Lan tỏa đều khắp, hiệu quả thiết thực

Đăng lúc: 02-10-2017 2:28 Chiều - Đã xem: 48 lượt xem In bài viết

 

…Cùng với sự đi lên của xã hội và nền kinh tế đất nước, phong trào “Gia đình cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế để thoát nghèo’’ của Hội Cựu TNXP Hà Nội đã phát triển đa dạng phong phú, đi vào chiều sâu. Các gia đình cựu TNXP có cùng mô hình sản xuất kinh doanh, cùng vật nuôi cây trồng, cùng ngành nghề đã liên kết lại thành cụm kinh tế, cùng chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau giống, vốn, cùng nhau vượt khó khăn để phát triển sản xuất, đã xuất hiện nhiều tâp thể và cá nhân tiêu biểu năng động đạt thành tích đáng phấn khởi. Cụm kinh tế cây trồng và vật nuôi của Hội Cựu TNXP xã Việt Hùng, huyện Đông Anh đứng đầu là ông Ngô Đăng Bình, Chủ tich Hội Cựu TNXP xã và một số cán bộ của Hội đã đứng ra nhận những thửa ruộng mà trước đó nhân dân địa phương canh tác không hiệu quả, mạnh dạn đầu tư khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây, con có giá trị kinh tế cao như bưởi Diễn, cam, chanh, tổ chức trang trại nuôi lợn Mán, chim cút đẻ trứng, gà thịt, … Qua 5 năm cụm kinh tế của Hội Cựu TNXP xã Việt Hùng đã có 33 hộ tham gia với 84 lao động, thu nhập bình quân mỗi lao động từ 3,5-5 triệu đồng/ tháng.

Hội Cựu TNXP huyện Mê Linh đã chỉ đạo sâu sát, linh hoạt từng mô hình sản xuất thích hợp với từng địa phương. Sau 5 năm thực hiện phong trào, số hộ làm kinh tế thành công tăng lên, số hộ cựu TNXP nghèo giảm đi đáng kể, các cặp đôi giúp nhau làm kinh tế có hiệu quả thiết thực. Ở xã Văn Khê: Bà Nguyễn Thị Chỉ cựu TNXP thời chống Pháp tuy tuổi đã cao nhưng vẫn cùng con cháu đấu thấu hàng trăm mẫu đất hoang ngoài đê sông Hồng để làm trang trại trồng chuối, trồng cây dược liệu lấy nguyên liệu chưng cất tinh dầu, chăn nuôi lợn gà. Sau 5 năm đã có 150 mẫu cho thu hoạch tạo việc làm cho 30 lao động thu nhập ổn định. Khi vào thời vụ, trang trại còn thu hút hàng trăm lao động. Ở Liên Mạc ông Phạm Văn Điệp cựu TNXP chống Mỹ cùng con trai lập trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc, mở cửa hàng kinh doanh thức ăn gia súc, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động thu nhập ổn định, đến nay nhiều hộ của xã đã thoát nghèo. Ở xã Tráng Việt, 4 gia đình cựu TNXP đã hình thành cụm trồng rau quả sạch do ông Bùi Đình Xếp chủ tịch hội làm cụm trưởng, sản phẩm chủ yếu của cụm là củ cải trắng, rau cải bẹ, dưa lê, táo siêu ngọt…

Trang trại trồng rau sạch của gia đình ông Lương Văn Dục cựu TNXP chống Mỹ, trang trại này trước đây vốn là khu lò gạch ngổn ngang gò đống, thùng đấu, ông đã cùng vợ chồng con trai nhận cải tạo trước sự ái ngại của nhiều người. Với sự động viên khuyến khích của ông Dục toàn gia đình có bao nhiêu vốn liếng dồn hết cho đầu tư san ủi các thùng đấu. Một vụ, hai vụ công sức bỏ ra đã được đền đáp, khu lò gạch được cải tạo thành cánh đồng rau rộng hơn 4 mẫu với những luống rau củ cải xanh mượt. Hệ thống dẫn nước tưới bằng ống nhựa siêu bền chạy theo từng luống. Khi máy nổ phát điện, máy bơm hút nước từ giếng lên theo từng ống tự động phun như trời mưa phùn tưới cho đồng rau, vừa tiết kiệm nước lại vừa đảm bảo các tiêu chí sản xuất rau sạch mà siêu thị kinh doanh yêu cầu.

