Lực lượng Thanh niên xung phong TP. Hà Nội đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Đăng lúc: 08-10-2020 3:32 Chiều - Đã xem: 457 lượt xem In bài viết

Ngày 3/10/2020, tại Đại hội Thi đua yêu nước TP. Hà Nội giai đoạn 2020 – 2025, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Lực lượng Thanh niên xung phong TP. Hà Nội.

Trong kháng chiến chống Pháp có hàng nghìn thanh niên Hà Nội tham gia lực lượng TNXP, phục vụ các chiến dịch Biên giới (1950), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Lực lượng TNXP Thủ đô đã có 2 đơn vị (34 – 40; 36) và 4 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND (Trần Văn Cam, Trịnh Văn Huyền, Nguyễn Tiến Thụ, Cao Xuân Thọ). Hiện nay còn gần 2,000 cựu TNXP chống Pháp đang sống trên địa bàn Hà Nội.

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Hà Nội là nơi bắt đầu các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Chiếc gậy Trường Sơn” … Cùng với hàng chục vạn thanh niên vào bộ đội, có hàng vạn thanh niên gia nhập TNXP chống Mỹ và họ đã lập những chiến công đặc biệt xuất sắc trên mọi chiến trường, trực tiếp cầm súng đánh địch, đảm bảo giao thông, vận chuyển vũ khí đạn dược, lương thực, cáng thương; một bộ phận tham gia xây dựng những công trình giao thông, thủy lợi xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

K53 là đơn vị TNXP đầu tiên và duy nhất của Trung ương Đoàn cử đi chiến trường miền Nam, vào phân khu Trị Thiên Huế từ tháng 8/1965 cho đến 30/4/1975. Địa bàn hoạt động của K53 trải từ Nam sông Bến Hải (Trạm Ông Khâm – Vĩnh Linh) đến Bắc Hải Vân, mở đường mới song song Đường 559, đoạn Nam Bến Hải đến Nam Sông Ba Lòng – Đường 9, C3 phụ trách bến đò độc mộc vượt Đường 9 – Ba Lòng đến 1973; gùi cõng hàng hóa, lương thực, thuốc men, đạn dược, công văn đi, đến, giao liên đưa cán bộ vào Nam, chuyển thư từ, cáng thương binh ra Bắc. Chiến sĩ K53 gùi 26, 27 ngày công/ tháng, từ 20 kg lúc ban đầu lên đến bình quân 30 – 40kg, cá biệt có người gùi hàng nặng hơn cả trọng lượng cơ thể. Trên 20 đồng chí được Quân khu phong danh hiệu “Dũng sĩ vận tải”.

Có nhiều tấm gương tiêu biểu: Hoàng Văn Hợp, ôm hàng lao dọc sông hút máy bay trinh sát Mỹ và hy sinh anh dũng đ ể đồng đội thoát vào rừng; Trung đội trưởng Nguyễn Tiến Bách đi vạch đường mới, chiến đấu với địch đến viên đạn cuối cùng; Lê Huân dùng súng K44 bắn rơi trực thăng Mỹ và hy sinh.

K53 đã trực chiến diệt gọn đại đội Mỹ trên dốc Lồ Ô, bắn rơi 1 máy bay trực thăng, diệt trên bốn chục tên Mỹ và nhiều lính VNCH. Nhiều người là dũng sĩ diệt Mỹ, diệt ngụy các cấp. C10 – K53 lập công xuất sắc được tặng Huân chương Chiến công Hạng nhất, Lá cờ đầu ngành hậu cần quân khu.

Đến ngày toàn thắng K53 đã hy sinh gần ½ quân số. Còn lại đều là thương binh, nạn nhân da cam. Đội viên K53 đã tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968, có chiến sĩ đã đứng trong đội quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, hiện đang sinh sống tại quận Gò Vấp – TP Hồ Chí Minh … K53 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2010.

Với 500 thanh niên Đơn vị TNXP 303 thành lập ngày 10/1/1972, tăng viện cho Trị -Thiên – Huế, hoạt động tại Asầu – Alưới, vừa mở đường, vừa trực chiến đấu chống biệt kích, bắnmáy bay Mỹ. Từ đầu năm 1973, 303 được giao cho Trung đoàn 98 Đoàn 559 quản lý. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho đến năm 1975, đơn vị 303 được Bác tặng Cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Đơn vị 303 có 10 liệt sĩ, 147 thương binh, 64 người nhiễm chất đọc da cam.

Không có đội viên K53, 303 bỏ ngũ, đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Hà Nội có 78 Ban liên lạc trong đó có trên 50 Ban liên lạc Cựu TNXP tương ứng với 50 đơn vị hoạt động trên tuyến lửa Khu 4 thời kỳ chống Mỹ, đang sống và sinh hoạt trên địa bàn. Ngoài ra còn 1 số đơn vị đảm bảo giao thông đường sắt, giữ và duy trì các bến phà, xây dựng công trình kinh tế quốc phòng lập công xuất sắc. Tiêu biểu như các đơn vị: N43, N81, N249, N49, N20, N51, N263, Đội 105, 267 và 295 thuộc Sóc Sơn – Mê Linh (Vĩnh Phúc).

Trên các trọng điểm: Bến phà Long Đại, Khe Ve, Khe Tang … Đường 7, Đường 20 quyết thắng, trong rà phá thủy lôi, bom nổ chậm đều có TNXP Thủ đô.

