III, đứa đi học nghề, đứa về đồng ruộng… Rồi có lúc nào lại được sum họp bên nhau; được gặp lại người thầy, người cha của mình?
Mượn chiếc xe đạp của thầy đi trả dụng cụ sau buổi liên hoan. Tôi và đứa bạn đang chuyện trò tíu tít trên xe. Xe lao xuống dốc, tôi phanh gấp. Chiếc xe loạng choạng rồi hai đứa ngã nhào nằm sóng soài. Chiếc xe phượng hoàng mới tinh của thầy sang vành không đi được. Vác xe về trả cho thầy, vừa sợ, vừa xấu hổ vì áo quần lấm lem. Thầy thấy vậy chạy ra đỡ xe xuống, tròn mắt: “Bắt đền cho thầy nhé. Đó là cơm gạo áo tiền của nhà thầy”. Vậy là tôi òa khóc nức nở. Mấy đứa bạn dỗ mãi không nín. Đến khi thầy nói: “Không sao đâu. Thầy đùa thế thôi”. Nói xong thầy lấy cờ lê vặn một lúc, xe lại đi êm. Khi đó tôi mới thút thít và nín dần. Bây giờ nghĩ lại thấy bật cười.
Tôi vào học cấp III, thầy giáo cũng về hưu. Thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp thầy. Tôi vừa chú tâm việc học, vừa làm đồng áng để giúp bố mẹ nên việc giao lưu bạn bè, gặp thầy cũng thưa dần. Những kỷ niệm về thầy giáo chủ nhiệm cũng có phần nhạt nhòa theo.
Tôi không thi vào Đại học, làm đơn xin vào bộ đội. Khi biết tin, thầy đạp chiếc xe “cơm gạo áo tiền” đã tróc nước sơn đến thăm và chia tay. Thầy nói như có ý trách: “Mỗi người đều có con đường đi riêng cho mình. Nhưng thầy tiếc cho em, có năng khiếu về văn học. Nếu em vào Đại học sư phạm văn, chắc em sẽ trở thành cô giáo giỏi để dạy dỗ tốt học sinh. Thôi, dù sao cũng đã quyết rồi, chúc em lên đường sức khỏe, phấn đấu tốt”.
Khi tôi vào bộ đội, huấn luyện xong thì được điều động sang Lào làm nghĩa vụ quốc tế. Đơn vị tôi được biên chế làm con đường hữu nghị Việt – Lào. Những năm tháng quân ngũ, kỷ niệm đời học sinh nhí nhảnh, vô tư cứ ùa về sau những ngày làm đường vất vả. Hình ảnh thầy chủ nhiệm cứ đau đáu trong lòng. Dáng đi, cử chỉ lời nói, lời dặn dò của thầy cứ hiện hữu trong tâm khảm tôi. Và cũng là động lực giúp tôi hoàn thành nghĩa vụ.
Tôi ra quân sau gần 4 năm quân ngũ. Việc đầu tiên là đến thăm thầy giáo cũ. Nhưng khi bước chân đến nhà thầy lòng tôi như thắt lại. Di ảnh thầy trên bàn thờ với cặp mắt dung dị đang nhìn tôi như mừng vui khi tôi hoàn thành nghĩa vụ trở về. Tôi xin phép gia chủ thắp lên ban thờ cho thầy một nén hương từ biệt, hai hàng lệ trào tuôn. Tôi cúi đầu xin thầy tha lỗi vì không về kịp. Lòng tôi nghẹn ngào thốt lên: Thầy ơi!
Lê Thị Tâm
Hội viên Hội CCB Thôn 2, Trịnh Nga, xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa