Lần đầu tổ chức Ngày Báo chí Việt Nam 21/6

Đăng lúc: 18-06-2021 1:58 Chiều - Đã xem: 43 lượt xem In bài viết

Câu chuyện khởi đầu từ việc tổ chức Phòng Truyền thống Báo Nhân Dân, kỷ niệm 30 năm Ngày báo Đảng ra số đầu (11/3/1951 – 11/3/1981), đặt ngay trên phần nổi của căn hầm bê tông xây cạnh gốc cây đa cổ thụ trong khuôn viên số nhà 71, phố Hàng Trống, nhằm tạo điều kiện cho tòa soạn xuất bản hằng ngày dưới bom đạn Mỹ, đặc biệt trong trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972.

Tạp chí Người Làm Báo số 2, phát hành ngày 1/4/1985. Ảnh: TL

Tôi được Ban Biên tập phân công điều hành công việc ấy, và phải làm xong trước ngày kỷ niệm. Một vấn đề làm chúng tôi băn khoăn là, trong bục chính kê giữa Phòng Truyền thống, nơi đặt tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta, nên chọn Báo Le Paria hay Báo Thanh niên, cả hai tờ đều do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và điều hành.

Báo Le Paria viết bằng tiếng Pháp xuất bản công khai tại Paris, số đầu tiên in năm 1921, in typo trên giấy khổ rộng, trang trọng không kém các tờ báo Pháp khác hồi bấy giờ.

Báo Thanh niên in tại Trung Quốc, khổ nhỏ, chữ viết tay, in qua bản đá, chủ yếu đưa về bí mật lưu hành trong nước. Lãnh đạo Báo Nhân Dân quyết định chọn tờ Thanh niên, với lý do Báo Le Paria có tôn chỉ kêu gọi nhân dân các nước thuộc địa của Pháp đứng lên lật đổ ách thống trị của nước ngoài, giành độc lập, tự do cho đất nước mình.

Với tôn chỉ ấy, tờ báo chưa thể bàn sâu về đường lối cách mạng Việt Nam. Báo Thanh niên, ngược lại, vạch rõ “Đường cách mệnh”, nhằm mục đích “nói lại cho đồng bào ta biết rõ: Ta muốn sống thì phải làm cách mệnh. Cách mạng là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc của một hai người…”(1) , từ đó vận động, tổ chức toàn dân ta tiến hành sứ mệnh cao quý.

Một thời gian sau, cũng tại Phòng Truyền thống Báo Nhân Dân diễn ra Hội thảo khoa học dưới sự chủ trì của nhà báo Hoàng Tùng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, bàn về việc nên chọn báo nào là tờ báo đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam, từ đó lấy ngày xuất bản số đầu của báo ấy làm Ngày Báo chí Việt Nam.

Tham dự hội thảo có nhiều tên tuổi nay không ít vị đã đi về cõi vĩnh hằng: các giáo sư Hồng Chương, Đặng Xuân Kỳ, Nguyễn Đức Bình…, các học giả và nhà báo Hà Xuân Trường, Quang Đạm, Lê Xuân Đồng, Đào Tùng, Hồng Hà, Trần Công Mân, Nguyễn Thanh Dương… Sau cuộc bàn thảo sôi nổi, những người dự hội thảo đi đến nhất trí:

  1. Lấy ngày 21/6/1925, ngày ra số đầu Báo Thanh niên, làm Ngày báo chí Việt Nam (nay là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam) chung cho cả nước.
  2. Mỗi cơ quan báo chí có thể lấy ngày thành lập làm ngày kỷ niệm của cơ quan mình, thí dụ Báo Nhân Dân ngày 11/3/1951, Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 7/9/1945, v.v..

Trên cơ sở nhận được sự đồng thuận cao, Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam làm tờ trình xin phép Ban Bí thư Trung ương cho phép dùng ngày 21/6 làm Ngày Báo chí Việt Nam, và hằng năm đến dịp sẽ có nhiều hoạt động xã hội và nghề nghiệp về báo chí, truyền thông. Theo như chúng tôi được biết, Ban Bí thư bàn kỹ, và trước khi quyết định đã cẩn trọng đề nghị đồng chí Trường Chinh tham gia ý kiến.

Thời gian này, đồng chí Trường Chinh đảm nhận trọng trách Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (Chủ tịch nước), không tham gia Ban Bí thư nhưng được Bộ Chính trị phân công phụ trách chỉ đạo ngành văn hóa, tư tưởng.

Ngày 5/2/1985, Ban Bí thư ra Quyết định về Ngày Báo chí Việt Nam, nội dung gồm ba điểm:

  1. Theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư quyết định lấy ngày 21/6 làm Ngày Báo chí Việt Nam. Từ nay đến ngày 21/6 thì tổ chức Ngày Báo chí Việt Nam nhằm ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng Việt Nam, nêu cao vai trò của báo chí trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta ngày nay.
  2. Ngày Báo chí Việt Nam là dịp để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, đề cao vai trò của báo chí trong xã hội, nêu cao trách nhiệm của các nhà báo, tăng cường quan hệ giữa báo chí và bạn đọc, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
  3. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 60 ngày xuất bản Báo Thanh niên (1925), ngày 21/6/1985 sẽ tổ chức lần đầu Ngày Báo chí Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam, các bộ biên tập, các cơ quan báo chí trong cả nước hãy tổ chức Ngày Báo chí Việt Nam thật tốt, có ý nghĩa và hiệu quả thiết thực.

Đồng chí Trường Chinh, do điều kiện công tác không thể tới dự, đã gửi thư chúc mừng.Thời gian này, đồng chí Trường Chinh đảm nhận trọng trách Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (Chủ tịch nước), không tham gia Ban Bí thư nhưng được Bộ Chính trị phân công phụ trách chỉ đạo ngành văn hóa, tư tưởng.

Theo nguoilambao.vn