Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, cần làm rõ các vấn đề quy hoạch tổng thể theo Luật Quy hoạch, quy hoạch vùng tạo điều kiện cho kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm tới.
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tham gia góp ý tại phiên thảo luận tổ
Chiều 8.6, tham gia phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, góp ý vào báo cáo bổ sung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2019, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vũ Trọng Kim (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đánh giá việc thực hiện đạt 12 chỉ tiêu kinh tế trong năm (5 chỉ tiêu vượt, 7 chỉ tiêu đạt) đã đem lại tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong hơn 10 năm qua. 3 khu vực kinh tế: công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều có tăng trưởng tốt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, thị trường tài chính ổn định, tín dụng ngân hàng an toàn.
Tuy nhiên, theo đại biểu Kim, cần làm rõ các vấn đề quy hoạch tổng thể theo Luật Quy hoạch, quy hoạch vùng tạo điều kiện cho kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm tới. Vấn đề cho thuê mướn đất đai, nhất là biên giới, vùng biển, người nước ngoài có sở hữu đất tại các doanh nghiệp hoặc sổ đổ được cấp tại các địa bàn dân cư cũng cần phân định, làm rõ.
Đại biểu cho rằng bước vào năm 2020, do tác động của dịch Covid 19 nên càng phải đánh giá rõ, vì các ngành kinh tế đều có ảnh hưởng không thuận lợi. Thu ngân sách giảm, doanh nghiệp khôi phục lại sản xuất chậm, vốn tín dụng tăng trưởng thấp. Đầu tư công giải ngân quá chậm, vốn đầu tư nhà nước cần triển khai có hiệu quả giúp cho nền kinh tế có đà tăng trưởng lại. Nguyên nhân việc này có lẽ cần rà soát cả bộ máy tổ chức thực hiện.
Đại biểu Kim đề nghị Chính phủ cần tranh thủ thu hút các nguồn vốn nước ngoài khi đang dịch chuyển nhanh giữa các nước, tránh tình trạng “chờ sung rụng”. Điều quan trọng là công nghệ mới, chứ không chỉ là vốn. Chính phủ có biện pháp hỗ trợ các ngành kinh tế mũi nhọn đang lúng túng sau dịch Covid -19. Cần có biện pháp căn cơ cho nguồn nước sinh hoạt và sản xuất tại các vùng Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung. Cần chủ động sản xuất, lưu thông các nguồn nông sản, thủy sản tốt hơn, kể cả sản xuất gạo để bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu và dự trữ quốc gia.
PV
Theo https://m.baohaiduong.vn