Làm thế nào để có một bài viết tốt?

Đăng lúc: 04-01-2020 4:32 Chiều - Đã xem: 206 lượt xem In bài viết

A. Chọn chủ đề:

– Có nhiều bạn băn khoăn về việc chọn chủ đề để viết: Mình viết cái này có được không? Có ảnh hưởng tới ai không? Chủ đề này có đơn giản quá không? Có trùng hợp với người khác không? v.v…

– Ngồi ở nhà suy nghĩ về những việc ấy là một điều rất không cần thiết:

+ Bạn có thể viết về những sự việc, hiện tượng, con người… nổi bật, “không bình thường”, đáng quan tâm, có ý nghĩa ngay xung quanh bạn, trong những sự việc bình thường hàng ngày. Bạn sẽ nhận ra chúng nếu bạn để ý những quá trình diễn biến bình thường.

+ Đừng lo trùng lặp. Cho dù các bạn đang đứng ở cùng một thời điểm, chứng kiến một sự kiện nhưng mỗi người có một chỗ đứng khác nhau, cách nhìn, tư tưởng khác nhau.

– Chủ đề phải mang tính thời sự thì mới được đón nhận. Thời sự không chỉ là yếu tố về thời gian (Có những chuyện cũ nhưng mang nhiều ý nghĩa thời sự, ý nghĩa giáo dục, bạn cũng có thể viết).

B. Thu thập thông tin:

I. Đọc:

Đọc có mục đích, có chọn lọc là cách để bạn bổ sung kiến thức nhiều mặt, sách báo cũng là một nguồn gợi ý đề tài rất phong phú.

II. Dự các sự kiện:

1. Hỏi chuyện:

     a. Đối tượng:

– Người có kiến thức, nguồn thông tin có độ tin cậy;

– Người có vai trò thẩm quyền;

– Người có ý kiến công bằng.

      b. Các loại câu hỏi:

– Tập trung vào cốt lõi;

– Dẫn dắt vào vấn đề (khi cốt lõi là cái bản chất không dễ dàng trả lời);

– Câu hỏi phụ (bộ phận của câu hỏi chính) giúp bạn tiếp cận vấn đề một cách đầy đủ và trọn vẹn;

2. Một số lời khuyên:

– Thái độ lịch sự, kiên nhẫn, lắng nghe và hướng đối tượng vào câu chuyện;

– Nhanh chóng làm quen;

– Câu chuyện phù hợp trình độ và hoàn cảnh người được hỏi;

– Ngoại cảnh thuận lợi;

– Tìm hiểu trước trình độ và tâm lý người được hỏi.

3. Quan sát:

– Quan sát không phải là xem hay nhìn. Xem hay nhìn có khi không thấy được. Quan sát là xem và nhìn tới một mức độ cao hơn.

– Quá trình:

+ Nhìn được quá trình diễn biến bình thường và phát hiện những cái không bình thường;

+ Bắt đầu từ cái riêng lẻ: để ý, góp nhặt những cái nhỏ ở nhiều sự việc riêng lẻ, nhiều lần sẽ nhận ra vấn đề mới.

+ Nên quan sát nhiều trở thành thói quen.

4. Ghi chép (để viết):

– Một phát biểu:

Ghi chép trung thành, chọn ý chính để ghi, chú ý ngôn ngữ đặc trưng của người nói.

– Từ sách báo:

Đọc lướt nắm bắt nội dung chính, ghi chép chỗ quan trọng, cần thiết, chỗ cần trích dẫn.

C. Tính chất của một bài viết tốt:

I. Tính chân thật:

– Sự thật là nguyên liệu, là cái có trước. Người viết phải tôn trọng sự thật, thực hiện nhiệm vụ truyền thông tin tới người đọc.

– Phải nói rõ khuyết điểm, khó khăn, thất bại; cũng như ưu điểm, thuận lợi, thành quả.

– Phải lựa chọn: giữ lại chi tiết nào, bỏ đi chi tiết nào (do đặc điểm ngắn gọn, súc tích của bài báo).

II. Tính chiến đấu:

– Bình luận sự kiện phải tỏ rõ thái độ của mình, tỏ rõ ý kiến đánh giá: khen – chê, ủng hộ – phản đối (mỗi người có một cách thể hiện trực tiếp hay gián tiếp)

– Thái độ lấp lửng, không rõ ràng do sợ bị va chạm v.v.. không thể đem lại một bài báo tốt.

– Trong khi nhìn nhận, phản ánh và phân tích các sự kiện phải có quan điểm và lập trường nhất định, phải đánh giá đúng sự thật, phải bảo vệ cái đúng – lên án cái sai.

– Viết làm sao để dấy lên nơi người đọc những suy nghĩ về vấn đề được nêu, và nảy sinh những vấn đề mới có liên quan.

– Những bài viết cẩu thả, thiếu cân nhắc, kết luận vội vàng là rất nguy hiểm, dễ làm sai lạc vấn đề.

* Tóm lại: Bài viết tốt đòi hỏi ở người viết tính trung thực, ngay thẳng và dũng cảm.

III. Ngôn ngữ:

– Không hô hào, ra lệnh mà đối thoại và thuyết phục;

– Ngắn gọn, tập trung, đầy đủ tư tưởng;

– Bài viết cần có tầm khái quát nhưng không thể hiện bằng những khái niệm trừu tượng.

Sưu tầm