Lời xin lỗi muộn màng…

Đăng lúc: 08-12-2023 3:15 Chiều - Đã xem: 314 lượt xem In bài viết

  Hôm nay trời không mưa, nắng dịu, thấy cũng rảnh, con thì đã dẫn cháu về nhà ngoại nên tự nhiên tôi muốn đi một vòng thành phố, xuống chợ Bến Thành, sẵn thăm vài người bà con. Xe buýt tới ngay ngã ba Võ Thị Sáu và Phạm Ngọc Thạch, tôi chợt nói với tài xế “cho tôi xuống đây”, anh ta liền nói “ủa, chưa tới chợ Bến thành mà ngoại”, tôi cười “tôi muốn xuống đây đi dạo, được không nào”. Tôi xuống xe qua đường, đi dọc đường Phạm Ngọc Thạch hướng về Công trường Quốc tế. Tôi nhìn say mê tất cả, từ hàng cây, quán nước, đến những cặp tình nhân đang ngừng chờ đèn xanh ở ngã tư. Con đường này có rất nhiều kỷ niệm của vợ chồng tôi, lâu rồi tôi mới đi lại trên con đường này, rồi đến Hồ con rùa, nơi anh đã quen tôi và…xa tôi…, bao nhiêu ký ức bỗng ùa về…

Các “hiệp sĩ” bắt cướp trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM – Ảnh: Facebook của Đội SBC TP.HCM.

… Hồi đó, tôi mới khoảng 16 – 17 tuổi gì đó, chiều chiều đi học về trên con đường này, và thích dừng xe lượm những bông hoa dầu rơi trên đất rồi lại tung lên cao cho chúng quay quay rất là vui. Một bửa nọ, đang mãi mê lượm hoa dầu, tôi đụng vào một thanh niên cao to đi bộ chiều ngược lại, tôi bị té trầy xước cả hai tay. Anh chàng ấy hốt hoảng kêu vội xe xích lô đưa tôi vào bệnh viện, thanh toán viện phí xong, anh ấy chắc sợ nên biến mất tiêu (không biết có phải duyên nợ hay không mà sau này đó là chồng tôi). Sau này mới biết anh ấy mồ côi, là dân tỉnh, mới lên thành phố mưu sinh vài tháng, tá túc ở trong ngôi chùa cách hẻm nhà tôi chừng 50m, gặp nhau hàng ngày mà có nhớ mặt nhau đâu.

 Rồi thành phố có đợt đăng ký đi TNXP, anh ấy rời thành phố, đi đào kinh, khai khẩn đất hoang. Anh là người giỏi giang nên được làm trung đội trưởng, tôi cũng bon chen đăng ký đi TNXP, vô tình cùng đơn vị. Gặp lại nhau, tôi và anh thay nhau xin     vì chuyện lúc trước, lúc đó chỉ tiếc là sao không hét lớn nạt anh một câu cho đã giận. Nhưng nhìn anh mà tôi bỗng dưng….Công nhận anh là người đẹp trai nhất đơn vị, bao người con gái như tôi đều bị hớp hồn, mỗi lần sinh hoạt lửa trại cuối tuần, giọng hát của anh sao mà hay mà cuốn hút, đi vào những giấc mơ của tôi từ ngày này qua ngày nọ. Nhưng anh là người ít nói và đang là lãnh đạo nên chẳng thố lộ điều gì với ai, làm tôi cứ suốt ngày mơ tưởng đâu đâu, và đôi lúc mỗi khi đối diện với anh trái tim tôi bỗng đánh liên hồi như đánh trống, chẳng hiểu vì sao. Anh lâu lâu khi về công tác họp hành ở thành phố hay mua lên cho tôi cái này cái nọ, khi thì cục xà bông khi thì cái kẹp cây kim cuộn chỉ hay dây buộc tóc, tôi hỏi tại sao chỉ mua cho một mình tôi, anh cứ gãi đầu rồi lại trả lời cộc lốc “thích ai thì cho, lộn xộn quá, có thế mà cũng không hiểu, đúng là… đúng là con gái !”. Vậy là sao vậy trời. Rồi không biết tự bao giờ, mỗi lần nhìn thấy anh trò chuyện vui vẻ với người con gái khác là tay chân tôi run lên tức tối, không lẽ…

 Chiến tranh biên giới nổ ra, anh được điều ra chiến trường tải đạn cáng thương làm đường, tôi vì yếu sức khoẻ nên được xuất ngũ. Ngày chia tay, ngồi bên nhau bên bờ kinh mới đào, tôi nhớ hoài câu nói trong hơi thở dồn dập của anh “tui thú thật là thích… ấy lâu rồi, ráng chờ…tui nghe, rồi… tụi mình sẽ…”.  Anh đưa 2 ngón tay kề nhau: “Vậy vậy đó, chịu không?”. Tôi chỉ cười bẽn lẽn và thì thầm “xí,vô duyên, ai ưng đâu mà vậy vậy…, nhớ giữ sức khoẻ đó”.

