Luật thanh niên có chất lượng hay không tùy thuộc vào tính khả thi của các chính sách

Đăng lúc: 25-11-2019 11:44 Sáng - Đã xem: 108 lượt xem In bài viết

Kính thưa Quốc hội!

Trước hết, tôi xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch đoàn điều hành, đã cho tôi được phát biểu mấy vấn đề về Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Trước hết là Định hướng xây dựng Luật

          Với thắng lợi của sự nghiệp đối mới đất nước, chúng ta vững niềm tin và khát vọng về một Việt Nam sớm hùng cường và thịnh vượng. Điều đó khiến chúng ta luôn nghĩ tới vai trò của thanh niên; như Bác Hồ đã dạy: “ Thanh niên là rường cột nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”. Vậy thì vai trò và tiềm năng to lớn của thanh niên phải được phát huy. Phải chăng đó là cách tiếp cận Dự án luật và định hướng phát triển thanh niên cho thời kỳ mới?

          Thứ hai: Quyền và nghĩa vụ Thanh niên. 

Quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân đã được quy định đầy đủ tại Hiến pháp năm 2013, pháp luật chuyên ngành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Chính vì vậy, luật này chỉ nên quy định quyền và nghĩa vụ đặc thù của thanh niên. Theo kinh nghiệm quốc tế, các quốc gia chỉ nêu chiến lược hoặc chương trình phát triển thanh niên,  theo đó là hệ thống các chính sách. Như vậy, tôi đề nghị nên tập trung 4 lĩnh vực đặc thù.

  1. Thanh niên học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện Đức, Trí, Thể, Mỹ. Tinh thần này là thực hiện đúng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bồi dưỡng và đào tạo thế hệ trẻ vừa hồng vừa chuyên. Đây là việc làm rất quan trọng và rất cần thiết.
  2. Thanh niên lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển tài năng trẻ.
  3. Thanh niên với nhiệm vụ Quốc phòng – An ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội.
  4. Thanh niên xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, tiến bộ.

Như vậy, chúng ta không tiếp cận theo từng đối tượng thanh niên như dự thảo. Trong dự thảo có quá nhiều quyền và nghĩa vụ, có tới 62 gạch đầu dòng đề cập chính sách, như vậy, vấn đề này, chúng ta phải xem xét lại.

Kính thưa Quốc hội! Nếu xét về lý thuyết và kỹ năng lập pháp, Luật này có  chất lượng hay không sẽ tùy thuộc vào tính khả thi của các chính sách. Đây chính là yếu điểm của luật hiện hành, nay cần phải bổ sung để khắc phục. Vậy, cần có những chính sách gì?

Thứ ba: Các chính sách thanh niên.

Theo tôi, đạo luật này phải có chính sách cụ thể và có chính sách định hướng. Tuy nhiên, chúng ta không thể nói suông và chỉ dừng lại ở mức hứa hẹn. Với khả năng thực tế, tôi xin đề xuất 4 lĩnh vực nêu trên. Mỗi lĩnh vực nhà nước chỉ nên đề ra vài chính sách, sát với đời sống của thanh niên, gồm:

  1. Chính sách tín dụng sinh viên.
  2. Chính sách học bổng khuyến khích phát triền tài năng. Đối tượng là những thủ khoa, sinh viên xuất sắc, những sinh viên được tuyển chọn du học và hướng tới nghành, nghề mũi nhọn, công nghệ cao.
  3. Chính sách vay vốn khởi nghiệp; giúp thanh niên thực hiện ý tưởng, có thể đầu tư mạo hiểm nhằm thỏa chí sáng tạo. Phải chăng Nhà nước cần chia sẻ rủi ro với thanh niên khi các bạn có chí hướng, có sự táo bạo và nhiệt thành?
  4. Chính sách cho “Kiện tướng lao động trẻ”. Nghĩa là, có quy chế công nhận một vài giải thưởng quốc gia, có định mức, có tiêu chuẩn chọn lựa chặt chẽ và công bằng.
  5. Chính sách “Chiến sĩ trẻ dũng cảm”; dành cho những thanh niên lập chiến công xuất sắc, hy sinh anh dũng.
  6. Chính sách ưu đãi những sĩ quan, quân nhân công tác tại địa bàn và công việc đặc thù, công nghệ cao hay độc hại.