Đoàn công tác của Hội Cựu TNXP Việt Nam do Phó Chủ tịch Nguyễn Cao Vãng dẫn đầu thăm Công ty CP may Đức Sinh của nữ cựu TNXP Vũ Thị Thoa (bìa trái) ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì

Ở huyện Thanh Trì tại xã Vạn Phúc gia đình bà Nguyễn Thị Ngọ đã cải tạo khu ruộng trũng, thành khu vườn trồng cây có múi: bưởi Hoàng, bưởi Diễn, bưởi da xanh, nuôi đà điểu, trồng nấm, doanh thu hàng trăm triệu đồng/ năm. Gia đình bà Hoàng Thị Sâm đã mạnh dạn cải tảo chuyển đổi 9 sào vườn tạp sang trồng cây dược liệu và cây ăn quả. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi nghề nghiệp sang làm dịch vụ, tiểu thủ công như gia đình bà Đỗ Thị Tuệ xã Tân Triều đã chuyển sang sản xuất kinh doanh nghề dệt thủ công, bà là sáng lập viên HTX dệt thủ công, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Nhiều cựu TNXP đã phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng đất đai, lao động tiền vốn để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả, trở thành những hộ kinh doanh giỏi. Phong trào đã giúp đỡ 9 hộ cựu TNXP thoát nghèo. 295 con em cựu TNXP được giải quyết việc làm.

Quận Cầu Giấy không có hội viện cựu TNXP nghèo. Để giúp đỡ cán bộ hội viên thực hiện phong trào giúp nhau làm kinh tế nâng cao chất lượng cuộc sống, quận hội đã cùng với các đoàn thể chính trị xã hội quận và phường giúp đỡ hội viên vay vốn ngân hàng chính sách qua các kênh của các Hội LHPN, Nông dân, cựu Chiến binh. Hội Cựu TNXP phường Nghĩa Tân đã phối hợp chính quyền và UBMTTQ đề nghị quỹ “vì người nghèo” của phường tặng cựu TNXP Lê Vĩnh Chiêm, cả hai vợ chồng đều là TNXP một chiếc xe máy trị giá 18 triệu đồng để làm phương tiện sinh sống. Năm 2013 -2014 Hội đã sử dụng một phần quỹ nghĩa tình đồng đội 180 triệu đồng cho 23 hội viên vay không lấy lãi để sản xuất kinh doanh.

    Ở huyện Đan Phượng, phong trào “Gia đình cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế để thoát nghèo”, đã được Huyện hội tập trung chỉ đạo, liên kết giữa các hộ cùng sản xuất kinh doanh một loại sản phẩm, một loại cây trồng vật nuôi, giúp nhau đầu tư khoa học kỹ thuât, giúp nhau tiêu thụ sản phẩm. Từ năm 2016 đã hình thành 4 cụm kinh tế với 3 loại hình: Cụm sản xuất tiểu thủ công, cụm kinh tế VAC, cụm kinh doanh dịch vụ.

Ở huyện Phúc Thọ hiện nay toàn huyện có 25 cặp đôi giúp nhau có hiệu quả. Hội Cựu TNXP các xã vận động hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng địa phương. Ở xã Vân Hà, các gia đình cựu TNXP đã mạnh dạn bỏ cây tạp sang trồng bưởi Diễn, qua 5 năm bưởi diễn đã cho thu hoạch, một số gia đình đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm. Từ kinh tế vườn, sau mấy năm đã có nhiều gia đình hội viên xây được nhà cao tầng khang trang đầy đủ tiện nghi như phố trong làng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Do có nguồn thu nhập khá, hội viên tích cực tham gia xây dựng quỹ nghĩa tình đồng đội, bình quân 3.000.000đ/ 1 hội viên là đơn vị có bình quân quỹ nghĩa tình cao nhất thành phố.

Thăm bộ phận cắt của Công ty CP may Đức Sinh

Quận Bắc Từ Liêm có nhiều mô hình cụm gia đình cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế xóa nghèo. Cụm kinh tế trồng hoa và rau an toàn của Hội Cựu TNXP phường Tây Tựu được nhiều người quan tâm. Ngoài diện tích của địa phương, các gia đình hội viên trong cụm còn thuê thêm ruộng đất các huyện lân cận để canh tác. Từ cụm đã chia thành nhóm nhỏ có sự hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trồng chăm sóc rau hoa và giúp nhau tiêu thụ sản phẩm, nên thu nhập của các gia đình đều phát đạt và thuận lợi. Sau 5 năm. phường Tây Tựu đã có 5 gia đình hội viên cựu TNXP thoát nghèo, một số gia đình làm kinh tế giỏi đã có thu nhập từ 300-500 triệu đồng/ năm.

Ở huyện Thanh Oai, gia đình cựu TNXP Nguyễn Thị Lễ – xã Hồng Dương đã phát triển kinh tế gia đình theo mô hình VAC. Tuy cơ ngơi không lớn nhưng bà Lễ biết kết hợp mô hình VAC với việc mở xưởng chế biến thực phẩm làm giò chả nghề truyền thống của gia đình mỗi năm thu hàng tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động. Gia đình bà đã giúp 2 gia đình hội viên thoát nghèo.

Thị xã Sơn Tây bà Phùng Thị Thuận cựu TNXP chống Mỹ, đã cho bà Nguyễn Thị Vân phường Trung Hưng vay 20 triệu đồng không lấy lãi, giúp bà Vân mở cửa hàng khô, chồng con rửa xe. Chỉ sau hơn 1 năm, bà Vân đã hoàn trả hết vốn vay, xóa được nghèo, cuộc sống gia đình ổn đình ngày càng cải thiện.