 Thấm thoát 4 năm trôi qua, tôi thì về đi học tiếp tốt nghiệp đại học, còn anh thì chẳng biết ở phương trời nào, nhớ anh lắm cũng chẳng biết làm sao. Lâu lâu, cũng có vài người bạn của anh ghé nhà đưa thư, nội dung anh viết sao mà cục mịch, ngắn gọn, chẳng lãng mạn gì cả, nhưng lúc nào cũng kết thư bằng câu “nhớ em” (sến ơi là sến). Rồi tôi cũng nhờ họ đưa thư lên cho anh ấy, kể chuyện đi học, chuyện ở nhà và một chút chuyện… hai đứa. Hết chiến tranh, một buổi chiều nọ, tôi đang ngồi ở nhà đọc sách thì có một thanh niên đen nhẻm, mặc đồ TNXP đến trước cửa chào rồi nói “xin chào cô bé tiểu thơ, có nhận ra ai đây không…, tui nè !”. Tôi từ bàng hoàng bất ngờ đến xúc động không nói nên lời “anh…cái mà…tui…”. Thế đó, tôi và anh gặp lại nhau dù không nắm tay, không nói được câu nào, chỉ có nước mắt và niềm hạnh phúc dâng trào. Một năm sau chúng tôi đã nên vợ nên chồng dù ba má tôi nhất định không chịu gã tôi chỉ vì anh mồ côi không có sự nghiệp. Anh đã mạnh mẽ hứa là sẽ lo cho tôi được hạnh phúc, không thiếu thốn gì cả. Rồi ba má tôi lần lượt qua đời, để lại những món nợ khá lớn từ làm ăn thất bại, cái nhà cũng phải bán đi, nhưng anh không buồn hay nản chí, vượt mọi khó khăn không nề hà làm bất cứ việc gì dù cực nhọc đến đâu, và cố gắng hết sức có thể cùng tôi trang trải nợ nần, đã vậy còn tiết kiệm dành dụm mua được 1 căn nhà mới. Tôi rất là cảm ơn anh, mỗi lần nói như thế, anh đều cười và nói: “Có gì mà cảm ơn, anh là TNXP, sợ hay nản chí thì không là TNXP!”

 Nhưng cuộc sống mà, không thể nào biển yên sóng lặng mãi, vẫn có lúc mâu thuẫn trong cách dạy con hay cách chi tiêu hoặc lối ứng xử hàng ngày. Tôi vì ỷ mình có trình độ cao hơn, lại làm Trưởng phòng ở một công ty nước ngoài nên hay thích ăn hiếp anh trong mọi việc hay lời nói, được cái anh rất chịu khó nhịn tôi cho vui nhà vui cửa. Anh làm quản lý một xí nghiệp may, lương cũng khá và giờ giấc rất ổn định, ngoài giờ làm anh rất tích cực tham gia các phong trào của cựu TNXP và địa phương, ngoài ra còn tham gia đội hiệp sĩ bắt trộm cướp. Riêng tôi thì muốn anh hết giờ làm là không đi đâu hết chỉ biết là về nhà phụ tôi chăm sóc con, dọn dẹp nhà cửa. Tôi và anh cãi nhau miết về việc anh đi bắt cướp, nhưng mỗi lần cãi nhau phần thắng luôn về phần tôi dù biết người đúng luôn là anh. Tôi luôn kiêu hãnh không bao giờ cho mình là sai và không bao giờ nói lời xin lỗi anh.  Tôi chỉ nguôi giận khi anh xuống nước “thôi cho là tui sai đi, thích bắt cướp nằm trong máu rồi, không bỏ được đâu, em đừng giận nữa mất vui, con nhìn vào thì không hay lắm”. Lúc đó tôi thấy đã làm sao (bây giờ mới thấy mình thật là quá đáng). Mỗi lần thấy anh về khuya, tay chân trầy trụa máu me tùm lum, là tôi có dịp cằn nhằn tới bến, nào là đáng đời không chịu nghe tôi, nào là chuyện bắt cướp là của công an, khoái làm anh hùng rồi làm khỗ vợ khỗ con. Anh chỉ cười “anh là thế, TNXP là thế, ba má anh cũng vì bị cướp giật giỏ xách mà té rồi qua đời khi anh còn nhỏ. Anh không thể ngồi yên khi ngoài kia bọn tội phạm còn nhởn nhơ, đông tay thì vỗ nên kêu, mọi người đều tham gia thì xóm làng sẽ bình yên, trong đó có gia đình mình mà”. Tôi tức điên lên với cái lý sự của anh “nhưng anh là chồng tôi, tôi lo vậy đúng hay sai, có ngày anh đi bắt cướp về không thấy tôi cho sáng mắt ra…”, anh lại ôm vai tôi “anh rất yêu em yêu con, anh còn làm được ngày nào là anh vẫn làm, chừng nào già thì nghĩ, chịu không cô bé tiểu thơ “