Các chiến sĩ C816, N81 thuộc quân số Hà Đông, Hoài Đức phụ trách 4 ngầm ở Quảng Bình. Nhiều đêm các đội viên TNXP phải gắn những biển phản quang, làm lễ truy điệu sống trước khi xếp hàng nối nhau thành cọc tiêu sống để xe qua ngầm. Có người đã 3 lần được truy điệu sống như thương binh Nguyễn Huy Thiệp (Mỗ Lao – Hà Đông).

– N20 có gần 1000 đội viên, là đơn vị thuộc Ban xây dựng 67, lập công xuất sắc được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. N249 đảm bảo vận chuyển lương thực, vũ khí từ Hà Tĩnh đến chân đồi 1001 giáp giới Quảng Binh – Vĩnh Linh.

– Đội N43 với 1.500 đội viên Hà Nội cũ chia làm 7 đại đội, trải đều trên các tuyến đường Khu 4 – tuyến lửa ác liệt. N43 có C815 giữa ban ngày cứu nhiều xe đạn bị địch bắn cháy; cứu thoát hàng trăm cụ già, em nhỏ đêm 25/12/ 1967.

C812 có đội viên Vũ Thị Sinh là người gác chốt, phất cờ đếm bom, bảo đồng đội đang san lấp hố bom, hy sinh vẫn với tư thế dương cao lá cờ chuẩn. Đội viên Hoàng Lộc, đội trưởng đội phá bom N43 đã cùng đồng đội phá hàng nghìn quả bom các loại. Anh đã anh dũng hy sinh và được truy tặng danh hiệu Anh LLVTND

Lực lượng TNXP Hà Nội đã có mặt trên tất cả các tuyến đường, tuyến lửa với tinh thần “Ba sẵn sàng” vững vàng khẩu hiệu “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm” và lập công xuất sắc. Trên 400 liệt sĩ, hơn 2200 thương binh và hàng ngàn đội viên TNXP Thủ đô nhiễm chất độc da cam, những phần thưởng cao quý và các danh hiệu mà Đảng, Nhà nước đã tặng cho các tập thể, cá nhân trên các chiến trường chống Mỹ cứu nước đã chứng minh thành tích của lực lượng TNXP Thủ đô thời kỳ chống Mỹ cứu nước là đặc biệt.

Ngoài một số TNXP vào Khu 4, Trị Thiên Huế, Hà Nội đã có 600 đội viên TNXP tăng cường cho Điện Biên xây dựng công trình Đại Thủy nông Nậm Rốm vừa lao động sản xuất, vừa trực tiếp bắn máy bay Mỹ, có 13 đội viên được công nhận liệt sĩ. Đơn vị TNXP Nậm Rốm được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Đơn vị 105 sản xuất gần 20.000m3 củi rừng giải quyết những khó khăn về chất đốt cho Thành phố Hà Nội.

Đội N49 trực chiến và đảm bảo an toàn phà Khuyến lương lập công xuất sắc được Thành phố lập Bia lưu niệm chiến công N49. Đơn vị này đảm bảo trên đường dẫn vào các bến phà và có nhiệm vụ lái phà qua Sông Đuống – Sông Hồng trong những ngày giặc Mỹ đáng phá cầu Đuống, cầu Long Biên năm 1967, 1972.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không (18-29/12) đã có nhiều TNXP tham gia hướng dẫn nhân dân sơ tán, đào hầm, bới tìm người sập hầm, chữa cháy, dọn đường và tham gia đảm bảo giao thông. Khi các phao cầu bị bom đánh thủng, 6 TNXP N49 đã tình nguyện chui vào cởi áo, bịt các lỗ vỡ, thủng và anh dũng hy sinh ngay trong lòng phao sắt.

Thành đoàn đã thành lập lực lượng TNXP xây dựng kinh tế sau năm 1975, trồng sú vẹt ngăn mặn, trồng cói ở Ninh Bình, sản xuất vôi, than ở Quảng Ninh.

Năm 1976 – 1979 có trên 1 vạn đoàn viên thanh niên Hà Nội lên đường đi lao động tiền trạm trên vùng kinh tế mới Sông Bé – Lâm Đồng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, năm 2016 được chính quyền Hà Nội, Lâm Đồng xác định phiên hiệu TNXP. Đặc biệt huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) được hình thành phần lớn là người Hà Nội, cùng các huyện Đạ Oai, Đà Tẻ, Bảo Lộc, Đức Trọng góp phần ngăn chặn và đánh thắng chiến tranh Biên giới năm 1978.

Đơn vị TNXP Sơn La – Hà Nội đi xây dựng kinh tế ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn của Sơn La – Điện Biên – Lai Châu giai đoạn 1978 – 1984 đã góp phần xây dựng vùng biên giới Tây Bắc, ngăn chặn quân Trung Quốc tràn xuống năm 1979.  

Như vậy Hà Nội có 5 đơn vị và 5 cá nhân thuộc Lực lượng NXP được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Với việc đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND lần này, Lực lượng TNXP Thủ đô là tập thể anh hùng thứ 44 của Lực lượng TNXP Việt Nam.

Đỗ Quốc Phong

Chủ tịch Hội Cựu TNXP Hà Nội