Trên đây là 6 chính sách của Nhà nước. Ngoài ra, Luật sẽ định hướng những chính sách xã hội hóa, nhà nước góp một thì nhân dân sẽ góp mười, thanh niên sẽ góp bằng ý chí vượt trội, phi thường nhờ chất “lãng mạn cách mạng” và đam mê, sáng tạo của tuổi trẻ. Ví dụ, trên lĩnh vực học tập và đời sống văn hóa: Dân tộc ta rất văn hóa, rất hiếu học. Chính sách khuyến học của dòng họ, cộng đồng, xã hội đã được đề cao. Đoàn thanh niên có học bổng Nguyễn Thái Bình, Vừ A Dính, Lý Tự Trọng, 10 gương mặt tiêu biểu hàng năm, giải bóng đá trẻ Báo Thanh niên tổ chức, giải thưởng phụ nữ tiêu biểu của Trung ương Hội Phụ nữ, v.v…

Về lĩnh vực lao động, để khuyến khích nghề nghiệp, khuyến khích sản phẩm tốt, chất lượng cao, xã hội đã có những hoạt động tuyên dương, bầu chọn thương hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Mặt trận. Giải thưởng Vifotec của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật; vinh danh cá nhân lao động xuất sắc của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trong văn hóa, nghệ thuật thì có giải thưởng tài năng dành cho nghệ thuật sân khấu, điện ảnh,…Về quốc phòng, an ninh chúng ta có chính sách hậu phương quân đội rất phong phú của nhà nước và xã hội. Xây nhà ở và trao sổ tiết kiệm cho gia đình, con em liệt sĩ, thương binh, người có công hay xây dựng quỹ nghĩa tình đồng đội,.v..v.

          Thứ tư: Quản lý nhà nước về công tác thanh niên.     

Luật này không quy định quản lý trực tiếp thanh niên mà quản lý các chính sách thanh niên. Vậy, phải gọi đúng tên là “Quản lý nhà nước về công tác thanh niên”. Tổng kết thực tế, chúng ta có 2 loại chính sách, đó là chính sách bồi dưỡng, đào tạo thanh niên và chính sách phát huy tiềm năng thanh niên. Chúng có tác động biện chứng và tương hỗ lẫn nhau.

Tôi muốn nhấn mạnh: Quản lý nhà nước phải theo hướng thúc đẩy thanh niên tiến lên phía trước, hình thành lớp thanh niên tinh hoa dẫn đầu cho phong trào. Ngạn ngữ có câu “Học thầy không tày học bạn”. Vì vậy, cần có những cánh chim đầu đàn, lớp 30 tuổi đến 35 tuổi, họ là những người thành đạt, dẫn dắt trang lứa, đôi bạn cùng tiến. Điều lệ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam hiện nay cũng quy định độ tuổi, đúng là đến tuổi 35.

          Quản lý nhà nước có chức năng, quyền hạn theo luật định. Không nên viết trách nhiệm của các cơ quan một cách chung chung theo lối kêu gọi, không có chế tài. Một số chức năng, nhiệm vụ có thể giao cho Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam. Lịch sử đã đánh dấu sự ra đời của Ủy ban này, đó là Quyết định số 36 ngày 23/2/1998 của Chính phủ. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã quy định các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Chúng tôi rất trân trọng và tưởng nhớ công ơn to lớn của cố Thủ tướng Phan Văn Khải.

          Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam có chức năng quản lý nhà nước là phương án tối ưu, vì  đó là mô hình “hai trong một” không làm tăng thêm đầu mối, biên chế, cơ sở vật chất. Ủy ban cũng dựa và Trung ương Đoàn có đủ các thiết chế tác động lên thanh niên cả về đối nội và đối ngoại. Ở đây, Trung ương Đoàn có Trung tâm hợp tác quốc tế thanh niên, có thiết chế đào tạo như Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Viện Nghiên cứu Thanh niên, Trung tân Văn hóa thể thao, Bảo tàng và có hệ thống hoạt động ở cơ sở trở lên Trung ương Đoàn. Tóm lại, đây là thiết chế liên ngành, có đủ sức tham mưu về chủ trương về chính sách cho nhà nước, phối hợp tốt các ngành để kiểm tra, đôn đốc và tổng kết, đánh giá các hoạt động thực tiễn.

Vì vậy, tôi đề nghị: Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam xứng đáng được Nhà nước trao cho các chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh niên.

          Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội !

Luật sư Vũ Trọng Kim – Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, đoàn Hải Dương.