 Một ngày nọ, nhân ngày sinh nhật lần thứ 18 của thằng con trai, tôi làm vài món ngon và mua bánh sinh nhật thật to, chờ anh đi làm về để gia đình cùng vui. Khi chuẩn bị vào tiệc, đột nhiên điện thoại reo, bạn anh gọi đang theo dõi tên cướp bị truy nã từ lâu nhờ anh ra hỗ trợ. Anh vội dắt xe ra, tôi cũng đứng lên chặn cửa “sinh nhật con mà anh cũng đi, thiệt hết nói nổi anh luôn, không có anh cũng có người khác làm mà, anh mà đi thì đi luôn đi, đừng về nữa!”. Thằng con thì chạy về phòng riêng nói vọng ra “con giận ba”. Anh chỉ cười “thôi mà, anh phải đi, vì chỉ có anh mới biết mặt tên đó, mội lần nữa thôi, anh sẽ về sớm chơi với…con “. Rồi anh cũng đi, tôi giận run cả tay chân, rồi nhớ lại câu nói của mình mà hết hồn vì không hên chút nào !

 Và…anh đã đi mãi không về, trong lúc giằng co, anh nhào tới ôm sát tên tội phạm nhưng bất ngờ tên ấy rút dao đâm anh nhiều nhát, bạn bè đến hỗ trợ thì anh vì mất máu quá nhiều nên đã tử vong nhưng tay vẫn ôm chặt tên tội phạm truy nã. Tôi bàng hoàng không tin nổi đó là sự thật, khi bạn bè đến báo tin thì tôi đã ngồi thừ ra như người mất hồn. Hàng xóm kéo đến giúp tôi mọi chuyện trong ngoài của đám tang anh, chứ tôi thì chỉ biết ngồi một chỗ ôm con và di ảnh của anh mà khóc. Không còn gì đau đớn hơn nổi đau mất người thân, tên tội phạm thì đã bị bắt nhưng ai sẽ trả lại người chồng thân yêu của tôi, giận thì giận lúc cãi nhau, nhưng thương lắm chứ, anh lúc nào cũng là người chồng hiền lành chịu khó, một người cha mẫu mực của con tôi.

 Trong đám tang, ngoài chính quyền công an hàng xóm, có một số người lạ tôi chưa bao giờ biết mặt. Khi hỏi ra mới biết, người thì mang ơn chồng tôi vì giúp họ lấy lại túi xách bị cướp giật, người thì bị trộm vào nhà lấy sạch tài sản nhờ chồng tôi giúp mới tìm lại được….Phải nói là nhiều lắm, nhưng có một điểm chung là không bao giờ chồng tôi nhận một đồng hay quà cảm ơn. Tôi xúc động muốn khóc, khóc vì tự hào về người chồng của mình, tôi tiếc là không kịp và không còn dịp nào nữa để nói lời xin lỗi đến anh về những câu nói và hành động ngăn cản anh đi bắt cướp lúc trước

…Chuyện buồn nào cũng qua, một tuần nữa là đám giỗ lần thứ năm của anh, con đã có gia đình và cháu nội của chúng mình gần tròn 6 tháng. Nhìn lên trời, tôi nghĩ anh vẫn ở đâu đó bên tôi bên con cháu, tôi thầm nghĩ “Anh biết không, con mình đã biết rõ những hành động giúp ích cho đời của anh, nó đã quyết tâm học hành và đang là một chiến sĩ công an. Nó rất tự hào về anh, một TNXP không ngại khó khăn nguy hiểm để đem lại sự bình yên cho mọi người. Nó cũng như tôi, muốn gởi đến anh những lời xin lỗi dù đã muộn màng”.

 Anh bây giờ chắccó lẽ đang đứng bên băng đá, vuốt tóc tôi và nói “đây là nơi chứa đầy kỷ niệm của chúng mình, chỗ em đang ngồi chính là chỗ chúng mình đã quen nhau, cũng là chỗ anh đã… ngã xuống, vĩnh viễn ra đi”. “Anh hãy yên lòng, con trai anh đang mạnh mẽ tiếp bước con đường của anh đi, dù biết sẽ có ngàn chông gai, nhưng rất anh hùng, phải không anh!”

TRẦN VIỆT SƠN