Trong quả dứa có chứa đầy đủ các vitamin, enzym và các chất chống oxy hóa giúp tăng cường sức khỏe rất tốt. Một số thành phần dinh dưỡng này thậm chí còn có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh gout.
Gout là một bệnh viêm khớp phổ biến
Những cơn gout cấp thường xuất hiện bất ngờ và dữ dội, với các biểu hiện:
- Nóng
- Đau
- Đỏ
- Sưng và khó chịu ở các vùng khớp viêm
Nguyên nhân của gout là do sự tích tụ quá mức acid uric trong cơ thể, từ đó hình thành những tinh thể urat nhỏ lắng đọng tại các khớp. Bình thường, cơ thể của chúng ta tự sản sinh ra acid uric thông qua quá trình chuyển hóa tự nhiên. Nhưng nếu bạn tiêu thụ các thực phẩm và đồ uống có chứa hàm lượng cao purin, cơ thể sẽ tổng hợp nhiều acid uric hơn.
Thông thường, bệnh gout sẽ ảnh hưởng đến vùng khớp nơi tiếp giáp giữa ngón chân cái và bàn chân của bạn. Các triệu chứng của cơn gout cấp thường bùng phát và “tấn công” rất bất ngờ, gây cản trở và làm giảm khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày của người bệnh.
Bác sĩ có thể kê đơn cho bệnh nhân gout thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDS), corticosteroids và các thuốc khác giúp ngăn chặn sự sản sinh acid uric trong cơ thể. Tuy nhiên, có vẻ như việc ăn dứa cũng có khả năng làm giảm một số triệu chứng viêm đau do cơn gout cấp gây ra!
Dứa có tốt cho bệnh gout không?
Trong quả dứa có chứa đầy đủ các vitamin, enzym và các chất chống oxy hóa giúp tăng cường sức khỏe rất tốt. Một số thành phần dinh dưỡng này thậm chí còn có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh gout.
Bromelain
Đây là tên một loại enzym có trong dứa. Bromelain được biết đến với tác dụng làm giảm viêm và hỗ trợ tiêu hóa. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào trực tiếp chỉ ra mối liên hệ giữa bromelain với bệnh gout, nhưng có nghiên cứu đã cho thấy rằng bromelain có khả năng làm giảm các triệu chứng viêm do gout gây ra.
Chất xơ
Quả dứa rất giàu chất xơ – một chất dinh dưỡng giúp giữ cho hệ tiêu hóa của chúng ta khỏe mạnh. Trong một nghiên cứu được thực hiện trên chuột, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng chế độ ăn giàu chất xơ có thể làm giảm triệu chứng viêm của bệnh gout. Ngoài ra, các thực phẩm giàu chất xơ cũng có xu hướng có nguồn gốc từ thực vật và chứa ít purin – điều này rất có lợi cho các bệnh nhân gout trong việc ngăn ngừa cơn gout cấp xuất hiện.
Folate
Hàm lượng folate có trong 1 miếng dứa (khoảng 250 gam) chiếm 7% tổng nhu cầu folate hàng ngày của cơ thể được khuyến nghị. Mặc dù việc tiêu thụ folate chưa được chứng minh rõ ràng có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh gout, nhưng có nghiên cứu đã chỉ ra rằng folate có khả năng phá vỡ một loại protein có tên homocysteine. Protein này được tìm thấy với nồng độ cao ở những người mắc bệnh gout.
Vitamin C
Trong 1 miếng dứa (khoảng 250 gam) có chứa lượng vitamin C tương đương 131% hàm lượng được khuyến nghị hàng ngày. Theo Mayo Clinic, các thực phẩm bổ sung chứa vitamin C có thể làm giảm nồng độ acid uric của cơ thể.
Tuy nhiên, trong các nghiên cứu khoa học, mối liên hệ giữa việc bổ sung vitamin C và việc làm giảm số lượng, cũng như cường độ các cơn gout cấp vẫn chưa được làm rõ. Nghiên cứu năm 2013 cho thấy rằng việc tiêu thụ các thực phẩm bổ sung chứa vitamin C không làm giảm đáng kể nồng độ acid uric máu của các bệnh nhân gout.
Mặc dù vậy, một nghiên cứu năm 2009 chỉ ra rằng việc kết hợp đầy đủ vitamin C trong chế độ ăn có thể giúp ngăn ngừa bệnh gout. Nghiên cứu này theo dõi lượng vitamin C nạp vào hàng ngày qua chế độ ăn của 47.000 nam giới. Kết quả là những đối tượng tiêu thụ nhiều vitamin C hơn trong vòng 20 năm ít có nguy cơ mắc bệnh gout hơn.
Sử dụng dứa cho bệnh nhân gout như thế nào?
Thực tế, quả dứa không được coi là một loại thuốc chữa bệnh và không thể chữa khỏi được bệnh gút. Nhưng các chất dinh dưỡng có trong quả dứa kể trên lại có tác dụng hỗ trợ đào thải axit uric. Từ đó, người bị gút sẽ giảm các cơn đau gút, giảm tình trạng viêm, sưng khớp và còn tăng sức đề kháng để bệnh không tái phát.
