Lấp lỗ hổng kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng

Đăng lúc: 18-03-2021 9:46 Chiều - Đã xem: 122 lượt xem In bài viết

Mô hình quản lý nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu nhưng quan trọng hơn cả là nhà nước cần phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận, không triệt tiêu động lực, tiềm năng và khát vọng đi lên của đất nước.

Ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, Ủy viên Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội

Đó là nhận định của ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, Ủy viên Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội trong cuộc trò chuyện với Báo Điện tử Chính phủ về kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực, suy thoái.

Theo ông Vũ Trọng Kim, trên thế giới cũng có nhiều nơi lấy nhánh quyền lực này để áp chế nhánh quyền lực kia, có lúc ‘ngạt thở’ vì thiếu sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực lẫn nhau. Nhưng mô hình nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu, quan trọng hơn cả là phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận, không triệt tiêu động lực, tiềm năng và khát vọng đi lên của đất nước.

Ở nước ta, với cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ thì việc kiểm soát quyền lực càng được coi trọng. Tuy nhiên, ông Vũ Trọng Kim cho rằng, cơ chế kiểm soát quyền lực của chúng ta còn  lỗ hổng, chính vì vậy cần hoàn thiện thêm.

Theo ông Kim, nếu các cơ quan, các ngành đều có nguyên tắc, quy chế thi hành công vụ thì sẽ rất dễ kiểm soát quyền lực. Nguyên tắc ứng xử sẽ góp phần vào kiểm soát quyền lực. Do vậy, cần thiết có bộ quy tắc ứng xử cho các chức danh. Đặc biệt là các chức danh lãnh đạo đứng đầu. Với việc đẩy mạnh kiểm tra, giám sát từ người đứng đầu, công tác kiểm soát quyền lực sẽ được tăng lên.

Cũng theo ông Vũ Trọng Kim, tham nhũng có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, suy thoái là do thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực. Chính vì vậy, phải bít được các lỗ hổng thể chế, làm sao để người ta muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được. Cần phát huy công nghệ để bịt lỗ hổng cơ chế hiện nay về chi tiêu, khi Chính phủ số, kinh tế số phát triển, đồng nghĩa với việc chống tham nhũng hiệu quả.

Ông Kim kiến nghị, cần lập lại quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, phải kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của các cấp lãnh đạo và công khai cho nhân dân giám sát một cách minh bạch chứ không chỉ là kê khai hình thức.

“Ý chí của nhân dân được thực thi qua Hiến pháp. Hiến pháp là luật cơ bản và việc thực thi quyền lực phải thông qua hiến định. Muốn kiểm soát được đầy đủ thì phải thêm kênh giám sát của nhân dân. Khi đưa ra một chính sách, dù phù hợp hay không phù hợp thì vẫn phải qua sự giám sát của nhân dân vì tư tưởng xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là lấy dân làm gốc. Trên cơ sở nền tảng Hiến pháp, phải tiếp tục xây dựng và ban hành các luật, các quy định để bảo đảm kiểm soát quyền lực. Có kiểm soát được quyền lực mới không để xảy ra tình trạng lạm quyền”, ông Kim chia sẻ.

Ông Kim nhấn mạnh, quyền lực càng lớn thì càng cần được kiểm soát chặt chẽ. Quyền lực tới đâu, Hiến pháp đã được hiến định. Và vai trò của người đứng đầu, vai trò của tổ chức thực hiện phải ý thức đầy đủ về sự thành công hay thất bại khi thực thi quyền lực đó.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát quyền lực cần được xây dựng và thực hiện đồng bộ bằng pháp luật và các quy định, quy trình giám sát xã hội rộng rãi, chặt chẽ, khoa học và phù hợp thực tế, phối hợp kiểm soát cả từ trên xuống và từ dưới lên, từ bên ngoài và tự kiểm soát nội bộ.

Theo ông Vũ Trọng Kim, công tác kiểm soát quyền lực cần được siết chặt, đi liền với tăng cường giám sát, kiểm tra, tránh bệnh khoa trương, hình thức, số liệu không chính xác và nói dối. Nói dối thành hệ thống, có sự lan truyền chính là đã đào lên hố sâu, chờ ngày sụp đổ của tất cả các chiến lược, chính sách. Tiềm lực quốc gia, tài sản quốc gia phải được đánh giá, kiểm kê bằng các chỉ số cụ thể về kinh tế. Trong quá trình quyền lực đó được phát huy.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước, đề cao công tác giám sát của các cơ quan và đại biểu dân cử, tư pháp, MTTQ. Ông Vũ Trọng Kim nhắc lại chức năng giám sát và phản biện của MTTQ. Đó là cơ chế quan trọng để tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước. Công tác này luôn cần được thay đổi về chất, làm tốt trên thực tế, không được mang tính hình thức.

Thực tế cho thấy, tham nhũng trong công tác cán bộ là khởi đầu của mọi hành vi tham nhũng. Xu hướng lạm quyền là “bệnh” của một số những người nắm quyền lực. Tham nhũng làm suy giảm lòng tin của người dân, bệnh quan liêu khiến nhân dân bất bình.

Ông Vũ Trọng Kim cho rằng, cán bộ cấp trên thời gian vừa qua mắc tội nhiều, phải xử lý kỷ luật là do thiếu tu dưỡng, rèn luyện. “Tính liêm khiết là một đức tính tốt, nhưng lòng yêu nước thương dân mới là điều quý trọng hơn. Cán bộ phải là người đi trước, làng nước theo sau, việc gì có lợi cho dân phải kiên quyết làm, việc gì có hại cho dân phải cố tránh”, ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.

Nhật Nam (thực hiện)

Theo chinhphu.vn