Ở quận Hai Bà Trưng, gia đình cựu TNXP Trịnh Thị Thảo phường Ngô Thì Nhậm mua đất ở tỉnh Hòa Bình lập trang trại, với sự giúp đỡ của các Hội: TNXP, cựu Chiến binh, Phụ nữ và họ hàng người thân, 2 năm qua kinh tế của gia đình bà Thảo đã dần tự thoát khỏi khó khăn, trang trại chăn nuôi và cây ăn trái đã cho thu hoạch mỗi năm khoảng 150 triệu đồng.

Huyện Quốc Oai, 5 năm qua đã được triển khai sâu rộng thu hút hàng nghìn hội viên tham gia, 12 hộ gia đình cựu TNXP được bình bầu là hộ làm kinh tế giỏi cấp huyện, cựu TNXP Nguyễn Trọng Kiếu 5 năm liền được bầu là gia đình làm kinh tế giỏi cấp huyện, ông đã giúp đỡ nhiều hộ làm kinh tế trong đó đã giúp hai hộ cựu TNXP có việc làm ổn định thoát nghèo bền vững.

Quận Ba Đình đã thành lập 5 cụm làm kinh tế, giải quyết việc làm cho 31 con em có thu nhập ổn định từ 4 đến 8 triệu đồng/ tháng, giúp 19/26 hộ thoát nghèo. Hội Cựu TNXP phường Liễu Giai kết nghĩa với Hội Cựu TNXP xã Đồng Bẩm- tỉnh Thái Nguyên mở cửa hàng bán nông sản và rau sạch phục vụ nhân dân trong phường, giải quyết việc làm cho một số con em TNXP.

Quận Đống Đa đã xây dựng 4 đề án trợ giúp hội viên vươn lên thoát nghèo: đề án chia sẻ yêu thương với 47 nữ cựu TNXP cô đơn, đề án trợ giúp 27 hộ nghèo vượt lên hoàn cảnh bằng nhiều biện pháp, đề án trợ giúp 86 gia đình có nguy cơ rớt nghèo, đề án trợ giúp các gia đình cựu TNXP là thương binh, gia đình liệt sĩ giảm khó khăn, Qua các đề án kinh tế, 5 năm qua đã giúp đỡ 15 hộ thoát nghèo, 20 con em cựu TNXP được giải quyết việc làm thu nhập ổn định.

Thăm bộ phận thêu ở cơ sở May, Thêu của cựu TNXP Nguyễn Văn Bảy ở xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín

Trong phong trào “Gia đình cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế để thoát nghèo” biện pháp huy động vốn trong hội viên để lập quỹ cho vay được thực hiện có hiệu quả ở nhiều nơi như Thạch Thất, Thanh Trì, Gia Lâm, Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Hoàng Mai, Hoài Đức…

Hội Cựu TNXP quận Thanh Xuân qua 5 năm huy động vốn để lập quỹ cho hội viên vay làm kinh tế, 100% cán bộ hội viên trong quận đã tham gia với tổng số tiền 1.260.000.000đ cho 26 lượt gia đình được vay để làm kinh tế và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, cho vay để tạo dựng nghề may, Các hộ vay đều sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả, trả vốn vay đúng kỳ hạn. Các hộ được vay vốn đã tự nguyện trích ra 153.120.000đ từ lợi nhuận để giúp hội hoạt động và giúp lại các hội viên khó khăn. Qua 5 năm thực hiện phong trào đã giúp 1 hội viên thoát nghèo, giải quyết việc làm cho 73 lao động.

Một trong các biện pháp để thực hiện phong trào được các cấp hội tích cực chỉ đạo là câu lạc bộ cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế. 5 năm qua toàn thành phố đã có 72 câu lạc bộ được thành lập, nhiều Câu lạc bộ đã bầu ban chủ nhiệm xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức sinh hoạt đều đặn như các CLB xã Phùng Xá huyện Thạch Thất, xã Hát Môn huyện Phúc Thọ, xã Văn Khê huyện Mê Linh. CLB các xã ở các huyện Thường Tín, huyện Phú Xuyên, huyện Chương Mỹ, quận Long Biên, quận Hà Đông. Huyện Ứng Hòa có 117 hội viên tham gia 6 CLB. CLB xã Tảo Dương Văn do bà Nguyễn Thị Hằng chủ tịch Hội làm Chủ nhiệm đã tổ chức sinh hoạt đều, vận động 28 thành viên trong CLB mỗi tháng đóng 500.000đ lập quỹ, lần lượt cho hội viên có nhu cầu vay không lấy lãi để mua sắm công cụ, máy móc phát triển sản xuất. 5 năm qua CLB đã giúp 4 hội viên thoát nghèo bền vững…

Có thể nói, kết quả đạt được trong phong trào “Gia đình cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế thoát nghèo” đã thể hiện sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ và hội viên và sự quan tâm chỉ đạo giúp đỡ của Hội Cựu TNXP Việt Nam, của Thành ủy, HĐND. UBND Thành phố, của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp….

                                           Dương Thị Vịn

Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Hà Nội