Ăn dứa để giảm bệnh gút
Người bị gút có thể ăn trực tiếp hoặc ép dứa lấy nước uống hàng ngày để hỗ trợ đào thải axit uric. Tuy nhiên, vì dứa có hàm lượng vitamin C khá cao nên khuyến cáo hạn chế với bệnh nhân có vấn đề về dạ dày. Không nên sử dụng quá 100g dứa một ngày.
Nước ép quả dứa rất tốt cho người mắc bệnh gút
Nước dứa lê chữa bệnh gút
Dùng 50g dứa và 300g lê tươi ép chung lấy nước uống cũng giúp giảm viêm và thúc đẩy quá trình đào thải axit uric ra ngoài. Ngoài ra, bạn có thể cắt nhỏ dứa và lê, cho lên bếp đun với 1 chén nước. Để hỗn hợp sôi trong lửa nhỏ khoảng 25 phút, sau đó bỏ thêm mật ong và ăn cả nước lẫn cái.
Cách sử dụng quả dứa kết hợp với lê này còn có tác dụng bổ khí, nhuận phế, giảm ho, long đờm.
Dứa, nghệ, gừng và anh đào
Một cách khác để giảm các triệu chứng của bệnh gút bằng quả dứa là kết hợp dứa nghệ, gừng và nước ép anh đào. Sử dụng nửa quả dứa, 1 thìa bột nghệ, 1 miếng gừng tươi và 1 cốc nước ép anh đào, cho tất cả và máy xay và xay nhuyễn. Bảo quản hỗn hợp trong lọ thủy tinh. Khi dùng, lấy 2 muỗng hỗn hợp pha cùng 1 ly nước ấm uống sau bữa ăn.
Những thực phẩm khác có lợi cho chữa bệnh gout
Để xây dựng một chế độ ăn nhằm làm giảm các triệu chứng của bệnh gout, bạn cần tập trung vào các thực phẩm hay đồ uống mà thành phần dinh dưỡng có ít purin, đồng thời chứa hàm lượng lớn các chất chống viêm. Ngoài dứa, bạn cũng có thể lựa chọn những thực phẩm dưới đây:
- Các sản phẩm từ sữa, đặc biệt là sữa ít béo
- Trứng
- Trái cây, đặc biệt là quả anh đào (cherry)
- Các loại thảo mộc và gia vị
- Các loại đậu, như đậu lăng hay đậu nành
- Các loại hạt
- Các loại dầu có nguồn gốc thực vật, như dầu hạt lanh hay dầu olive
- Rau củ
- Ngũ cốc nguyên cám
Hãy uống nhiều nước để ngăn ngừa sự tích tụ acid uric trong cơ thể. Ngoài ra, các chuyên gia cho biết rằng uống một lượng nhỏ trà xanh hay café mỗi ngày cũng có thể góp phần làm giảm các triệu chứng của bệnh gout.
Bệnh nhân gout cần tránh những thực phẩm nào?
Nếu bạn mắc bệnh gout, bạn cần tránh tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều purin hay đường bổ sung, cũng như thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng thấp. Chúng có thể làm tăng nồng độ acid uric trong cơ thể của bạn, dẫn đến bùng phát cơn gout cấp. Các thực phẩm đó bao gồm:
- Các loại đường bổ sung (chẳng hạn như mật ong, cây thùa và siro ngô có hàm lượng cao fructose)
- Kẹo và các món tráng miệng
- Cá và hải sản
- Thịt động vật hoang dã
- Nội tạng động vật
- Các loại thịt đỏ
- Các loại carb tinh chế (ví dụ như bánh mỳ trắng hay bánh quy)
- Các loại men nở
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu bạn nhận thấy các triệu chứng của bệnh gout, hoặc các cơn gout cấp xuất hiện ngày càng thường xuyên và dữ dội hơn. Trong một vài trường hợp, việc chỉ điều chỉnh chế độ ăn uống là chưa đủ. Bạn có thể cần sử dụng thêm thuốc để có thể kiểm soát bệnh gout.
Ngoài ra, bệnh gout không được điều trị có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng hơn, như:
- Gout mạn tính làm xuất hiện các hạt tophi dưới da
- Sỏi thận do gout
- Các cơn gout tái phát gây phá hủy cấu trúc khớp viêm
Lời kết
Gout là một bệnh dễ mắc phải nhưng rất đau đớn, nguyên nhân bởi sự tích tụ quá mức acid uric trong cơ thể. Nếu bạn mắc bệnh gout, bạn hãy tuân thủ đúng kế hoạch điều trị theo quy định, bao gồm cả chế độ ăn chứa ít purin. Điều này có thể giúp giảm số lần xuất hiện và cường độ của các cơn gout cấp.
Song, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung một lượng dứa đáng kể vào chế độ ăn hàng ngày có thể giúp làm giảm cảm giác đau cũng như triệu chứng viêm do bệnh gout gây ra. Và việc bổ sung loại quả giàu chất dinh dưỡng này hầu như không gây tác dụng bất lợi nào khác cho sức khỏe.
Theo thainhien.vn & duockienminh.vn