Lời của sông

Đăng lúc: 14-11-2023 6:50 Chiều - Đã xem: 184 lượt xem In bài viết

 

Bến sông Đình Đoài. Ảnh internet  

Chẳng thích gì cái tên buồn rười rượi

Lại đặt cho em là “Bến không chồng[1]”?

Bến đông thế – nam nữ đông như thế

Người qua lại đây vui náo nức bến sông

 

Nhưng có lẽ mấy ai đã biết

Bao gái trai ngày đánh Mỹ lên đường

Vợ tiễn chồng, người yêu tiễn người yêu ra trận

Đã hẹn nhau ngày trở về, bến đợi bến trông

 

Rồi chờ mãi, chờ đến ngày nước nhà thống nhất

Vợ đón chồng, người yêu đón người yêu nô nức bến sông

Tay ôm hoa, hoa rơi xuống sông, vòng tay đón cái ôm ngất xỉu

Bến sông buồn nhòa nước mắt đầy sông!

 

Và từ đấy cái tên Bến không chồng

Được khắc trên một hòn đá lớn

Để nhớ thương người hy sinh ngoài tiền tuyến

Không trở về vẫn thương nhớ một bến sông.

 

Lời của sông êm đềm chảy xanh trong

Nhớ bến sông quê Thái Bình quê lúa

“Bến không chồng”- đài hoa phụ nữ

Vọng phu chờ chồng, đứng mãi với bến sông!

 

Nguyễn Hồng Quang

Số nhà 714 TDP kim Tỉnh phường Trung Thành TP Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên

 

 


[1] Công trình bia lưu niệm “Bến không chồng”  trên bến sông Đình Đoài ở xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình được khánh thành ngày 21/3/2019 gồm nhiều hạng mục: Bia đá khắc đại tự, khuôn viên, tiểu cảnh, kè đá hai bên bờ sông… Tượng đài và bia lưu niệm mang tính khái quát cao, được chế tác từ đá nguyên khối có dáng dấp một thiếu phụ bồng con đứng trông chồng. Nổi bật dòng chữ lớn “Bến không chồng” phía trên là dòng chữ khắc ghi: “Bến sông này cùng với mảnh đất con người nơi đây đã đi vào đời sống văn học nghệ thuật ghi một dấu ấn sâu sắc như bản tình ca bi tráng về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại…”. Cùng bia biểu tượng, bậc đá lên xuống bến sông, lát gạch, lan can, mở rộng dòng sông…. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc trên 1.550 người con Thụy Liên đã lên đường chiến đấu, 230 người đã hy sinh, để lại làng quê 31 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và bao góa phụ. Tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng, người con quê hương Thụy Liên, huyện Thái Thụy được sáng tác dựa trên bối cảnh bến sông Đình Đoài, nhân vật của vùng quê Thụy Liên. Tác phẩm đã khắc họa những nhân vật với những mâu thuẫn, éo le trong cuộc sống nơi vùng quê thời hậu chiến, ghi một dấu ấn sâu sắc, như bản tình ca bi tráng về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Tiểu thuyết “Bến không chồng” đã nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016, được 14 lần tái bản, dịch ra nhiều ngôn ngữ quốc tế và chuyển thể thành phim.